Đề bài: Nghị luận về câu nói: Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại
Bạn đang xem bài: Nghị luận về câu nói: Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại
Nghị luận về câu nói: Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại
I. Dàn ý Nghị luận về câu nói: Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về vấn đề
2. Thân bài:
a. Giải thích:
– Lối sống “chỉ sống vì mình” là lối sống ích kỉ, cá nhân, không quan tâm người khác.
– “Người thừa”: là người không ai cần tới
– Câu nói muốn nói rằng nếu như chỉ biết sống vì bản thân mình, sống ích kỉ thì sẽ trở nên cô độc, lạc lõng trong cuộc sống chung.
b. Nguyên nhân:
– Do gia đình: xuất phát từ những gia đình con một hoặc trọng nam khinh nữ. Chiều chuộng con cái đến mức chúng luôn làm theo ý mình và không bao giờ để ý đến người khác
– Do môi trường: Gặp vấn đề trong cuộc sống, mất niềm tin, khép mình.
– Do cá tính, bản thân: chiếm số nhỏ, ngay từ khi còn nhỏ đã có những biểu hiện của lối sống ích kỉ
– Dẫn chứng: Vụ nhà máy bột ngọt Vedan xả thải ra sông Thị Vải
c. Tác hại:
– Mọi người xa lánh, trở thành một kẻ lạc loài
– Bị xã hội kì thị, khinh miệt, không có bạn bè, tình yêu
d. Biện pháp:
– Mở rộng lòng đón nhận những mối quan hệ mới
– Luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác
– Sống chân thành, yêu thương và lạc quan.
đ. Thực trạng:
– Giới trẻ đang theo lối sống thực dụng, ích kỉ. sống buông thả bản thân và cho đó là đúng.
3. Kết bài:
– Lối sống ích kỉ là một lối sống đáng lên án
II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại (Chuẩn)
Tố Hữu từng nói rằng: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, đây là câu nói thể hiện quan điểm sống của ông, sống tức là cống hiến, là cho đi, như một dòng sông bao giờ cũng chảy ra biển, cũng tỏa ra nhiều nhánh. Cách sống, nhân cách sống ở đời của mỗi con người là điều mà ai cũng trăn trở. Không phải ai sinh ra cũng là những kẻ tàn bạo, là một kẻ ác nhân, ích kỉ và xấu xa, thế nhưng, khi chúng ta lớn lên, những lợi ích xung quanh thay đổi, chúng ta sẽ lựa chọn cách sống như thế nào cho riêng mình? Có nên ích kỉ, toan tính vì cái lợi riêng của mình? Liệu lối sống với suy nghĩ ích kỉ như thế có làm con người ta trở nên giàu có và tốt đẹp hơn chăng? Hay là: Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại?
Mỗi mối quan hệ chúng ta có ở kiếp này theo Phật dạy là duyên phận từ kiếp trước. Năm trăm lần ngoái đầu ở kiếp trước mới đổi được một lần gặp mặt ở kiếp này. Thế nhưng để tiếp tục giữ được mối nhân duyên đó trở nên tốt đẹp hoặc lụi tàn là do cách mà chúng ta đối xử với nhau. Vậy câu nói “Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại” có đúng hay không ở trong xã hội này? Khi mà con người đã qua cái thời kì sống theo bản năng tự nhiên “ăn nông ở lỗ”, qua giai đoạn mà cái đói hành hạ, vật vạ họ từng ngày và con người đang dần hướng tới một cuộc sống đầy đủ cả vật chất và tinh thần, văn minh, tiên tiến hơn?
