Đề bài: Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em
Bạn đang xem bài: Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em
Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em
I. Dàn ý Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về truyện cổ tích Tấm Cám
2. Thân bài:
* Hoàn cảnh, cuộc sống của hai chị em Tấm và Cám:
– Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ
– Tấm ngoan ngoãn chăm làm, thật thà, tốt bụng
– Cám ham chơi lười làm, mưu mô, độc ác
* Tấm và con cá bống:
– Tấm nuôi cá bống trong giếng nước
– Khi cá bống bị mẹ con cám ăn, nghe lời Bụt, Tấm đem xương cá bỏ vào hũ lại hóa thành những thứ đẹp đẽ để đi trẩy hội.
* Tấm đi xem hội và trở thành vợ Vua
– Nhờ bầy chim sẻ nhặt thóc và gạo giúp nên Tấm được đi xem hội
– Sau khi đi vừa giày của mình đánh rơi liền được làm vợ Vua
– Mẹ con Cám ghen ăn tức ở tính kế hãm hại Tấm
* Cái chết của Tấm và những lần hóa thân
– Tấm ngã cây cau chết nên Cám được vào cung thay thế chị làm vợ vua
– Tấm hóa thân nhiều lần: chim vàng anh, hai cây xoan đào, khung cửi, quả thị
* Sự trở về của Tấm và cái chết của mẹ con Cám
– Tấm hiện thân thành người, được vua đón lại về cung
– Cám vì ham hư vinh, chết vì lòng tham, mẹ Cám nghe tin con chết cũng chết theo
3. Kết bài:
Nêu suy nghĩ của em về truyện cổ tích Tấm Cám
II. Bài văn mẫu Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em
1. Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em, mẫu số 1 (Chuẩn)
Truyện cổ tích Tấm Cám chắc hẳn ai cũng đã từng đọc hoặc nghe đến ít nhất một lần. Câu chuyện tuy có nhiều yếu tố hoang đường, không có thật nhưng để lại cho chúng ta rất nhiều bài học vì thế vẫn được lưu truyền đến ngày hôm nay.
Tấm và Cám là hai chị em nhưng là cùng cha khác mẹ. Mẹ Cám chỉ biết quan tâm, lo lắng và chiều chuộng con gái mình, ngược lại luôn hành hạ, sai khiến và chửi mắng Tấm, bắt Tấm làm mọi việc trong nhà. Cả buổi chiều Tấm hì hụi lội bùn bắt được một giỏ đầy tép lại bị Cám cướp trắng chỉ còn lại một chú cá bống nhỏ. Đó là con cá bống mà bụt ban cho Tấm, Tấm đem cá về nuôi dưới giếng, hàng ngày cho cá ăn.
Một hôm hai mẹ con Cám đã lừa tấm làm thịt cá bống vứt tro vào bếp. Nhờ có Bụt mà Tấm tìm được đống xương cá trong tro bếp sau đó bỏ vào bốn cái lọ chôn dưới chân giường. Ngày nọ, vua cho mở hội linh đình, ai nấy đều sắm sửa đi trẩy hội, Tấm cũng muốn đi nhưng lại bị mụ dì ghẻ bắt ở nhà. Khi ấy bụt lại hiện lên, khiến đàn chim sẻ nhặt thóc và gạo thành hai đống khác nhau lại còn biến hóa đống xương cá thành áo lụa, giày thêu, ngựa và yên cương đẹp đẽ.
Tấm trên đường đi trẩy hội đã làm rơi chiếc giày, Vua nhặt được bèn ra lệnh nếu ai đi vừa chiếc giày này sẽ làm vợ vua. Vì chính là chiếc giày Tấm đánh rơi nên Tấm đã đi vừa nên trở thành vợ vua. Tuy nhiên ngay sau đó mẹ con Cám đã hại chết Tấm. Lừa Tấm trèo lên cây cau cao rồi chặt cây khiến Tấm chết. Về sau Tấm hóa thân thành nhiều thứ khác nhau để luôn được bên cạnh vua lại có thể trừng phạt mẹ con Cám. Lúc thì hóa thân thành con chim vàng anh hót bên cạnh nhà vua, lúc lại là hai cây xoan đào che mát, lúc là khung cửi và cuối cùng là quả thị.
Quả thị được bà lão hàng nước đem về để trong nhà, hàng ngày Tấm bước ra từ quả thị dọn dẹp nhà cửa nấu cơm cho bà lão, bà lão khi phát hiện ra Tấm liền không cho Tấm trở lại vào quả thị nữa. Nhờ miếng trầu têm của Tấm mà nhà vua phát hiện ra vợ mình sau đó đón Tấm trở về cung. Lần này Tấm về, Cám bèn xin cách làm sao lại càng trẻ đẹp ra như thế. Tấm liền chỉ cách tắm nước sôi, thế là Cám chết. Sau đó Tấm gửi lọ mắm về cho mụ dì ghẻ, mụ ta khi biết hũ mắm được làm từ con gái liền lăn ra chết.
Kết thúc chuyện chúng ta thấy Cám và mẹ Cám vẫn chưa chịu nhiều khổ đau bằng Tấm. Tuy nhiên chân lý “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” không bao giờ sai, làm người phải luôn nhớ gieo nhân nào sẽ gặp quả đó.
2. Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em, mẫu số 2 (Chuẩn)
Đọc truyện Tấm Cám chúng ta cảm nhận được đây không chỉ là một câu chuyện cổ tích đơn thuần. Đó còn là câu chuyện về hạnh phúc gia đình, đức tính con người, công bằng xã hội và cái thiện cái ác.
Ở làng nọ có hai chị em cùng cha khác mẹ, người chị tên Tấm hiền lành, hiếu thảo, chăm làm; người em tên Cám ham chơi, lười làm, xấu tính xấu nết. Hai chị em cùng phải đi bắt tép, ai bắt nhiều hơn sẽ có thưởng, Tấm chăm chỉ bắt được đầy một giỏ nhưng cuối cùng lại bị Cám cướp hết. Tấm chỉ biết khóc nhưng ở hiền sẽ gặp lành, Tấm đã được bụt giúp đỡ, bụt biến ra con cá bống trong giỏ của Tấm, Tấm đem về nuôi dưới giếng, mỗi lần cho ăn lại gọi vang:
“Bống bống bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”
Chẳng may mẹ con Cám đã thuộc câu gọi này, có lần họ lấy cơm ra gọi cá bống như thế và đã bắt được cá làm thịt ăn với nhau. Tấm khi đi chăn trâu về chẳng thấy cá bống đâu, sau khi được Bụt giúp đỡ chỉ tìm lại được nắm xương của cá. Những nắm xương cá được Tấm cho vào bốn cái lọ chôn dưới bốn chân giường.
Đến ngày vua mở hội, Tấm cũng muốn đi trẩy hội như bao người nhưng dì ghẻ vì không muốn cho Tấm đi nên đem thóc gạo đổ lẫn vào nhau, bắt Tấm nhặt riêng ra xong mới được đi. Lần này Bụt lại hiện lên, sai đàn chim sẻ nhặt thóc gạo cho Tấm, sau đó Tấm lại lấy ra từ bốn lọ xương cá nào là yếm lụa, giày thêu, yên cương lại cả một con ngựa đẹp. Tấm lên đường đi trẩy hội không may làm rơi một chiếc giày xuống hồ, khi vua đi ngang qua đây lại nhặt được giày của Tấm.
Nhìn chiếc giày nhỏ đẹp vua biết chắc đây là người con gái đẹp nên ra lệnh nếu ai đi vừa chiếc giày này vua sẽ cưới làm hoàng hậu. Tấm lên thử giày, giày vừa như in vì là cùng một đôi của Tấm, thế là trước sự ghen tức của mẹ con Cám, Tấm đã trở thành hoàng hậu. Trong một lần về giỗ cha, Tấm bị dì ghẻ hại chết nhằm đưa Cám vào cung thay Tấm. Tấm sau đó hiện thân thành chim vàng anh, thành cây xoan đào, khung cửi và quả thị. Cuối cùng bà lão hàng nước, người đã đem quả thị về nhà đã giúp tấm trở lại thành người. Hàng ngày Tấm têm trầu, phụ bà lão bán nước, một ngày vua đi ngang qua nhìn miếng trầu têm liền nhớ đến vợ, sau khi nhìn thấy Tấm liền đưa trở lại hoàng cung. Cám thấy Tấm trở về xinh đẹp hơn trước liền bất chấp nghe theo lời Tấm mà tắm nước sôi, kết cục là chết và bị làm thành mắm. Hũ mắm được gửi về nhà mụ dì ghẻ, ban đầu mụ ăn còn khen ngon, sau khi biết con gái chết cùng chết theo.
