Đề bài: Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
Bạn đang xem bài: Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa
Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa
I. Dàn ý Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả tác phẩm và nhân vật cần nghị luận
2. Thân bài
– Tóm tắt câu chuyện
– Nhân vật ông họa sĩ là điểm nhìn trần thuật của tác giả…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa tại đây.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
Đúng như nhan đề, “Lặng lẽ Sa Pa”, một tác phẩm của Nguyễn Thành Long là câu chuyện êm dịu, an yên không một chút hào nhoáng, kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa những con người thiện lương mang trái tim trong sạch, ấm áp. Bên cạnh cô kĩ sư duyên dáng và tình tự, anh thanh niên là công tác khí tượng thủy văn nhiệt tình và dễ gần, hình ảnh ông họa sĩ thâm trầm kín đáo hiện lên, góp phần khẳng định vẻ đẹp lao động của những con người thầm lặng cống hiến. Ông họa sĩ với tình yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật, nội tâm phong phú đã trở thành điểm nhấn tuy thanh thoát mà ấn tượng của tác phẩm.
Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn được viết sau chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai, kể về cuộc gặp gỡ giữa bốn người xa lạ, bốn công việc khác nhau, thậm chí đến cả cái tên cũng không rõ ràng nhưng lại cùng chung sự nhạy cảm, yêu đời, yêu người. Trong vỏn vẹn 20 phút gặp gỡ, chân dung mỗi nhân vật hiện lên với sức trẻ, thanh xuân rực cháy trong tâm hồn. Ông họa sĩ không chỉ gây ấn tượng cho người đọc bởi sự trải đời, suy ngẫm sâu sắc mà còn là một tâm hồn trẻ, một trái tim tràn ngập yêu thương ẩn giấu dưới vỏ bọc tuổi tác.
Nét độc đáo ở nhân vật ông họa sĩ là cách lựa chọn ngôi kể của tác giả. Tác giả lựa chọn ngôi thứ ba, người kể giấu mặt và tường thuật lại toàn bộ câu chuyện, nhưng dường như, điểm nhìn trần thuật của nhà văn lại được đặt dưới góc nhìn chiêm nghiệm của ông họa sĩ. Từ cách miêu tả cảnh sắc thiên nhiên “nắng đốt cháy rừng cây, mạ bạc con đèo”, “cây hoa tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”,…đều mang những màu sắc đa dạng. Bức tranh phong cảnh SaPa như được khắc họa bằng những mảng màu, hình khối, hòa quyện vào nhau giữa nét cọ tài ba. Khi phác họa hình tượng nhân vật anh thanh niên, tác giả để cho bác họa sĩ có cơ hội “xúc động mạnh”, sự xúc động bắt nguồn từ cái tôi nghệ thuật. Cuộc đời người họa sĩ bôn ba tìm kiếm nguồn cảm hứng để ghi chép lại bằng hình ảnh giờ đã ngoài sáu chục, lại dễ dàng xúc động trước một người thanh niên bình dị, hiền lành và có phần e thẹn. Từ những ấn tượng ban đầu qua lời kể của bác lái xe, phải chăng, người họa sĩ già bắt gặp chính tuổi trẻ của mình ở người thanh niên xa lạ, hay chính tác giả nhìn thấy bản sao nhiệt huyết, đam mê qua nhân vật anh thanh niên., để rồi “bắt gặp được một điều thực ra ông vẫn ao ước được biết.”. Nhà văn hay họa sĩ đều là những người phụng sự nghệ thuật, giữa họ có những nét rung cảm đồng điệu. Cách ông họa sĩ cảm nhận về khung cảnh, về con người SaPa dường như chính là tiếng lòng của tác giả muốn gửi gắm, tiếng lòng muốn trút bỏ thực tại xô bồ, bận rộn khi gặp được cố nhân. Lựa chọn điểm nhìn là người họa sĩ đã đủ kinh nghiệm, đủ tuổi đời từng trải, tác giả muốn truyền tải một tình cảm, tình yêu và sự quý trọng đối với những con người cống hiến hết mình, không hào nhoáng, không tiếng tăm, dành cả cuộc đời cho cái đẹp và cho tổ quốc.
Ở nhân vật ông họa sĩ, người đọc nhìn thấy một niềm say mê nghề nghiệp, hết mình vì nghề, không ngại tìm đến những nơi hẻo lánh, xa xôi để được gặp gỡ, giao lưu. Cái cốt lõi của người làm nghệ thuật là vượt lên trên cái tầm thường để tới được cái vô thường, cái cảm giác chỉ cần một giây gặp gỡ, ghi nhớ ngàn năm. Với người họa sĩ, việc đi theo tiếng gọi của cái đẹp, được tìm thấy chàng thanh niên khiến cho ông “Một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét đủ là giá trị của một chuyến đi dài” chính là thành công lớn lao, vĩ đại nhất. Chỉ có người nghệ sĩ chân chính mới hiểu được giá trị của sự đồng cảm, được tri âm giữa người với người. Thật may mắn thay, trong đời kiếp này, ông họa sĩ đã có cơ hội được gặp gỡ với một nhân vật truyền cảm hứng, để cho ông được khám phá trọn vẹn giá trị của nghệ thuật.
Ông họa sĩ là người có vốn sống phong phú, kinh nghiệm thực tế dày dặn và những suy tư của một người đã xế chiều. Trái tim người nghệ sĩ với những xúc cảm đau đáu về người thanh niên “đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”, nhọc vì khi nhìn thấy anh chàng này, ông nhận ra rằng, đời người ý nghĩa thì ra chỉ là cống hiến hết mình. Câu chuyện về một người trẻ học thức, có nhiều cơ hội thăng tiến lại chọn từ bỏ để lên vùng núi cô quạnh, không một bóng người để nghiên cứu. Hình ảnh người họa sĩ cặm cụi, “bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì trên đầu gối” những nét phác họa xuất phát từ tình cảm chân thực và quý trọng. Đến cái ngưỡng tuổi gần đất xa trời, túi hành trang cũng đã lấp đầy vốn sống, ông vẫn giữ trọn vẹn cảm xúc xốn xang dành tặng những trái tim sống bằng nhiệt huyết, đam mê. Những lời thủ thỉ chân thành,”đối với một người khao khát trời rộng, việc dứt bỏ một tình yêu đôi khi lại cảm thấy nhẹ lòng”, những câu tự nhủ đầy triết lý” vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan” khiến nhân vật ông họa sĩ giống như một người cha già từng trải, giản dị và bình tâm. Niềm vui của người nghệ sĩ ấy chỉ là được gặp những con người mới, được trải nghiệm khung cảnh, không gian mới khiến ông muốn vẽ, muốn lao vào cái thử thách khó nhọc, gian nan.
Và cuối cùng, người nghệ sĩ có phần thâm trầm và khép kín ấy thực chất lại là một trái tim trẻ khát khao được đồng cảm, một tâm hồn chân thành và vui tươi. Khi nghe ông lái xe kể về cậu thanh niên có phần lạ thường, ông họa sĩ rất háo hức và mong đợi đến giây phút được gặp gỡ. Ông coi cô kĩ sư như cô con gái nhỏ mới lớn, đi cùng cô tới chỗ ăn chỗ ở mới, ông nói chuyện với bác lái xe như hai người bạn già chí cốt lâu năm, hàn huyên tâm sự, ông đối với cậu thanh niên như hai người bạn thân lâu ngày tương phùng, vừa ngại ngần vừa nồng hậu. Dương như, nghệ thuật đã ăn sâu vào tiềm thức của người nghệ sĩ, hâm nóng tình yêu thương va hun chảy cái băng giá che phủ trên đỉnh núi cô độc. Tất cả những nhân vật đều được kết nối với nhau qua người họa sĩ. Tất cả những cử chỉ, hành động của những con người tử tế ấy đều xuất phát chung một điểm: tình thương.
Xây dựng nhân vật người họa sĩ già, tác giả không để cho ông một cái tên gọi cụ thể mà đưa ông trở thành người kết nối giữa những kẻ xa lạ. Phải chăng, nghệ thuật, tình thương và sự nhiệt huyết chính là tiếng nói chung của những người xuất hiện trong tác phẩm, Với khả năng xây dựng tuyến nhân vật hài hòa và phong phú, bổ trợ lẫn nhau, Nguyễn Thành Long đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ truyền tải tới người đọc về hình tượng một bóng cây cổ thụ vững chãi, cao cả, một người họa sĩ mái đầu bạc nhưng trái tim không nguội lạnh. Tất cả hòa quyện tinh tế, cùng cất lên lời ngợi ca những con người của xã hội mới, cống hiến hết mình, sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Nhân vật ông họa sĩ hiện lên với đức tính tốt đẹp, là người hết mình vì công việc, vì nghệ thuật, có một trái tim dễ rung động và một tâm hồn phơi trả với đời với người. Hình tượng nhân vật có lẽ cũng chính là tác giả Nguyễn Thành Long, một cây bút lão luyện, một cây cao bóng cả trong làng văn học hiện đại. Qua nhân vật này, tác giả cũng nêu cao tinh thần sống cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng đất nước.
—————–HẾT—————–
Tìm hiểu thêm về nhân vật ông họa sĩ cũng như những nhân vật khác trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, bên cạnh bài Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trên đây, các em có thể tìm đọc thêm: Thuyết minh truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa pa, Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, từ đó nêu ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm này, Phân tích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-ve-nhan-vat-ong-hoa-si-trong-lang-le-sa-pa/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục