Đề bài: Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự theo ngôi kể khác nhau.
Bạn đang xem bài: Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự theo ngôi kể khác nhau
Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự theo ngôi kể khác nhau
I. Dàn ý Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự theo ngôi kể khác nhau (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu chung hoặc nêu những tưởng tượng ban đầu về câu chuyện định kể
2. Thân bài
a. Kể lần lượt câu chuyện theo trình tự nhất định
– Chú chiến sĩ gặp Lượm
– Những ấn tượng của chú về ngoại hình và tính cách của Lượm…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự theo ngôi kể khác nhau tại đây
II. Bài văn mẫu Kể lại nội dung câu chuyện trong bài thơ có tính chất tự sự theo ngôi kể khác nhau
1. Kể lại bài thơ Lượm qua ngôi kể chú chiến sĩ (Chuẩn)
Tôi – một chiến sĩ đã đi được nửa đời người, hiện đang sống trong những ngày đất nước rộn niềm vui giải phóng. Bắc Nam giờ đã thu về một mối, không còn khói lửa chiến tranh trên bất kì miền đất nào trên dải đất hình chữ S này. Được đắm mình trong đủ sắc cờ hoa của ngày thống nhất, tôi bất chợt nhớ về hình ảnh một cậu bé đã hi sinh khoảng hai mươi năm trước. Nếu còn, chắc hẳn giờ cậu bé ấy sẽ là một cậu thanh niên cao lớn, nụ cười ra sức tỏa nắng bên màu cờ dân tộc.
Đó là vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi từ Hà Nội trở về Huế trong không khí mọi người đang sôi sục bảo vệ từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương, không phân biệt già trẻ gái trai, không phân biệt tầng lớp cấp bậc. Tất cả đều đồng lòng đánh giặc!
Đang làm nhiệm vụ kháng chiến ở Hàng Bè, tôi chợt ấn tượng với một cậu bé liên lạc: Dáng người cậu nhỏ nhắn, làn da sạm đen, chiếc mũ ca lô bị đội lệch chếch sang một bên toát lên vẻ hồn nhiên, tinh nghịch. Hỏi thăm, tôi mới biết cậu tên Lượm, tuy còn nhỏ nhưng đã xung phong làm nhiệm vụ chuyển thư tác chiến của các đồng chí, cán bộ. Khuôn miệng bé xíu luôn thường trực nụ cười tươi rói, hàm răng trắng đều. Cái đầu rất bướng, cứ nghênh nghênh hết nơi này đến chỗ nọ, cái xắc cứ rung rinh theo từng nhịp bước chân sáo. Giữa biển lúa mênh mông như dát vàng của xứ Huế, chiếc mũ ca lô ấy cứ nhấp nhô, nhấp nhô như con thuyền nhỏ giữa biển sóng vàng chập chùng. Dáng vẻ nhanh nhẹn của đôi chân cứ thoăn thoắt không khác nào chú chim chích nhỏ xíu.
Tôi lân la đến làm quen với cậu bé, hỏi thăm về công việc của cậu. Gương mặt ấy bỗng dưng sáng bừng lên khi nhắc tới nhiệm vụ mà cậu đang làm:
– Cháu đi giúp các chú bộ đội chuyển thư không vất vả chút nào hết chú à. Công việc thú vị vô cùng. Ở đồn Mang Cá, cháu được dạy hát, dạy làm việc, nghe kể những câu chuyện về các vị anh hùng, về những cuộc kháng chiến của đồng bào ta ở mọi miền tổ quốc,… Thích hơn ở nhà nhiều lắm!
Lượm vừa kể, đôi mắt vừa sáng rực lên vì phấn khích, đôi má phúng phính cũng ửng đỏ bồ quân, cặp mắt hấp háy liên tục. Tôi nhìn thấy tình yêu kháng chiến mà rộng hơn là tình yêu nước mãnh liệt trong tâm hồn tưởng như vô cùng mỏng manh ấy. Chú cháu đang nói chuyện hăng say, bất chợt nghe hiệu lệnh có nhiệm vụ mới, Lượm nhảy phắt lên vẫy cánh tay chào tôi:
– Thôi, cháu chào chú đồng chí nhé! Hẹn khi khác mình lại cùng nói chuyện.
Nói rồi, bóng dáng ấy lại lấp sau biển lúa ngập trời, chiếc mũ ca lô trên đỉnh đầu chú tiếp tục hành trình trong biển vàng! Tiếng sáo văng vẳng như tiếng còi tàu còn vang mãi mới thôi.
Bận chiến dịch, tôi không có nhiều thời gian hỏi thăm về Lượm nữa. Vào một ngày hè giữa tháng sáu, nắng oi ả thiêu đốt vạn vật, tôi đau đớn khi nghe tin Lượm đã hi sinh trong một lần thực hiện nhiệm vụ. Như mọi lần, Lượm chuyển thư ra mặt trận, lần ấy còn là thư “thượng khẩn” nên cậu cấp tốc lên đường. Dù lửa đạn mịt mù, dáng vóc nhỏ nhắn ấy vẫn mạnh mẽ lao lên như một mũi tên, xuyên qua hiểm nguy, qua khói mù của lửa đạn. Và trong màn mưa bom bão đạn ấy, một viên đạn đã bắn vào người cậu bé ấy. Nghe kể rằng Lượm đã ngã xuống, giữa cánh đồng lúa đang trổ bông ngào ngạt. Lượm hi sinh tại mảnh đất mà cậu đã cố gắng bảo vệ.
Hôm nay, trong ngày cả nước hân hoan niềm vui chiến thắng, tôi lại thấp thoáng thấy hình ảnh chú bé Lượm dáng loắt choắt, nụ cười rạng rỡ, đeo chiếc xắc tài liệu, mũ ca lô chếch lệch, vừa nhảy chân sáo vừa huýt sáo vang giữa mảnh ruộng ngập tràn ánh nắng,… Chỉ tiếc rằng, nắng ngày ấy Lượm tắm không phải là nắng của tự do.
2. Nhập vai anh chiến sĩ kể lại nội dung bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” (Chuẩn)
Tôi và các đồng chí chiến sĩ trong đơn vị đang trong những ngày tháng gấp rút chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới nhằm phá vỡ phòng tuyến của thực dân Pháp, lấy lại tự do tại căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Chúng tôi ngày đêm hành quân cấp tốc qua bao nẻo đường đèo để nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Khi ấy, chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Bác đến xem xét tình hình và động viên các anh em chiến sĩ chúng tôi . Đêm rừng mưa như càng khắc thêm cái lạnh vào da vào thịt của những người lính thiếu thốn cả về quân trang lẫn quân dụng. Bác và tất thảy chiến sĩ nằm giữa những giọt mưa rừng, nghỉ ngơi chờ sáng mai lại lên đường. Khi mọi người đã ngủ hết rồi, tôi vì thao thức nhớ nhà nên không ngủ được. Nhìn vào ra phía đống lửa, tôi chợt nhận ra Bác vẫn chưa ngủ, đang ngồi trầm ngâm bên bếp lửa hồng. Bác ngồi hai tay chống gối, ánh mắt nhìn xa xăm, ánh lửa chiếu rõ những vết nhăn trên vầng trán rộng của Bác. Thi thoảng, những vết nhăn ấy lại xô lại với nhau, hình như Bác đang khó nghĩ một vấn đề nào đó.
Tiếng mưa thi nhau vang vọng trên mái lán. Đêm đã về rất khuya, núi rừng nhìn dăm bước nữa chỉ là một màu tối om, không thể phân biệt được mọi vật. Người cha già kính yêu của dân tộc vẫn ngồi đấy, tay thi thoảng nhét thêm củi, lửa lại bùng lên sưởi ấm cho những đồng đội say giấc. Rồi bất chợt Bác đứng dậy, nhẹ chân bước đi dém chăn cho từng người một. Chân Bác đi êm ru như sợ làm thức giấc nồng của những người con của mình. Giây phút ấy tôi chợt thấy cay cay khóe mắt, người cha ấy săn sóc hết lòng cho từng thành viên trong gia đình của mình.
Ánh lửa cháy bập bùng như lửa lòng nhiệt thành, ấm áp của Bác dành cho đồng bào, cho cách mạng, cho kháng chiến. Bóng Bác hằn lên vách tranh mỏng manh, đen sẫm một màu. Tôi vì niềm xúc động mãnh liệt mà bất giác nhổm dậy, thì thầm hỏi Bác:
– Sao Bác vẫn chưa ngủ ạ? Thưa Bác, Bác có thấy lạnh lắm không?
Nụ cười hiền từ chợt nở trên gương mặt Bác. Bác ôn tồn khuyên nhủ tôi:
– Chú cứ việc ngủ ngon cho Bác, ngày mai lấy sức mà đi đánh giặc.
Tôi vâng lời Bác nhắm mắt mà lòng vẫn bồn chồn nghĩ không yên. Đường rừng còn dài, thanh niên chúng tôi đang tuổi đôi mươi, còn sức còn lực để hành quân chứ Bác đã có tuổi, đêm không nghỉ ngơi thì sao mai có thể lên đường?
Tôi lại thiếp đi trong ánh lửa bập bùng. Lần thứ ba trở mình lại giật mình thức giấc: Bác vẫn ngồi đấy, im phăng phắc như tượng gỗ tạc, đôi mắt vẫn nhìm đăm đăm vào ánh lửa, chòm râu thi thoảng rung rinh theo nhịp thở của Người. Không thể đành lòng nhìn Bác cứ vậy mãi, tôi lại mạnh dạn lên tiếng thêm lần nữa:
– Bác vẫn chưa ngủ ạ? Trời đã muộn lắm rồi, mời Bác chợp mắt một chút lấy sức mai lên đường.
Bác ân cần bảo tôi:
– Cháu đừng suy nghĩ gì cả, cứ việc ngủ ngon. Lòng Bác không yên mà ngủ. Bác đang nghĩ tới đoàn dân công, trời thì mưa rét, họ ngủ ngoài rừng thì tránh sao cho khỏi bị ướt. Bác nóng ruột quá, chỉ mong trời sáng mau mau để xem họ thế nào.
Nghe Bác nói, tôi chợt hiểu tấm lòng của Người. Người một lòng lo lắng cho các đồng chí, dân công. Người vất vả nhưng lại lo cho các chiến sĩ vất vả gấp trăm lần. Tình thương ấy là động lực to lớn cho những người lính chúng tôi tiếp tục kháng chiến, tiếp tục chiến đấu dưới màu cờ của dân tộc.
Tự hào quá, tôi xin thức luôn cùng Bác. Bên bếp lửa hồng, bóng tôi và bóng Bác như hòa vào nhau, tình người cha như hòa vào lòng dân tộc. Hình ảnh đẹp đẽ đó như đánh tan hết mưa lạnh chốn rừng sâu để rồi ngày mai chúng tôi lại cùng nhau chiến đấu và chiến thắng.
3. Thuật lại câu chuyện đêm nay Bác không ngủ qua vai anh chiến sĩ (Chuẩn)
Ngồi bên mâm cơm ngày sum họp gia đình, tôi – một người lính chiến trường xưa – bất giác nhớ lại một câu chuyện có thật mà bản thân tôi trực tiếp trải qua cùng Bác Hồ, bèn kể lại cho mọi người trong gia đình cùng nghe.
Đó là vào những ngày cuối năm 1950 trong chiến dịch biên giới. Dịp ấy Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận chỉ huy và theo dõi sát sao cuộc chiến đấu của những người lính. Đội tôi vinh dự được đón tiếp Bác về khảo sát tình hình chiến địa.
Đêm đó, Bác cùng toàn thể anh em chiến sĩ chúng tôi cùng nhau nghỉ lại trong một cái lán dựng tạm giữa rừng. Ván chỉ là những thân gỗ mảnh được phủ lên bởi những mái lá được chúng tôi nhặt nhạnh sau những buổi đi rừng. Nó chỉ có tác dụng chắn cơn mưa phùn chứ không ngăn nổi những cái rét đêm rừng len lỏi. Sau một ngày hành quân mấy ki – lô – mét đường rừng, giấc ngủ đến với chúng tôi rất nhanh và gọn. Ai cũng ngủ thật say, như quên hết mọi sự đời. Vì vắt rừng cắn nên tôi chợt tỉnh dậy, giật mình thấy một bóng người ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Định hình nhìn kĩ lại, thì ra đó chính là Bác, Bác vẫn chưa ngủ. Lửa cháy rừng rực như muốn thiêu đốt hết cái giá rét của đêm rừng. Đôi mắt người nhìn sâu vào trong ánh lửa, mắt người còn phản chiếu ánh hồng ấy. Tôi không biết trong mắt người giờ là ánh lửa bập bùng hay ánh của lòng nhiệt thành đang lo nghĩ cho vận mệnh dân tộc. Bóng người cao lớn lồng lộng, bao trùm lên cả ngọn lửa, sửa ấm thêm cho mỗi người lính trong đêm dài.
Tôi len lén cất tiếng hỏi nhỏ:
– Thưa Bác, trời đã khuya lắm rồi, sao Bác vẫn chưa ngủ? Bác có cảm thấy lạnh lắm không ạ? Bác nên ngủ một lát để mai còn tiếp tục chặng đường hành quân.
Tôi thực sự đã rất lo cho Bác. Bác đã lớn tuổi, không ngủ thì sao có sức để mai tiếp tục hành quân. Lũ trẻ chúng tôi thì chẳng hề hấn gì, sức trẻ sẽ giúp chúng tôi tiếp tục tiến bước.
Bác hiền từ nhìn tôi đáp lại:
– Ừ! Chú cứ việc ngủ ngon đi. Để Bác thức, Bác ngủ không yên trong lòng. Bác đang nghĩ tới đoàn dân công không có chỗ ngủ, phải rải lá cây thay chiếu, lấy manh áo mỏng làm tấm chăn. Trời mưa lâm thâm như thế này, tránh làm sao cho người khỏi ướt? Giấc ngủ không ngon, làm sao những đồng chí ấy có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kháng chiến đây?
Nghe đến đây, tôi thấy khóe mắt mình cay cay. Bác ơi! Lòng Bác mênh mông quá. Thì ra đó là lí do Bác cứ mãi thao thức không ngủ được. Trước tình cảm to lớn đó, tôi cũng tỉnh hẳn ngủ. Bao cảm giác cứ xốn xang trong lòng tôi: rạo rực, xúc động. Tội vội lật trăn trở dậy, tiến đến bên Bác, ngồi cùng Bác. Đêm ấy, tôi đã thức cùng Bác, lặng ngắm mưa trời ngoài kia và ánh lửa trong này.
Tôi chợt hiểu, Bác thức vì Bác là Bác, Bác là cha, là lãnh tụ của dân tộc. Tấm lòng một lòng một dạ lo lắng cho dân tộc ấy không cho phép Bác ngủ, Bác còn lắm lỗi phải lo toan. Bác lo dân mình làm sao đánh được giặc Pháp, lo bữa cơm giấc ngủ của các đồng chí sao có thể ấm êm.
Câu chuyện tôi kể vừa kết thúc, bữa cơm trong gia đình chợt trầm xuống. Ai ai trong nhà mắt cũng rưng rưng vì cảm động. Tôi tin rằng trong mọi người đều hiểu chúng tôi có bữa cơm sum họp đầy đủ như ngày hôm nay là nhờ ơn Bác, ơn Đảng, ơn chính quyền và bao anh em đồng chí đã ngã xuống.
————————HẾT————————–
Trong chương trình Ngữ văn THCS, các em học sinh sẽ được củng cố và nâng cao hơn nữa về thể loại văn tự sự. Bởi vậy em cần chuẩn bị tốt các kiến thức và kĩ năng làm bài văn kể chuyện sao cho hay, hấp dẫn người đọc. Các em có thể học hỏi thêm một số cách kể chuyện trong các bài mẫu Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú (cảm động, buồn cười) em gặp ở trường; Kể lại những kỉ niệm ngày đầu đi học; Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ vui lòng; Kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với một con vật nuôi mà em yêu thích.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ke-lai-noi-dung-cau-chuyen-trong-bai-tho-co-tinh-chat-tu-su-theo-ngoi-ke-khac-nhau/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục