Một số cách kết bài cho bài Phân tích/ cảm nhận tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông
Kết bài tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông
Bạn đang xem bài: Kết bài tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông
1. Kết bài số1:
Tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là hành trình tìm về với cội nguồn của tên gọi, là chuyến phiêu lưu khám phá vẻ đẹp của dòng sông Hương trong bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất xứ Huế, trong dòng chảy truyền thống chung của cả dân tộc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Qua bài tùy bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ phát hiện, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế qua hình tượng dòng sông Hương mà còn khẳng định mối quan hệ gắn bó của sông Hương với con người xứ Huế, nhà văn cũng kín đáo thể hiện tình yêu với sông Hương, với vẻ đẹp non sông gấm vóc của đất nước.
2. Kết bài số 2:
Bằng tình yêu, sự gắn bó của một con người dành tình yêu đặc biệt cho dòng sông Hương, cho xứ Huế mộng mơ cùng một trái tim nhạy cảm, một cái tôi tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mang đến hình ảnh thật đẹp về dòng Hương giang. Sông Hương trong trang tùy bút của nhà văn không chỉ được phác họa qua những dáng vẻ, đường nét cụ thể mà còn được nhân hóa, phân tích để trở thành một sinh thể có sự sống, linh hồn riêng. Dòng sông ấy không chỉ tĩnh lặng với dòng chảy hiền hòa mà còn trở thành “bà mẹ phù sa”, chứng nhân cho những đổi thay của lịch sử, nghĩa là dòng sông ấy không chỉ được nhìn nhận trong mối quan hệ với tự nhiên mà còn được cảm nhận trong mối tương quan gắn bó với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.
3. Kết bài số 3:
Nhà thơ người Nga I. Ê-ren-bua đã từng viết rằng: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành tình yêu tổ quốc”. Câu nói này vô cùng phù hợp với trường hợp của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bằng tình yêu, sự gắn bó với dòng sông Hương, với mảnh đất xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ đơn giản dựng lên một bức tranh đẹp đẽ về dòng Hương giang với tất cả nét thơ mộng, thủy chung mà xa hơn đó chính là biểu hiện của tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước và cả lòng tự hào, say mê trước vẻ đẹp của non sông gấm vóc quê hương.
4. Kết bài số 4:
Tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực về dòng sông Hương trên phương diện hình ảnh, đường nét, đặc điểm thông thường, bằng tình cảm gắn bó, sự nhạy cảm trong cảm nhận, tinh tế trong biểu hiện, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn làm bừng sáng vẻ đẹp của dòng sông Hương trong chiều sâu của văn hóa, lịch sử. Đó là biểu hiện của một cái tôi trí tuệ, am hiểu, giàu tình thương, sự gắn bó với vùng đất, con người xứ Huế, đúng như ai đó từng nhận định: “Kí Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa giàu chất trí tuệ, vừa giàu chất thơ, nội dung thông tin về văn hóa lịch sử rất phong phú”.
—————————–
Cùng với hướng dẫn xây dựng Kết bài tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông, chúng tôi còn giới thiệu đến các em một số mẫu kết bài khác trong tuyển tập Những bài văn hay lớp 12 như: Kết bài bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm; Kết bài bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng; Kết bài tùy bút Người lái đò sông Đà và Kết bài Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, các em nhớ đón đọc.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/ket-bai-tuy-but-ai-da-dat-ten-cho-dong-song/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục