Giáo dục

Kể một chuyện vui sinh hoạt

Đề bài: Kể một chuyện vui sinh hoạt

ke mot chuyen vui sinh hoat

Bạn đang xem bài: Kể một chuyện vui sinh hoạt

Bài văn Kể một chuyện vui sinh hoạt

Bài làm:

Tuổi thơ, ai cũng có những chuyện vui, những chuyện phiêu lưu bình dị nhưng thật thú vị. Em cũng có một chuyện vui muốn kể cho mọi người nghe. Đó là câu chuyện xảy ra vào mùa hè vừa qua.

Số là đầu hè, ba mẹ em bảo: “Năm nay cho hai chị em con về quê ngoại chơi. Dì Ba và cậu Năm cũng cho thằng Tí, thằng Tèo về. Mấy anh em gặp nhau tha hồ vui. Với lại, các con có dịp hòa mình với thiên nhiên, tăng cường sức khỏe và sảng khoái tinh thần nhé!”. Nghe ba nói thế, em thích lắm. Vì quê ngoại em ở Long An, nơi đó có dòng sông Vàm Cỏ Đông đầy tôm cá, những cánh đồng lúa xanh mướt mắt. Nhà ông bà ngoại lại có một cái ao nuôi cá khá to, đối với chúng em, đó là một thế giới sống động với bao loài vật kỳ lạ và những trò chơi thú vị.

Về quê ngày hôm trước, hôm sau, thằng Tí và thằng Tèo rủ hai chị em: “Ê, tụi mình làm cái bè chuối để thám hiểm ao đi. Em thấy mấy cây chuối mà ông ngoại chặt ngày hôm qua còn để trên bờ ao kìa. Mình đóng vào rồi thả xuống ao, chèo đi chơi như Rô-bin-sơn í”. Nghe bọn nó nói, em thích quá, nhất trí liền. Thế là cả buổi chiều hôm đó, chúng em hì hục đóng hai cây tầm vông vạt nhọn qua các thân chuối để làm thành bè.

Thằng Tí, thằng Tèo sức vóc cao hơn hai chị em em nên đóng vai trò tích cực nhất. Nhưng thân chuối coi vậy mà cứng, từ chỗ định đóng bè bằng năm thân chuối, chúng em chỉ có thể đóng được ba thân chuối thành bè. Ông bà ngoại thấy chúng em cứ hì hục mãi thì hỏi: “Các con làm gì ngoài bờ ao thế?”. Em trả lời: “Dạ, chúng con chơi trốn tìm”. Ông bà nghe vậy cũng không hỏi nữa, vì ông bà biết chúng em đều bơi lội khá giỏi (chúng em được bố mẹ cho học bơi suốt các mùa hè trước), nên cũng không lo nghĩ lắm. Thế là kế hoạch phiêu lưu của chúng em chẳng ai phát hiện ra.

Ngày hạ thủy chiếc bè chuối đã định, đó là ngày Chủ nhật, khi cả ông bà em đều đi đám cưới ở xóm bên. Nhà vắng người lớn, bốn đứa trẻ chúng em hì hục đẩy chiếc bè xuống nước. Chao ôi, chỉ ba cây chuối thôi, nhưng cái bè nặng quá. Em nghĩ ra cách dùng đòn bẩy mới đưa được nó xuống. “Ùm!”- cái bè chuối rơi xuống ao, rồi nổi lên trong tiếng reo hò của bốn đứa trẻ. Thằng Tèo cột sợi dây neo (cũng bằng dây chuối) vào cái bến bên bờ ao, rồi trịnh trọng khoát cánh tay về phía em: “Mời chị Hai thuyền trưởng lên tàu, rồi chúng em lên theo!”. Em loay hoay leo lên chiếc bè, tay chống cây sào tre tạm mượn của ông nội, nhưng “chủm” một cái, bè chuối nghiêng chìm sang một bên, em rơi xuống nước, ướt hết quần áo, lóp ngóp lội vào, trèo lên bến. Đến lượt thằng Tí, thằng Tèo và con Út, kết quả đều như thế. Hóa ra, chiếc bè chuối quá nhỏ, không thể chở nổi bất cứ đứa nào trong bốn chúng em. Thế là giấc mơ Rô-bin-sơn khám phá đảo hoang hoàn toàn tan vỡ. Chúng em buồn thiu, cũng chẳng thể lôi được cái bè lên bờ. Thằng Tí tiện chân đẩy vèo một cái, bè chuối lao đi rồi tấp vào bụi dừa nước bên bờ ao, chẳng có vẻ gì lưu luyến mấy nhà thám hiểm nửa mùa chúng em.

Chúng em quên nhanh câu chuyện bè chuối. Vì có biết bao nhiêu trò vui của mùa hè quê ngoại: nào là bắt dế, câu cá, cuốn lá dừa nước thành kèn thổi đành trận giả… Cho đến tối hôm qua, bà ngoại từ bờ ao vào băn khoăn nói với ông: “Ông này, cái ao cá của mình sao có mùi hơi lạ, tôi tìm mãi không thấy con gì chết! Lạ quá”. Ông ngoại bảo: “Để sáng tôi coi xem sao”.

Sáng ra, ông ngoại tìm một lúc thì phát hiện ra cái bè chuối thối rữa. Ông biết ngay thủ phạm không ai khác ngoài đám cháu “nhất quỷ nhì ma” của ông bà. Ông gọi cả đám lại, nghiêm mặt bảo: “Mấy đứa đóng cái bè chuối này làm gì, suýt nữa khiến cho đàn cá của ông bị ốm bệnh”. Em cúi gằm mặt, lí nhí đáp: “Dạ, tụi con tính… tính đi thám hiểm bằng cái bè chuối…”. Im lặng một lát, em lén nhìn lên thì thấy ông ngoại như muốn nín cười, mắt ông ánh lên tia nhìn vui vẻ. Rồi ông bảo: “Thám hiểm cái gì được với ba cây chuối. Lần sau, muốn làm gì mà mình chưa biết thì phải hỏi ông bà, để ông bà hướng dẫn cho. Các cháu làm bừa như thế, không được việc, có khi còn xảy ra điều gì nguy hiểm thì sao. Từ giờ, nhớ là làm gì cũng phải xin phép người lớn, nghe không?”. “Dạ!”- Bốn cái miệng không hẹn mà gặp cùng lúc cất lên đáp lời ông ngoại.

Chiều hôm đó, ông ngoại cùng cậu Tư lội xuống ao, lôi cái bè chuối lên bờ. Rồi ông đẩy chiếc xuống của nhà xuống, chở chúng em đi vòng quanh ao vớt rong rêu, xem đàn cá của ông đớp mồi. Tiếng cười sảng khoái của mấy ông cháu khiến cho mặt ao vang động niềm vui.

Câu chuyện của chúng em là như vậy đấy. Và lời khuyên nhẹ nhàng của ông ngoại mà lại đi sâu vào trí óc ngây thơ của chúng em, khiến chúng em nhớ mãi. Quê ngoại thân yêu vẫn đẹp mãi trong tâm trí em cùng những chuyện vui buồn của tuổi ấu thơ.

————————-HẾT—————————

Cùng với bài Kể một chuyện vui sinh hoạt , để hoàn thành tốt bài tập làm văn số 3, lớp 6 các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu đặc sắc khác như: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ, Kể về người bạn mới quen, Kể về một cuộc gặp gỡ, Kể về những đổi mới ở quê em.
 
 

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ke-mot-chuyen-vui-sinh-hoat/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button