Giáo dục

Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất: Với đề bài này, các em hãy nhớ lại một kỷ niệm với thầy cô giáo của mình, sau đó sắp xếp các ý chính theo trình tự hợp lí, logic, cách sử dụng từ ngữ trong sáng, thích hợp để kể lại câu chuyện. Tham khảo các bài mẫu dưới đây mà Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá đã tổng hợp để có thêm nhiều ý tưởng làm bài và chuẩn bị cho bài văn số 2 lớp 10 đề 4 em nhé!

Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

Bạn đang xem bài: Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

Đề bài: Kể lại kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Bài văn mẫu kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất

Bài văn mẫu 1

Kỷ niệm, cũng giống như những phím đàn – khi chạm tay vào, âm thanh sẽ ngân lên, nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt vời, mà có cái hay, cái dở, cái muốn nhớ, cái lại thích xóa đi. Với em điều đáng nhớ nhất trong đời học sinh là chút kỷ niệm về thầy.

Cô nhỏ nhướn mày lên, nhìn xuống đồng hồ đeo tay, rồi dõi mắt ra ngoài cửa lớp. Nơi dãy hành lang dài đang im ắng, chờ đợi, lắng nghe tiếng giày gõ nhịp để thầm đoán: thầy hay cô? Giờ Toán của lớp 8/1 hôm nay thay đổi giáo viên. Cô giáo cũ nghỉ hộ sản. Thầy giám thị thông báo sẽ có giáo viên mới đến thay. Mười lăm phút trôi qua nhanh chóng trong sự sốt ruột của học trò. Phía cuối lớp có ai nghịch ngợm ngân nga: “Mười lăm phút đồng hồ, buồn nhớ Toán thấy mồ, buồn như con cá rô… đang trôi… vào tô…”

– Nghiêm!

Giọng trưởng lớp vang to, khá oai (nhờ to con). Thầy giám thị xuất hiện. Gần một trăm con mắt học trò đen láy đổ dồn về phía cửa. Thấp thoáng phiá sau thầy là một bóng dáng lạ, chắc “ông” thầy Toán mới ?!!. Ô, nhưng sao mà… giống học trò quá đỗi!!!

Thầy giám thị cười khá tươi:

– Xin giới thiệu với các em, đây là thầy T sẽ phụ trách môn Toán lớp 8/1 thay cho cô N…

Một tràng pháo tay ngưỡng mộ (?) vang lên như mưa rào tháng sáu. Thầy T mỉm cười gật nhẹ đầu “chào các em thân mến!”. Ôi chao, hai má thầy sao mà đỏ như màu xác pháo, cặp kính cận suýt chút nữa rơi khỏi sóng mũi. Chắc vì cảm động trước “thịnh tình” của lũ học trò cỡ… hoa khôi đến hai phần ba lớp, dành cho!

Trước khi trở về văn phòng, thầy Giám thị còn “ân cần dặn dò”:

– Các em phải học cho ngoan. Nhớ là không được phá thầy!

Ôi! Lời “đe nẹt” ấy không phải là không có duyên cớ. Bởi vì, con gái 8/1 có truyền thống mấy mùa tuy thông minh, học giỏi, đẹp người, tốt hạnh kiểm nhưng… chuyên nghịch ngợm cũng đứng vào hàng… quái chiêu! Thầy cô thương cũng lắm, mà dở khóc, dở cười cũng nhiều. Không biết trước khi vào lớp, thầy T đã “nghiên cứu lý lịch” học trò chưa mà… ngó bộ thầy “bình tĩnh rồi … run” thấy rõ.

Sau màn tự giới thiệu rất “dễ sương” – Sinh viên năm cuối Đại Học Khoa học tự nhiên (bằng cái giọng mà phong thái điệu đà như con gái). Thầy vui vẻ đòi … kiểm tra bài cũ. Bốn mươi mấy cái miệng than trời cùng lúc vẫn không làm thay đổi được quyết định “sắt đá” của thầy. Thầy cầm quyển sổ điểm dò tên (sao thầy không chịu nhìn vào sơ đồ lớp nhỉ?!) rất lâu, hai bàn tay run run (chắc do bị học trò “chiếu tướng” khá kỹ). Khi cây viết đỏ hạ xuống gần giữa sổ, một cái tên được xướng lên:

– Trần Thị L.N.

Cả lớp im phăng phắc theo từng bước đi “dịu dàng” của N., để rồi sau đó hai phút, bổng nổ ra một trận cười bom dội – N là một cô gái có dáng dấp “oai phong” của một vận động viên bóng rỗ. Cao 1m65, học trễ hai năm nên rất đáng mặt đàn chị so với cả lớp: Trong khi thầy T ốm nhom, chiều cao chỉ khoảng 1m60 hay 1m62 gì đó (cộng luôn bề dày đế của đôi giày da mũi nhọn rộng quá khổ chân). Một sự tương phản khá hài hước. Thầy T điếng người, mặt đỏ như người say nắng biển, vội vã hỏi dăm ba câu lấy lệ rồi “mời” em N về chỗ. Quyển sổ điểm được gấp lại vội vàng và bài học mới bắt đầu cũng rất nhanh chóng…

Cái sự khởi đầu nan ấy rồi cũng qua mau, rồi mọi chuyện cũng biến thành kỷ niệm. Mà kỷ niệm lại bắt đầu từ sự nhiệt tình khá ngây ngô của cả thầy lẫn trò, lúc hai bên biết “hợp đồng tác chiến” trong những giờ học Toán.

Em còn nhớ một lần, thầy T có hứa sẽ dựng mô hình cho một bài toán hình học không gian khó nuốt, để học trò dễ hình dung hơn là nhìn vào hình vẽ. Vậy mà, hai lần, ba lượt thầy … cứ quên. Lúc thì… thầy bận… học, lúc lại bận soạn bài cho môn dạy, lúc làm xong rồi nhưng… để quên ở… Ninh Hòa!!! Lần cuối cùng, thầy nhớ đem theo, mà xe đò đông quá, thiên hạ chen nhau làm hỏng mất mô hình của thầy!! Học trò đâu chịu tin! Học trò đòi thầy dựng mô hình ngay tại lớp. Thầy bối rối “huy động” thước kẻ với số lượng tối đa, “chấm” các em bé bỏng ở hai dãy bàn đầu (trong đó có cô nhỏ dễ thương) lên giúp thầy … dựng mô hình. Trời đất! Năm bảy mái tóc thề, hơn một chục bàn tay nho nhỏ, cộng thêm thầy đứng vây quanh chiếc bàn thầy giáo thì… còn ai nhìn thấy được gì! Vậy là… thầy cho học trò xếp hàng một, theo từng dãy bàn có trong lớp, từ từ tiến về phía “mô hình sinh động” tham gia theo kiểu “cưỡi trực thăng… xem hoa”. Vậy mà vui ghê gớm, vậy mà rất hoà bình. Cả thầy lẫn trò không ai thấy được nét ngây ngô, khờ khạo trong hành động của mình, mà còn xem như đó là một “kỳ tích” của thứ chỉ số IQ thuộc vào loại thông minh?

Nhưng không phái lúc nào cũng hòa bình. Rồi cũng có lần, thầy nổi giận hét to như … “Trương Phi” chỉ vì chút nghịch ngợm đi quá đà của lũ học trò thơ dại, tinh nghịch. Khiến học trò rơm rớm nước mắt tủi hờn. Còn thầy bất chợt dịu xuống như … giọt nắng cuối thu để hỏi một câu thật dễ “Ký kết hiệp ước hoà bình”:

– Ôi, sao bỗng dưng các em ngoan quá vậy?

Vâng, thầy T của em là vậy đó – người không biết giận lâu, người rất dễ quên hờn, dễ nhập cuộc với áo trắng ngu ngơ. Thầy như một chiếc lá, vô tình vờ rơi xuống mặt nước hồ đang dao động của tuổi học trò, góp thêm một con sóng giao thoa nhỏ bé, rồi lại theo gió cuốn bay đi … Thầy dạy chưa hay, giảng bài chưa hấp dẫn. Chúng em biết vậy, nhưng học trò không chê, mà mặc nhiên chấp nhận như một thứ kỷ niệm, xếp bên cạnh những tầng lớp kỷ niệm phải có trong tuổi ngây thơ, đáng quý của tuối học trò. Thầy T rất hẳn nhiệt tình (dẫu rằng thầy càng nhiệt tình giảng giải, học trò càng… nhiệt tình ngơ ngác!). Bởi đối với thầy T, tất cả những gương mặt trong sáng ngồi bên dãy bàn học bằng gỗ dưới kia, đều được thầy xếp đồng đẳng bằng một cái “mác” học trò đơn giản. Chúng như một quần thể tập hợp từ những cá thể lạ lẫm mà thầy đang có nhu cầu khám phá và ghi nhớ. Nhu cầu hòa nhập để vô tư yêu mến, bỏ qua những cái mà thiên hạ âu yếm gọi là danh vị, tiền tài của mẹ cha chúng bên ngoài xã hội …

Nếu có ai bảo học trò 8/1 ngày ấy – Hãy chọn ra một nhân vật kỳ lạ nhất trường. Cô nhỏ năm xưa tin chắc, cả lớp sẽ đồng lòng bỏ phiếu cho thầy – Thầy T, thầy Toán lớp em.

Ai bảo học trò ngày xưa khác với ngày nay? Đâu có, khá giống nhau đấy chứ (khi nhìn theo một khía cạnh muốn nhìn!). Họ cũng thích cóp nhặt kỷ niệm, hình thành từ những mảnh pha lê rơi rớt (dẫu không tròn trịa) trong suốt khoảng đời còn làm… “Cái thứ ba… danh tiếng…”

Tham khảoKể về một thầy giáo hay một cô giáo mà em quý mến

Bài văn mẫu 2

Nếu có ai hỏi: “Người thầy, cô giáo em quý mến nhất trong suốt năm năm học tiểu học của em là ai?” Thì em sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay: “Đó là thầy Nha”. Người thầy giáo đã tận tình dạy dỗ em năm lớp một. Và với em đó cũng là người cha thứ hai của mình.

Mặc dù bấy giờ thầy trò đã xa nhau. Nhưng những kỉ niệm sâu sắc năm em còn học lớp 1C của thầy thì không thể nào quên được. Ở lớp, em là đứa duy nhất viết tay trái nên thầy vẫn phải thường cầm bàn tay em nắn nót từng nét chữ. Và mặc dù thầy hết lòng dạy dỗ mà các ngón tay của em cứ nhất quyết không chịu nghe lời. Các chữ cái a, ă, â,… chẳng bao giờ ngay hàng thẳng lối và lúc nào cũng méo mó như bị ai nện một cây gậy vào. Ấy vậy mà bàn tay trái tuy không có ai dạy dỗ cả mà lại viết đẹp hơn nhiều. Khiến cho thầy phải thốt lên: “Thật là ngược đời”. Một hôm, khi tới giờ tập viết – tiết học căng thẳng nhất của em lúc ấy khi thấy thầy ra ngoài lớp nghe điện thoại. Thầy vừa bước ra khỏi cửa là em vội vàng đổi sang viết tay trái. Đến cuối giờ, thầy bảo em đưa vở lên chấm. Em hồi hộp đưa mắt nhìn thầy, bỗng thầy ngồi dậy, xoa đầu em:

– Hôm nay Thăng giỏi quá! Viết đẹp ghê ta! Có sự tiến bộ vượt bậc đấy.

Rồi thầy quay xuống lớp nói to:

– Để mừng sự tiến bộ của bạn, các em cho một tràng pháo tay nào!

Nhìn sự mừng rỡ không một chút nghi ngờ trong đôi mắt thầy mà trong lòng em thấy hổ thẹn vô cùng. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ. Đến sáng hôm sau, em quyết định sẽ nói hết sự thật với thầy. Nhưng ngồi trong lớp, em không đủ can đảm để nói ra sự thật với tất cả các bạn và thầy. Mãi đến lúc tan trường, khi các bạn đã về hết và thầy cũng định đi về thì em mới nói với thầy:

– Thầy ơi, em có chuyện muốn nói.

Thầy đưa mắt nhìn em, hỏi:

– Thăng em, em có chuyện gì thế?

Nghe thầy hỏi, mặc dù đã chuẩn bị kĩ cho giờ phút này nhưng em vẫn thấy chột dạ. Ấp a, ấp úng mãi, em mới nói được một câu:

– Thưa th…â…ầy, chuyện ngày hôm qua em…

– Chuyện ngày hôm qua nó làm sao?

Em bật khóc:

– Thưa thầy, hôm qua em đã nói dối thầy. Bài tập viết đó không phải do em nắn nót bàn tay phải như thầy đã dạy mà đó là thành quả của … bàn tay trái ạ.

Nghe em nói, khuôn mặt thầy lộ vẻ buồn phiền và hơi giận dữ, nhưng chỉ một lát sau, khuôn mặt ấy là trở về vẻ hiền từ. Thầy lấy tay gạt nước mắt của em bảo:

– Nín đi, con trai mà khóc nhè thì xấu lắm đấy. Chuyện lầm lỗi ai chẳng có một lần mắc phải. Nhưng quan trọng là người đó có biết nhận lỗi như em hay không? Thôi, em về đi, chuyện lần này thầy có thể bỏ qua, nhưng lần sau không được phạm phải nữa đâu nhé! Về đi.

Em mừng rỡ cảm ơn thầy rồi ôm cặp, nhanh chân bước về nhà và thầm hứa với lòng mình từ nay sẽ chuyên tâm học hành nghiêm chỉnh để không phụ lòng thầy.

Bấy giờ, khi đã rời xa mái trường tiểu học mến yêu, thời gian có thể trôi qua, mọi thứ có thể phai nhoà theo năm tháng. Nhưng hình ảnh người thầy đáng kính sẽ mãi mãi theo em đến suốt cuộc đời.

Bài văn mẫu 3

Đã qua gần sáu năm cắp sách đến trường, tôi ấn tượng với rất nhiều thầy cô giáo. Thầy cô luôn để lại trong tôi những hình ảnh đẹp và mãi không phai mờ. Nhưng đặc biệt nhất với tôi và cũng là người tôi quí nhất – thầy giáo dạy tôi hồi lớp 5.

Tôi thấy rất ít người lựa chọn nghề làm thầy giáo. Thế mà thầy giáo tôi lại rất say mê với sự nghiệp trồng người này. Thầy tâm sự với chúng tôi, thầy muốn làm thầy giáo từ khi học cấp 2. Mỗi lần ngồi nghe thầy giáo giảng bài thích lắm. Trông thầy đứng trên bục giảng chững chạc, tự tin và được học trò yêu mến, thầy đã nuôi ước mơ từ đó. Về nhà, thầy bắt tụi em nhỏ ngồi sắp hàng ngay ngắn và thầy giả làm thầy giáo. Lạ lùng thay, bọn trẻ lại ngồi nghe đến say mê. Không biết chúng hiểu mấy phần “thầy” giảng nhưng đứa nào mặt mũi cũng ngơ ngẩn, say sưa. Có khi “thầy” nói xong rồi mà chúng vẫn ngồi bần thần, lúc đó phải gọi lớn chúng mới như sực tỉnh. Đó là động lực đầu tiên giúp cho ước mơ của thầy thành hiện thực.

Con đường đến với nghề của thầy cũng lắm gian nan. Vì thế mà bây giờ thầy dành cho nghề một tình yêu thật mãnh liệt. Là con trai cả trong gia đình có truyền thống làm bác sĩ, thầy được bố mẹ định hướng cho thi vào trường đại học Y. Ngay từ nhỏ, gia đình thầy đã mong muốn như thế: Thầy vốn học giỏi lại thông minh, nhanh nhẹn nên cả nhà đặt niềm hi vọng rất lớn. Nhưng năm lớp 12, bất ngờ thầy thông báo với gia đình sẽ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm, Khoa Tiểu học. Đó là một cú sốc với gia đình, nhất là người cha của thầy. Gia đình kịch liệt phản đối quyết định của thầy, nhiều lúc làm thầy rất khổ sở nhưng chưa có lúc nào thấy dao động. Thấy vững vàng với quỵết tâm của mình và kiên trì thuyết phục mọi người.

Ngày đi thi cũng là ngày thầy buồn nhất. Không một lời chúc, không một sự động viên, thầy đi thi chỉ có một mình. Nhìn chúng ban có người thân châm sóc, thây cũng thấy tủi thân. Nhưng lúc đó thầy nghĩ mình càng phải cứng rắn và mạnh mẽ. Rồi khi đỗ thủ khoa, niềm vui của thầy cũng không được trọn vẹn. Gia đình thông báo sẽ không trợ cấp cho thầy ăn học trong ba năm. Thế là một mình thầy lại phải chống đỡ, xoay sở với biết bao khó khăn trong những năm học Cao đẳng. Vừa đi làm thêm vừa đi học, thầy bất chấp khó khăn để đạt được ước mơ của mình và để chứng minh cho gia đình sự lựa chọn của thầy không sai.

…Nhìn thầy giáo trẻ của chúng tôi lạc quan, hài hước đứng trên bục giảng ít ai có thể nghĩ rằng con đường thầy đã đi thật dài khi phải vượt qua một mình. Nhưng giờ đây thầy là một người thầy rất thành công. Không chỉ là thầy giáo dạy giỏi mà thầy còn được tất cả học trò chúng tôi yêu quí. Chúng tôi yêu quí thầy vì con người thầy tốt bụng. Tuy còn trẻ nhưng trong mắt chúng tôi thầy rất chững chạc, vững vàng. Thầy nghiêm khắc trong giờ học nhưng ngoài giờ thầy như một người khác, gần gũi, thân thiện và hài hước.

Thỉnh thoảng, thầy đá bóng với các bạn nam, nhìn lúc đó thầy như trẻ thơ vậy. Đặc biệt, với vẻ ngoài đẹp trai, cao lớn và hát hay nên mỗi khi đứng trên sân khấụ biểu diễn chúng tôi cảm giác đó không còn là thầy nữa mà là một nam ca sĩ có tiếng đang phiêu du cùng tình cảm của mình. Ấn tượng nhất là nụ cười của thầy. Thầy cười thật rạng rỡ, nhìn thầy cười người đang buồn bã cũng thấy vui lây. Có một lần thầy ốm. Không thấy thầy đến lớp cả lớp nhốn nháo hẳn lên.

Cuối giờ học chúng tôi đến nhà tìm thầy. Thấy chúng tôi đến, thầy xúc động lắm. Thầy bắt tay từng đứa một, rồi giữ ở lại ăn cơm. Bữa cơm mẹ thầy nấu hôm đó thật ngon và ấm cúng. Thầy trò vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Dường như cũng nhờ đó mà gia đình hiểu hơn quyết định của thầy. Bây giờ thật khó để tìm thấy một người con trai Hà thành nào như thầy – thầy giáo dạy Tiểu học của chúng tôi. Với học trò, thầy vừa là thầy giáo nhưng hơn thế – thầy còn là một người bạn lớn.

Kể về kỉ niệm sâu sắc nhất về thầy giáo cô giáo

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”

Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, nhưng người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh- cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.

Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.

Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.

Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: “Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm!”

Bài văn mẫu 4

Hồi đó đọc lướt qua bảng phân công đầu năm, tôi đã thấy tên cô ngay ở mục “giáo viên chủ nhiệm”. Cô tên là Trần Thị Ngọc Lam. Cái tên rất đẹp khiến nó cứ tự nhiên khắc sâu trong tâm trí tôi. Ngay buổi học đầu tiên, vì muốn tách mình với sự ồn ã của cả cả lớp, tôi chọn ngồi ở cái bàn góc trong cùng. Dường như nhận ra suy nghĩ đó của tôi, cô Lam liền đổi chỗ cho tôi lên ngồi bàn đầu, đối diện với bàn giáo viên. Cô làm vậy khiến tôi hơi khó chịu.

Cô Lam là một giáo viên dạy giỏi và đã nhiều lần được nhận bằng khen của tỉnh, của thành phố. Thực ra thì tôi không ghét cô, nhưng tôi ghét cái môn Ngữ văn mà cô đang dạy. Đó là môn học đã mang lại cho tôi nhiều xui xẻo năm tôi học lớp 7. Từ lúc bắt đầu cầm bút viết văn, mọi bài tập làm văn của tôi đều được các cô giáo khen nức nở. Những bông hoa điểm 9, điểm 10 cứ thi nhau nở đỏ chói trên trang vở. Năm lớp 7, tôi chuyển sang trường mới để thuận tiện cho việc công tác của ba. Cô giáo dạy Ngữ văn rất nghiêm, cô không bao giờ cho ai điểm 9 cả. Bài tập làm văn đầu tiên, tôi lĩnh ngay con điểm 6 với lời phê: “Miêu tả rời rạc, câu chữ lủng củng. Bài viết thiếu cảm xúc”. Tôi thấy buồn vô cùng và từ đó bắt đầu sợ hãi những bài tập làm văn. Những giờ học văn trở thành nỗi ám ảnh mỗi ngày. Kì thi học sinh Giỏi cấp trường, tôi chỉ được giải Ba với lý do thật “khó chấp nhận”: “Bài văn nhiều lỗi chính tả”. Đến đây, từ nỗi sợ chuyển thành ghét. Và lên lớp 8, tôi bắt đầu phớt lờ môn Văn. Nhưng đến khi học cô Lam, mọi việc bắt đầu khác.

Ngay từ tiết học Ngữ văn đầu tiên, cô đã đặc biệt quan tâm đến tôi. Cô giao nhiều bài tập cho tôi hơn mọi người, hay gọi tôi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi. Lúc đầu, tôi làm bài cô giao với thái độ chống đối và luôn mang trong mình cái suy nghĩ “chắc cô ghét mình”. Nhưng dần dần khi quen tôi lại thấy thiếu bài của cô như thiếu một cái gì đó. Một hôm, cô gọi tôi lên và đưa cho tôi một quyển sách, nói:

– Em hãy đọc quyển sách này và trau dồi kiến thức nhé. Cô nghĩ là em sẽ thích nó

Tôi ngượng ngịu cầm lấy quyển sách còn thơm mùi giấy mới. Tối hôm đó, sau khi giải quyết xong đống bài tập, tôi mở quyển sách và bắt đầu đọc. Đã từ lâu rồi, lần đầu tiên tôi đọc một cuốn sách khiến mình say mê và thích thú đến như thế. Tình yêu với môn Văn dường như đã bắt đầu nảy nở lại trong tôi.

Tôi học ngày càng chăm chỉ và được chọn vào đội tuyển của trường. Cô càng quan tâm đến tôi nhiều hơn. Và tôi thấy dễ chịu với sự quan tâm tận tình của cô. Tôi đoạt được giải Nhì cấp tỉnh môn Ngữ văn. Trong đám đông, tôi thấy cô đứng đó, mỉm cười và gật đầu nhẹ. Niềm vui sướng của tôi trào lên, những giọt nước mắt cứ tự nhiên lăn dài. Cuối năm học, tôi được danh hiệu học sinh Giỏi xuất sắc. Những ngày cuối cùng, cô Lam không có mặt để chia vui với tôi và cả lớp. Cho đến khi lớp trưởng đưa tôi cuốn sách “Đất rừng phương Nam” trong đó kẹp một tờ giấy “Cô biết em sẽ làm được. Đây là món quà nhỏ bé mà cô dành cho em. Hãy cố gắng học tập tốt hơn nữa nhé!”. Tôi lặng người khi nghe lời lớp trưởng nói cô bị u bướu ở thanh quản rất nặng và phải phẫu thuật. “Cô ơi, cô phải chờ con bé dại dột này báo đáp chứ…”. Ý nghĩ đó làm nước mắt tôi không ngừng rơi.

Tôi biết cô đã chuyển trường. Nhưng mỗi khi về thăm trường cũ, thăm lại lớp học nhỏ khuất sau tán cây bàng um tùm, tôi nhớ lại hình bóng cô, cầm giáo án bước vào với một nụ cười hiền dịu, ấm áp như màu nắng mới.

>> Tham khảo:

  • Kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất về tình cảm gia đình
  • Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình bạn theo ngôi kể thứ nhất

Bài văn mẫu 5

Phượng nở đỏ rực cả một góc sân trường, sắc đỏ rực rỡ làm nao lòng mỗi cô cậu học trò. Sắc đỏ rực rỡ làm đẹp đất trời mùa hạ, nhưng không, đó còn là sắc màu của sự chia li, của lời nói tạm biệt với cô thầy, với những kỉ niệm đã một năm gắn bó với tôi. Khi ấy, tôi có thời gian nhìn lại một chặng đường đã qua mà lại thêm bồi hồi, xúc động nhớ về kỉ niệm của tôi cũng như là cả lớp với cô giáo Vân.

Ngày đầu tiên nhập học, ở một ngôi trường mới, bạn bè và thầy cô mới nên bạn nào cũng háo hức, mong chờ. Bước vào lớp lần đầu tiên, tôi hơi bất ngờ, lớp tôi có một số học sinh cá biệt từng có tiếng hay đánh nhau, ngang ngược, ăn chơi từ hồi cấp 2… Tôi cũng không hiểu tại sao nhưng trong lồng ngực tôi lại nén một tiếng thở dài vu vơ.

Chẳng mấy chốc, cô Vân- giáo viên chủ nhiệm đồng thời cũng là cô giáo dạy Văn bước vào. Cả lớp đứng nghiêm trang và dành một tràng pháo tay để đón mừng cô. Cô bắt đầu tiết học với những bài ca dao trữ tình nhẹ nhàng và thấm thía. Bàn tay búp măng của cô viết những dòng chữ tròn trịa, thẳng tắp trên bảng hòa nhịp cũng những lời giảng văn ấm áp, ngọt ngào dễ đi vào lòng người. Thế nhưng ở dưới lớp, vẫn có tiếng nói chuyện xì xào, các bạn ngồi làm việc riêng, nghịch điện thoại trong giờ học… Đó là hai bạn học sinh có tiếng là khó dạy, Linh và Thùy. Dường như chính cô cũng cảm thấy không bằng lòng khi đang nhiệt tình, tận tâm giảng bài thì ở dưới lại có bạn không nghe, làm việc riêng, mất trật tự. Lần thứ nhất, lần thứ hai cô chỉ quay xuống nhìn. Vậy mà hai bạn kia còn không biết ý, vẫn tiếp tục những lời bàn tán. Bản thân là một giáo viên nghiêm khắc, có lẽ cô không chịu nổi sự vui chơi quá đáng này, cô đi xuống hỏi:

– Hai em đang làm việc gì trong giờ của cô vậy?

Im lặng một lúc, Thùy nói với một giọng tỉnh khô:

– Em chơi và đánh son với Linh.

– Tại sao trong giờ học, các em lại làm việc riêng.

– Thích!

Cả lớp sửng sốt, bất ngờ. Một học sinh đã không nghiêm túc trong giờ học giờ lại còn vô lễ với giáo viên. Cô không nói gì, lặng lẽ đi ra khỏi lớp. Những tiết học sau đó, các bạn vẫn như vậy, vẫn chứng nào tật đấy. Có lẽ sức chịu đựng của cô cũng có giới hạn. Một tiết học không thể bị làm gián đoạn chỉ bởi hai bạn học sinh như vậy.

Tiết học hôm ấy, cô mời hai bạn học sinh ra ngoài lớp. Khôn cần suy nghĩ hay xin lỗi, hai bạn ra khỏi lớp với vẻ măth rất thản nhiên. Có lẽ sẽ có một vài người khó chịu với cách ứng xử này.

Một buổi chiều nọ có thể vì xích mích nên Linh, Thùy và một nhóm nữ sịn khác đánh nhau ngay trong trường. Cuối cùng, Linh bị đánh chảy máu đầu. Cô Vân từ đâu chạy đến hoảng hốt hỏi:

– Linh, Linh em có làm sao không?

Linh đáp một cách thờ ơ và lãnh đạm:

– Không cần cô quan tâm!

Nhìn thấy trán Linh chảy máu, cô vội lấy băng cá nhân để cầm máu. Linh hấy văng tay cô, cô ngã xuống đất và hét lên:

– Tôi không cần cô!

Mặc những lời nói kia, cô băng lấy vết thương và ôm Linh vào lòng. Dường như tình yêu thương dành cho học trò đã phần nào làm thay đổi một con người, Linh dần mủi lòng với cô. Còn tôi, người chứng kiến sự việc thì không khỏi xúc động bởi một người giáo viên luôn dành tình thương cho học sinh cho dù đó là một học sinh không ngoan ngoãn.

Mấy ngày sau cả lớp không thấy cô Vân đi dạy nên cũng thắc mắc. Trong một lần đi dạo trên sân trường tôi nghe được thầy cô nói là cô Vân phải đi phẫu thuật sỏi mật ở trên Hà Nội. Cái tin ấy như sét đánh, quá bất ngờ với tôi. Cả lớp biết đều nhốn nháo hết cả. Riêng Linh vẫn ngồi im một chỗ, dường như không quan tâm.

Mãi đến tận sau này tôi mới biết, đằng sau vẻ vô tâm thờ ơ ấy là sự thương xót và hối hận đến giằng xé. Tối hôm đó, Linh thức trắng đêm gấp 1000 con hạc với mong ước cô sẽ phẫu thuật thành công và sớm khỏe mạnh. Sáng hôm sau, khi hoàn thành công việc, trên chiếc xe đạp đã cũ Linh vội vàng đạp đến nhà cô. Sự mệt mỏi cùng vố những cơn gió lớn làm Linh ngã Linh đau. Vậy mà vẫn vẫn chạy một mạch đến nhà cô, tay cầm lọ hạc và đôi mắt mải miết đầy hi vọng và âu lo. Linh vội bấm chuông nhà cô nhưng cô lại vừa đi ra bến xe rồi. Linh đuổi theo như để níu kéo một hi vọng mỏng manh, như để nói lời xin lỗi. Thế nhưng, không kịp. Linh nhẹ nhàng đặt lọ hạc trước cổng nhà cô cùng lời chúc cô may khỏi bệnh.

Tình cô trò vượt qua bao thử thách gian nan thì cuối cùng vẫn luôn đậm sâu và đáng trân trọng. Cô- người mẹ thứ hai luôn sẵn sàng tha thứ và chở che cho các học trò.

>> Xem thêm hướng dẫn làm các đề bài khác trong tiết Viết bài làm văn số 2

************

Hy vọng rằng những bài văn mẫu kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!

[Văn mẫu 10] Kể lại kỉ niệm sâu sắc về tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất, tham khảo những bài văn mẫu hay nhất để chuẩn bị cho bài viết tập làm văn số 2.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ke-lai-ki-niem-sau-sac-ve-tinh-thay-tro-theo-ngoi-ke-thu-nhat/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button