Lối sống “chỉ sống vì mình” có thể hiểu ở đây là lối sống ích kỉ, cá nhân, tư tưởng thực dụng, không quan tâm tới người khác. Còn “người thừa” tức là thừa thãi, không ai cần tới, không ai đoái hoài, quan tâm. Hai khái niệm này tưởng chừng như không liên quan mà lại gần gũi và bổ sung ý nghĩa cho nhau. Câu nói tưởng chừng như chỉ là một lời buột miệng nhưng thực ra lại là một quan điểm vô cùng đúng đắn ở xã hội hiện nay. Lối sống ích kỉ đang dần len lỏi vào bên trong mỗi con người, nhưng nếu chỉ biết sống vì bản thân mình mà không biết đến người khác thì sớm muộn cũng chỉ là những kẻ sống ở bên ngoài xã hội mà thôi, sẽ chẳng ai quan tâm hay yêu thương những con người như thế!
Một con người tồn tại rất nhiều mối quan hệ: tình bạn. tình yêu, tình thân, … Nhưng dù là tình cảm gì thì tất cả đều phải dựa trên sự chân thành, yêu thương, cho đi và nhận lại. Vậy lối sống ích kỷ “chỉ vì minh” bắt nguồn từ đâu? Có hai nguồn nguyên do để bắt đầu cho lối sống ích kỉ, một là môi trường và sự giáo dục, hai là do cá tính, bản thân.
Nguyên do đầu tiên, bạn có thể nhìn vào những gia đình “con một” hay những gia đình với tư tưởng trọng nam khinh nữ! Những đứa trẻ được nuôi lớn trong sự yêu thương, chiều chuộng của gia đình, bố mẹ. Chúng có thể đạt được bất cứ thứ gì mà chúng thích, chỉ cần không có được sẽ là sự nhõng nhẽo, khóc lóc, mè nheo. Từ đó, chúng hình thành lối sống “mình là nhất”, không ai có thể từ chối hay được phép làm trái ý chúng. Đó là nguyên nhân hình thành nên lối sống ích kỉ của một số thanh thiếu niên hiện nay. Ngoài ra còn là do sự thu vén lợi ích cá nhân, chỉ quan tâm tới những lợi ích của mình mà quên đi những người khác. Bằng mọi giá, họ phải đạt được mục tiêu của mình mà không cần quan tâm đến ai, người nào. Những ai cản đường họ đều bị gạt ra khỏi tầm mắt. Điển hình là vụ việc của nhà máy bột ngọt Vedan xảy ra năm 2008. Nhà máy này đã xả chất thải không qua xử lý ra sông Thị Vải khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề, gây ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng tới những người dân trong vùng. Những chất thải mà họ thải ra vượt ngưỡng cho phép tới 10 lần với lượng khoảng 5000m3/ ngày. Điều này đã gây mất cân bằng sinh thái, gây nên bệnh tật cho người dân xung quanh. Họ – những người đã quyết định xả thải ra môi trường đã vì những lợi ích của cá nhân mà khiến cho hàng trăm ngàn những hộ dân gần công ty phải sống trong ô nhiễm. Đó là sự ích kỉ, sự thu vén lợi ích chỉ biết tới bản thân mình. Họ là những kẻ “chỉ biết sống vì bản thân mình” và cái giá phải trả là sự tẩy chay từ người tiêu dùng. Họ đã tự biến mình thành “người thừa” trong xã hội.
Nguyên nhân thứ hai là do cá tính, bản thân. Cổ nhân thường nói “nhân chi sơ, tính bản thiện”, thế nhưng không phải ai sinh ra cũng giữ cho mình sự thiện lương vốn có. Cái tôi to lớn có thể là nguyên nhân gây nên bản tính ích kỉ. Họ “bo bo” giữ cho mình, lúc nào cũng tự coi mình là “nhất”, mọi người đều phải phục tùng. Đó là nguyên do của sự ích kỉ, và chắc chắn rằng họ – những người với lối sống cá nhân hoá sẽ sớm trở thành những “người thừa” của xã hội!
Lối sống ích kỉ có thể gây nên rất nhiều tác hại to lớn mà một trong số đó là sự bài trù, bài xích của xã hội. Mỗi con người đều được sinh ra với một vai trò, một mục đích trong xã hội, nhưng lối sống ích kỉ có thể giết chết đi những mối quan hệ, những tình bạn, tình yêu, tình làng nghĩa xóm. Với lối sống “Của mình thì giữ bo bo, của người thì cho bò nó ăn” sẽ biến những con người đó trở thành những “kẻ thừa” của xã hội. Họ chỉ là đang “tồn tại” chứ không phải sống. Họ bị khinh miệt, xa lánh, dần dần sẽ trở nên cô lập, ảnh hưởng tới tinh thần, sức khoẻ của chính họ. Xã hội là sự trao đổi giữa người và người, nếu chỉ sống một mình thì sẽ không còn là xã hội nữa. Con người thiếu đi sự giao tiếp, giao cảm thì cũng chỉ là những “xác chết” giữa cuộc đời. Hãy thử tưởng tượng nếu cha ông chúng ta cũng sống lối sống đó, cũng chỉ biết ích kỉ vì bản thân mình thì liệu chúng ta có được nền độc lập như ngày hôm nay hay có được những chiến công hiển hách, “vang dội năm châu, chấn động địa cầu” hay chăng?
Thế nhưng, không gì là không thể sửa chữa. Tính ích kỉ cũng vậy, cũng có những cách chữa trị căn bệnh này hiệu quả. Mỗi người phải tự học cách hoàn thiện bản thân mình. Ai cũng có cái tôi, thế nhưng, cái tôi phải đặt đúng chỗ, đúng hướng thì mới có được hiệu quả. Hãy tự tập cho mình cách lắng nghe người khác, hãy chú ý tới những hành vi của mình để xem bạn đối xử với người khác đã đủ tử tế hay chưa. Hãy đến với người khác bằng sự chân thành, chia sẻ, yêu thương và quan tâm, thay thế những ghen tị bằng sự hài lòng và vui vẻ. Bạn sẽ thấy cuộc đời sang một trang mới, lạc quan và vui tươi hơn rất nhiều. Đẻ làm được những điều đó thì lòng quyết tâm là không thể thiếu!
Ngày nay, xã hội phát triển, lối sống thực dụng, ích kỷ đã được một số bạn trẻ “hưởng ứng” rất nhiệt tình. Bởi họ cho rằng “đời chỉ sống có một lần” thì phải sống vì bản thân mình, không cần quan tâm tới suy nghĩ của người khác. Từ đó, lối sống vô văn hoá, “ngủ ngày cày đêm”, buông thả phát triển ngày càng mạnh mẽ. Họ nghĩ rằng điều đó là đúng đắn, là chân lý. Nhưng các bạn không hiểu rằng sống “sâu”, sống sao cho có ý nghĩa mới là một cuộc sống đích thực. Còn lối sống các bạn đang lựa chọn chẳng qua là sự ích kỉ, muốn sống cho riêng bản thân mình từ đó gây nên những hệ luỵ vô cùng xấu sau này.
Liệt sĩ, nữ bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã từng viết thế này trong nhật ký của mình: “Đời người chỉ sống của một lần. Phải sống làm sao để không sống hoài sống phí”. Phải, đời người chỉ có một, sống ích kỉ, “chỉ vì mình” cũng là một lựa chọn. Vậy tại sao không hoà chung với xã hội để tạo nên những giá trị cho bản thân mình, để giúp ích cho non sông? Đừng trở thành những “kẻ thừa” của xã hội, hãy trở thành “phiên bản” tốt nhất của chính mình, để tạo nên những giá trị ý nghĩa cho gia đình và xã hội.
—————–HẾT—————-
Không chỉ riêng câu nói đó, chúng ta còn rất nhiều các câu nói khác khuyên răn về lối sống ích kỉ. Cùng tham khảo các bài viết khác như Nghị luận về câu nói Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, Nghị luận xã hội 200 chữ về việc chấp nhận sự khác biệt trong cuộc sống, Nghị luận xã hội 200 chữ về ý nghĩa của sự thay đổi bản thân.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-ve-cau-noi-khi-nguoi-chi-song-vi-minh-thi-tro-thanh-nguoi-thua-voi-nhung-nguoi-con-lai/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục