Giáo dục

Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn

Đề bài: Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn

nghi luan xa hoi song cham lai nghi khac di yeu thuong nhieu hon

Bạn đang xem bài: Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn

Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn
 

I. Dàn ý Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn” chính là một châm ngôn sống tích cực cho mỗi chúng ta.

2. Thân bài

– Vì sao phải sống chậm?

+ Định nghĩa sống chậm: Sống chậm lại là cách sống không quá nhanh, không sống quá vội vàng.
+ Sống chậm giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của vạn vật và tình thương của mỗi người xung quanh.
+ Sống chậm lại trong cuộc đời để ta biết mình vẫn còn nhiều thiếu sót, để ta biết mình phải cần cố gắng, cần nỗ lực hơn nữa vươn hoàn thiện bản thân.
+ Sống chậm lại để ta biết thương thêm những mảnh đời nghèo nàn, khốn khó, biết dang tay giúp đỡ những kiếp người bất hạnh hẩm hiu.

– Vì sao phải “nghĩ khác đi”?

+ Nghĩ khác đi chính là lúc mà ta không còn chỉ nghĩ về riêng mình mà còn biết yêu thương, biết sẽ chỉ cùng người khác, biết yêu nhiều hơn những người xung quanh mình.
+ Nghĩ khác đi giúp ta tìm thấy những ánh sáng le lói nơi những màn đêm của bế tắc, đường cùng.

– Vì sao phải yêu thương nhiều hơn?

+ “Yêu thương nhiều hơn” chính là mở rộng trái tim mình trao yêu thương cho mọi người.
+ Yêu thương chính là ngọn lửa cháy mãi là nguồn sống đẹp đẽ nuôi dưỡng mỗi tâm hồn chúng ta trở nên đẹp đẽ, thiện lương và hoàn mỹ hơn.

3. Kết bài

Kết luận vấn đề nghị luận: Mỗi cuộc đời ta đang sống, mỗi hành trình ta đang đi, dẫu có những chông gai, dẫu có những gian khó thì mong rằng bạn đừng nản lòng bỏ cuộc, hãy chầm chậm bước đi, nhìn lại những gì đã qua, dùng lý trí để nghĩ suy và dùng trái tim để lựa chọn.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn

1. Nghị luận xã hội Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, mẫu số 1 (Chuẩn):

Nhịp sống hiện đại quá hối hả vội vã, ai cũng chăm chăm đi con đường của mình, chỉ biết lao động một cách cật lực từ sáng đến tối, mải mê đếm xem mình đã kiếm được bao nhiêu tiền, mải mê chạy theo một thứ hạnh phúc viển vông nào đó không có thực. Để rồi vì quá hối hả, vội xã, vì dòng đời quá xô bồ đôi lúc đã đã đánh rơi mất hạnh phúc của mình đâu đó trên đường đời mà không thể quay lại kiếm. Ta cũng lỡ làng bỏ qua rất nhiều những khoảnh khắc tuyệt vời, những thời điểm mà ở đó nở ra những đóa hoa mang tên là hạnh phúc. Để rồi đến khi đã mỏi mệt, thì bản thân cũng đã già, tuổi xuân đã qua đi vì ta sống vội vàng quá, đi nhanh quá, không còn cơ hội quay lại dù chỉ một lần. Điều ấy khiến mỗi chúng ta phải tự nhìn nhận về lẽ sống của mình trong hiện tại, chúng ta cần sống chậm lại, nghĩ khác đi và chọn cách yêu thương nhiều hơn.

Mỗi một lần nghĩ về việc sống chậm lại, tôi thường có một trăn trở, sống như thế nào là chậm, và như thế nào là nhanh. Khi mà trong cuộc sống hiện đại với sự bùng nổ thông tin và truyền, của công nghệ số, khi người ta chưa kịp định nghĩa mạng 4G, thì tập đoàn truyền thông đã nhanh chóng cho ra mạng 5G, thiết bị 5G, thậm chí còn dọa … cắt cả 2G,… Mấy cái đó đối với những khối óc nhảy số nhanh thì cho là sự phát triển tất yếu, nhưng với đa số những người khác nó lại trở thành một sự kiện kinh khủng, và họ ngay lập tức trở thành người “tối cổ” khi để lỡ mất thông tin hot hít gì đó trên mạng. Thế là người ta bị buộc phải “sống nhanh”, chưa cần nói đến việc tiếp cận tri thức để sánh vai cùng các cường quốc năm châu, mà trước hết là để “sánh vai” cùng đám bạn chí cốt trên bàn trà đá cái đã. “Sống nhanh” giờ đây đã trở thành một từ khóa phổ biến và ăn sâu vào tiềm thức của con người đặc biệt là giới trẻ, họ luôn sống trong một cuộc sống với cái mô tơ tên lửa sau lưng. Người ta nghe nhạc không phải để thưởng thức mà để theo trend, bắt kịp xu hướng, người ta uống cà phê thì nốc ừng ực như nước ngọt, thế nên có uống cả triệu lần vẫn chỉ thấy cà phê đắng, người ta đọc sách thì lật như lật tạp chí thời trang không phải để ngẫm nghĩ mà là để tỏ vẻ ta đây cũng tri thức đấy,… và muôn kiểu nhanh nhảu khác. Không chỉ sống nhanh trong sinh hoạt, mà trong cuộc sống trong công việc, người ta cũng không quên chuyện “sống nhanh”, thời hạn thử việc có tới 3 tháng nhưng mới làm có 3 ngày nhiều người đã than chán, không phù hợp với môi trường rồi lập tức rải CV đến những công ty khác với hy vọng tìm được một công việc phù hợp với “lý tưởng” của mình. Việc nhảy việc quá nhanh dần dà khiến con người mất định hướng, cũng chẳng biết được bản thân mình thực sự hợp với cái gì, bởi rõ ràng bản thân họ “sống nhanh” quá, thế nên đâu đã kịp trải nghiệm những lần thử việc đó một cách thật sự. Ngày nay xã hội phát triển, cuộc sống yêu cầu ngày càng khắt khe với con người, khiến họ phải dành nhiều thời gian hơn để xây dựng sự nghiệp, làm việc để bắt kịp nhịp sống, bắt kịp bạn bè, đồng nghiệp. Sự mệt mỏi ở nơi làm việc khiến con người gần như cạn kiệt sức lực, họ không còn ham hố gì những lần tụ tập với đám bạn thân, không còn thiết tha đến chuyện thăm hỏi gia đình, thậm chí cũng chẳng muốn yêu đương, kết hôn, sinh con, họ chỉ có việc ăn và làm. Như vậy có còn gọi là một cuộc sống đúng nghĩa nữa không? Hay là chúng ta chỉ đang cố chứng minh bản thân đang tồn tại? Khi mà cuộc đời chỉ xoay quanh lao động, và không còn những xúc cảm, những thú vui khác, luôn sống trong căng thẳng nhìn đâu cũng thấy deadline, thấy lời phàn nàn của sếp, thấy bản thân ngủ gục trong lúc làm báo cáo,… Đó là một cuộc sống mệt mỏi đến nhường nào! Tóm lại, sống nhanh không sai nhưng nó khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều điều, y như việc thầy trò Đường Tăng được mời ăn nhân sâm, Trư Bát Giới vì tham ăn nên nuốt chửng cả quả, cuối cùng lại tiếc rẻ vì bản thân vẫn chưa biết mùi vị nhân sâm là như thế nào. Đó là một ví dụ kinh điển và một bài học triết lý mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Phải chăng chúng ta nên sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Vậy làm thế nào để được “sống chậm”? Tôi không khuyên các bạn phải từ bỏ công việc, từ bỏ mạng xã hội để về một miền sơn cước nào đó trồng rau nuôi gà đâu nhé! Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, trong một dòng chảy nhanh của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, người ta đã chuyển từ việc đi bộ sang đi xe hai bánh cho nhanh hơn, và bây giờ là xu hướng chuyển sang đi ô tô, dĩ nhiên bản thân chúng ta cũng không thể mãi hoài niệm về một thời chân đất trên đường làng được nữa. Mà chúng ta hãy “sống chậm” kiểu hiện đại, bằng cách thay đổi cách nghĩ và dành nhiều tình yêu thương hơn. Chúng ta vẫn sẽ bước nhanh trên con đường học tập, lao động để nhanh chóng đạt được ước mơ và thành tựu cho riêng mình, thế nhưng chúng ta hãy bớt một chút thời gian để dừng lại và tận hưởng cuộc sống, để thấy nó cũng đầy đủ hương, sắc, thanh, vị. Sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi bạn hãy dành thời gian nghe một bản nhạc, hãy tránh xa smartphone, laptop dù chỉ một lúc, hãy để nghe nhạc chỉ là nghe và cảm nhận mà thôi. Hãy tạo ra một thay đổi nhỏ trên bàn làm việc, bàn học của mình ví như trồng một loại cây cảnh nhỏ, thứ mà không cần mất nhiều thời gian chăm sóc, nhưng vẫn cần ta để tâm tưới nước cho chúng mỗi ngày ví như một chậu xương rồng hoặc một cây sen đá mini chẳng hạn. Hãy chọn cho mình một tựa sách có vẻ thú vị, bỏ vào túi xách của bạn, lúc rảnh rỗi lấy ra đọc vài trang, hãy nhớ chỉ đọc vài trang và gấp lại để lần sau đọc tiếp. Sống chậm lại cũng là cách để bạn thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận, bởi có những sự việc bạn nhìn thấy thế nhưng thực tế nó lại không phải như vậy. Người ta cần có ánh nhìn suy xét để nhận định chính xác giá trị của một việc gì đó, một ai đó, ví như chúng ta không thể vừ liếc mắt qua thấy quả sầu riêng vừa nhiều gai, vừa có mùi “khó ngửi” mà đã mặc định đó là thứ “gớm ghiếc” là thứ trái cây kinh khủng nhất trên đời được, bạn phải thử nó vài ba lần rồi mới quyết định chứ nhỉ. Cũng tương tự như bạn đọc thơ của Hàn Mặc Tử, nếu lướt qua bạn sẽ nghĩ ôi sao lại có ông nhà thơ vừa điên vừa kinh dị thế nhỉ, nhưng khi nhìn về cuộc đời lắm đau thương của ông bạn mới thấy hóa ra chỉ bởi đau khổ quá mà người ta mới trở nên lạ lùng, ám ảnh vậy. Một điều nho nhỏ nữa để sống chậm và nghĩ khác đi, ấy là thay vì áp đặt quan điểm rằng quán cà phê, trà sữa muôn đời là nơi để tụ tập bạn bè, thì bạn hãy thử đi đến đó một mình, chọn một vị trí thật đẹp, một đồ uống thật ngon, rồi lặng lẽ quan sát nhịp sống, quan sát cách mọi người trò chuyện với nhau. Đó là một cách khá hay để bạn có cơ hội thưởng thức cuộc sống, có lẽ có một lúc nào đó bạn sẽ được nhìn thấy chính bóng dáng mình ở một vài vị khách xa lạ, đó là trải nghiệm rất tuyệt vời. Không chỉ vậy cảm giác cô đơn và yên lặng đôi lúc chính là liều thuốc khiến con người thanh tỉnh và tự nhìn nhận lại bản thân rất hữu hiệu. Đời mà, nếu cứ nhộn nhịp, xô bồ mãi thì cũng nhạt lắm. Ta cũng có lúc cần được nếm cái vị lạnh lẽo của cô đơn chứ. 

Rồi lại nói sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn, thực ra đây là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau. Người ta nói rằng khi chúng ta bận rộn và đi quá nhanh, chúng ta thường có xu hướng bỏ lại những cái gì có vẻ là không cần thiết phải chăm sóc và quan tâm. Nhưng đó chỉ là “có vẻ” đối với chúng ta mà thôi vì thực tế lại không bao giờ là vậy. Trong danh mục đó xếp đầu tiên chính là gia đình, mọi người thường mặc định rằng trên thế giới này ai cũng có thể bỏ chúng ta ngoại trừ những người máu mủ ruột thịt, tiêu biểu là cha mẹ bởi “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” mà. Ỷ vào tình thương, lòng bao dung vô bờ bến của cha mẹ, nhiều bậc con cái thường cảm thấy đó là lẽ đương nhiên, nên thường quên mất việc phải dành nhiều tình cảm yêu thương cho họ, và thản nhiên nhận những gì cha mẹ cho mà chưa từng mở lời “cảm ơn” thật chân thành, tha thiết. Dĩ nhiên rằng cha mẹ ta chẳng mấy khi đòi hỏi điều gì, nhưng bản thân chúng ta là con cái, dẫu bận rộn, dẫu chịu nhiều áp lực, dẫu ở công ty có đánh nhau với đồng nghiệp, có cãi nhau với sếp, thì về nhà cũng hãy nhớ rằng cha mẹ chẳng thể biết được những nỗi uất ức của ta nếu ta không mở miệng nói. Vì vậy đừng tức giận với cha mẹ, đừng khiến họ bị tổn thương, hãy chăm hỏi thăm cha mẹ. Sống chậm lại một chút, hãy dành ra 5 phút mỗi tối để hỏi thăm cha mẹ, dẫu chỉ là một câu “cha mẹ ăn cơm chưa?” cũng khiến cả gia đình thêm gắn kết. Điều thứ hai mà chúng ta cũng thường hay bỏ quên ấy là chính bản thân chúng ta, việc bận rộn và lao động cật lực, khiến chúng ta quên mất cả việc phải yêu thương và “chiều chuộng” bản thân mình. Trong khi đó chúng ta lại cứ chăm chăm vào việc đi chiều chuộng cảm xúc của những người khác. Đó là một điều tệ hại khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta đi xuống. Đã bao lâu rồi bạn không xem trọn một bộ phim, đã bao lâu rồi không mua sắm quần áo mới, đã bao lâu rồi kể từ chuyến đi du lịch gần nhất, đã bao lâu rồi bạn không ngủ trước 11 giờ, bao lâu rồi không tự nấu ăn,…? Hàng tỉ câu hỏi như thế sẽ luôn được trả lời bằng đáp án tôi không có thời gian, không phải cho đến giờ tôi vẫn ổn sao. Nhưng bạn chắc là bạn rất ổn chứ, khi mà thể xác và cả tâm hồn bạn đang chết héo từng ngày vì không được chăm bón không được “hưởng thụ” không được “yêu thương”. Thế nên thay vì lao đi như tàu cao tốc, bạn hãy thi thoảng chọn đạp xe, siêng năng chăm chút cho bản thân cả về ngoại hình lẫn tâm hồn, để cuộc sống có thêm nhiều màu sắc, có nốt thăng nốt trầm, chứ đừng là một thanh âm đơn điệu. 

Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn là một xu hướng được lan truyền mạnh mẽ trong giới trẻ hiện đại. Tuy nhiên rằng số người có thể thực sự làm như vậy còn quá ít, hy vọng rằng thông qua bài viết này mọi người sẽ phần nào định hướng được cho mình một con đường, làm sao để có thể sống chậm một cách hiện đại, thông minh. Mỗi chúng ta có một tâm hồn một cách nghĩ khác nhau, chỉ cần bạn ngừng lại nghỉ một chút, chịu quan sát và để ý một chút, cuộc sống của bạn đã thực sự khác rồi.

 

2. Nghị luận xã hội Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, mẫu số 2 (Chuẩn):

Giữa dòng đời vội vã nhiều biến động, nhiều khi con người cũng muốn mình được sống bình lặng, sống chậm rãi hơn để cảm nhận, để yêu thương. Bởi sau cùng thì thứ mà ta cần nhất đâu chỉ là vàng bạc hay vật chất giàu sang mà đích đến vẫn là sự thảnh thơi, hạnh phúc nơi tâm hồn, là nụ cười và niềm vui mỗi ngày ta đang sống. Bởi vậy mà có lẽ: “sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn” chính là một châm ngôn sống tích cực cho mỗi chúng ta.

Sống chậm lại là cách sống không quá nhanh, không sống quá vội vàng để rồi đánh mất đi những điều bình dị, giản đơn mà ý nghĩa quanh ta. Sống chậm lại để ta lắng nghe được những mong muốn của tâm hồn, để biết mình cần gì, muốn gì, đó cũng là khoảng lặng để chúng ta bình tâm lại giữa những bộn bề, bon chen của cuộc sống và cảm nhận ý nghĩa đích thực của cuộc sống ấy; sống chậm lại còn để chúng ta biết thương yêu nhiều hơn, biết trân trọng những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống, để cảm nhận được tất thảy những yêu thương mà mỗi người đã trao cho ta.

Trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, hãy sống chậm lại trong cuộc đời để ta biết mình vẫn còn nhiều thiếu sót, để ta biết mình phải cần cố gắng, cần nỗ lực hơn nữa vươn hoàn thiện bản thân. Và hãy sống chậm lại để ta biết thương thêm những mảnh đời nghèo nàn, khốn khó, biết đang tay giúp đỡ những kiếp người bất hạnh hẩm hiu, để ta biết mình thật may mắn khi sinh ra với hình hài trọn vẹn, khi được sống đủ đầy trong vòng tay mẹ, vòng tay cha. Hãy sống chậm lại để nhìn, để thấy và cảm nhận những dòng người hối hả giữa thị thành, ai cũng tất bật, lắng lo cho công việc, vẫn thấy được những con người đầy trách nhiệm và nghĩa tình biết bao. Ta vẫn biết rằng khi xã hội ngày một phát triển hơn, con người cần nhanh nhạy hơn để tăng chất lượng công việc, con người cũng phải khẩn trương hơn để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ của một ngày. Ai cũng mong rằng 8 tiếng đồng hồ trên giờ làm trôi quá nhanh chóng để về với gia đình và những người ta thương. Nhưng, nếu cứ vồ vập, vội vã như thế liệu ta có thể có những khoảng thời gian thư thái hay không, vì vậy, cần phải sống chậm lại, giành cho mình những một chút lặng để thư giãn, nghỉ ngơi, để có thể đắm mình trong những trang sách yêu, ngắm bông hoa đẹp xinh dưới hiên nhà mỗi sớm, thưởng thức một ly trà nóng đỏ bàn tay con yêu pha cùng thức bánh cốm xanh Hà Nội để biết yêu thương nhau nhiều hơn. Hay khi trong công việc ta có những mệt mỏi và áp lực , nếu ta không nghỉ ngơi, chậm lại để rút ra những kinh nghiệm bài học cho mình thì làm sao có thể phát triển và làm tốt hơn trong tương lai được. Những ngày mưa xối xả, đâu đây những gánh hàng rong lặng lẽ đi về trên phố, những chiếc xích lô của bao người vẫn còng mình giữa phố trắng xoá bụi mưa, thương sao xiết những nhọc nhằn vất vả để kiếm mạnh áo bữa cơm nghèo bên mái nhà mỗi chiều mưa.

“Sống chậm lại” để nghĩ khác đi, để ta biết mình còn nhiều điều nghĩ suy thật giản đơn quá. Nghĩ khác đi chính là lúc mà ta không còn chỉ nghĩ về riêng mình mà còn biết yêu thương, biết sẽ chỉ cùng người khác, biết yêu nhiều hơn mọi người quanh ta. Nghĩ khác đi giúp ta tìm thấy những ánh sáng le lói nơi những màn đêm của bế tắc, đường cùng, giúp ta biết lạc quan hơn trước những bão bùng, giông gió của cuộc đời. Nghĩ khác đi chính là lúc mà ta giải thoát mình khỏi những cách nghĩ, lối sống đầy phiến diện, lối nghĩ ích kỷ, hẹp hòi chỉ chăm chăm đến mình mà chưa từng để tâm đến những ý nghĩ, những cảm xúc và lắng lo của người khác. Ta biết suy nghĩ chín chắn hơn, sâu sắc và trưởng thành hơn, biết cảm thông và thấu hiểu nhau hơn. Trong thực tế, có những thời điểm mà bản thân mỗi người đều sợ hãi, stress với vấn đề học tập, công việc, với gia đình hay sự nghiệp, nhiều lúc họ bị rơi vào những mớ hỗn độn mà không biết tìm đâu ra lối thoát, nhưng khi ta sống chậm lại một chút, nghĩ suy thêm một chút thì lúc ấy có khi ta lại nghĩ khác đi, ta lại thấy những áp lực ấy lại chính là động lực để thúc đẩy mình nỗ lực và tiến bộ hơn. Nếu công việc không suôn sẻ hãy tìm ra lỗi để cải thiện, học tập bị điểm thấp, tìm ra nguyên nhân để khắc phục.

“Yêu thương nhiều hơn” chính là mở rộng trái tim mình trao yêu thương cho mọi người. Sống là biết cho đi, biết thương yêu và san sẻ, yêu thương chính là những vẻ đẹp tinh thần ấm áp nhất mà cần được trao đi. Đó là một nụ cười trao nhau trong gian khó, những cái nắm tay thật chặt giữa giá lạnh mùa đông, manh áo tặng trao cho những con người đang lạnh lẽo khi mưa đông buốt giá, gói mì tôm, chai nước mắm kịp thời gửi đến những người con miền Trung đang oằn mình chống lũ, tất cả đều từ sự yêu thương cho đi. Tôi còn nhớ có một câu chuyện về người ăn xin chìa tay xin cậu bé, nhưng khi lục hết túi này đến túi khác trong bộ quần áo của mình, cậu ấy cũng chẳng tìm ra thứ gì để cho ông lão khốn khổ cả, rồi cậu nắm chặt lấy đôi bàn tay gầy guộc kia như muốn nói điều gì đó, dù không nhận được gì từ cậu bé kia nhưng trong lòng lão cảm thấy được ủi an thật nhiều. Thật vậy, sống chính là yêu thương, san sẻ giữa con người với con người. Yêu thương chính là ngọn lửa cháy mãi, là nguồn sống đẹp đẽ nuôi dưỡng mỗi tâm hồn chúng ta trở nên đẹp đẽ, thiện lương và hoàn mỹ hơn. Một tâm hồn đẹp, một trái tim đẹp phải chứa chan được tình yêu thương.

Cần phải “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương yêu nhiều hơn” để cuộc sống mình ngày một được tốt đẹp, được hạnh phúc hơn. Mãi mãi trong cuộc đời này, chính bản thân mỗi chúng ta mới lựa chọn cho chính mình cách sống, cần phải biết cân nhắc để sống sao cho đời sống có ý nghĩa nhất.

Mỗi cuộc đời ta đang sống, mỗi hành trình ta đang đi, dẫu có những chông gai, dẫu có những gian khó thì mong rằng bạn đừng nản lòng bỏ cuộc, hãy chầm chậm bước đi, nhìn lại những gì đã qua, dùng lý trí để nghĩ suy và dùng trái tim để lựa chọn, hãy luôn sống với một trái tim yêu thương nhất dành cho tất thảy mọi điều trong cuộc đời.

———————-HẾT————————–

Nghị luận về lẽ sống, phương châm sống thường được đưa vào trong những bài thi quan trọng như thi cuối học kì, thi tốt nghiệp THPTQG, để hoàn thành tốt các đề bài về lẽ sống, bên cạnh bài Nghị luận xã hội: Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn, các em học sinh có thể tham khảo một số Bài văn hay lớp 12 khác như: Nghị luận xã hội sống đẹp là gì hỡi bạn?, Nghị luận xã hội về khoảng lặng trong cuộc sống, Nghị luận xã hội Hãy sống trọn vẹn nhất, Nghị luận xã hội Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-song-cham-lai-nghi-khac-di-yeu-thuong-nhieu-hon/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button