Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả
Bạn đang xem bài: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả
Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả (Chuẩn)
1. Mở bài
Dẫn dắt đến vấn đề cần nghị luận: Tính cẩu thả trong cuộc sống con người
2. Thân bài
* Giải thích:
– “Cẩu thả” là thái độ hời hợt, không chuyên tâm và dành nhiều tâm huyết cho công việc mà mình đang làm.
– Người có tính cẩu thả sẽ thiếu đi trách nhiệm cần có với công việc mà thực hiện một cách máy móc, qua loa, không quan tâm đến hiệu quả và chất lượng của công việc.
* Hậu quả của tính cẩu thả:
– Làm cho bản thân con người trở nên lười biếng, không biết cố gắng, phấn đấu.
– Ảnh hưởng đến chất lượng công việc và những người xung quanh
– Làm cho con người trở nên ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không biết suy nghĩ cho người khác, cho lợi ích chung trong công việc và tập thể.
– Sống cẩu thả khiến cho hình ảnh của bản thân trở nên xấu xí trong mắt người đối diện, chúng ta sẽ tự tay phá vỡ đi cơ hội công việc tốt, những mối quan hệ tốt đẹp.
* Bài học:
– Nâng cao trách nhiệm với bản thân, với những công việc mà mình đang làm.
– Tập trung vào công việc, biết đặt ra mục tiêu và cố gắng thực hiện những mục tiêu đó.
– Không nóng vội, chủ quan hay che giấu những sai lầm của bản thân, biết nhìn nhận vào những hạn chế và lỗi lầm của bản thân.
3. Kết bài
Rút ra kết luận chung
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả
1. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả, mẫu 1 (Chuẩn)
Trong cuộc sống, nếu chúng ta để tâm và có trách nhiệm với mỗi việc làm, hành động của mình thì không chỉ mang đến hiệu quả cao trong công việc mà còn nhận được sự công nhận, yêu quý của mọi người xung quanh. Ngược lại, nếu chúng ta hời hợt, cẩu thả trong bất cứ việc gì cũng sẽ mang đến hiệu quả trái ngược, giống như nhà văn Nam Cao từng nói trong tác phẩm Đời thừa: “Sự cẩu thả trong bất kì nghề nào cũng là một sự bất lương”. Cẩu thả được hiểu là thái độ hời hợt, không chuyên tâm và dành nhiều tâm huyết cho công việc mà mình đang làm. Người có tính cẩu thả sẽ thiếu đi trách nhiệm cần có với công việc mà thực hiện một cách máy móc, qua loa, không quan tâm đến hiệu quả và chất lượng của công việc. Tính cách cẩu thả không chỉ làm cho bản thân con người trở nên lười biếng, không biết cố gắng, phấn đấu mà còn làm ảnh hưởng đến công việc và những người xung quanh. Khi bạn thiếu trách nhiệm với công việc thì những cái khó khăn, áp lực của công việc ấy sẽ bị dồn cho người khác, thậm chí họ còn phải vất vả xử lí hậu quả mà bạn gây ra. Trong nhiều trường hợp sự cẩu thả còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ là ảnh hưởng đến chất lượng công việc nữa mà nó còn nguy hại cho tính mạng của người khác. Một người bác sĩ phẫu thuật cẩu thả trong công việc có thể cướp đi cơ hội sống của những người bệnh đang nguy cấp. Người thương nhân vì lợi ích của đồng tiền mà buôn bán thực phẩm bẩn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vậy mới tính cách cẩu thả không chỉ là biểu hiện của sự vô trách nhiệm mà còn là sự bất lương. Nhận thức được sự nguy hại của tính cẩu thả, mỗi chúng ta cần nâng cao trách nhiệm với bản thân, với những công việc mà mình đang làm. Hãy đẩy lùi sự cẩu thả để hoàn thiện bản thân, trở thành những con người có trách nhiệm và có ích cho xã hội.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả, mẫu 2 (Chuẩn)
Thành công không chỉ được gây dựng bởi tài năng và sự cố gắng mà nó còn được vun đắp bởi trách nhiệm và sự chuyên tâm. Chúng ta sẽ không thể đạt được bất cứ mục tiêu, dự định nào nếu hời hợt, cẩu thả trong công việc. Cẩu thả là một nét tính cách tiêu cực của con người, đó là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, làm gì cũng vội vàng, không chuyên tâm, cốt làm cho xong việc chứ không quan tâm đến chất lượng công việc. Sự cẩu thả ban đầu chỉ là những hành động hời hợt, cảm tính và sự lười biếng của bản thân, thế nhưng nếu con người không phát hiện và sửa chữa kịp thời nó sẽ trở thành một thói quen xấu, một tính cách tồi tệ. Tính cẩu thả không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà còn hình thành sự lười biếng, thói vô trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. Sống cẩu thả khiến cho hình ảnh của bản thân trở nên xấu xí trong mắt người đối diện, chúng ta sẽ tự tay phá vỡ đi cơ hội công việc tốt, những mối quan hệ tốt đẹp mà còn đánh mất đi niềm tin và sự tôn trọng của mọi người. Mặt khác, sự cẩu thả, không chuyên tâm còn khiến cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Cuộc sống sẽ buồn chán, vô nghĩa biết mấy nếu chúng ta không có mục tiêu, không quan tâm cố gắng vì bất kì điều gì. Mỗi chúng ta sinh ra đều có vai trò, ý nghĩa riêng trong cuộc đời, vì vậy hãy sống trách nhiệm, nỗ lực vì bản thân và những điều tốt đẹp. Hãy chuyên tâm trong công việc, học hành, hãy làm hết sức có thể để khẳng định giá trị bản thân và tạo nên những giá trị đáng tự hào. Để loại bỏ tính cẩu thả trong cuộc sống chúng ta hãy tập cách tập trung vào công việc, biết đặt ra mục tiêu và cố gắng thực hiện những mục tiêu đó. Không phải ai cũng có thể làm được những điều lớn lao, vĩ đại nhưng thay đổi một thói quen xấu và cố gắng làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn là điều mà ai cũng có thể làm được.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính cẩu thả, mẫu 3 (Chuẩn)
Nhà thơ Tố Hữu từng viết “Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?”, nhà bác học Anh-xtanh thì lại cho rằng “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”. Mỗi người có một cách lí giải, định nghĩa riêng về cuộc sống, thế nhưng trong suy nghĩ của tôi, sống có lí tưởng, có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh, đó cũng là một biểu hiện của sống đẹp. Thế nhưng, đáng buồn thay trong xã hội hiện nay lại có rất nhiều những con người sống hời hợt, cẩu thả không chỉ với công việc, cuộc sống mà còn với chính bản thân mình. Cẩu thả là tính từ chỉ sự sơ sài, qua quýt, làm nhưng hời hợt, không đến nơi đến chốn. Người có tính cẩu thả thường thiếu trách nhiệm trong công việc, lúc nào cũng lơ đãng, không chuyên tâm vào việc mình đang làm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc. Trong cuộc sống cá nhân, người có tính cẩu thả thường thiếu đi sự ngăn nắp, không có kế hoạch cá nhân rõ ràng, sống buông thả, hời hợt. Đáng trách hơn, những người sống cẩu thả thường ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không biết suy nghĩ cho người khác, cho lợi ích chung trong công việc và tập thể. Chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh đáng buồn trên đường phố, trong những công viên hay khu du lịch, đó là tình trạng xả rác bừa bãi, viết, vẽ bậy lên những di tích lịch sử, phá hoại những công trình kiến trúc cổ,…Có thể thấy sự cẩu thả không chỉ làm cho tâm hồn trở nên méo mó mà còn gây ra những phiền toái, tai họa cho người khác. Người sống cẩu thả sẽ không nhận được sự yêu quý, kính trọng của những người xung quanh. Bởi vậy, để tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa, chúng ta cần có ý thức loại bỏ tính cẩu thả, sống tích cực, nhiệt tình và có trách nhiệm với cuộc sống cá nhân và những công việc tập thể. Không nóng vội, chủ quan hay che giấu những sai lầm của bản thân, biết nhìn nhận vào những hạn chế và lỗi lầm của bản thân. Làm được như vậy chúng sẽ hoàn thiện hơn từng ngày và trở thành những người có ích cho xã hội.
—————-HẾT—————-
Tính cẩu thả là một trong những tính cách xấu mà mỗi người cần có ý thức loại bỏ khỏi cuộc sống. Bên cạnh đó còn rất nhiều những tính cách tiêu cực khác có thể gây hại cho cuộc sống con người, các em có thể tham khảo qua: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính kiêu căng và tự mãn, Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng vô cảm, Nghị luận về sự lười biếng, Nghị luận về một thói quen trong xã hội Sự nịnh bợ.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-200-chu-ban-ve-tinh-cau-tha/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục