Đề bài: Nghị luận xã hội về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc
Bạn đang xem bài: Nghị luận xã hội về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc
Nghị luận xã hội về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc
I. Nghị luận xã hội về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc
1. Mở bài
– Dân tộc ta có truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
– Đây là một đạo lý tốt đẹp dạy con cháu ghi nhớ công ơn của thế hệ trước, khuyên chúng ta phải có lòng biết ơn.
2. Thân bài
– Giải thích câu tục ngữ:
+ “Uống nước”: Hành động hưởng thụ -> hưởng thụ thành quả, kết quả người khác tạo ra mà không phải làm gì cả.
+ “Nguồn”: Nơi ngọn nguồn xuất phát của dòng nước -> chỉ những con người, tập thể tạo nên thành quả cho người khác hưởng thụ
+ Nghĩa đen: Thiên nhiên ban tặng cho con người nước, con người phải ghi nhớ, biết ơn
+ Nghĩa bóng: Khuyên răn chúng ta khi hưởng thụ thành quả phải biết ơn công lao người tạo ra thành quả đó.
– Tại sao phải “Uống nước nhớ nguồn”?
+ Các thành quả không tự có mà được tạo dựng từ bàn tay lao động của con người.
+ Trong gia đình, cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng ta nên người, tạo ra của cải vật chất nuôi ta -> biết ơn cha mẹ
+ Ngoài xã hội, các thành quả có được đều do lớp người đi trước tạo nên, hi sinh cả xương máu -> biết ơn những người thầm lặng.
+ Lòng biết ơn là một đức tính tốt đẹp, nền tảng đạo đức con người trong xã hội.
+ Dẫn chứng: Những người lính hi sinh, thương binh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ
+ Các thầy cô giáo dạy ta tri thức, bác nông dân làm ra hạt gạo…(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Nghị luận xã hội về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc đầy đủ tại đây.
II. Nghị luận xã hội về truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc
Một trong những đạo lý truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc ta là “Uống nước nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo lý ấy luôn tồn tại trong văn hóa của dân tộc Việt Nam suốt chiều dài bốn ngàn năm lịch sử. Đó là lời răn dạy của cha ông chúng ta với thế hệ con cháu rằng: Phải biết ghi nhớ công ơn, biết ơn các thế hệ đi trước đã tạo dựng lên thành quả để chúng ta hưởng thụ ngày hôm nay.
Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” thật mộc mạc, súc tích mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. “Uống nước” – một hành động mà chúng ta thường xuyên làm, đó là chỉ sự hưởng thụ, là hành động hưởng thành quả, kết quả mà người khác đã tạo dựng sẵn, chúng ta không cần phải lao động cũng có được. Còn “nguồn” tức là chỉ mạch nguồn, ngọn nguồn nơi xuất phát của dòng nước. Hay “nguồn” cũng là để chỉ những con người, tập thể đã tạo dựng lên thành quả cho chúng ta hưởng thụ “uống nước”. Nguồn nước mà chúng ta hưởng thụ mỗi ngày đều là do thiên nhiên ban tặng, vậy nên chúng ta cần biết ơn thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta nguồn nước quý giá ấy. Hay cũng là lời ông cha ta muốn khuyên dạy chúng ta rằng: Phải luôn ghi nhớ những hành động của người khác, của thế hệ trước đã giúp đỡ, hi sinh cho mình để mình có được niềm vui, hạnh phúc, được hưởng trái quả ngọt ngào. Đây là một đạo lý thật hàm súc, là nền tảng của một xã hội tốt đẹp.
Mỗi chúng ta sống ở cuộc đời này không ai là có thể tự tạo dựng cho mình một cuộc sống riêng mà không hưởng thành quả mà người khác đã gây dựng ra được. Như khi chúng ta sinh ra, chúng ta đã chịu ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha từ chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Vậy nên, chúng ta không thể không biết ơn cha mẹ của mình. Các thành quả trong xã hội, trong cuộc sống không phải tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, có được là do bàn tay khối óc của con người tạo dựng lên. Thế nên, chúng ta càng phải biết ơn những người đã tạo lên thành quả đó để mình được hưởng thụ ngày hôm nay.
Trong gia đình, mẹ cha là người mang cho chúng ta cuộc sống, ban cho chúng ta sự sống để chúng ta được sinh ra và lớn lên. Không chỉ vậy, cha mẹ còn tạo ra của cải, vật chất nuôi dưỡng chúng ta đến tuổi trưởng thành, dạy chúng ta bước vào đời, nâng ta lên khi ta vấp ngã. Tất cả những điều đó, cha mẹ đã làm cho ta, vậy nên, ta không thể nào không ghi nhớ công ơn sinh dưỡng trời bể đó của mẹ cha được. Cũng tương tự như vậy ngoài xã hội, của cải vật chất trong xã hội, những điện đường trường trạm chúng ta dùng hằng ngày, những cơ sở vật chất công cộng đều được dựng lên từ bàn tay lao động của con người. Không chỉ vậy, nó còn được tạo dựng từ máu xương của thế hệ đi trước đã ngã xuống bảo vệ nền độc lập chủ quyền, mang lại hòa bình cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ tới những người lính trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc: chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Họ là những con người không tiếc máu xương của mình, quyết tâm ra đi để giữ gìn nền độc lập hòa bình cho dân tộc. Với hàng ngàn người lính đã ngã xuống, vô số những người lính trở về với thân hình chẳng còn lành lặn, họ đã để lại xương máu của mình để chúng ta có được hôm nay. Thành quả này đều là công sức của họ. Vậy nên, được sống trong cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay, chúng ta hãy luôn trân trọng, yêu quý, giữ gìn những điều đó. Rồi những bác nông dân đang tần tảo trên ruộng lúa để làm nên những hạt ngọc, hạt vàng nuôi sống chúng ta. Chúng ta cũng phải biết ơn họ, họ đã tạo nên những giá trị giúp chúng ta hưởng thành quả trái ngọt ngào. Lòng biết ơn là một đức tính tốt, một tình cảm tốt đẹp mà mỗi con người chúng ta phải luôn có trong mình. Nếu không có được đạo lý này, chúng ta chỉ là những kẻ vô ơn, mông muội giữa cuộc sống bao la này.
Ngoài kia, những giá trị văn hóa tinh thần đang bị mai một bởi sự ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài: Phương Tây, Kpop,… vậy phải làm gì để giữ vững được truyền thống tốt đẹp này của cha ông ta? Mỗi chúng ta, hãy luôn ghi nhớ, tự hào về truyền thống của dân tộc, về văn hóa của Việt Nam, hãy tạo cho mình một lòng tự hào tự tôn dân tộc. Không chỉ vậy, lớp thế hệ trẻ chúng ta phải ra sức học tập, lao động để bảo vệ đất nước, góp phần giúp đất nước giàu mạnh hơn. Nền văn hóa của mỗi nước đều có những cái tốt đẹp, đáng quý, Việt Nam chúng ta cũng vậy. Vậy nên, mỗi công dân Việt Nam hãy giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, đừng để bị lại tạp lai căng, đồng hóa bởi sự ảnh hưởng văn hóa của các nước khác. Trong nền kinh tế đang ngày càng hội nhập và phát triển này, cách sống, tư tưởng sống có ý thức, có trách nhiệm, không lãng phí mới là cách sống đúng đắn và hợp lý nhất. Ngoài xã hội là vậy, trong gia đình ta, hãy luôn yêu quý, tôn trọng, lễ phép và nghe lời ông bà cha mẹ. Họ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng bạn, họ xứng đáng để có được lòng biết ơn mà bạn dành tặng. Và cũng đừng quên những đóa hoa tươi thắm mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 dành tặng những người cha người mẹ thứ hai của mình, những người đã chèo lái con thuyền tri thức, giúp chúng ta thành người sống có ích cho xã hội.
Tuy thế, nhưng ngày nay vẫn có một số người sẵn sàng đánh mất đi cái đạo lý nền tảng con người ấy. Họ sẵn sàng đạp đổ nền tảng cơ bản của một con người. Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh của Nguyễn Văn Mạnh (Thái Nguyên) đã dùng chày giết chết người bố ruột của mình chỉ vì tranh cãi về gia sản đất đai. Liệu những kẻ như vậy có hiểu có xứng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc? Rồi những kẻ phản quốc tham gia hội Việt Tân, chúng có hiểu rõ đất nước ta đã phải khó khăn như thế nào mới giành lại được độc lập mà chúng dám đưa kẻ thù xâm nhập đất nước, hòng gây ra chiến tranh, loạn lạc? Những hành động đó của chúng sẽ phải trả những cái giá thật đắt cho lòng vô ơn của mình.
“Uống nước nhớ nguồn” – đây là một truyền thống, một đạo lý vô cùng tốt đẹp và đúng đắn của dân tộc ta. Những thế hệ sau như chúng ta hãy biết ơn, hãy luôn ghi nhớ, gìn giữ những gì mà thế hệ trước đã làm để chúng ta có thể hưởng thành quả như ngày hôm nay.
Hiện nay, Trung Quốc đang ngạo mạn xâm lấn biển đảo của quê hương Việt Nam ta. Học tập những thế hệ trước, chúng ta quyết tâm giữ gìn đất nước non sông, không quên ghi lòng tạc dạ những công lao mà thế hệ trước đã tạo nên. Chúng ta phải góp phần giữ gìn, bảo vệ và phát huy truyền thống đó hơn nữa để đất nước chúng ta luôn vững bền, giàu mạnh hơn.
———————-HẾT————————-
Các em vừa tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn, để khám phá thêm ý nghĩa của nhiều câu tục ngữ, ca dao khác các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận về câu tục ngữ Tiên học lễ, Hậu học văn, Nghị luận câu tục ngữ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Nghị luận xã hội về câu tục ngữ có chí thì nên, Nghị luận câu tục ngữ Đi cho biết đó biết đây…
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-truyen-thong-uong-nuoc-nho-nguon-cua-dan-toc/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục