Đề bài: Nghị luận về câu nói: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch…”
Bạn đang xem bài: Nghị luận về câu nói: Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực…
Nghị luận về câu nói Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực
I. Dàn ý Nghị luận về câu nói Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực (Chuẩn)
1. Mở bài
– Dẫn dắt vào vấn đề.
2. Thân bài
a. Giải thích câu nói:
– “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực” bởi nó chứa đựng những nội dung mang sức ảnh hưởng to lớn, với những giá trị tinh thần dày dặn.
→ Nó giúp con người thay đổi thế giới một cách hiệu quả, không cần phải đụng đến đao kiếm, súng đạn, nó tác động sâu sắc đến thế giới nội tâm, rồi thay đổi tư duy và hành động một cách mạnh mẽ và tự nguyện.
– Câu nói nhấn mạnh hai vai trò chính của văn chương là thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của loài người. Đồng thời cũng là nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng, vun đắp, gột rửa nhân cách đạo đức của từng cá nhân cho thêm phần trong sạch, thanh cao.
=> Khẳng định câu nói của Thạch Lam là đúng đắn.
b. Bàn luận:
* Văn chương tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, phản ánh sâu sát hiện thực và khách quan những sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống từ lớn tới nhỏ.
– Văn chương đã thay mặt nhân dân để tố cáo, phê phán những bất công, sự tàn ác, những sự thật mà kẻ thù muốn bịp bợm che giấu một cách rõ ràng và chân thực bằng ngòi bút sắc bén có tính đả kích mạnh mẽ. Nêu ví dụ.
– Văn chương ra đời không chỉ để phê phán hay lên án mà quan trọng hơn và là mục đích cuối cùng đó là người làm văn muốn thay đổi thế giới, muốn thức tỉnh con người đứng lên đấu tranh giành lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, đánh đuổi cái ác, cái xấu đang hoành hành ngự trị. Ví dụ một số tác phẩm nổi bật.
* Văn chương là làm cho tâm hồn con người trở nên trong sạch và phong phú hơn.
– Củng cố thêm lòng yêu quê hương đất nước, nhận thức rõ về tầm quan trọng của gia đình, rồi càng thêm yêu và trân trọng cuộc sống tốt đẹp trước mắt.
– Ám thị cho người đọc cái cách đối nhân xử thế, dạy cho ta, hun đúc cho ta những phẩm chất tốt đẹp như đức tính nhân hậu bao dung.
– Sự chỉnh chu trong tác phong làm việc, cách sống lối suy nghĩ, khuyến khích động viên mỗi con người lòng yêu quê hương xứ sở, yêu con người, tinh thần tự tôn dân tộc, lối sống ân tình trọn nghĩa, thủy chung với Cách mạng,…
– Nêu dẫn chứng.
c. Đánh giá:
– Câu nói của Thạch Lam đã phản ánh đúng bản chất và vai trò của văn chương trong cuộc sống, nhưng đồng thời cũng mở ra một vấn đề mới về cung cách làm văn.
– Văn chương không cần tìm ra một người thợ khéo tay, mà cần tìm một người có sức sáng tạo, biết tìm tòi thứ khác biệt, như Thạch Lam nói “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu chính chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”.
3. Kết bài
– Nêu cảm nghĩ cá nhân.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực (Chuẩn)
Để viết ra một tác phẩm hay đã khó, viết ra một tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng càng khó hơn. Thanh niên ngày nay ít đọc sách, vào vài năm trở lại đây điều ấy có phần nào được cải thiện, nhưng cải thiện bởi cái gọi là “phong trào” đọc sách, điều ấy vừa mang tính tích cực, và cũng lại có những góc tối khiến chúng ta phải băn khoăn. Đọc sách là tốt, ai cũng nghĩ vậy, thế nhưng có ai từng nghĩ thứ văn chương mà chúng ta, hay giới trẻ đang đọc là gì. Đó có thực là những cuốn sách mang giá trị nhân văn sâu sắc, đáng để đọc, để suy ngẫm hay chỉ là thứ văn chương giả dối bịp bợm, hại người, được viết sơ sài cả về nội dung, lẫn hình thức? Giữa những băn khoăn, trăn trở ấy, tôi bỗng nhớ lại một lời bình rất hay và sâu sắc của Thạch Lam rằng: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch…”. Mặc dù chỉ là nửa ý trong câu nói rất dài của tác giả thế nhưng người ta cũng thấy được tầm tư duy sáng suốt và đúng đắn khi nói về văn chương của một nhà văn chân chính đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị nhân văn to lớn.
Tại sao nói “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực”? Bởi đó là loại vũ khí nằm trong tâm hồn của con người được con người hóa thành những lời văn giàu xúc cảm nhân văn, vừa tinh khiết, vừa thanh cao hướng về những điều tốt đẹp và tích cực mà con người mong muốn. Đắc lực ở chỗ mặc dù chỉ là những tờ giấy mỏng manh, nhưng lại chứa đựng những nội dung mang sức ảnh hưởng to lớn, với những giá trị tinh thần dày dặn. Nó giúp con người thay đổi thế giới một cách hiệu quả, không cần phải đụng đến đao kiếm, súng đạn, nó tác động sâu sắc đến thế giới nội tâm, rồi thay đổi tư duy và hành động một cách mạnh mẽ và tự nguyện. Thế nên nói “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực” quả là chuẩn xác. Hơn thế nữa, câu nói của Thạch Lam không chỉ nhắc về văn chương như một thứ khí giới nhân đạo mà còn nhấn mạnh hai vai trò chính của văn chương là thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của loài người. Đồng thời cũng là nguồn nước ngọt để nuôi dưỡng, vun đắp, gột rửa nhân cách đạo đức của từng cá nhân cho thêm phần trong sạch, thanh cao trước một xã hội có quá nhiều rối ren, uẩn khúc.
Trước hết nói về việc văn chương tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, văn chương xưa và nay dù là kín đáo hay công khai vẫn luôn phản ánh một cách rất chân thực thế giới và chế độ xã hội. Đó là sản phẩm tinh thần quý giá mà các nhà văn chân chính, hay rõ hơn là các nhà văn có đôi mắt tinh tường, ôm trong mình hoài bão “nghệ thuật vị nhân sinh” đã tạo ra bằng cả tất cả các tâm huyết và trí tuệ. Ngòi bút của họ luôn thực tế, phản ánh sâu sát hiện thực và khách quan những sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống từ lớn tới nhỏ. Có thể lấy ví dụ về một Vũ Trọng Phụng với Số đỏ phản ánh một xã hội thượng lưu, bẩn thỉu, dối trá và lố bịch được bao ngoài bởi cái vỏ hào nhoáng xa hoa, một Nam Cao với Vợ nhặt trong nỗi ám ảnh về nạn đói những năm trước cách mạng, hay sự khốn nạn, chèn ép của chế độ thực dân nửa phong kiến với người trí thức nghèo trong Đời thừa. Rồi người ta cũng thấy một Chí Phèo sản phẩm của xã hội phong kiến tàn ác, vô nhân đạo, với bi kịch bị tha hóa nhân cách, một Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài với chế độ thần quyền, cường quyền đã cưỡng ép con người đến độ tê dại cả tâm hồn và lòng ham sống. Hay nhẹ nhàng hơn là Hai đứa trẻ của Thạch Lam phản ánh cái cuộc sống tối tăm nơi phố huyện những năm tháng đất nước còn nghèo khó và niềm mơ ước, khát khao hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn của những con người nơi đây. Hoặc văn chương cũng phản ánh sự thảm khốc của chiến tranh, của chế độ thực dân, đế quốc rồi từ đó nêu bật lên vẻ đẹp anh dũng, tinh thần yêu nước của nhân dân ta ví dụ như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Văn tế nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, hay Bản án chế độ thực dân Pháp của Hồ Chí Minh,… và rất nhiều những tác phẩm khác nữa. Có thể nói rằng văn chương đã thay mặt nhân dân để tố cáo, phê phán những bất công, sự tàn ác, những sự thật mà kẻ thù muốn bịp bợm che giấu một cách rõ ràng và chân thực bằng những ngòi bút sắc bén có tính đả kích mạnh mẽ.
Nhưng văn chương ra đời không chỉ để phê phán hay lên án mà quan trọng hơn và là mục đích cuối cùng đó là người làm văn muốn thay đổi thế giới, muốn thức tỉnh con người đứng lên đấu tranh giành lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, đánh đuổi cái ác, cái xấu đang hoành hành ngự trị. Như cái cách mà Mị và A Phủ vùng dậy bỏ trốn rồi đi theo cách mạng, như cái cách mà những người nghĩa sĩ Cần Giuộc áo vải đã đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương,… Từ việc thay đổi nhận thức, văn chương đã trở thành nguồn nội lực giúp con người trở nên mạnh mẽ, quyết tâm xóa nhòa những thứ đang kìm hãm bản thân và cả những người khác nữa, văn chương quyết không để một thế giới “thượng lưu” như Số đỏ tồn tại lâu, cũng quyết không để con người bị che mắt bởi sự giả dối và đê tiện. Nhà văn cầm bút cũng như cầm một thứ vũ khí tuyệt đỉnh là vậy. Và cho đến ngày hôm nay văn chương cũng vẫn đang làm rất tốt phận sự của mình, dĩ nhiên tôi không nói đến thứ văn chương rác đầu độc tâm hồn, tôi muốn nói đến những bài viết mang tính thời sự, không đến nỗi phơi bày nhưng cũng phản ánh một cách chính xác thực trạng xã hội, và từ đó khuyến khích con người đặc biệt là giới trẻ phải sống và phấn đấu để thay đổi đất nước.
Chức năng thứ hai của văn chương là làm cho tâm hồn con người trở nên trong sạch và phong phú hơn. Đúng thật vậy văn chương đã gột rửa tâm hồn con người, nhưng đó phải là thứ văn chương được viết với bằng một ngòi bút cao đẹp, viết những gì có ý nghĩa. Ví như Rô-mê-ô và Giu-li-ét cho chúng ta chứng kiến một tình yêu đẹp vượt qua cả hận thù của gia tộc, khiến con người tin tưởng hơn vào một tình yêu vĩnh cửu, Vợ nhặt khiến chúng ta nhận thức sâu sắc về tình cảm thương yêu gắn bó của gia đình trong những năm đói khổ, hoặc Vợ chồng A Phủ cũng đã thể hiện được ý chí, lòng ham sống mạnh mẽ trong con người. Có thể nói rằng bất kỳ tác phẩm nào dù ít hay nhiều đều tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con người, từ văn chương người ta củng cố thêm lòng yêu quê hương đất nước, nhận thức rõ về tầm quan trọng của gia đình, rồi càng thêm yêu và trân trọng cuộc sống tốt đẹp trước mắt. Văn chương ám thị cho người đọc cái cách đối nhân xử thế, dạy cho ta, hun đúc cho ta những phẩm chất tốt đẹp như đức tính nhân hậu bao dung, ở hiền gặp lành, có thể thấy nhiều trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu, sự chỉnh chu trong tác phong làm việc, cách sống lối suy nghĩ ta có thể thấy trong tác phẩm Một người Hà Nội. Và nhiều nhất và phát triển mạnh mẽ nhất trong văn học Việt Nam đó chính là dòng văn học yêu nước đã khuyến khích động viên mỗi con người lòng yêu quê hương xứ sở, yêu con người, tinh thần tự tôn dân tộc, lối sống ân tình trọn nghĩa, thủy chung với Cách mạng,… với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình, Đôi mắt,…
Không chỉ tu dưỡng đạo đức, văn chương còn làm cho tâm hồn ta thêm phong phú hơn, đọc sách lịch sử để hiểu rộng hơn về quá khứ của dân tộc rồi đúc kết bài học cho bản thân, đọc những bản tùy bút, bút ký như Người lái đò sông Đà hay Ai đã đặt tên cho dòng sông, để thấy quê hương mình tươi đẹp và hùng vĩ biết bao, hoặc đọc thứ văn chương viết về tâm lý con người để ta thêm thấu hiểu người bên cạnh, thấu hiểu về chính bản thân mình. Chung quy lại như Thạch Lam đã nói “văn chương bồi đắp thêm cho con người những thứ tình cảm tốt đẹp, luyện cho ta những tình cảm sẵn có”. Chớ có ai nghĩ rằng người yêu văn thì tâm hồn mềm yếu và ủy mị, đó là sai lầm bởi chỉ có chính họ mới biết được đó là sự tinh tế, thấu hiểu tường tận những thứ mà trong trải nghiệm cuộc sống chưa chắc ta đã nhìn ra được, thế nên mượn văn chương để bồi đắp. Bởi suy cho cùng văn chương cũng là do con người tạo ra bằng chính những trải nghiệm, tìm tòi và nghiên cứu vất vả của bản thân họ.
