Giáo dục

Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Đề bài: Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

phan tich bai hung dao vuong tran quoc tuan

Bạn đang xem bài: Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Bài văn Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hay nhất
 

I. Dàn ý Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

1. Mở bài

Sơ lược Đại Việt sử ký toàn thư và trích đoạn Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

2. Thân bài

a. Lòng trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn.
– Thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức của ông về trách nhiệm của bản thân với đất nước.
+ Trong khi nhà vua đến thăm bệnh có hỏi ông về kế sách khi giặc phương Bắc lại xâm phạm, Trần Quốc Tuấn đã không ngần ngại mà hết lòng phân tích nghĩ kế giúp vua giữ nước an dân.
+ Khuyên nhà vua thuật trị quốc là cần phải biết “khoan thư sức dân”, lấy nhân dân làm trọng, giảm bớt các loại thuế khóa, bớt đi những loại hình phạt, chăm lo cho dân để nhân dân có được cuộc sống sung túc.

– Lòng trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn còn được làm nổi bật ở trong hoàn cảnh thử thách, sự tiến thoái lưỡng nan giữa chữ trung và chữ hiếu.
+ Gạt bỏ hiềm khích riêng, quyết định làm một trung thần, phò vua giúp nước chứ không chịu làm kẻ bất nhân, bất nghĩa, tiếng xấu ngàn thu.
+ Dò hỏi cận thần về chuyện mưu phản, khi thấy tấm lòng trung với nước và lời can gián của hai người Yết Kiêu, Dã Tượng ông đã hết lòng khen ngợi, thậm chí còn xúc động đến khóc.
+ Trong chuyện dạy con, với Hưng Vũ Vương thì ngầm tán thành tấm lòng trung thành, ngay thẳng của con. Còn với Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng người có lòng muốn cha mưu phản, thì ông tức giận không nể tình cha con mà toan giết, sau cũng không cho nhìn mặt lần cuối lúc ông chết.

b. Vẻ đẹp của một vị anh hùng – vị danh tướng vĩ đại trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử thế giới.
– Vạch ra kế sách ứng phó với giặc phương Bắc khi soi chiếu vào lịch sử của Đại Việt, chỉ cho vua rằng nên tùy vào thời thế, vận nước, mà binh pháp chống giặc cần được thay đổi sao cho linh hoạt.
– Nhận ra cái cốt yếu để chiến thắng giặc ngoại xâm đó chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân, vua tôi một lòng cùng chống giặc => Cho thấy ông là một vị tướng tài ba có tầm nhìn xa trông rộng, sáng suốt vô cùng.
– Để lại những tác phẩm quân sự có giá trị như Binh gia diệu lý yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
– Câu nói nổi tiếng “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”, đó là tấm lòng dũng cảm, một lòng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người anh hùng. Bộc lộ tấm lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc.

d. Tấm lòng đức độ lớn lao:
– Một lòng suy tính cho nhân dân, khuyên vua “khoan thư sức dân”.
– Khiêm tốn, kính cẩn giữa đạo quân thần, dẫu được trao cho quyền hành lớn, được phép ban chức tước cho người dưới, nhưng ông chưa một lần ban tước cho ai.
– Dạy cho tướng sĩ đạo trung nghĩa, hết lòng khích lệ, tiến cử người tài ra giúp nước.
 

3. Kết bài

Nêu tổng kết.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử duy nhất của Việt Nam ghi chép về các triều đại trải dài từ thời Kinh Dương Vương đến thời Hậu Lê còn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay. Không chỉ mang tính chất lịch sử mà Đại Việt sử ký toàn thư còn mang đậm chất văn học tuân theo đúng tinh thần “văn sử bất phân” của thời trung đại. Bộ sách ghi chép lại những nhân vật, sự kiện lịch sử luôn kèm theo những câu chuyện kể sinh động, chân thực để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về bức chân dung của các nhân vật lịch sử. Những trang sách viết về Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chính là những ví dụ mẫu mực, tiêu biểu về cách viết sử này của người xưa. Đặc biệt những câu chuyện kể về bậc công thần hàng đầu của nhà Trần đã cho chúng ta những bài học quý giá về nhân cách, lối sống tốt đẹp đáng được ngưỡng mộ và kính trọng đến muôn đời của các vĩ nhân trong lịch sử dân tộc.

Nói về Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, từ trích đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư ta có thể nhận thấy ở nhân vật này nổi lên rõ nét nhất đó là tinh thần trung quân ái quốc. Ông một lòng trung thành với vua, hết lòng vì dân giúp nước điều đó thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức của ông về trách nhiệm của bản thân với đất nước. Trong khi nhà vua đến thăm bệnh có hỏi ông về kế sách khi giặc phương Bắc lại xâm phạm, Trần Quốc Tuấn đã không ngần ngại mà hết lòng phân tích nghĩ kế giúp vua giữ nước an dân. Không chỉ thể hiện tài năng, mưu lược, sự thấu hiểu binh pháp cốt yếu mà Trần Quốc Tuấn còn cho chúng ta thấy tấm lòng yêu nước, thương dân, một lòng vì nhân dân khi khuyên nhà vua thuật trị quốc là cần phải biết “khoan thư sức dân”, lấy nhân dân làm trọng, giảm bớt các loại thuế khóa, bớt đi những loại hình phạt, chăm lo cho dân để nhân dân có được cuộc sống sung túc thì vận nước cũng theo thế mà tăng lên.

Lòng trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn còn được làm nổi bật ở trong hoàn cảnh thử thách, sự tiến thoái lưỡng nan giữa chữ trung và chữ hiếu. Chuyện phải kể về việc lúc nhà Trần mới thành lập nhờ chuyện kết hôn giữa Lý Chiêu Hoàng (hoàng đế cuối cùng của triều Lý) và Trần Cảnh (Trần Thái Tông), hai người kết hôn khi mới chỉ 7, 8 tuổi, mãi về sau mới có một hoàng trưởng tử, tuy nhiên đứa trẻ lại yêu mệnh rồi qua đời sớm. Từ đó trở đi Chiêu Hoàng không mang thai lần nào nữa, do sốt ruột về vấn đề nối dõi thế nên Thái sư Trần Thủ Độ buộc phải sắp xếp cho Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa (chị ruột của Chiêu Hoàng, lúc đó đang mang thai ba tháng) vốn là vợ của anh trai vua là Trần Liễu (tức An Sinh Vương, phụ vương của Trần Quốc Tuấn). Uất ức vì mất vợ, Trần Liễu làm phản, rồi bị đánh dẹp, sau Trần Thái Tông đã không trách tội mà cho quay về đất phong. Tuy nhiên chuyện này vẫn là cái gai trong lòng suốt cả cuộc đời Trần Liễu, chính vì vậy khi Trần Quốc Tuấn lập nhiều công lao, được trọng dụng lại giữ binh quyền trong tay, ông có ý muốn con mưu phản, để rửa mối hận cũ. Trần Quốc Tuấn nghe lời cha dặn trước lúc lâm chung, nhưng không cho đó là phải, đứng giữa chữ “hiếu” và chữ “trung” ông đã gạt bỏ hiềm khích riêng, quyết định làm một trung thần, phò vua giúp nước chứ không chịu làm kẻ bất nhân, bất nghĩa, tiếng xấu ngàn thu. Đối với Hưng Đạo Vương, chữ “hiếu” vốn là nằm trong chữ “trung”, hết lòng trung thành với đất nước, phụng sự dân tộc tức là đã đền đáp công ơn của tổ tông, vừa là “trung” cũng lại vừa là “hiếu”. Nếu hiếu mà đi ngược lại chữ trung để nhân dân lầm, than đất nước loạn lạc, thì chữ “hiếu” ấy e không phải là “hiếu” thực sự.

Tấm lòng trung thành của ông còn được thể hiện rõ nét khi ông dò hỏi cận thần về chuyện mưu phản, khi thấy tấm lòng trung với nước và lời can gián của hai người Yết Kiêu, Dã Tượng ông đã hết lòng khen ngợi, thậm chí còn xúc động đến khóc. Trong chuyện dạy con, lòng trung quân của ông càng được thể hiện rõ nét, với Hưng Vũ Vương thì ngầm tán thành tấm lòng trung thành, ngay thẳng của con. Còn với Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng người có lòng muốn cha mưu phản, thì ông tức giận không nể tình cha con mà toan giết, sau cũng không cho nhìn mặt lần cuối lúc ông chết. Điều đó thể hiện sự nghiêm khắc giáo dục đối với con cái của Trần Quốc Tuấn, quyết không để các con của mình vì tư lợi mà làm mất đi bốn chữ “trung quân ái quốc”.

Không chỉ ở tấm lòng trung quân ái quốc, Trần Quốc Tuấn cũng hiện lên với vẻ đẹp của một vị anh hùng – vị danh tướng vĩ đại trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử thế giới. Sự tài giỏi, tài dụng binh, mưu lược của ông thể hiện rất rõ nét trong việc ông vạch ra kế sách ứng phó với giặc phương Bắc khi soi chiếu vào lịch sử của Đại Việt, mỗi một triều đại lại có một cách chống giặc khác nhau. Từ đó ngầm ý chỉ cho vua rằng nên tùy vào thời thế, vận nước, mà binh pháp chống giặc cần được thay đổi sao cho linh hoạt, không nên ép vào một khuôn mẫu nhất định. Rồi cũng từ đó rút ra cái cốt yếu để chiến thắng giặc ngoại xâm đó chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân, vua tôi một lòng cùng chống giặc, thì không còn sợ bất cứ giặc ngoại xâm nào nữa. Cách phân tích ấy của Trần Quốc Tuấn đã cho thấy ông là một vị tướng tài ba có tầm nhìn xa trông rộng, sáng suốt vô cùng. Tài cầm quân đánh giặc của ông vang dội đến mức giặc phương Bắc chỉ dám gọi là An Nam Hưng Đạo vương chứ không dám gọi thẳng tên thật. Đặc biệt Trần Quốc Tuấn cũng ý thức được bản thân phải truyền lại cho hậu thế tuyệt học của bản thân bằng cách viết những tác phẩm quân sự có giá trị như Binh gia diệu lý yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Với mong mỏi người đời sau có thể vận dụng mà bảo vệ đất nước, mà ông ngay cả khi đã tạ thế vẫn còn có thể đóng góp chút sức cho Tổ quốc. Vẻ đẹp nhân cách cao cả của Trần Quốc Tuấn còn đặc biệt thể hiện trong câu nói “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”, đó là tấm lòng dũng cảm, một lòng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của người anh hùng. Bộc lộ tấm lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, dù thịt nát xương tan cũng quyết chiến đấu với kẻ thù, chết trong tư thế hiên ngang chứ nhất quyết không chịu cúi đầu trước giặc thù.

Bên cạnh bài học về tấm lòng trung quân ái quốc và tài cầm quân hiếm có thì Trần Quốc Tuấn còn nổi bật với tấm lòng đức độ lớn lao. Ông một lòng suy tính cho nhân dân, khuyên vua “khoan thư sức dân”, lại hết lòng khiêm tốn, kính cẩn giữa đạo quân thần, dẫu được trao cho quyền hành lớn, được phép ban chức tước cho người dưới, nhưng ông chưa một lần ban tước cho ai. Ngoài ra Trần Quốc Tuấn còn soạn sách, dạy cho tướng sĩ đạo trung nghĩa, hết lòng khích lệ, tiến cử người tài ra giúp nước. Không chỉ chu toàn trong việc nước Hưng Đạo Đại vương còn thể hiện mình là một người biết tính toán, lo xa, sắp xếp dặn dò chuyện hậu sự của mình một cách cẩn thận (hỏa táng, bỏ vào lọ tròn, chôn trong vườn, rồi trồng cây sao cho kín kẽ). Một là sợ về sau gặp phải họa quật mộ của kẻ thù , hai nữa là cũng để tránh việc nhang khói tốn kém của nhân dân chăng?

Trích đoạn Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một trích đoạn hay nổi bật cho lối viết với tinh thần “văn sử bất phân”. Ở đó chân dung Trần Quốc Tuấn được khắc họa thông qua nhiều mối quan hệ, thử thách khác nhau, góp phần làm nổi bật lên các phẩm chất nhân cách cao đẹp của nhân vật này. Đối với nước thì sẵn sàng hy sinh, đối với vua thì một lòng trung hiếu, đối với nhân dân lại hết lòng lo nghĩ đối với tướng sĩ dưới quyền thì hết lòng dạy bảo, khéo tiến cử người tài, đối với con cái thì nghiêm khắc dạy dỗ. Còn riêng với bản thân thì luôn giữ trọn đạo quân thần, khiêm tốn, lo lắng chu toàn cho mai sau. Có thể nói rằng Trần Hưng Đạo chính là mẫu mực của một vị danh tướng toàn tài toàn đức, xứng đáng được vinh danh không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà còn là cả lịch sử thế giới (nằm trong số 10 vị tướng giỏi nhất của thế giới).

———————–HẾT————————–

Để học tốt, bên cạnh bài Phân tích bài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, các em có thể chuẩn bị trước nội dung các bài sắp học như: Soạn văn Thái sư Trần Thủ Độ (Ngô Sĩ Liên), Cảm nhận của em sau khi đọc bài Thái sư Trần Thủ Độ trích Đại Việt sử kí toàn thư, Bài học về nhân cách và lối sống rút ra từ các câu chuyện về Thái phó Tô Hiến Thành và Thái sư Trần Thủ Độ

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/phan-tich-bai-hung-dao-vuong-tran-quoc-tuan/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button