Giáo dục

Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật

Đề bài: Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật

nghi luan ve cau noi tho truoc het la cuoc doi sau do moi la nghe thuat

Bạn đang xem bài: Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật

Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật
 

I. Dàn ý Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật (Chuẩn)

1. Mở bài

Dẫn dắt và trích dẫn câu nói cần nghị luận, nêu vấn đề nghị luận: Giá trị của thơ

2. Thân bài

– Giải thích ý nghĩa câu nói: Vai trò của cuộc đời với thơ ca, giá trị của thơ ca là cả nội dung và hình thức nghệ thuật

– Thơ trước hết là cuộc đời
+ Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn chương là gắn bó sâu sắc với cuộc sống và vì cuộc sống – giá trị nhân đạo…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật tại đây

 

II. Bài văn mẫu nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật (Chuẩn)

Giống như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, văn chương cũng có sứ mệnh của riêng mình. Đánh giá về sứ mệnh văn chương chân chính, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định “Văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có”. Truyện hay thơ cũng như vậy, sứ mệnh của nó là nghệ thuật vị nhân sinh. Chính vì thế, nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã viết “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.

Câu nói của Bêlinxki có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Thơ là những tác phẩm văn học được cấu trúc bởi thanh điệu, vần, các hình ảnh, cảm xúc của người sáng tác… Cuộc đời là tất cả những gì chân thật nhất xảy ra đối với chúng ta mỗi ngày, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Còn nghệ thuật thường dùng để miêu tả cái đẹp, đẹp hình thức và cả tâm hồn. Nói “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”, Bêlinxki muốn khẳng định vai trò của cuộc đời với thơ ca nói riêng, với văn chương nói chung. Từ đó, khẳng định giá trị chân chính của thơ ca – “nghệ thuật vị nhân sinh” rồi mới “vị nghệ thuật”. Thơ trước hết phải vì con người, vì cuộc đời, vì hiện thực rồi mới là nghệ thuật.

Đó là ý kiến đúng đắn khi đánh giá về thơ. Vì sao lại nói như thế? Bởi lẽ thơ là thể loại đặc trưng của văn học, mà một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn học là gắn bó sâu sắc với cuộc sống, với cuộc đời và vì cuộc đời. Từ những chất liệu cấu thành tác phẩm đến nội dung tư tưởng gửi gắm trong tác phẩm đều khởi nguồn từ hiện thực cuộc sống, truyền tải bằng con đường tiếp nhận từ tác giả đến độc giả và quay trở lại với cuộc đời, góp phần kiến tạo những giá trị cuộc đời.

Thơ ca thường được nhớ đến với cảm xúc, tình cảm được kết tinh bởi những rung động của người sáng tác. Nhưng, những rung động đó khởi nguồn từ đâu? Câu trả lời là cuộc đời. Nhà thơ hòa mình với cuộc sống, họ đứng giữa muôn dòng chảy cuộc đời và khám phá bằng đôi mắt tinh tế của mình, cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm trước mọi biến động. Họ vốn là những người dễ rung cảm, trăn trở và suy tư về cuộc đời, cảm nhận cuộc đời bằng tất cả giác quan. Những chất liệu bình thường của cuộc sống xuyên qua lăng kính tâm hồn nhà thơ, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác. Đó có thể chỉ là một sự vật nhỏ bé như chiếc lá, nhành hoa, cũng có thể là khoảnh khắc giao mùa trong năm. Nhà thơ thả hồn mình giữa những bước đi của thời gian, tinh tế phát hiện ra vẻ đẹp thi vị của chúng:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Như người dưng qua đường”

(Trích “Sang thu” – Hữu Thỉnh)

Chỉ là những đổi thay mờ nhạt của cảnh vật khoảnh khắc chớm thu, nhưng qua tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, những đổi thay ấy lại có thể khiến trái tim người động rung động.

Cuộc đời trong thơ cũng có khi là những hoài niệm đã qua vẫn còn ảnh hưởng đến thực tại và góp phần xây đắp thực tại. Giống như nỗi nhớ của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến”:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Những tháng năm chiến đấu gian khổ đã qua đi, nhưng bằng những vần thơ ấy, bằng tình cảm của nhà thơ, thế hệ bạn đọc mai sau đều phần nào cảm nhận được những gian lao và mất mát của lịch sử, biết ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống, biết trân trọng cuộc sống hôm nay. “Nghệ thuật vị nhân sinh” là ở đó, thơ ca vì cuộc đời là ở đó.

“Văn học là nhân học” (M.Gorki), nâng niu những giá trị tốt đẹp ở đời bằng những tình cảm, cảm xúc chân thực nhất. Bởi lẽ, cuộc đời không chỉ là cuộc sống của những người xung quanh mà còn là chính cuộc đời tác giả. Họ đi qua những thăng trầm, vượt qua những biến động rồi sáng tác thành những bài thơ viết về chính thăng trầm cuộc đời mình. Ví dụ như Tố Hữu trong “Việt Bắc” với những lưu luyến chia xa và ân tình thủy chung với mảnh đất, con người mà mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Hay Nguyễn Khoa Điềm với bao yêu mến và tự hào về “Đất Nước của Nhân Dân” “Đất Nước của ca dao thần thoại” trong bài thơ Đất Nước. Giá trị đích thực của thơ suy cho cùng chính là những giá trị nhân văn cao quý đó.

Thơ trước hết là cuộc đời, rồi, sau đó thơ là nghệ thuật. Nếu thơ chỉ là cuộc đời, nó sẽ mãi là những chất liệu thô sơ, bình thường, giống như viên ngọc chưa được mài giũa. Nhà thơ là những người nghệ sĩ góp nhặt, chọn lựa những chất liệu có giá trị bằng những rung cảm của tâm hồn mình rồi sử dụng tài năng để biến nó thành chất liệu nghệ thuật. Với những công cụ như biện pháp nghệ thuật, những hình ảnh biểu tượng, nhịp điệu…, nhà thơ sáng tạo nên những bài thơ có vần có nhịp và dạt dào cảm xúc. Thơ sẽ không được gọi là thơ nếu không có nhịp điệu, không có cảm xúc hay thanh vần. Một cành củi khô sẽ không bao giờ mang chất thơ nếu như Huy Cận không thổi hồn cho nó:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

( Trích “Tràng giang”)

Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thông, giọng điệu tâm tình để viết lên khúc tình ca “Việt Bắc”. Nguyễn Khoa Điềm thì sử dụng thể thơ tự do, điệp từ điệp ngữ và chất liệu dân gian để làm sáng tạo lên Đất Nước của nền thơ ca dân tộc. Nghệ thuật bởi lẽ đó chính là cái đẹp của thi ca được nuôi dưỡng trên mảnh đất hiện thực.

Câu nói của nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã đem đến rất nhiều giá trị sâu sắc. Ông đã khẳng định giá trị chân chính của thơ ca và những yêu cầu của tác phẩm nghệ thuật thơ rằng “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Từ đó dường như cũng muốn gửi lời nhắn đến những nhà thơ – những người nghệ sĩ có sứ mệnh sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật thơ ca. Để tạo ra một bài thơ có giá trị chân chính, không thể xa rời cuộc đời, cũng không thể bỏ qua những công đoạn mài giũa, sáng tạo. Vừa gắn bó với cuộc đời vừa thổi vào tác phẩm những giá trị nghệ thuật mới có thể tạo ra những bài thơ thực sự.

Mỗi bài thơ đều là một kiệt tác nghệ thuật của một người nghệ sĩ chân chính. Nó không chỉ gửi gắm tấm lòng, truyền tải rung động mà còn ghi lại những dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Chính vì thế, khi tiếp nhận các tác phẩm văn học, độc giả cần có thái độ chân thành và trân trọng những viên ngọc quý đã được mài giũa bằng tài và tâm của một con người.

———————–HẾT———————-

Hiện thực cuộc sống chính là chất liệu phong phú và giá trị nhất cho mỗi sáng tác thơ ca, bởi vậy có thể nói Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Thơ ca và cuộc sống có mối quan hệ mật thiết, khám phá mối quan hệ này, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em có thể tìm hiểu thêm: Nghị luận về văn học Vai trò quan trọng của tình cảm trong thơ hay bài  Nghị luận về Văn học và Tình thương tai Thuthuat.Taimienphi.vn.

tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-ve-cau-noi-tho-truoc-het-la-cuoc-doi-sau-do-moi-la-nghe-thuat/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button