Câu nói của Thạch Lam đã phản ánh đúng bản chất và vai trò của văn chương trong cuộc sống, nhưng đồng thời cũng mở ra một vấn đề mới về cung cách làm văn. Văn chương nói dễ thì cũng dễ, nói khó thì cũng khó, nếu như viết một tác phẩm đại trà chẳng mang nhiều ý nghĩa thì ai cũng múa bút thành thơ được, chẳng cần đến sự khám phá, đào sâu tìm kỹ mà làm gì. Thế nhưng để văn chương thật sự có giá trị thì đó là cả một quá trình. Ngày nay độc giả nhiều, thế nên nhà văn cũng nhan nhản xuất hiện, tuy nhiên hiếm khi nào người ta thấy được một tác phẩm hay, có giá trị nhân văn sâu sắc, mà đa số toàn là những thứ văn chương sáo rỗng, lời văn thì hoa mỹ, nhưng nội dung thì nghèo nàn, lặp lại. Có lẽ đó là thị hiếu của con người, có cầu thì mới có cung thế nhưng tôi nghĩ rằng văn chương không nên tầm thường như thế, cái thứ nghèo nàn cả nội dung lẫn hình thức thì đọc vào có lẽ cũng chỉ khiến tâm hồn chúng ta chững lại, chưa kể các những thứ văn chương còn khiến con người trở nên tiêu cực. Kẻ viết ra thứ văn cẩu thả, sáo mòn ấy phải nói theo cái cách của Nam Cao là “bất lương” và “đê tiện”, thực tế văn chương không cần tìm ra một người thợ khéo tay, mà cần tìm một người có sức sáng tạo, biết tìm tòi thứ khác biệt, như Thạch Lam nói “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu chính chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”. Chỉ có thế nền văn học của nước nhà mới có thể phát triển, văn hóa đọc của thanh niên và cả những lứa tuổi khác mới được củng cố và nâng cao, từ đó nhận thức và dân trí của con người mới có thể tiến bộ hơn được.
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng, không chỉ nhà văn và cả các độc giả cũng cần suy nghĩ thêm về các chọn lọc và vận dụng văn chương, người viết thì cần sự sáng tạo, mới mẻ, người đọc thì cần tìm tòi, chắt lọc. Văn chương không phải là thứ để ta cẩu thả, hãy để văn chương mang đến cho ta một cuộc sống tốt hơn, một tâm hồn cao đẹp hơn, ta chưa cần vội thay đổi thế giới, trước hết hãy để văn chương được làm nhiệm vụ củng cố và nuôi dưỡng tâm hồn của ta trước nhé.
———————-HẾT———————–
Văn chương không chỉ là tập hợp những sáng tạo tinh thần của người nghệ sĩ mà đó còn là những tác phẩm có thể thay đổi cuộc sống của con người, bên cạnh bài Nghị luận về câu nói: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 12 như: Nghị luận về câu nói: Văn chương giúp chúng ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức và những chiều sâu đáng kinh ngạc…., Nghị luận về văn hóa ứng xử của học sinh, Nghị luận về Văn học và Tình thương,Nghị luận xã hội: Văn hóa người Việt nơi thờ tự qua cảnh tượng chen lấn tại Đền Hùng.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-ve-cau-noi-van-chuong-la-mot-thu-khi-gioi-thanh-cao-va-dac-luc/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học