Những người độc ác, luôn bày mưu tính kế hại người như mẹ con Cám cuối cùng cũng phải nhận cái chết. Còn người tốt lương thiện như Tấm cuối cùng cũng được bình an và hạnh phúc.
3. Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám bằng lời văn của em, mẫu số 3 (Chuẩn)
Cứ ngỡ truyện cổ tích thường giống như thế giới phép màu đẹp đẽ như thiên đường. Thế nhưng cổ tích Việt Nam lại chân thực và mang tính giáo dục, nhận thức nhiều hơn. Và truyện Tấm Cám chính là một truyện cổ tích như thế.
Ở một nhà kia có hai chị em tên Tấm và Cám. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ hai. Bố mẹ Tấm đều mất sớm, Tấm phải ở chung hai mẹ con dì ghẻ. Tuy cùng được sai làm công việc bắt tép như nhau nhưng Tấm thì lội bùn khắp nơi xúc tép còn Cám chỉ ngồi trên bờ. Chờ cho Tấm bắt đầy một giỏ Cám liền lừa Tấm đi gội đầu rồi đổ hết tép vào giỏ của mình xách về nhà nhận thưởng của mẹ. Tấm mất hết cá nhưng lại được Bụt giúp đỡ cho con cá bống, Tấm nuôi cá dưới giếng, hàng ngày gọi lên cho ăn cơm. Đến một ngày mẹ con Cám gọi cá bống của Tấm lên rồi bắt làm thịt, vứt xương vào đống tro bếp. Tấm về gọi không thấy cá lại khóc, lúc này bụt giúp Tấm tìm lại xương cá, bày cho Tấm bỏ xương vào lọ chôn xuống đất sau này mở ra sẽ có thứ cần.
Nhà vua cho mở hội linh đình, khắp nơi mọi người kéo về kinh đô trẩy hội, Tấm rất muốn đi nhưng lại bị dì ghẻ trộn một đống thóc gạo lẫn lộn rồi bắt ngồi nhặt. May thay bụt lại hiện lên giúp đỡ, đàn chim sẻ đã nhặt thóc gạo giúp Tấm. Sau đó Tấm đào bốn lọ đựng xương dưới đất lên, mở ra toàn là áo yếm lụa, còn có cả ngựa, yên ngựa và đặc biệt là đôi giày thêu rất đẹp. Tấm bước lên ngựa đi về phía kinh đô, khi đi qua cầu thì bị rơi một chiếc giày. Lúc sau Vua nhặt được chiếc giày bèn sai lính đưa tin “tất cả đàn bà con gái nếu chân ai đi vừa chiếc giày này vua sẽ lấy làm vợ”.
Biết bao người thử không vừa, đến lượt Tấm thì vừa như in vì đó chính là giày Tấm làm rơi. Sau khi Tấm làm vợ vua có lần về giỗ cha liền bị dì ghẻ hại chết. Tấm chết nhưng lại hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị, vừa để bên cạnh vua vừa trông chừng Cám.
Tấm từ quả thị bước ra, nàng sống cùng bà lão bán nước. Tấm không chỉ dọn dẹp nhà cửa cho bà lại giúp bà têm trầu. Một lần tình cờ nhà vua đi ngang qua biết vợ mình chính là người têm trầu cho bà lão liền đón Tấm trở lại về cung. Sau khi Tấm trở về, Cám liền sinh lòng đố kỵ, muốn được xinh đẹp như chị, Tấm liền bày cách đào hố sâu rồi bào Cám xuống hố dội nước sôi lên, kết quả là Cám chết. Tấm đem xác Cám làm thành mắm gửi về cho dì ghẻ, mụ ta sau khi ăn gần hết hũ mắm mới nhận ra chính là con gái mình liền lăn đùng ra chết.
Truyện cổ tích Tấm Cám khuyên răn con người ta nên sống lương thiện và nhân ái, không nên ghen ghét đố kỵ và hãm hại người khác.
——————–HẾT———————–
Từ các bài văn mẫu kể chuyện trên, các em hoàn toàn có thể kể lại một số truyện khác như Kể lại truyện cổ tích Thạch Sanh bằng lời văn của em, Kể lại truyện cổ tích Sọ dừa bằng lời văn của em, Kể lại truyện Tấm Cám theo lời của nhân vật Tấm, Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt bằng lời văn của em. Hãy tự tin thể hiện chất giọng văn kể của mình qua các tác phẩm truyện nhé.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ke-lai-truyen-co-tich-tam-cam-bang-loi-van-cua-em/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục