Giáo dục

Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng

Đề bài: Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng

giai thich cau nhieu dieu phu lay gia guong nguoi trong mot nuoc phai thuong nhau cung

Bạn đang xem bài: Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng

Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng
 

I. Dàn ý Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

2. Thân bài

* Giải thích câu nói:

– Nghĩa đen:
+ “Nhiễu điều”: Tấm vải đỏ vừa dùng để trang trí, làm đẹp vừa dùng để che phủ, bảo vệ gương khỏi bụi bặm.
+ “Giá gương”: Là giá đỡ của gương.
→ Nhiễu điều và giá gương đều là những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống xưa. Nhiễu điều che chở, bảo vệ gương, giá gương lại làm nổi bật vẻ đẹp, công dụng của nhiễu điều…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng

1. Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, mẫu 1 (Chuẩn)

Ngược về 4000 năm dựng nước và giữ nước đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam ta . Và hãy cùng nhìn vào thực tại, khi cả nước đồng lòng chống lại đại dịch Covid 19, có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao một dân tộc nhỏ bé cả về thế và lực như Việt Nam lại có thể chiến thắng trước bao kẻ thù hùng mạnh? Tại sao Việt Nam lại có thể kiên cường đến vậy trong làn sóng đại dịch đang gieo rắc cái chết cho toàn nhân loại? Chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn trong quá khứ và thách thức của thời đại là nhờ vào tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái giữa những con người cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Tinh thần ấy từng được ông cha ta đúc kết trọn vẹn mà sâu sắc trong câu tục ngữ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta, đó chính là tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa những con người cùng dân tộc, lãnh thổ. “Nhiễu điều” là tấm vải quý màu đỏ, thường dùng để trang trí trong nhà, che chở, bảo vệ cho chiếc gương soi khỏi bụi bặm. “Giá gương” là giá đỡ giúp gương đứng vững, thường làm bằng gỗ và được chạm trổ đẹp mắt. Giá gương còn giúp cho nhiễu điều phô bày trọn vẹn vẻ đẹp và công dụng che chắn của mình. Nhiễu điều và giá gương đều là những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống ngày xưa, chúng thường xuất hiện cùng nhau, chúng bảo vệ và làm nổi bật lẫn nhau.

Từ những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống, ông cha ta đã rất khéo léo, sâu sắc khi răn dạy con cháu cần phải biết yêu thương, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. “Người trong một nước” là những người cùng chung sống trên một lãnh thổ, cùng chung một ngôn ngữ, một nền văn hóa, cùng chung một cội nguồn. Vì vậy trong cuộc sống chúng ta cần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, đó là đạo lí, là bài học mà bất cứ người Việt nào cũng cần ghi nhớ.

Tình yêu thương là tình cảm tự nhiên của con người, nó được nảy sinh dựa trên sự thấu hiểu, cảm thông giữa con người với con người. Tình yêu thương là sợi dây gắn kết đồng thời là cơ sở của tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của con người. Khi biết yêu thương, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau chúng ta không chỉ cùng nhau xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc mà còn tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi khó khăn, bão táp của cuộc sống. Tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù trong quá khứ, và ngày nay cũng chính tinh thần tương thân tương ái, gắn kết một lòng ấy đã giúp chúng ta ba lần chiến thắng “cơn bão” Covid và đang trên đà đẩy lùi đợt “càn quét” thứ tư của dịch bệnh.

Tình yêu thương, đoàn kết không chỉ được nâng đỡ, tương trợ về vật chất mà còn bồi đắp về tâm hồn. Cuộc sống vốn chứa đựng trong mình bao thử thách, nghịch cảnh mà để bước đến vạch đích cuối cùng của hạnh phúc thì bất cứ ai cũng phải trải qua. Trong những lúc yếu đuối nhất, nếu nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh, chúng ta không chỉ có thêm sự hỗ trợ tích cực về vật chất giúp cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn mang đến nguồn năng lượng tích cực giúp con người thêm mạnh mẽ, lạc quan và có thêm niềm tin vào cuộc sống, con người. Mặt khác, tình thương, tinh thần tương thân tương ái không chỉ tồn tại ở một dạng cố hữu mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chúng ta từng chứng kiến sự lan tỏa kì diệu của tinh thần đoàn kết ấy qua trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 2020 vừa qua. Đứng trước sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt, cả dân tộc Việt Nam ta đã đồng lòng dốc sức hướng về khúc ruột miền Trung. Sự viện trợ về sức người, sức của trong những ngày tháng khó khăn nhất đã phần nào sẻ chia với bà con miền Trung, giúp họ mạnh mẽ đứng lên sau trận tàn phá của thiên tai.

Đoàn kết có thể làm nên sức mạnh cho một tập thể, cộng đồng, dân tộc. Ngược lại, nếu con người chỉ biết đến mình mà vô cảm trước nỗi đau của đồng loại sẽ làm mai một thế giới tình cảm vốn giàu có, phong phú của con người, khi ấy con người trở nên ích kỉ, nhỏ nhen. Không có tình yêu thương, tinh thần tương trợ lẫn nhau, con người trở nên nhỏ bé, dễ gục ngã trước hoàn cảnh. Nhìn xa hơn, nếu một cộng đồng thiếu đi tinh thần đoàn kết, cộng đồng ấy sẽ bị suy yếu, từ đó dễ bị các thế lực xấu tấn công, dễ bị thua thiệt.

Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò to lớn của của tình thương, tinh thần đoàn kết, mỗi chúng ta cần có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu đó của dân tộc. Tuy nhiên, cần tránh tư tưởng lệ thuộc, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mà đánh mất đi sức mạnh nội tại, cố gắng, làm chủ cuộc sống của bản thân.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” không chỉ thể hiện được nét đẹp của truyền thống tương thân tương ái của dân tộc mà còn là lời dạy sâu sắc của ông cha đến thế hệ con cháu vai trò, sức mạnh cũng như sự quan trọng của tinh thần đoàn kết.
 

2. Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, mẫu 2 (Chuẩn)

Nhìn về vốn văn hóa, dân tộc Việt Nam ta quả thực giàu có và phong phú vô cùng, điều đó thể hiện ngay cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày với những câu tục ngữ được ông cha đúc kết từ ngàn đời, nhằm lưu truyền và răn dạy con cháu những bài học sâu sắc, ý nghĩa. Trong đời sống ngày nay những câu tục ngữ ấy vẫn còn giữ nguyên những giá trị quý giá, không chỉ ở phần hình thức dễ nhớ, dễ thuộc mà còn quý ở nội dung giáo dục đạo lý, lẽ sống. Trong bối cảnh đại dịch covid diễn biến vô cùng phức tạp, cuộc sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cách mọi người đùm bọc chia sẻ, tình quân dân gắn bó thắm thiết càng làm sáng rõ câu tục ngữ của dân tộc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Trong câu ca dao“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “nhiễu điều” là tấm vải lụa màu đỏ điều, mịn màng, mềm mại, quý giá và sang trọng. “Giá gương” là vật dụng làm bằng gỗ dùng để gác gương soi, là đồ vật bình thường, mờ nhạt trong cuộc sống. Những tưởng hai vật không liên quan ấy thế mà lại gắn bó với nhau, tấm vải đẹp phủ lên cái giá gương che chắn cho nó khỏi bụi bặm, giá làm chỗ cho vải bộc lộ vẻ đẹp sang trọng, quý phái. Từ hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, câu nói muốn khuyên răn mỗi chúng ta cần phải có tấm lòng yêu thương sẵn sàng bảo vệ, che chở lẫn nhau, dù rằng không cùng chung ruột thịt, huyết thống, dù rằng đó là những con người, những số phận không hề liên quan đến chúng ta. Không nên có sự phân biệt, giàu nghèo, tầng lớp, địa vị xã hội,… mà đối với mỗi con người ta đều cần có sự bao dung, sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Ý sau của câu tục ngữ “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, là lời khuyên răn, đúc kết của ông cha từ hình ảnh “nhiễu điều phủ lấy giá gương” giáo dục con cháu phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết trong lao động, chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, tương thân tương ái.

Có thể nói rằng truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là một trong những truyền thống tốt đẹp và đáng quý nhất của dân tộc Việt Nam ta. Điều đó được thể hiện rõ thông qua hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trên chiến trường đồng chí đồng đội sẻ chia nhau từng hơi ấm, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, kề vai sát cánh trong từng trận chiến, không kể đêm ngủ rừng sâu, ngày nghe tiếng súng. Dù họ có đến từ bất kỳ vùng miền nào, thì họ đều có chung một mục tiêu thống nhất đất nước, thế nên những tình cảm yêu thương gắn bó lại càng trở nên sâu đậm, điều đó bộc lộ rất rõ trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:

 “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. 

Hiện thực chiến tranh khắc nghiệt, thế nhưng ta vẫn thấy được tình cảm con người thắm thiết, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Không chỉ là tình đồng chí, đồng đội, mà sự đoàn kết, gắn bó còn là ở tình quân dân, mối quan hệ hậu phương – tiền tuyến, giữa người miền xuôi với người miền ngược.

Hai cuộc kháng chiến gian nan và nhiều đắng cay, vất vả đã qua đi, trả lại cho chúng ta một Tổ quốc tươi đẹp, độc lập, tự do và hạnh phúc. Thế nhưng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc không vì sự bình yên mà phai mờ đi, trái lại nó ngày càng phát triển, được thế hệ con cháu kế thừa và phát huy theo những cách thức khác. Miền Trung vẫn được xem là khúc ruột của đất nước, hàng năm vẫn phải liên tiếp gánh chịu thiên tai, bão lũ, khí hậu khắc nghiệt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, mỗi lúc như thế đồng bào cả nước lại hướng về miền Trung nắng gió, chia sẻ ngọt bùi bằng những hành động thiết thực. Người ủng hộ tiền bạc, người cho lương thực, gạo bánh, nước uống, người ủng hộ quần áo, học sinh quyên góp sách vở, bút mực, viết thư động viên tinh thần, có những cá nhân tổ chức thậm chí còn đến tận nơi thăm hỏi, phát quà, giúp người dân vực dậy nhà cửa sau thiên tai,… Và quan trọng nhất là sự xuất hiện của chính quyền, của các lực lượng chức năng, các chiến sĩ bộ đội, công an không ngại xả thân vào nguy hiểm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn không ngừng nghỉ, lúc này mới thấy tình quân dân càng thêm thiết tha gắn bó. Có thể nói rằng mỗi người, mỗi tầng lớp, mỗi thế hệ đều có cách làm của riêng mình, thế nhưng tất cả đều là biểu trưng của sự đoàn kết, tấm lòng yêu thương, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, san sẻ ngọt bùi, là truyền thống quý giá đã có từ bao đời của dân tộc. 

Hiện nay, trong lúc đại dịch Covid hoành hành, truyền thống tốt đẹp này của dân tộc lại tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Sự xuất hiện của những chiến sĩ áo trắng, áo xanh làm việc không ngừng nghỉ, từng lớp áo thấm đẫm mồ hôi, gương mặt in hằn dấu vết của khẩu trang đồ bảo hộ. Mệt mỏi, cực nhọc tưởng chừng như sắp gục ngã, thế nhưng vì bệnh nhân, vì sự an toàn của xã hội họ vẫn mạnh mẽ chiến đấu, cố gắng chạy đua từng giờ vì mạng sống và sức khỏe của đồng bào. Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều người mất việc làm, cuộc sống trở nên khó khăn thiếu thốn, thì thật may sao vẫn có những đoàn từ thiện, những cá nhân sẵn sàng đứng ra nấu từng suất cơm để phân phát, tặng từng suất quà bao gồm gạo, rau, mắm muối hy vọng những người dân khó khăn có thể vượt qua đại dịch. 

Có thể thấy rằng càng trong khó khăn tình cảm gắn bó, đại đoàn kết dân tộc càng thể hiện rõ và sâu sắc với những hành động đáng quý, đáng trân trọng của từng con người. Chính sự đoàn kết, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, không phân biệt sang nghèo, hoàn cảnh, số phận đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến thắng mọi kẻ thù hung ác, nham hiểm nhất. Và với tinh thần ấy, ttin rằng trong chúng ta cũng sẽ chiến thắng đại dịch covid như cách mà chúng ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm trong lịch sử. 

Ngược lại, nếu như mỗi chúng ta không có tấm lòng yêu thương, sống ích kỷ, vụ lợi chỉ nghĩ cho bản thân thì khi sống trong một tập thể, một xã hội, một đất nước sẽ không thể tạo thành khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc. Khi gặp khó khăn, nguy nan sẽ không nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc, đồng thời trở thành điểm yếu, lỗ hổng dễ bị cách phần tử xấu kích động, gây chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, gây ảnh hưởng đến an ninh xã hội, an toàn của Tổ quốc. Chính lẽ đó mỗi chúng ta cần phải thấm nhuần đạo lí được gửi gắm trong câu câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, cũng như luôn có tinh thần yêu thương, chia ngọt sẻ bùi, luôn có ý thức giúp đỡ người khác khi khó khăn, đồng vững lòng khi gặp những bất trắc biến cố để mạnh mẽ vượt qua tất cả.

Câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” là lời dạy lời khuyên đúng đắn của ông cha truyền lại cho con cháu sau này, nhằm giáo dục các thế hệ sau phải có tấm lòng nhân hậu, bao dung, sẵn sàng dang rộng vòng tay đối với đồng bào, những con người không cùng huyết thống máu mủ, thế nhưng có cùng chung tiếng nói, cùng là con cháu Rồng Tiên. Từ đó làm cơ sở cho đất nước thêm vững mạnh, tự tin đối diện và đánh bại thù trong giặc ngoài, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
 

3. Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, mẫu 3 (Chuẩn)

Trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta tuy nhỏ bé về thế và lực nhưng đã nhiều lần đánh thắng những thế lực ngoại xâm hùng mạnh, hiếu chiến. Làm nên những chiến thắng vẻ vang đó là nhờ tình yêu nước, tinh thần đoàn kết của toàn nhân dân. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, truyền thống tốt đẹp đó vẫn được gìn giữ và phát huy từ đời này sang đời khác. Có câu tục  ngữ đã ăn sâu vào nếp sống nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết thương yêu nhau vì cùng một giống nòi, dân tộc, đó chính là: 

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Câu tục ngữ trên bao gồm hai vế, vế trên là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, vế còn lại là “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Vậy tại sao lại đặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những con người trong một đất nước trong tương quan với nhiễu điều, giá gương, cũng như hiểu được ý nghĩa mà câu tục ngữ muốn truyền tải, trước hết chúng ta cần hiểu được khái niệm “nhiễu điều”, “giá gương”.

Nhiễu điều, giá gương là tên gọi của những vật dụng quen thuộc trong gia đình thời xưa, thế nhưng trong xã hội hiện đại không còn được sử dụng nhiều nên cũng không nhiều người biết đến chúng. Trước hết, nói về thời xưa, nhà nào cũng có một chiếc gương treo hoặc để trên bàn, “nhiều điều” chính là một tấm vải lụa có màu đỏ, thường dùng để phủ lên gương, vừa để trang trí lại tránh được bụi bẩn bám vào mặt gương. Còn “giá gương” chính là cái giá đỡ của tấm gương, tấm nhiễu điều phủ che chắn cho giá gương còn giá gương cũng làm đẹp cho nhiễu điều, chúng cùng nhau làm đẹp cho chiếc gương, trang hoàng nhà cửa. 

giai thich cau tuc ngu nhieu dieu phu lay gia guong

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Có thể thấy, bản chất của hai vật này vốn chẳng liên quan gì đến nhau, hoàn toàn tách rời nhau nhưng khi chúng kết hợp với nhau vì cùng một mục đích làm đẹp và bảo vệ gương thì đó lại mang lại lợi ích và thẩm mỹ cao. Nếu sử dụng tách rời chúng, không có giá gương thì không thể phủ nhiễu điều, không có nhiễu điều thì giá gương phải chịu bụi bẩn, bạc màu. Qua hình ảnh của hai vật dụng trên, ông cha ta nhắc nhở mối quan hệ qua lại gắn bó khăng khít với nhau giữa người với người trong cùng một nước “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Người trong cùng một quốc gia, dân tộc, chung dòng máu lạc hồng phải biết đoàn kết bảo vệ lẫn nhau, đùm bọc và che chở lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh.

Tình thương là thứ tình cảm gắn kết vô cùng thiêng liêng, kì diệu. Tình thương, sự gắn kết ấy không có phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, già trẻ hay địa vị xã hội, chỉ cần là người Việt Nam, phải đối xử với nhau như anh em ruột thịt, coi nhau như người nhà. Điển hình cho tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân ta đó chính là sự chung tay góp sức góp của của nhân dân mọi miền ủng hộ cho người dân miền Trung trong bão lũ, là khi cả nước đồng lòng dốc sức chống lại đại dịch Covid-19. Lịch sử đã chứng minh rằng, sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta đã đánh thắng được giặc ngoại xâm, ngày nay không còn giặc ngoại xâm nhưng chúng ta phải chống lại những vấn đề mới. Đặc biệt là các thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và tệ nạn xã hội, mỗi người khi nhìn thấy đồng bào của mình gặp khó khăn phải cảm thấy như chính mình gặp khó khăn, phải biết giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ và đùm bọc cho nhau cùng vươn lên. 

Nếu đã là đồng bào, người chung một nước với nhau không nên có sự phân biệt vì bất cứ điều gì. Nếu bản thân mỗi người không biết thương lấy đồng bào của mình thì ai cũng quay lưng lại với nhau. Dân tộc ta sẽ đứng trước nhiều hiểm nguy, sự nhăm nhe của quân xâm lược nếu không đoàn kết. Một dân tộc hùng mạnh, một xã hội phát triển bền vững khi mọi người được đối xử công bằng, luôn quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau.
 

4. Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, mẫu 4 (Chuẩn)

Tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái là một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua kho tàng ca dao, tục ngữ phong phú, đa dạng, tiêu biểu là câu ca: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Thông qua hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, câu ca dao đã thể hiện một bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia trong mối quan hệ giữa người với người.

Như chúng ta đã biết, “nhiễu điều” là tấm vải lụa màu đỏ, “giá gương” là vật dụng bằng gỗ, được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ, dùng để đỡ những chiếc gương. Đây là những đồ dùng quen  thuộc đối với không gian gia đình người Việt xưa, tấm vải đỏ dùng để che phủ, bao bọc, bảo vệ “giá gương” trước bụi bẩn và những nhân tố bên ngoài. Như vậy, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” còn là hình ảnh tượng trưng cho sự đùm bọc, bảo vệ, chở che, yêu thương trong mối quan hệ giữa người với người. Đặc biệt, bằng cách nói trực tiếp: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, câu ca dao đã thể hiện bài học về tinh thần tương thân tương ái của nhân dân ta: những người cùng chung cội nguồn cần yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta có thể khẳng định tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó cũng chính là một trong những giá trị tốt đẹp tạo nên cội nguồn sức mạnh to lớn, giúp con người Việt Nam kiên cường vượt qua những khó khăn, gian khổ. Sau khi giành được độc lập vào năm 1945, nhân dân Việt Nam phải đối diện với muôn vàn khó khăn: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm,… Đặc biệt, nạn đói kinh hoàng năm 1945 đã gây ra những tổn hại rất lớn. Trước thực trạng đó, phong trào “Hũ gạo cứu đói” với phương châm “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” đã được phát động. Bằng tinh thần sẻ chia, nhân dân ta đã tích cực hưởng ứng phong trào và dần khắc phục được những hậu quả do nạn đói gây ra, từng bước ổn định kinh tế để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

giai thich cau tuc ngu nhieu dieu phu lay gia guong

Những bài Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng hay nhất

Trong thời đại ngày nay, tinh thần tương thân tương ái vẫn luôn được giữ gìn, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Vào đầu năm 2021, khi miền Trung nước ta gồng mình lên đối mặt với những hiểm họa của thiên tai, bão lũ do sự ảnh hưởng của hàng loạt cơn bão lớn và liên tiếp thì đồng bào cả nước đã một lòng hướng về miền Trung bằng những hoạt động thiết thực như quyên góp, ủng hộ. Trong khó khăn, hoạn nạn thì tình yêu thương, những hành động sẻ chia, giúp đỡ luôn là viên ngọc tỏa sáng những giá trị nhân văn cao đẹp và tạo nên nguồn sức mạnh to lớn. Để hỗ trợ nhân dân Hải Dương khắc phục những khó khăn về kinh tế trong thời gian bị cách li do dịch Covid  19 bùng phát, chương trình cứu trợ lương thực, thực phẩm, nông sản Hải Dương đã diễn ra và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân cả nước. Những hành động đó đã giúp nhân dân Hải Dương nói riêng và đồng bào Việt Nam nói chung vượt qua và chiến thắng đại dịch một cách kiên cường và đáng tự hào. Như vậy, yêu thương không chỉ là truyền thống đạo lí tốt đẹp, là phẩm chất cao quý mà còn là giá trị sống nhân văn, giúp con người sống có ý nghĩa hơn và đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những người xung quanh.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn tồn tại một số cá nhân sống trong chiếc vỏ bọc của sự thờ ơ, vô cảm. Đó là những con người chỉ biết quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không hề biết quan tâm, sẻ chia, đồng cảm trước những nỗi đau và sự mất mát của những người xung quanh.

Để phát huy, lan tỏa giá trị của tinh thần tương thân tương ái, chúng ta cần biết lắng nghe, quan tâm, sẻ chia đối với những người xung quanh: người thân, thầy cô, bạn bè,… Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ để san sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Chỉ khi yêu thương bằng chính trái tim, hành động của chúng ta mới trở nên có ý nghĩa.

Như vậy, câu ca dao đã thể hiện bài học sâu sắc về tinh thần tương thân tương ái và yêu thương con người. Qua đó, chúng ta có thể thấy khẳng định tình yêu thương là giá trị nhân văn cao đẹp, cần được lan tỏa, phát huy bởi: “Tình yêu thương là thứ duy nhất tăng lên mỗi khi ta chia sẻ nó.” (Albert Schweitzer).
 

5. Bài văn Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng, mẫu 5 (Chuẩn)

Từ ngàn đời nay, ông cha ta luôn đúc kết và gửi gắm những kinh nghiệm quý báu, những bài học về lẽ sống trong những câu ca dao tục ngữ. Đó là bài học về yêu thương, về sự đoàn kết, về truyền thống tôn sư trọng đạo,… Và câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” là một trong số đó.

Câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” mang đến cho chúng ta bài học có giá trị, ý nghĩa sâu sắc. Vậy nên hiểu câu ca dao này như thế nào? Trước hết, về nghĩa đen, “nhiễu điều” là một tấm vải tơ màu đỏ, quý hiếm và rất sang trọng. “Giá gương” là một vật dụng gần gũi, quen thuộc trong mỗi gia đình, được người thợ thủ công chạm khắc một cách tỉ mỉ, tinh tế và thường dùng để đỡ những chiếc gương. Thêm vào đó, người ta thường dùng “nhiễu điều” để phủ lấy “giá gương” để bảo vệ “giá gương” không bị bụi bẩn bám và hoen ố trước những tác nhân từ bên ngoài. Nhưng câu ca dao không chỉ dừng lại ở nghĩa đen đó mà ẩn sau đó còn là nghĩa bóng, nghĩa sâu xa với bao bài học đáng trân quý. “Nhiễu điều” và “giá gương” chính là những hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những con người khác nhau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Từ đó, câu ca dao khuyên con người ta sống phải biết yêu thương, san sẻ, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

chung minh cau tuc ngu nhieu dieu phu lay gia guong nguoi trong mot nuoc phai thuong nhau cung

Giải thích câu Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng

Có thể thấy, câu ca dao đã đưa đến cho lớp lớp thế hệ sau một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của dân tộc, đó chính là truyền thống đoàn kết, biết sống yêu thương. Từ ngàn đời nay, truyền thống tốt đẹp đó được thể hiện một cách rõ nét trong đời sống hằng ngày bằng rất, rất nhiều những việc làm cụ thể. Đó là tinh thần đoàn kết, kiên cường để cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược. Đó là sự chia sẻ, yêu thương, ủng hộ giúp đỡ những người có số phận bất hạnh hay hoàn cảnh kém may mắn. Hằng năm, có hàng loạt phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, người bị chất độc da cam, Tết vì bạn nghèo,… vẫn đã và đang diễn ra. Những hành động ấy chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho tinh thần đoàn kết, cho lòng yêu thương, nhân ái của dân tộc ta. Truyền thống tốt đẹp ấy đã mang lại cho cuộc sống của mỗi người bao điều thú vị và hạnh phúc. Biết yêu thương, biết sẻ chia chúng ta không chỉ mang đến niềm vui cho người khác mà còn là cách để bản thân mình cảm thấy hạnh phúc hơn. Sống yêu thương, đoàn kết sẽ mang lại cuộc sống ngập tràn ý nghĩa và ta sẽ nhận được sự yêu thương, quý mến và trân trọng của những người xung quanh. Có thể dễ dàng nhận thấy, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta có rất nhiều người sống yêu thương, đoàn kết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số người sống ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân và chia rẽ những người trong một tập thể. Thật đáng buồn, đáng chê trách biết bao với những con người có suy nghĩ và hành động như thế.

Sống đoàn kết, yêu thương và biết sẻ chia là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần cố gắng, nỗ lực để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Thêm vào đó, chúng ta cần mở rộng vòng tay, trái tim của mình với những số phận kém may mắn, giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn và tích cực tham gia vào các phong trào quyên góp, ủng hộ,… để góp phần nhỏ bé của mình giúp đỡ những người xung quanh. Đặc biệt, là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta có thể thể hiện lòng yêu thương, đoàn kết của mình bằng những việc làm nhỏ bé như giúp đỡ bạn khi bạn bị ốm, tham gia các phong trào quyên góp cho bạn nghèo do nhà trường tổ chức, tích cực tham gia giúp đỡ các gia đình thương binh, những người có số phận kém may mắn,…

Câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã đưa đến một bài học có ý nghĩa vô cùng to lớn về tình yêu thương. Dẫu đã trải qua hàng triệu năm nhưng đến nay, câu ca dao ấy vẫn còn nguyên giá trị, nó là hành trang, là bài học quý giá đối với mỗi người trên bước đường tương lai.

———————–HẾT———————-

Trên đây là bài viết Giải thích câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng’. Để hiểu rõ hơn những truyền thống quý báu của dân tộc cũng như nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận, các em có thể tham khảo thêm các bài viết Giải thích câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách, Giải thích và bình luận câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm,Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn, Giải thích câu tục ngữ Tấc đất tấc vàng, Giải thích câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công”.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/giai-thich-cau-nhieu-dieu-phu-lay-gia-guong-nguoi-trong-mot-nuoc-phai-thuong-nhau-cung/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button