Giáo dục

Hóa 8 bài 40: Dung dịch là gì? Dung dịch bão hòa, chưa bão hòa là gì? Chất tan và Dung môi

Hóa 8 bài 40: Dung dịch là gì? Dung dịch bão hòa, chưa bão hòa là gì? Chất tan và Dung môi. Trong thí nghiệm hóa học hay trong đời sống hàng ngày các em thường hòa tan nhiều chất như đường, muối,… trong nước, ta được những dung dịch đường, muối,…

Vậy dung dịch là gì? Thế nào là dung dịch bão hòa, dung dịch chưa bão hòa? Dung môi và chất tan được hiểu như thế nào? chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bạn đang xem bài: Hóa 8 bài 40: Dung dịch là gì? Dung dịch bão hòa, chưa bão hòa là gì? Chất tan và Dung môi

I. Dung môi, chất tan, dung dịch

– Dung môi: là chất có khả năng hòa tan chất khác để tạo thành dung dịch

– Chất tan: là chất bị hòa tan trong dung môi

– Dung dịch: là hỗn hợp đồng nhất giữa dung môi và chất tan

dung dịch nước đường

* Ví dụ 1: Hòa tan đường vào trong nước ta thu được dung dịch nước đường.

– Chất tan: Đường

– Dung môi: Nước

– Dung dịch: Nước đường

* Ví dụ 2: Xăng là dung môi của dầu ăn (dầu ăn tan trong xăng), nước không là dung môi của dầu ăn (dầu ăn không tan trong nước).

II. Dung dịch chưa bão hòa, dung dịch bão hòa

• Ở một nhiệt độ xác định:

– Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.

– Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

III. Các biện pháp hòa tan chất rắn trong nước nhanh hơn

– Muốn chất rắn tan nhanh trong nước thực hiện 1, 2 hoặc cả ba cách sau:

1. Khuấy dung dịch

– Khuấy dung dịch tạo ra tiếp xúc mới giữa phân tử chất rắn và các phân tử nước ⇒ Sự hòa tan diễn ra nhanh hơn.

2. Đun nóng dung dịch

– Ở nhiệt độ càng cao, các phân tử chuyển động càng nhanh làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử nước và bề mặt chất rắn ⇒ Sự hòa tan diễn ra nhanh hơn.

3. Nghiền nhỏ chất rắn

– Nghiền nhỏ chất rắn làm tăng diện tích tiếp xúc giữa chất rắn và phân tử nước ⇒ Kích thước của vật rắn càng nhỏ thì sự hòa tan diễn ra càng nhanh.

IV. Bài tập về dung dịch, dung môi và chất tan

* Bài 1 trang 138 SGK Hóa 8: Thế nào là dung dịch dung dịch chưa bão hòa, dung dịch bão hòa? Hãy dẫn ra những thí dụ để minh họa.

° Lời giải bài 1 trang 138 SGK Hóa 8:

a) Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.

b) Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

– Thí dụ: Cho dần dần và liên tục muối ăn vào cốc nước, khuấy đều, nhẹ.

– Nhận xét: Ở giai đoạn đầu ta được dung dịch muối ăn, vẫn có thể hòa tan thêm muối ăn. Ở giai đoạn sau ta được dung dịch muối ăn không thể hòa tan thêm muối ăn. Ta có dung dịch muối ăn bão hòa (lọc qua giấy lọc, có những tinh thể không tan).

* Bài 2 trang 138 SGK Hóa 8: Em hãy mô tả những thí nghiệm để chứng minh rằng muốn hòa tan nhanh một chất rắn trong nước ta có thể chọn những biện pháp nghiền nhỏ chất rắn, đun nóng, khuấy dung dịch.

° Lời giải bài 2 trang 138 SGK Hóa 8:

– Cho cùng một lượng muối mỏ (tinh thể rất nhỏ) và muối hột hòa tan vào 2 cốc có cùng một thể tích nước và khuấy đều như nhau, ta nhận thấy muối mỏ tan nhanh hơn muối hột.

– Cho một khối lượng đường như nhau vào 2 cốc thủy tinh có cùng thể tích nước. Một cốc để nhiệt độ phòng, một cốc đun nóng. Ta thấy cốc đun nóng đường tan nhanh hơn cốc không đun nóng.

* Bài 3 trang 138 SGK Hóa 8: Em hãy mô tả cách tiến hành những thí nghiệm sau:

a) Chuyển đổi từ một dung dịch NaCl bão hòa thành một dung dịch chưa bão hòa (ở nhiệt độ phòng).

b) Chuyển đổi từ một dung dịch NaCl chưa bão hòa thành một dung dịch bão hòa (ở nhiệt độ phòng).

° Lời giải bài 3 trang 138 SGK Hóa 8:

a) Thêm nước (ở nhiệt độ phòng) vào dung dịch NaCl bão hòa được dung dịch chưa bão hòa.

b) Thêm NaCl vào dung dịch chưa bão hòa, khuấy tới khi dung dịch không hòa tan thêm được NaCl. Lọc qua giấy lọc, nước lọc là dung dịch NaCl bão hòa ở nhiệt độ phòng.

* Bài 4 trang 138 SGK Hóa 8: Cho biết ở nhiệt độ phòng thí nghiệm (khoảng 20oC) 10 gam nước có thể hòa tan tối đa 20 gam đường 3,59 gam muối ăn.

a) Em hãy dẫn ra những thí dụ về khối lượng của đường, muối ăn để tạo ra những dung dịch chưa bão hòa với 10 gam nước.

b) Em có nhận xét gì nếu người ta khuấy 25 gam đường vào 10 gam nước; 3,5gam muối ăn vào 10 gam nước (nhiệt độ phòng thí nghiệm).

° Lời giải bài 4 trang 138 SGK Hóa 8:

a) Hòa tan 15g đường (khối lượng đường nhỏ hơn 20g) trong 10g nước ở nhiệt độ phòng thí nghiệm được dung dịch đường chưa bão hòa.

– Hòa tan 2g muối ăn (khối lượng muối ăn nhỏ hơn 3,59g) trong 10g nước ở nhiệt độ phòng thí nghiệm được dung dịch muối ăn NaCl chưa bão hòa.

b) Khuấy 25g đường vào 10g nước ở nhiệt độ phòng thí nghiệm được dung dịch đường bão hòa còn lại 25 – 20 = 5g đường không tan dưới đáy cốc (do 10g nước có thể hòa tan tối đa 20g đường)

– Nếu khuấy 3,5g NaCl vào 10g nước ở nhiệt độ phòng thí nghiệm thì toàn bộ lượng muối sẽ tan hết, được dung dịch NaCl chưa bão hòa (do 10g nước hòa tan được 3,59g muối ăn).

* Bài 5 trang 138 SGK Hóa 8: Trộn 1ml rượu etylic (cồn) với 10ml nước cất. Câu nào sau đây diễn đạt đúng:

A. Chất tan là rượu etylic, dung môi là nước.

B. Chất tan là nước, dung môi là rượu etylic.

C. Nước hoặc rượu etylic có thể là chất tan hoặc là dung môi.

D. Cả hai chất nước và rượu etylic vừa là chất tan, vừa là dung môi.

° Lời giải bài 5 trang 138 SGK Hóa 8:

◊ Chọn đáp án đúng: A. Chất tan là rượu etylic, dung môi là nước.

– Rượu etylic tan vô hạn trong nước hoặc có thể nói nước tan vô hạn trong rượu etylic. Theo đề bài cho thể tích rượu etylic (1ml) ít hơn thể tích nước (10ml) nên câu A đúng.

 

* Bài 6 trang 138 SGK Hóa 8: Hãy chọn câu trả lời đúng.

Dung dịch là hỗn hợp:

A. Của chất rắn trong chất lỏng.

B. Của chất khí trong chất lỏng.

C. Đồng nhất của chất rắn và dung môi.

D. Đồng nhất của dung môi và chất tan.

E. Đồng nhất của các chất rắn lỏng và khí trong dung môi.

° Lời giải bài 6 trang 138 SGK Hóa 8:

◊ Chọn đáp án đúng: D. Đồng nhất của dung môi và chất tan.

Hy vọng với bài viết về Dung dịch là gì? Dung dịch bão hòa, chưa bão hòa là gì? Chất tan và Dung môi ở trên giúp ích cho các em. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại nhận xét dưới bài viết để thầy cô Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/hoa-8-bai-40-dung-dich-la-gi-dung-dich-bao-hoa-chua-bao-hoa-la-gi-chat-tan-va-dung-moi/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button