Tổng hợp tài liệu Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã tái hiện vô cùng thành công tâm trạng cô đơn, buồn tủi và khổ đau tới tuyệt vọng của Thúy Kiều. Với 3 bài phân tích 8 câu cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn.
Đề bài: Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Bạn đang xem bài: Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Dàn ý Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
- – Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” và 8 câu cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
2. Thân đoạn:
a. Hai câu đầu: Nỗi nhớ quê hương, khao khát được đoàn tụ gia đình:
- – Mở ra bằng khung cảnh chiều tà, khung cảnh mà con người ta thường hay nghĩ về gia đình.
– Hình ảnh con thuyền với cánh buồm “thấp thoáng” phía xa gợi lên trong lòng Kiều sự cô đơn, lạc lõng.
– Cánh buồm ở xa kia cũng giống như Kiều, lênh đênh, vô định giữa dòng đời rộng lớn.
→ Thúy Kiều càng cảm thấy nhớ quê hương, khao khát được trở về gia đình mình.
b. Hai câu tiếp: Số phận nổi trôi, lênh đênh:
- – Kiều nhìn lại gần con nước bên cạnh, mong muốn tìm được sự đồng cảm, sẻ chia, nhưng lại chỉ thấy những cánh hoa đang rơi và trôi vô định trên mặt nước.
– Hình ảnh “hoa trôi”: gợi lên số phận hồng nhan của nàng.
– Những cánh hoa trôi đi trong vô định, cũng như Kiều đang ở trong một số kiếp nổi trôi, vô định như thế.
c. Hai câu tiếp: Nỗi buồn chán, vô vọng:
- – “Nội cỏ rầu rầu” ngọn cỏ mang vẻ úa tàn, héo lụi, không có chút sức sống.
– Hoà cùng đó là màu “xanh xanh” nối liền chân trời và mặt đất: tạo nên một khung cảnh nhạt nhoà, đơn điệu.
– Đó cũng chính là tâm trạng của Kiều hiện tại: mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng.
d. Hai câu cuối: Dự cảm không lành về tương lai:
- – Kiểu tưởng như mình đang ở giữa mênh mông biển khơi, chỉ có những con sóng đang “ầm ầm” gào thét xung quanh.
– Từ láy “ầm ầm”: diễn tả sự dữ dội, khủng khiếp của thiên nhiên, đồng thời diễn tả cảm giác lo lắng. bất an, sợ hãi đang trào dâng trong lòng Kiều.
→ Đó là sự dự cảm cho một tương lai đầy giông bão sẽ vây lấy, nhấn chìm kiếp hồng nhan của Kiều.
e. Đánh giá chung:
- – Nội dung: Tâm trạng của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích cùng dự cảm về tương lai đầy giông bão.
– Nghệ thuật: Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình cùng các hình ảnh ẩn dụ đã tạo nên thành công cho đoạn thơ.
3. Kết bài:
- – Khẳng định giá trị của đoạn thơ và tài năng của tác giả.
Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mẫu 1 (Chuẩn)
Bút pháp tả cảnh ngụ tình là một trong những yếu tố làm nên thành công cho tác phẩm truyện Kiều. Tám câu cuối của đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được coi là “đỉnh cao” trong bút pháp tả cảnh ngụ tình của đại thi hào. Qua tám câu thơ ta có thể thấy được tâm trạng đầy đau khổ của Kiều cùng nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết và dự cảm về một tương lai không lành. Hai câu thơ đầu tiên trong bức tranh tứ bình là cảnh cửa bể chiều hôm: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Cả một khoảng không gian chiều tà rợn ngợp, vắng lặng chỉ có một chiếc thuyền với cánh buồm “thấp thoáng”. Hình ảnh đó gợi lên trong lòng Kiều một sự cô đơn lạc lõng, nàng cũng giống như cánh buồm kia lênh đênh, vô định, nhỏ bé trước dòng đời. Trong hoàn cảnh ấy, dấy lên trong lòng Kiều là nỗi nhớ quê hương da diết, nhớ gia đình, mong muốn được trở về đoàn tụ cùng cha mẹ. Ngước nhìn xa chỉ là một khoảng vô định, Kiều lại trở lại với con nước gần cạnh mình. Thế nhưng nàng chỉ thấy được hình ảnh của những cánh hoa đang rơi rụng, xoay tròn cuốn theo dòng nước “Buồn trông ngọn nước mới xa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu”. Phải chăng số phận của nàng cũng giống như đoá hoa kia, lênh đênh, lạc lõng giữa dòng đời, bị nó cuốn xoay mà chẳng thể biết được bến bờ, trôi nổi trong vô định? Nhìn về phía xa, về con nước đều là những cảnh u sầu, lênh đênh, Kiều lại nhìn về những đám cỏ non ở ngay cạnh mình. Thế nhưng đã chẳng còn hình ảnh đẹp đẽ của cỏ non những ngày thanh minh “cỏ non xanh rợn chân trời”, những ngọn cỏ ở đây đều là màu vàng úa, tàn tạ, “rầu rầu”. Từ láy “rầu rầu” đã gợi lên hình ảnh của một “nội cỏ” đang dần héo úa theo thời gian. Cùng với đó là một màu “xanh xanh” nhàn nhạt kéo dài, bao trùm từ mặt đất tới tận chân mây của bầu trời. Kiều nhìn ra bốn phía mong tìm được một khung cảnh giúp nàng vơi bớt nỗi sầu, buồn tủi, cổ đơn nhưng nhìn đâu cũng chỉ thấy những khung cảnh tàn lụi, nhạt nhoà khiến cho tâm trạng của Kiều càng u sầu, chán nản hơn bao giờ hết. Hai câu thơ cuối khép lại đoạn thơ là khung cảnh gió cuốn với những con sóng đang “ầm ầm” nổi lên dữ dội: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”. Những con sóng đó như là lời báo trước những cơn sóng gió sẽ ập đến với Kiều. Từ láy “ầm ầm” như vừa diễn tả một khung cảnh rất đỗi khủng khiếp vừa diễn tả nỗi lo lắng, bất an, hoảng loạn của Kiều. Đó là dự cảm của nàng về tương lai số phận của chính mình khi những giông bão sẽ nổi lên “vây quanh” lấy kiếp hồng nhan. Tám câu cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã cho ta thấy được tâm trạng buồn chán, nỗi lo lắng, bất an cùng dự cảm không lành của nàng Kiều khi bị Tú Bà giam lỏng giữa lầu Ngưng Bích. Về mặt nghệ thuật, đoạn thơ đã rất thành công trong bút pháp tả cảnh ngụ tình, mượn hình ảnh thiên nhiên để miêu tả chính xác tâm trạng của con người. Cùng với đó là điệp từ “buồn trông” như một lời điệp khúc gợi lên tâm trạng buồn bã đang dâng lên tầng tầng lớp lớp trong lòng Kiều. Tám câu cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn thơ thành công nhất cũng như khẳng định được tài năng tài hoa trong bút pháp tả cảnh ngụ tình của nhà thơ Nguyễn Du.
Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mẫu 2 (Chuẩn)
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác trong nền thơ ca Việt Nam. Trong đó tám câu cuối của đoạn trích” Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện thành công tâm trạng của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích thông qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Hai câu thơ đầu tiên của đoạn thơ là nỗi nhớ quê hương, gia đình của Kiều khi phải một mình cô đơn, lạc lõng ở một nơi xa lạ: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Kiều nhìn ra phía xa tìm kiếm một khung cảnh thiên nhiên có thể làm nàng với đi nỗi sầu trong lòng. Thế nhưng nàng lại chỉ bắt gặp một cảnh chiều tà rợn ngợp, cô quạnh, chỉ một con thuyền ở ngoài xa với cánh buồm “thấp thoáng”. Cánh buồm ấy đang lênh đênh, xa mờ, bất định giữa dòng nước và nàng cũng vậy đang cô đơn, lạc lõng ở nơi đất khách quê người. “Buồn trông con nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu” mong muốn tìm được khung cảnh giúp nàng vơi đi nỗi sầu, thế nhưng khi thấy những cánh hoa đang xoay tròn, cuốn đi trên mặt nước, Thúy Kiều lại càng xót xa cho thân phận của mình. Hình ảnh “hoa trôi” như là biểu tượng cho số phận hồng nhan của nàng, cũng bé nhỏ, mỏng manh như thế, bị nước cuốn đi không biết về đâu. Nỗi buồn, cô đơn trong lòng Kiều càng dâng tràn, rợn ngợp hơn nữa khi Kiều trong ra những bờ cỏ xanh ngoài kia: “Buồn trông nội cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”. Những ngọn cỏ “rầu rầu” màu tàn lụi, héo úa, sắc “xanh xanh” nhạt nhoà nối liền một dải cả chân trời và mặt đất càng khiến cho khung cảnh thêm phần tẻ nhạt, đơn điệu. Hai câu cuối của đoạn thơ hiện lên trước mắt chúng ta là khung cảnh của thiên nhiên dữ dội: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi”. Đó dường như là lời dự cảm của Kiều về số phận của mình. Kiều tưởng như mình đang ngồi giữa mênh mông trời biển, chỉ có tiếng sóng vỗ, gào thét xung quanh như muốn nhấn chìm nàng xuống đáy. Từ láy “ầm ầm” diễn tả sự dữ dội của những con sóng đồng thời cũng diễn tả tâm trạng hoảng loạn, lo sợ của Kiều. Nàng đang dự cảm về tương lai của mình, những bão tố, giông bão của cuộc đời sẽ nổi lên, cuốn lấy và nhấn chìm số phận của chính nàng. Đoạn thơ là tâm trạng của Kiều trong những ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Nàng vừa buồn chán, đau khổ cho số phận nổi trôi của mình, vừa nhớ thương về gia đình, quê hương, vừa dự cảm về số kiếp bi kịch của phận hồng nhan.
Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mẫu 3 (Chuẩn)
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” đã miêu tả chính xác tâm trạng của Kiều khi nàng một mình ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài lầu Ngưng Bích lúc bị giam lỏng tại đây. Tám câu cuối của đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã cho ta thấy được tâm trạng của Kiều thông qua bốn bức tranh thiên nhiên, cảnh vật. Một mình ngồi ờ lầu Ngưng Bích, Kiều nhìn ra xa nơi “cửa bể” tìm kiếm cho mình một khung cảnh để vơi đi nỗi buồn trong tâm. Thế nhưng nàng chỉ bắt gặp được hình ảnh của một chiếc thuyền nhỏ với cánh buồm đang “thấp thoáng” mờ ảo ở phía xa. Cánh buồm, con thuyền ấy cũng bé nhỏ, cũng đang lênh đênh vô định như chính nàng vậy. Nhìn xa không tìm thấy sự đồng cảm, Kiều nhìn gần về con nước bên cạnh mình, thế nhưng nàng lại càng đau đớn và xót xa hơn. Những cánh hoa đang rơi rụng, bập bềnh theo dòng nước cuốn, chẳng biết sẽ “về đâu”. Hình ảnh “hoa trôi” mỏng manh đó phải chăng cũng giống như số phận của Kiều ở hiện tại, cũng nổi trôi, vô định như thế? Kế tiếp là hình ảnh của những ngọn cỏ xanh ven lầu Ngưng Bích “Buồn trông nội cỏ rầu rầu”. Những “nội cỏ ” ấy qua con mắt của Kiều lại úa tàn, héo lui, “rầu rầu”, không một chút sinh khí, cùng với đó sắc “xanh xanh” nhạt nhoà kéo dài, nối liền cả chân trời và mặt đất. Những màu sắc ấy đơn điệu và nhạt nhoà quá đỗi càng khiến cho tâm trạng của Kiều thêm mệt mỏi, chán chường. Kiều muốn ngắm nhìn cảnh vật để vơi đi nỗi cô đơn đang rợn ngợp trong lòng nhưng đáp lại nàng chỉ là những khung cảnh ảo não, nặng nề càng khiến tâm trạng của Kiều thêm buồn chán, bế tắc và vô vọng. Khép lại bức tranh tứ bình là hình ảnh của những con sóng đang “vây quanh” lấy Kiều. Hình ảnh thiên nhiên ở hai câu thơ cuối thật dữ dội, khủng khiếp. Chỉ có những ngọn gió, con sóng đang trào dâng, bao quanh Kiều. Kiều tưởng mình như đang ở giữa mênh mông biển khơi và những con sóng như muốn bao lấy, nhấn chìm nàng xuống. Đây phải chăng là dự cảm của Kiều về số kiếp của mình, về tương lai dữ dội giông bão của nàng? Tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã thể hiện vô cùng thành công tâm trạng của Kiều thông qua các hình ảnh thiên nhiên. Qua đó khẳng định tài năng vô cùng xuất sắc của Nguyễn Du khi miêu tả tâm trạng con người trong kiệt tác Truyện Kiều.
Kết luận:
Trên đây là Đoạn văn Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích Để tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn về nhân vật Thuý Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du cũng như bức tranh tâm trạng của Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích các bạn tham khảo thêm tại Phân tích tác phẩm nhé.
Để biết thêm nhiều bài đoạn văn hay hãy tham khảo ở tmdl.edu.vn nhé
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9