Đề bài: Em hãy Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu
Bạn đang xem bài: Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu
Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu
I. Dàn ý Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm “Bến quê”.
– Khái quát sơ lược về các nghịch lí mà tác giả Nguyễn Minh Châu tạo dựng trong tác phẩm.
2. Thân bài
a. Phân tích chuỗi nghịch lí mà nhà văn xây dựng trong tác phẩm
– Nghịch lí được thể hiện tình huống truyện
+ Nhĩ vốn là con người từng đặt chân đến nhiều mảnh đất khác nhau nhưng suốt một năm qua, anh lại bị căn bệnh liệt toàn thân hành hạ.
+ Những gì anh có thể làm lúc này là tự nhích người di chuyển vài chục phân trên tấm nệm, còn tất cả sinh hoạt đều nhờ vào đôi bàn tay chăm sóc của người vợ.
– Vào những ngày của cuối cuộc đời, trong Nhĩ mới xuất hiện tình cảm dành cho quê hương qua cái nhìn gần gũi, trìu mến.
+ Một người từng in dấu chân lên khắp năm châu như Nhĩ lại chưa từng đặt chân lên mảnh đất bên kia sông.
+ Anh từng chiêm ngưỡng, vui thú thưởng ngoạn biết bao điều mới lạ từ những miền đất xa xôi nhưng chưa bao giờ nhận ra vẻ đẹp của mảnh đất vốn rất quen thuộc.
– Dù mơ ước, khao khát mãnh liệt nhưng anh không thể đặt đôi chân của mình lên bãi bồi ngay trước mắt.
+ Anh gửi gắm mong muốn hi vọng Tuấn sẽ thay anh đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng.
+ Tuấn không thể hiểu được những nỗi niềm thầm kín ẩn chứa bên trong mong muốn của người cha, nhanh chóng sa vào cuộc vui của đám phá cờ thế ven đường.
b. Ý nghĩa của những nghịch lí trong truyện
– Tình huống truyện độc đáo đó là chất xúc tác để đánh thức những chiêm nghiệm sâu sắc trong dòng nội tâm của nhân vật.
– Bãi đất mà Nhĩ chưa từng đặt chân đến chính là hình tượng mang ý nghĩa ẩn dụ về những gì đơn sơ, bình dị, gần gũi, gắn bó nhưng bị con người lãng quên.
– Nghịch lí mà nhà văn tạo dựng còn góp phần tô đậm khao khát mãnh liệt tìm đến những giá trị đích thực bị lãng quên bởi những nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ.
3. Kết bài
Đánh giá khái quát về nghịch lí được xây dựng trong truyện
II. Bài văn mẫu Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu
Là cây bút luôn miệt mài trên hành trình khám phá những chiêm nghiệm sâu sắc và mới mẻ của cuộc sống nhân sinh, tác giả Nguyễn Minh Châu đã không ngừng đưa vào tác phẩm của mình những triết lí độc đáo. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua tác phẩm “Bến quê”. Tác giả đã xây dựng thành công kiểu nhân vật tư tưởng, chuyển hóa những triết lí vào dòng nội tâm của nhân vật hết sức tự nhiên thông qua việc tạo dựng hệ thống các chuỗi nghịch lí.
Trước hết, để thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc, tác giả đã xây dựng một tình huống truyện mang tính nghịch lí và trở thành phương tiện hữu hiệu để nhà văn thể hiện chiều sâu triết lí, tư tưởng. Nhĩ – nhân vật trung tâm của thiên truyện “Bến quê”vốn là con người từng đặt chân đến nhiều mảnh đất khác nhau: “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” nhưng suốt một năm qua, anh lại bị căn bệnh liệt toàn thân hành hạ. Những gì anh có thể làm lúc này là tự nhích người di chuyển vài chục phân trên tấm nệm, còn tất cả sinh hoạt đều nhờ vào đôi bàn tay chăm sóc của người vợ. Chính anh cũng đã từng suy ngẫm và nhận ra bi kịch đầy ngang trái đang diễn ra: “Nhĩ thấy hoàn cảnh của mình thật buồn cười, y như một đứa bé mới đẻ đang toe toét cười với tất cả, tận hưởng sự chăm sóc và chơi với”. Như vậy, nghịch lí diễn ra trong cuộc đời Nhĩ chính là tình huống, bối cảnh để tác giả Nguyễn Minh Châu tiếp tục tạo dựng chuỗi sự kiện chứa đựng sự mâu thuẫn.
Trong những ngày nằm trên giường bệnh, Nhĩ có cơ hội để chiêm nghiệm và suy ngẫm về những năm tháng đã qua của cuộc đời. Vào những ngày của cuối cuộc đời, trong Nhĩ mới xuất hiện tình cảm dành cho quê hương qua cái nhìn gần gũi, trìu mến: “Cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng, lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn với vàng non – những sắc màu quen thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Một người từng in dấu chân lên khắp năm châu như Nhĩ lại chưa từng đặt chân lên mảnh đất bên kia sông. Trong cuộc đời mình, anh từng chiêm ngưỡng, vui thú thưởng ngoạn biết bao điều mới lạ từ những miền đất xa xôi nhưng chưa bao giờ nhận ra vẻ đẹp của mảnh đất vốn rất quen thuộc. Lần đầu tiên, anh khám phá nét đẹp bên trong lớp vỏ gần gũi, bình dị của cảnh vật giữa quê hương bằng đôi mắt say sưa chiêm ngưỡng. Nhưng khi phát hiện ra vẻ đẹp đến kì lạ đó cũng là lúc Nhĩ nhận ra anh chỉ có thể ngắm nhìn nó qua khung cửa sổ và mảnh đất thân thuộc giờ đây mãi mãi là miền đất xa xôi. Dù mơ ước, khao khát mãnh liệt nhưng anh không thể đặt đôi chân của mình lên bãi bồi ngay trước mắt. Anh gửi gắm mong muốn hi vọng Tuấn – con trai anh sẽ thay anh đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng. Nhưng nghịch lí tiếp tục diễn ra khi con trai anh không thể hiểu được những nỗi niềm thầm kín ẩn chứa bên trong mong muốn tưởng chừng như đơn giản và có phần kì lạ của người cha. Tuấn thực hiện một cách miễn cưỡng và nhanh chóng sa vào cuộc vui của đám phá cờ thế ven đường.
Qua những sự kiện, chi tiết chứa đầy nghịch lí, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm những suy ngẫm mang tính triết lí về cuộc sống nhân sinh. Nhân vật được đặt trong bối cảnh éo le nhưng chính tình huống truyện độc đáo đó là chất xúc tác để đánh thức tình yêu quê hương trong dòng nội tâm của nhân vật. Bãi đất quen thuộc bên kia sông – bến bờ mà Nhĩ chưa từng đặt chân đến chính là hình tượng mang ý nghĩa ẩn dụ về những gì đơn sơ, bình dị, gần gũi, gắn bó nhưng bị con người lãng quên. Nghịch lí mà nhà văn tạo dựng còn góp phần tô đậm khao khát mãnh liệt tìm đến những giá trị bị lãng quên bởi những nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ, đồng thời thể hiện nhận thức muộn màng xen lẫn nỗi xót xa và sự ân hận, nuối tiếc của lòng người. Đồng thời, bối cảnh đó còn góp phần giúp nhân vật chiêm nghiệm triết lí: “con người khó tránh khỏi cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.
Như vậy, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật trung tâm xoay quanh những chuỗi nghịch lí để gửi gắm những trải nghiệm, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, tạo nên dư âm về triết lí của cuộc sống nhân sinh có giá trị đối với mọi thời đại. Qua đó, chúng ta có thể thấy được những khám phá mới mẻ và cái nhìn từng trải chắc chắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu – một cây bút luôn miệt mài trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
——————HẾT———————-
Bến quê là truyện ngắn chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh sâu sắc của Nguyễn Minh Châu, bên cạnh bài Nghịch lí trong truyện ngắn Bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 có cùng chủ đề khác như: Phân tích truyện Bến quê, Cảm nhận truyện ngắn Bến quê, Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê, Suy nghĩ về triết lí sống trong truyện ngắn Bến quê
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/nghich-li-trong-truyen-ngan-ben-que-cua-nha-van-nguyen-minh-chau/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục