Đề bài: Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa
Bạn đang xem bài: Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa
Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa
I. Dàn ý Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa
– Dẫn dắt đến khổ 3 của bài thơ
2. Thân bài:
a. Khổ 5, 6Suy ngẫm về bà và cuộc đời của bà:
– Hình ảnh “bếp lửa, nhóm lửa” mang ý nghĩa trừu tượng và khái quát:
+ “Bếp lửa” mà người bà nhóm, không chỉ là với những nguyên liệu tự nhiên mà còn nhóm bởi tinh yêu thương “ủ sẵn” của bà.
+ Điệp từ “một ngọn lửa”: thể hiện sức sống mãnh liệt và dai dẳng của ngọn lửa.
→ Khẳng định sự bền bỉ của tình yêu thương mà bà dành cho người cháu của mình..
+ “Ngọn lửa” ấy còn chứa cả ý chí và nghị lực sống phi thường của bà trong những năm tháng đói khát chiến tranh.
– Cuộc đời của bà:
+ Từ láy “lận đận” và cụm từ “biết mấy nắng mưa”: gợi ra sự tần tảo, vất vả của người bà.
+ Điệp từ “nhóm”: nhấn mạnh ý nghĩa của công việc “nhóm lửa” mỗi sớm mai của bà.
→ Bà “nhóm lửa” không chỉ là để nấu cơm với “khoai sắn ngọt bùi”, với “nồi xôi gạo mới” mà còn “nhóm” lên cả sự sẻ chia “tâm tình” với người cháu của mình.
+ Cụm từ “ấp iu nồng đượm” chỉ sự chi chút, tỉ mẩn của người bà khi nhóm bếp
+ Câu cảm thán “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”: thể hiện niềm xúc động chân thành của nhà thơ khi phát hiện ra một chân lý bình dị.
b. Tình cảm của người cháu dành cho bà:
– Nhà thơ đã tới một đất nước xa xôi, hiện đại “có khói trăm tàu, có lửa trăm nhà” nhưng trong tâm trí luôn khắc khoải hình bóng của bà và bếp lửa.
– Sự tương phản đối lập giữa hiện tại ồn ã với tuổi thơ bình yên, yên dịu.
– Nhà thơ nhớ về “ngọn lửa” bởi đó biểu tượng cho tuổi thơ, cho người bà, cho sự sống, tình yêu thương và niềm tin bất diệt, cho cội nguồn, quê hương, Tổ quốc.
– Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”: nỗi nhớ nhung khôn nguôi và niềm khắc khoải mong nhớ về bà của người cháu.
c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung:
+ Ba khổ cuối cho thấy những suy ngẫm của người cháu trưởng thành về bà và cuộc đời của bà.
+ Khẳng định tình cảm chân thành của người cháu dành cho bà của mình.
+ Hình ảnh của bà và bếp lửa là biểu tượng cho quê hương, đất nước.
– Nghệ thuật:
+ Thể hiện hình tượng bếp lửa thông qua giọng điệu thơ chân thành và da diết.
+ Thể thơ tám chữ tự do cùng nhịp thơ linh hoạt đã khắc hoạ hình tượng bếp lửa rất thành công.
+ Ngôn ngữ trong thơ trong sáng, chân thành, mộc mạc như chính tình cảm của nhà thơ đối với bà của mình.
3. Kết bài:
Khẳng định giá trị của tác phẩm, khổ thơ.
II. Bài văn mẫu Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa (Chuẩn)
Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bài thơ “Bếp lửa” của ông được sáng tác năm 1963 khi ông đang là một sinh viên Luật tại nước ngoài. Bài thơ là lời của người cháu trưởng thành bồi hồi, xúc động khi nhớ về những kỉ niệm cùng người bà của mình. Đặc biệt ba khổ cuối của bài thơ đã gợi lên cho người đọc thấy được những suy ngẫm về bà cũng như cuộc đời bà của người cháu. Đồng thời cũng thể hiện được tình cảm của người cháu yêu thương luôn dành cho người bà thân yêu của mình.
Ở những khổ thơ đầu, người cháu đã nhớ về hình ảnh bếp lửa, nhớ về người bà của mình. Hình ảnh người bà tần tảo gắn liền với bếp lửa, gắn liền với tuổi thơ của cháu. Sau những giây phút hồi tưởng đó là những chiêm nghiệm, suy ngẫm của người cháu về bà của mình, về cuộc đời của bà:
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng
Hình ảnh “bếp lửa”, “ngọn lửa” trong bài thơ vừa mang ý nghĩa trừu tượng lại vừa mang ý nghĩa khái quát. Bếp lửa mà người bà luôn nhen nhóm suốt mấy chục năm qua mỗi buổi sớm mai và chiều tà không chỉ đơn giản là nhóm bằng những thứ nguyên liệu như củi khô, rơm rạ của tự nhiên mà nó còn được nhóm lên bởi tình yêu thương mà người bà luôn “ủ sẵn” trong tim của mình, là biểu tượng của tình yêu và niềm tin mạnh mẽ đối với nhà thơ. “một ngọn lửa” được nhà thơ lặp lại liên tiếp để nhấn mạnh sự sống dai dẳng và bất tử của ngọn lửa. Đồng thời nó cũng khẳng định sức mạnh, sự bền bỉ của tình yêu thương mà người bà dành cho cháu của mình. Ngọn lửa ấy cũng là minh chứng cho ý chí và nghị lực sống phi thường của người bà qua những năm tháng đói khát nhất, khốc liệt nhất của chiến tranh. Bà chính là người nhóm lên ngọn lửa, giữ gìn ngọn lửa ấy và truyền cho người cháu thân yêu của mình ngọn lửa của niềm tin, hi vọng.
Từ những dòng suy ngẫm ấy, nhà thơ lại càng thấu hiểu về người bà của mình, thấu hiểu những đức tính cao quý của người bà: đó là sự tần tảo, sự hy sinh và đức nhân ái:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
Từ láy “lận đận” cùng cụm từ “biết mấy nắng mưa” đã gợi lên cho ta thấy sự tần tảo, vất vả của người bà trong cuộc đời của mình. Thế nhưng dù vất vả hay gian truân, bà vẫn giữ cho mình những phẩm chất cao quý. Điệp từ “nhóm” được lặp lại liên tiếp bốn lần như để nhấn mạnh ý nghĩa của công việc “nhóm lửa” mỗi sớm mai của bà. Bà “nhóm lửa”, không chi để nấu những bữa cơm với “khoai sắn ngọt bùi”, với “nồi xôi gạo mới”, mà còn “nhóm” lên cả tình yêu thương “nồng đượm” trong gia đình, nhóm lên cả những “tâm tình tuổi nhỏ” sẻ chia cùng người cháu của mình.. Cụm từ “ấp iu nồng đượm” gợi lên sự khéo léo, tỷ mẩn của người bà trong công việc nhóm bếp. Lò than dưới đôi bàn tay bà lúc nào cũng ấm nóng, cũng tỏa sáng. Hành động “nhóm bếp” của bà không còn đơn thuần là một hành động nhóm lửa nấu nướng mà cao hơn, nó trở thành biểu tượng đầy ý nghĩa. Thông qua việc nhóm lửa, bà mong muốn truyền cho người cháu tình yêu thương, sự sẻ chia với mọi người trong gia đình, với xóm làng xung quanh. Hành động “nhóm lửa” của bà đã khắc sâu vào tâm trí của người cháu, để mỗi khi nhớ về “bếp lửa” thì những kí ức tuổi thơ lại ùa về, hoà cùng nó là tình yêu quê hương, sự khắc ghi cội nguồn của mình.
Nhớ về những kỉ niệm về bà bên “bếp lửa”, nhà thơ bật lên một câu thơ cảm thán vô cùng xúc động:
“Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”
Từ “ôi” đặt ở đầu câu thơ cùng nghệ thuật đảo ngữ đã thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ khi phát hiện ra một thứ chân lý mới, bình dị của cuộc đời mình. Hình ảnh người bà tần tảo cùng bếp lửa ấm nóng đã hoà lại làm một, luôn rực rỡ, cháy sáng và thiêng liêng trong tâm hồn của người cháu.
Khổ cuối khép lại bài thơ là tình cảm mà người cháu đi xa dành cho người bà thân yêu của mình:
“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà. Có niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhỏ:
Sáng mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”
Khi viết bài thơ này, nhà thơ đang ở một đất nước xa xôi và lạnh giá, chính vì thế, lời bộc bạch của nhà thơ lại càng mang những cảm xúc thật chân thành và xúc động. Ở đất nước xa xôi này, mọi thứ đều hiện đại và mới mẻ “có khói trăm tàu, có lửa trăm nhà, có niềm vui trăm ngả”, thế nhưng trong lòng người cháu xa quê luôn khắc khoải hình bóng của người bà, của “bếp lửa chờn vờn trong sương sớm”. Nhà thơ đã tạo nên một sự tương phản đối lập giữa sự ồn ã của hiện tại với cuộc sống bình yên của quá khứ. Thế nhưng dù ở thời điểm nào, ngọn lửa của người bà nhóm lên mỗi sớm mai và chiều tối luôn thường trực, luôn âm ỉ trong trái tim của người cháu. Ngọn lửa đó là biểu tượng cho tuổi thơ, cho người bà, cho sự sống, tình yêu thương và niềm tin bất diệt. Nhớ về bà là nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương, Tổ quốc thân yêu, nơi bà và bếp lửa vẫn luôn còn sống mãi. Khép lại bài thơ là một câu hỏi tu từ “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” thể hiện nỗi nhớ nhung khôn nguôi của người cháu và niềm hoài vọng khắc khoải khi nhớ về tuổi thơ, về gia đình, về bà và về quê hương.
Thông qua hình tượng bếp lửa thông qua giọng điệu tha rất tha thiết, chân thành; thể thơ tám chữ tự do cùng nhịp thơ linh hoạt đã khiến cho hình ảnh bếp lửa khắc sâu vào tâm trí của người đọc, rất nồng nàn, thấm thía. Ngôn từ trong bài thơ rất giản dị, gần gũi, mộc mạc như chính tình cảm chân thành mà nhà thơ dành đến cho người bà của mình.
Qua ba khổ cuối của bài thơ Bếp lửa, nhà thơ Bằng Việt đã cho chúng ta thấy được những suy ngẫm của một người cháu về người bà của mình cũng như cuộc đời tần tảo của bà. Đồng thời ta cũng thấy được tình cảm chân thành, tha thiết mà người cháu luôn dành cho người bà thân yêu của mình. Hình ảnh người bà cùng bếp lửa chính là biểu tượng cho tuổi thơ, cho quê hương, đất nước.
—————–HẾT——————
Qua dòng hồi tưởng, suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành về bà của mình, bài thơ Bếp lửa đã gợi lại những kỉ niệm thân thương, xúc động về người bà cùng tình cảm bà cháu. Những bài văn mẫu: Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Cảm nhận vẻ đẹp khổ thơ cuối trong bài thơ Bếp lửa, Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa, Cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tấm lòng kính yêu, biết ơn của người cháu đối với bà mình, dối với quê hương, đất nước.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-ba-kho-cuoi-bai-tho-bep-lua/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Mẫu