Đề bài: Phân tích Hình tượng tác giả trong Chiếc thuyền ngoài xa
Bạn đang xem bài: Hình tượng tác giả trong Chiếc thuyền ngoài xa
Bài văn mẫu Hình tượng tác giả trong Chiếc thuyền ngoài xa
Bài làm
Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là một nhà văn đóng vai trò quan trọng trong cả hai giai đoạn văn học Việt Nam trước và sau 1975. Đối với ông, quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ không bao giờ theo một lối mòn, chính vì thế, những sáng tác của ông sau những năm sau khi đất nước giải phóng đã hoàn toàn khác biệt với giai đoạn trước mà ông cho là “giai đoạn của văn nghệ minh họa”.
Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm đặc sắc thể hiện rõ nét nhất quan điểm sáng tác của ông sau này. Tác phẩm mang trong mình tinh thần nhân đạo sâu sắc và một phong cách truyện độc đáo của nhà văn đầy tài năng và nhân hậu. Chiếc thuyền ngoài xa cũng được nói đến như một tác phẩm điển hình, đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật trong giai đoạn văn học này. Những thành công đó đã góp phần làm nổi bật hình tượng tác giả mà chúng ta đang muốn nói tới trong Chiếc thuyền ngoài xa.
“Mỗi nhà văn, dù muốn hay không đều miêu tả chính mình trong các tác phẩm một cách đặc biệt” (Goethe). Tác giả chính là trung tâm làm nên nội dung và hình thức của tác phẩm, tác giả hiện trong thế giới của tác phẩm chính là hình tượng tác giả. Đối với mỗi thể loại, hình tượng tác giả được thế hiện khác nhau. Nếu như ở thơ ca, đó chính là hình tượng cái Tôi thì ở văn xuôi, đó chính là hình tượng người kể chuyện. Nhưng với mỗi nhà văn, sáng tạo ra một tác phẩm đều phải chọn cho mình một cách kể riêng. Khác với những tác phẩm hồi kí, nhật kí, hình tượng tác giả xuất hiện một cách trực tiếp với tư cách là người tham gia vào câu chuyện mà họ đang kể lại, ở một tác phẩm truyện ngắn, hình tượng tác giả luôn xuất hiện gián tiếp qua các yếu tố khác nhau để hình thành nên tác phẩm nhưng rõ nét nhất là thể hiện qua hình ảnh nhân vật, đặc biệt là nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Hình tượng tác giả trong Chiếc thuyền ngoài xa chính là nhân vật Phùng – một người kể chuyện xưng Tôi. Nhiều ý kiến nhận xét đã cho rằng Phùng là hóa thân của tác giả. Điều này là tất yếu bởi Nguyễn Minh Châu đã thực sự làm nên một thành công mà bất kì nhà văn nào cũng muốn hướng đến trong quá trình sáng tạo của mình. M.Bakhotin đã viết về hình tượng tác giả trong cuốn Ngữ cảnh “chúng tôi quan niệm người sáng tạo trong sáng tác của anh ta chứ không thể nào bên ngoài sáng tác của anh ta” có nghĩa là chúng ta sẽ đánh giá hình tượng của chính nhà văn đó qua mỗi tác phẩm mà họ viết nên chứ không phải là hình tượng bên ngoài nào khác và để đánh giá chúng, chỉ có cách duy nhất là dựa vào văn bản và các yếu tố cấu trúc nên văn bản đó như ngôn ngữ, giọng điệu, cái nhìn nghệ thuật, nhân vật v.v..
Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rất thành công hình tượng của chủ thể sáng tạo trong tác phẩm của mình. Điều ông hướng tới là một đề tài khác với những đề tài trước đó là về chiến tranh mang cảm hứng sử thi, cái ông tìm kiếm chính là đề tài thế sự, về cuộc sống thường nhật, nghèo khó của chính những con người cơ cực ở làng chài ven biển nơi chiến trường xưa “trở về thăm một vùng chiến trường cũ ở đấy tôi có một thằng bạn vừa là đồng hương, vừa là đồng đội đã từng mười năm ở với nhau trên rừng A So”. Cái nhìn của tác giả đã đọng lại ở số phận của những con người nhỏ bé, lam lũ quanh năm lênh đênh trên biển, sớm tối làm bạn với sóng to gió lớn. Cảm quan của một nhà văn đã từng hướng đến vẻ đẹp hoàn hảo và bao bọc nhân vật trong môi trường “vô trùng” dường như đã thay đổi để hướng đến những con người thực trong cuộc sống đầy khó khăn. Câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi thực tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng với nhiệm vụ chụp một tấm ảnh “không có người. Hoàn toàn là thế giới tĩnh vật.” Nhưng chính trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên đó, người nghệ sĩ đã khám phá vẻ đẹp của chính con người ẩn sau những thứ tưởng chừng như người ta không thể chấp nhận được trong cuộc sống thường nhật. Sự hoá thân của tác giả qua nhân vật Phùng đóng vai người kể chuyện trong tác phẩm. Ở đó, nhà văn cũng muốn có điều kiện bộc lộ gần như trực tiếp những suy nghĩ của mình trước một hiện thực được nhìn ở tầm gần.
Thời gian trong truyện mở ra vào một ngày tháng bảy khi người nghệ sĩ đã có một chuyến công tác đầy thành công trở về với những bức ảnh nghệ thuật mà họ đã dày công làm việc suốt năm tháng. Nhưng tất cả vẫn chưa làm hài lòng trưởng phòng đầy kinh nghiệm và cầu toàn. “Một bức ảnh chụp cảnh sương trên biển” là điều vô cùng khó khăn khiến cho Phùng phải lặn lội một lần nữa để có được. Thời gian mà Nguyễn Minh Châu lựa chọn có thể coi là thời gian tuyến tính, một sự lựa chọn khá đơn giản nhưng lại có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên chân thực và chúng ta có cảm giác người kể chuyện đang kể lại câu chuyện thực mà chính mình đã trải qua. “Năm ngày sau tôi đã có mặt ở một vùng biển cách Hà Nội ngoài sáu trăm cây số”. Khoảng thời gian hơn một tuần lẽ là những ngày ở vùng ven biển nơi Phùng đã ở lại và tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật của mình. Một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã đủ để chứng kiến, để đi qua số phận con người đầy nghiệt ngã, để rồi sau mỗi ngày, mỗi thời khắc, ta càng cảm nhận được nỗi đau đang thấm dần trong trái tim. Nhịp thời gian Phùng chứng kiến câu chuyện của gia đình người đánh cá cũng như diễn biến tiếp theo của câu chuyện rất gần nhau. Mỗi sự việc đều diễn rất nhanh “trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há hốc mồm ra mà nhìn” để rồi sự việc khiến Phùng ngạc nhiên cũng chỉ diễn ra trong chốc lát “khoảnh khắc sau”, tất cả đều kết thúc như chưa hề có sự xáo trộn lớn trước đó. Dòng thời gian thuận chiều được tác giả chọn lựa tạo cho người đọc một cảm giác thực như những điều đó đang diễn ra trước mắt người đọc. Những điều chứng kiến trong lần đầu tiên ấy đã làm cho nhân vật Phùng không khỏi ám ảnh và chính lần gặp thứ hai đã giúp anh có cơ hội tham gia và tháo bỏ mọi khúc mắc trong lòng. Nhà văn không để cho người kể chuyện có thể hiểu thấu mọi chuyện ngay từ lần đầu mà để cho anh có một thời gian để nghĩ đến những điều anh đã phải chứng kiến, có thể coi đây là khoảng thời gian “chuẩn bị” để nhân vật người kể chuyện có thể nhận đón nhận sự thực đằng sau số phận của những con người trong câu chuyện mà anh đã chứng kiến. Chính điều đó càng khơi gợi trong lòng người đọc một hình dung mới về những gì đã và sẽ diễn ra, gieo rắc trong lòng họ những điều đang cần được giải đáp.
Người kể chuyện đã đi và chiêm nghiệm trong suốt quãng thời gian ngắn ngủi anh ở tại làng chài này. Anh đã chứng kiến cuộc sống lao động của con người và đã quyết định từ bỏ ý nghĩ ban đầu về việc nắm bắt hình ảnh đẹp của thiên nhiên mà thay vào đó là cảnh thu lưới trên các vó bè dù biết đó là điều mạo hiểm bởi trước đó đã có rất nhiều bức ảnh thành công về đề tài này nhưng “sự hấp dẫn của hình ảnh mà chính là những tiếng động đầy vẻ náo nhiệt ở cách xa hàng cây số cũng nghe tiếng của một nhóm thuyền đánh cá đêm bằng vó bè”. Khoảng không gian mở ra trước mắt người kể chuyện là khoảng không gian đối lập giữa sự rộng lớn của vùng biển bao la và cuộc sống tù túng, nhỏ hẹp của biết bao thế hệ gia đình làm nghề chài lưới. Họ đã giúp người nghệ sĩ hiểu được những mảnh đời nhỏ bé và chính anh đã nhận ra cái đẹp không phải chỉ nằm trong vẻ đẹp toàn mĩ của thiên nhiên mà còn nằm trong chính những điều gần gũi nhất. Với nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã mở ra hình tượng có ý nghĩa biểu tượng, như vẻ đẹp của một bức tranh toàn bích, nhưng đằng sau hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp là cuộc sống đầy khắc nghiệt, dữ dội và những số phận con người vật vã trong cuộc mưu sinh. Hình ảnh vừa có ý nghĩa gợi tả vừa có ý nghĩa biểu tượng. Nhân vật người kể chuyện dường như đã chọn cho mình một vị trí khá thuận lợi để quan sát để chứng kiến và cảm nhận về cuộc sống. Ban đầu câu chuyện là của chính anh và không gian cũng mở ra cho nhân vật với công việc đi tìm những bức ảnh nghệ thuật. Vùng biển miền Trung đã gợi ra cho anh những hình ảnh về kỉ niệm chiến đấu một thời và giờ đây tất cả đã đổi thay nhưng vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây vẫn vẹn nguyên. Nhưng chính trong câu chuyện của mình, anh không còn là môt nhân vật thứ ba chứng kiến bên ngoài khoảng không gian của nhân vật khác mà chính anh là nhân vật bước và không gian của mình. Anh đã ở bãi biển hàng tuần liền, đã có những đêm nằm cạch những con sóng trên bờ cát để đếm những ngôi sao trên bầu trời khuya và chính những lúc như thế đã khiến anh thấy mình cũng giống như người dân nơi đây cũng thấy mình thật nhỏ bé giữa không gian bao la rộng lớn. Anh đã tự mình chọn cho mình không gian để sáng tác, để nắm bắt nghệ thuật đôi khi chỉ là bên trong những cỗ xe tăng còn sót lại sau thời chiến. Dường như để nhân vật người kể chuyện của mình gắn với hình ảnh không gian ấy, tác giả vẫn thể hiện một điều ám ảnh khôn nguôi về một thời chiến đã qua nhưng vẫn để lại những dấu tích hữu hình và vô hình trên mảnh đất này.
Không gian của người kể chuyện được chia cắt làm hai nơi, một là toàn bộ bãi biển rộng lớn, nơi anh đã hai lần chứng kiến nghịch cảnh của gia đình người thuyền chài đó và một nơi khác là tòa án huyện. Trong căn phòng làm việc của Đẩu – vị Bao Công của huyện ven biển này, không gian thật sự quá chặt hẹp và câu chuyện về cuộc đời tù túng của người đàn bà làng chài ấy cũng được mở ra. Hai thứ tù túng một của không gian căn phòng và cả thứ tù túng của cuộc đời con người như đang cộng hưởng, tác động vào tâm thức của người đang chứng kiến câu chuyện ấy khiến cho “Sau câu nói của người đàn bà, tôi cảm thấy gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá”. Người đọc được bước ra khỏi cái căn phòng đó để cùng nhân vật chứng kiến câu chuyện của cuộc đời chị. Tất cả như vỡ òa sau những lời nói, sau những tiếng nấc và những dòng tâm sự. Không gian khép lại câu chuyện cũng chính là nơi câu chuyện được bắt đầu. Sự trở về của người nghệ sĩ là một cánh cửa khép lại cuộc hành trình vừa qua nhưng đồng thời cũng là mở ra một cánh cửa mới của những chặng đường tiếp theo nhưng cái đọng lại chính là vòng quay luẩn quẩn của những kiếp người mà anh đã chứng kiến để rồi tất cả đọng lại là một nỗi xót xa.
Một lần nữa, qua hình tượng người kể chuyện, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện chính hình ảnh và những suy tư của mình về thế giới, về con người. Người kể chuyện ấy có tên là Phùng – một người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã từng trải qua chiến tranh, đã chứng kiến biết bao nhiêu cảnh đau thương mất mát và họ đã từng cầm súng chiến đấu cho những điều tốt đẹp hơn nhưng hiện thực vẫn còn là những góc khuất buộc họ phải tìm đến và không né tránh. Họ không thể là những nghệ sĩ trốn vào trong những thứ ảo ảnh của nghệ thuật mà quên đi cuộc sống và Phùng chính là con người kiếm tìm của Nguyễn Minh. Ông đã không đi theo con đường tìm kiếm những con người nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của thực tại mà trong Chiếc thuyền ngoài xa, nhà văn đã nói về những nghịch lý tồn tại như một sự thật hiển nhiên trong đời sống con người. Bằng thái độ cảm thông và sự hiểu biết sâu sắc về con người, ông đã cung cấp cho ta cái nhìn toàn diện về cái đẹp cuộc sống, hiểu cả bề mặt lẫn chiều sâu. Ông nhìn thân phận con người không còn là sự đề cao và đặt cho họ những phẩm chất hoàn mĩ mà trên hết, ông đã chứng kiến và tham gia vào chính cuộc đời của họ như một người bạn, thực sự biết sẻ chia và đồng cảm. Hành động xông vào đánh người chồng vũ phu của Phùng cũng chính là hành động của một con người thực sự bởi “Bất luận trong hoàn cảnh nào tôi cũng không cho phép hắn đánh một người đàn bà, cho dù đó là vợ và tự nguyện rúc vào trong xó bãi xe tăng kín đáo cho hắn đánh”. Đó là hành động của nhân vật tự ý thức được vai trò của mình trước những cảnh mà anh chứng kiến và đó cũng là điều nhà văn muốn mình không còn là người ngoài cuộc trước số phận của con người. Nhưng kết thúc thiên truyện không phải là những điều mà nhà văn muốn thay đổi cho cuộc sống của nhân vật mà là sự thấu hiểu của Phùng, của Đẩu và tất cả người đọc về cuộc đời của người đàn bà ấy. Đó thực sự là cuộc sống riêng tuy trong mắt người ngoài đó là bất hạnh nhưng đối với chị đó cũng đủ để hạnh phúc. Hạnh phúc ấy không phải là hạnh phúc cho riêng mình mà là hạnh phúc của những đứa con. Ở đây, cho dù không muốn nhưng người kể chuyện vẫn phải nằm ngoài cuộc số phận của người đàn bà đó. Chính họ đã quen và chấp nhận nó, đó không phải là sự chấp nhận trong mù quáng mà đó là chấp nhận của sự hi sinh. Nguyễn Minh Châu đã từng nói “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” và có lẽ nhân vật Phùng trong truyện đã thực hiện được những gì nhà văn muốn hướng đến.
Hình tượng người kể chuyện của Nguyễn Minh Châu không đơn thuần là người dẫn dắt câu chuyện mà anh cũng là một nhân vật biết mà theo điểm nhìn của người kể chuyện – nghệ sĩ – qua đó, sự xuất hiện của các nhân vật tạo được ấn tượng riêng và sự cuốn hút người đọc khiến họ muốn tiếp tục tìm hiểu, khám phá. Câu chuyện dần sáng tỏ theo sự tìm hiểu của nghệ sĩ và được đẩy lên đến cao trào ở cảnh người đàn ông lại đánh mẹ Phác lần thứ hai. Cách tổ chức, sắp xếp các sự kiện, chi tiết của câu chuyện tôn trọng tính chân thực và tập trung thể hiện tư tưởng tác phẩm. Phùng không chỉ kể lại những điều mắt thấy tai nghe mà còn bày tỏ những cảm xúc chủ quan, những suy nghiệm về nghệ thuật, về con người và cuộc sống con người, về mối quan hệ giữa cuộc sống và nghệ thuật. Sự thay đổi ngôi kể chính là thay đổi điểm nhìn, từ điểm nhìn chủ quan của ngôi Tôi đến điểm nhìn khách quan của người thứ ba nghe câu chuyện của người đàn bà làng chài và anh đã hoàn toàn bị xúc động bởi câu chuyện đó khiến cho anh có thể bộc lộ trạng thái của mình một cách chân thành, không che giấu, không đè nén. Đó là ngôi kể mang tính hướng ngoại ở những hành động trực tiếp nhưng đôi khi nó cũng mang tính hướng nội trong lời kể qua những cảm xúc nội tâm bên trong “tôi trở nên bối rối”, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy”, “tôi chắc mẩm”, “tôi vô cùng ngạc nhiên” v.v.. Người kể chuyện trong Chiếc thuyền ngoài xa mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, luôn hướng đến giao hòa và cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên “Tôi trở nên ngây ngất vào mỗi buổi sáng, bầu trời không xanh biếc, cao thăm thẳm mà đượm một sắc giữa xanh và xám, bầu trời như hạ thấp xuống và như ngưng đọng lại” nhưng đồng thời anh cũng mang trong mình tấm lòng của một người lính nhân hậu nỗi xót xa trước cuộc sống của những người dân chài thấm đẫm trong giọng kể: “thường thường mỗi thuyền là một gia đình, ngoài thuyền lớn còn có một chiếc mủng nhỏ để đi lại”.
Người xưa nói: “Văn như kỳ nhân”, xem văn là biết được người, đọc tác phẩm là biết ngay tác giả. Với Chiếc thuyền ngoài xa, thực sự Nguyễn Minh Châu đã thể hiện rõ nét phong cách văn chương của mình. Chiếc thuyền ngoài xa mãi mãi là những khao khát mà suốt đời muốn tìm kiếm và níu giữ nhưng để rồi khi tới gần người nghệ sĩ mới phát hiện ra những sự thật ẩn sau vẻ đẹp lung linh huyền ảo đó và nhận thức được vẻ đẹp thực sống giữa cái ảo chính là vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người tưởng chừng như bình thường nhất. Cách xây dựng nhân vật cũng thể hiện cảm quan của nhà văn về con nguời. Họ đã đang và sống cuộc sống bình dị, đó là một nhân vật Phùng hóa thân của chính tác giả, một người mà hơn bao giờ hết, hiểu rõ rằng trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy làm một người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người. Đó còn là người phụ nữ không tên với vẻ ngoài xấu xí nhưng chứa đựng trong đó là một tâm hồn thanh cao đến bất ngờ. Tưởng chừng như chị là một người phụ nữ chỉ biết câm lặng và chịu đựng nhưng ít ai ngờ rằng đó là sự hi sinh cao cả đến nghịch lí để đổi lấy một hạnh phúc bình dị “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”. Câu nói của chị mới thực sự xót xa làm sao, nó như xát muối vào trong lòng Phùng cũng như mỗi người đọc để rồi hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi khôn nguôi.
Nếu hình tượng tác giả trong văn Nguyễn Huy Thiệp hàm ẩn với bao chiêm nghiệm suy tư về thân phận con người, về cuộc đời với những thiên truyện mang ngôn ngữ trần thuật sắc gọn, hàm súc, nhiều khi trơ trụi, nếu cái Tôi trong thơ Huy Cận là “một linh hồn nhỏ, mang mang thiên cổ sầu” thì hình tượng tác giả trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu chính là một người nghệ sĩ luôn hướng tới cái đẹp trong cuộc sống thực của mỗi kiếp người. Đó cũng chính là nét đặc sắc nổi bật mà nhà văn đã thể hiện trong Chiếc thuyền ngoài xa để rồi khi đã thực sự tìm được câu trả lời cho mỗi nhân vật, mỗi thân phận của ông, chúng ta vẫn không nguôi ám ảnh về cuộc đời của họ bởi có thể đó là những người đang hiện hữu xung quanh mỗi chúng ta.
——————–HẾT——————
Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cuộc đời và cả những phát hiện tinh tế về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, về trách nhiệm của người nghệ sĩ với tác phẩm nghệ thuật của mình. Khám phá những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của truyện, các em có thể tham khảo: Phân tích Nghịch lý trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, Cảm nhận của em về người đàn bà làng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
>
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/hinh-tuong-tac-gia-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục