Tài liệu phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát do Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá tổng hợp biên soạn hướng dẫn bạn cách làm và lập dàn ý chi tiết kèm theo những bài văn mẫu hay phân tích bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” của Cao Bá Quát.
Hướng dẫn phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Cao Bá Quát)
Đề bài: Phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát – Cao Bá Quát
1. Phân tích đề
– Yêu cầu: phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát.
– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng: các câu thơ, từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.
– Phương pháp lập luận chính: Phân tích.
2. Hệ thống luận điểm
– Luận điểm 1: Hình ảnh người đi đường trên bãi cát – cuộc đời
– Luận điểm 2: Thực tế cuộc đời đầy cay đắng, vô vị
– Luận điểm 3: Sự bế tắc và nỗi tuyệt vọng của người đi
Lập dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát
Mở bài phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát
– Giới thiệu vài nét về tác giả:
+ Cao Bá Quát (1809 – 1855) là một tác giả trung đại có cuộc đời bất hạnh nhưng tài năng và bản lĩnh với nhiều tác phẩm phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến nhà Nguyễn bảo thủ, lạc hậu.
– Giới thiệu khái quát về tác phẩm:
+ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” mang âm điệu u buồn, vừa chứa đựng một sự phản kháng âm thầm đối với trật tự hiện hành, vừa thể hiện nỗi thất vọng và niềm bi phẫn của nhà thơ.
Thân bài phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát
* Khái quát hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ ra đời sau những lần đi Huế thi Hội, trên đường phải đi qua các tỉnh miền Trung có nhiều bãi cát trắng mênh mông ở Quảng Bình và Quảng Trị.
* Luận điểm 1: Hình ảnh người đi đường trên bãi cát – cuộc đời
– Không gian:
+ “Bãi cát dài lại bãi cát dài”: hình ảnh những bãi cát mênh mông nối tiếp nhau đến vô tận.
-> gợi lại những cồn cát mà tác giả đã đi qua
+ “lại”: sự nối dài tít tắp của bãi cát
-> sự chán chường, ngán ngẩm của nhân vật trữ tình.
=> Con đường đầy khó khăn, nhọc nhằn, thử thách mà con người phải vượt qua để đi đến đích.
=> Hình ảnh “bãi cát” tượng trưng cho con đường đời bế tắc, đường công danh nhọc nhằn của tác giả và bao trí thức đương thời.
– Thời gian:
+ “Mặt trời lặn“: buổi chiều tà tối tăm, mù mịt
– Hình ảnh người đi đường trên bãi cát
+ “Đi một bước như lùi một bước” : bước chân nặng nhọc, khó khăn trên cát
-> sự vất vả, khó nhọc của người đi đường, con đường công danh gập ghềnh của tác giả.
+ “Mặt trời đã lặn chưa dừng được”: mặt trời lặn nhưng người đi đường vẫn còn đi
+ “nước mắt rơi” : nước mắt người đi đường rơi lã chã
-> Tâm trạng mệt mỏi, buồn bã, kiệt sức nhưng vẫn cố gắng bước tiếp.
=> Con đường đời, con đường đi đến danh lợi của kẻ sĩ trầy trật khó khăn, người đi tất tả, vội vã không kể thời gian với tâm trạng đau khổ, mệt mỏi, chán chường.
* Luận điểm 2: Thực tế cuộc đời đầy cay đắng, vô vị
“Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!”
– Điển cố về Hạ Hầu Ấn: Theo sách “Thần tiên thập dị”, Hạ Hầu Ấn lúc leo núi hay lội nước, vẫn cứ nhắm mắt ngủ say, người bên cạnh nghe thấy tiếng ngáy, mà ông vẫn bước đều không hề trượt vấp, người đời gọi ông là “tiên ngủ”
-> Nỗi ngán ngẩm của kẻ sĩ đi tìm chân lí giữa cuộc đời mờ mịt, tự giận mình không có khả năng như người xưa, mà phải tự hành hạ mình, chán nản mệt mỏi vì công danh – lợi danh.
“Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trong đường đời”
-> Sự cám dỗ của cái bả công danh, lợi danh đối với người đời khiến con người phải “tất tả” bôn tẩu ngược xuôi.
=> Tác giả chán ghét, khinh bỉ cái danh lợi, ông không muốn sa vào con đường ấy, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng đi khác cho mình.
– Quy luật xưa nay về phường danh lợi:
+ “quán rượu ngon”: danh lợi
+ “Người say”: người đi tìm danh lợi
+ “Người tỉnh”: người tỉnh ngộ, nhận ra tính chất vô nghĩa, tầm thường của danh lợi
-> Người đi đường có nhiều loại, vô số người say vì hơi men, còn loại người tỉnh thì rất ít
-> Chuyện mưu cầu danh lợi cũng hấp dẫn như thưởng thức rượu ngon, làm say người, ít ai có thể tránh được sự cám dỗ.
=> Nhận định về những kẻ ham danh lợi, thái độ dứt khoát thoát khỏi con đường danh lợi vô nghĩa, tầm thường, tự nhận thấy mình cô độc trên hành trình thoát khỏi vòng danh lợi.
* Luận điểm 3: Sự bế tắc và nỗi tuyệt vọng của người đi
“Bãi cát, bãi cát dài ơi!”
-> Câu hỏi tu từ thể hiện tâm trạng băn khoăn, day dứt của người đi đường giữa việc nên đi tiếp hay dừng lại?
– Đường bằng – mờ mịt
– Đường ghê sợ – còn nhiều
– Phía Bắc – núi muôn trùng
– Phía Nam – sóng dào dạt
-> Hình ảnh thiên nhiên phía bắc, phía nam đều đẹp, đều hùng vĩ nhưng cũng nhiều khó khăn, hiểm trở.
– “Khúc đường cùng” : đường đời không lối thoát, nếu đi tiếp cũng không biết đi thế nào, có lẽ đã đến bước đường cùng
-> Nỗi tuyệt vọng, bế tắc bất lực trước cuộc đời của tác giả vì không thể đi tiếp mà cũng không biết phải làm gì.
– Câu hỏi tu từ “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát” -> tiếng kêu bi phẫn, bế tắc, tuyệt vọng, mệnh lệnh cho bản thân phải thoát ra khỏi bãi cát danh lợi đầy nhọc nhằn chông gai mà vô nghĩa.
=> Tư thế dừng lại nhìn bốn phía mà hỏi vọng lên trời cao, lại hỏi chính lòng mình thể hiện khối mâu thuẫn lớn đang đè nặng trong tâm trí nhà thơ.
=> Kẻ sĩ cô độc, lẻ loi đầy trăn trở nhưng kì vĩ, vừa quả quyết vừa tuyệt vọng trên con đường đi tìm chân lí đầy chông gai, khao khát một sự đổi mới, thoát khỏi con đường cũ.
Kết bài phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát
– Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ
* Giá trị nội dung:
– Bài thơ biểu lộ sự chán ghét của một người trí thức với con đường danh lợi tầm thường đương thời và niềm khao khát thay đổi cuộc sống
* Đặc sắc nghệ thuật:
– Sử dụng thơ cổ thể
– Hình tượng thơ độc đáo, sáng tạo
– Hình ảnh thơ có tính biểu trưng sâu sắc
– Thủ pháp đối lập
– Sáng tạo trong dùng điển tích
Sơ đồ tư duy phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát
Tham khảo thêm: Dàn ý phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát
Một số bài văn mẫu hay phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát
Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát mẫu số 1:
Cao Bá Quát (1808 – 1855) là nhà thơ lỗi lạc của nước ta trong thế kỉ 19. Ông để lại trên một nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm; bài phú “Tài tử đa cùng phú” và bài thơ chữ Hán “Sa hành đoản ca” được nhiều người ca ngợi. “Sa hành đoản ca” nghĩa là bài ca ngắn đi trên bãi cát nói lên bi kịch của kẻ sĩ trên bước đường công danh. Bãi cát dài và con đường cùng trong “Sa hành đoản ca” được miêu tả đầy ám ảnh. Bãi cát dài được nhắc đi nhắc lại năm lần trong bài thơ. Con đường được nói tới là “đường cùng”: “Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều”.
Hình ảnh bãi cát dài và con đường cùng lại được miêu tả trong khoảnh khắc thời gian ngày tàn khi “mặt trời lặn”. Con đường cùng không chỉ “mờ mịt” và “ghê sợ” mà còn bị chặn lối, bị bủa vây:
“Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt”.
Các hình ảnh ấy tượng trưng cho đường đời, con đường danh lợi nhiều gian nan, nguy hiểm.
Hình ảnh người đi đường trong bài thơ được khắc hoạ qua nhiều chi tiết chọn lọc. Bước đi thất thểu khó nhọc “Đi một bước như lùi một bước”. Nước mắt “lã chã rơi” vì tự thương mình. Khách đi đường vừa khó nhọc đi trên bãi cát mờ mịt vừa suy ngẫm. Lúc thì ước ao được “phép ngủ kĩ” của ông tiên. Lúc thì nghĩ về “hạng người danh lợi” đang tất tả ngược xuôi; và cảm thấy “người tỉnh thường ít mà người say vô số!”. Lúc thì than, hát khúc “đường cùng”; để rồi tự vấn lương tâm, tự trách mình: “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?“.
Qua hình ảnh người đi đường, nhà thơ giãi bày tâm sự bế tắc và chán ngán trên con đường công danh, con đường danh lợi. Tác giả tự trách, tự thương mình.
Nhân vật trữ tình trong “Sa hành đoản ca” lúc là “khách” (khách tử), lúc là “anh” (quân), lúc lại xưng là “ta” (ngã). Đó là sự hoá thân giữa khách thể và chủ thể trữ tình, để vừa tạo nên sự phong phú, uyển chuyển về giọng điệu, vừa để bộc lộ tâm sự, nói lên những suy ngẫm về hạng người danh lợi và con đường danh lợi xưa nay. Giọng thơ trở nên tâm tình, thổ lộ rất thấm thìa. Các câu hỏi tu từ trong bài thơ tạo nên bao ám ảnh và suy ngẫm mang tính triết lí sâu sắc:
Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?
Bài “Sa hành đoản ca” cho ta thấy một phần nào con người và nhân cách của Cao Bá Quát. Là một bậc tài danh nhưng sinh bất phùng thời, không được trọng dụng, đã nếm trải nhiều cay đắng trên con đường công danh.
Cao Bá Quát muốn nhắn gửi hạng người danh lợi đang tất tả ngược xuôi bài học nhiều nước mắt mà ông đã trải qua và cảm nhận.
Xem thêm:
- Hướng dẫn soạn bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát ngắn gọn và đầy đủ ý
- Văn mẫu cảm nhận bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát
Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát mẫu số 2:
Cao Bá Quát là một nhà nho nổi tiếng học giỏi và viết chữ đẹp nhưng rất lận đận về đường công danh. Sống trong cảnh chính quyền phong kiến hà khắc, chuyên chế, áp bức dân lành, ông cũng như những người khác thuộc tầng lớp trí thức, dù có tài nhưng cũng không được coi trọng. Khí phách, bản lĩnh và hoài bão lớn lao của ông đã khiến ông trở nên chán ghét những khuôn khổ bó hẹp của chế độ phong kiến hủ bại. Các tác phẩm của ông thể hiện sự bất mãn đối với những bất công, ngang trái trong cuộc đời và đối với chế độ đương thời. “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là một tác phẩm được sáng tác sau khi tác giả đi qua miền Trung, nhìn những bãi cát dài trắng chạy dài vô tận. Đó là bãi cát – hay cũng chính như cuộc đời, như đương công danh mà những người trí thức lúc bấy giờ vẫn đang theo đuổi, nhọc nhằn, mờ mịt.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người đi khó nhọc trên bãi cát:
“Bãi cát lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.”
Những bãi cát dài cứ nối tiếp nhau không bao giờ ngừng nghỉ, tựa như chẳng thấy điểm kết thúc. Bốn bề đều là một màu cát trắng, núi và biển. Chỉ thấy màu nắng, màu cát mà thôi. Trong khung cảnh vắng lặng ấy, có một người đang lê từng bước khó nhọc, “đi một bước như lùi một bước”. Giữa thiên nhiên mênh mông, giữa bốn bề cát trắng, con người thật nhỏ bé, cô độc biết bao.
“Mặt trời đã lặn, chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi”
Mặt trời đã lặn, nhưng làm sao có thể dừng bước vì giữa biển cát, biết tìm đâu ra chỗ ngủ cho đêm nay. Một con đường đi, cứ đi, đi mãi mà chẳng thể dừng lại, mà tiếp cũng chẳng biết bao giờ sẽ tới nơi.
Hình ảnh con đương trên cát bất tận, hình ảnh người lữ khách nhỏ bé bất lực giữa thiên nhiên, hay đó chính là con đường công danh mà Cao Bá Quát, cũng như rất nhiều những trí sĩ đương thời đang dấn thân vào. Một con đường đầy gian nan, thử thách, cay đắng, mệt nhọc. Ngay chính nhà thơ, cũng rất lận đận với con đường thi cử, công danh, rất nhiều lần bị đánh tụt hạng, đánh trượt trong các khoa thi nhưng cũng chỉ biết chấp nhận.
Bất lực, bế tắc, nhà thơ chỉ biết tự oán:
“Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
Xưa nay, phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người ?”
Nhà thơ chỉ tiếc mình không thể học được phép ngủ của tiên ông, cứ sống mà mặc kệ mọi danh lợi, mọi oán hận của thế gian. Mắt không thấy thì tâm không đau. Nhìn người, nhìn mình. Biết con đường công danh là gian nan, là phải “tất tả” ở nơi phường danh lợi, thế nhưng vẫn cứ dấn thân vào. Rồi càng đi vào, càng thấy hoang mang, không biết lối ra cũng chẳng thể dừng lại. Vì công danh phải vất vả. Vì công danh phải cố bước. Bởi công danh như hơi men rượu, lôi cuốn, hấp dẫn người ta, như hơi men trong gió từ quán rượu, cũng đủ làm người ta say trong mê muội. Vô số người tìm đến rượu, bị rượu hấp dẫn, rồi say trong đó không biết lối ra. Có biết bao người say, có được bao nhiêu người tỉnh táo để không bị cái danh lợi mê hoặc? Nhà thơ tỉnh, nhưng rồi tỉnh vói nỗi băn khoăn không biết con đường này có nên đi tiếp hay không?
Người đi trên bãi cát đã quá cùng cực, chán ngán, tuyệt vọng:
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây ? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít ?
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt
Anh đứng làm chi trên bãi cát ?”
Người lữ khách loay hoay, cô độc, chỉ biết hỏi nơi bãi cát vô tri xem phải tính sao với con đường khó khăn này. Đường bằng thì mờ mịt, mà đường gập ghềnh ghê sợ thì cũng đâu phải ít. Đường công danh là thế, biết bao chông gai, cạm bẫy luôn rình rập. Làm thế nào để được sống như mình muốn trên con đường ấy đây? Một cảm giác tuyệt vọng, bất lực trào dâng trong lòng người khách độc hành, chỉ biết cất lên khúc hát “đường cùng” để bày tỏ tâm trạng.
Nhìn bốn bề, chỉ thấy sóng, thấy núi, chưa có một con đường nào để người lữ khách có thể bước đi cả. Nhưng chẳng lẽ đứng mãi nơi cồn cát ấy? Anh còn đứng làm gì trên bãi cát ấy. Hãy đi đi, băng qua núi, băng qua biển, có gian truân, có vất vả nhưng có lẽ sẽ không còn mờ mịt như việc anh đi cứ hoài trên bãi cát kia. Câu hỏi cuối, như dự báo một hành động dứt khoát lựa chọn rời khỏi đường công danh, mà lựa chọn một con đường, một lí tưởng cho riêng mình.
Bài thơ là lời tâm sự, băn khoăn của một trí thức có tư tưởng, có hoài bão lớn, không cam chịu bó buộc trong những gò bó của chế độ phong kiến bất công, đồng thời cũng là báo hiệu cho sự thức tỉnh của một con người, một thế hệ.
Kiến thức bổ sung
1. Một số nhận định, đánh giá về bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát.
– “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát) là tiếng khóc cho cuộc đời dâu bể.
– “Sa hành đoản ca” là tiếng thở than oán, oán trách của Cao Bá Quát về bi kịch của bản thân nhà thơ.
2. Ý nghĩa của nhịp điệu bài thơ đối với việc diễn tả cảm xúc và suy tư của nhân vật trữ tình
– Bài thơ thuộc hình thức cổ thể không gò bó vào luật như thơ Đường luật có phần tự do về kết cấu, vần điệu.
– Nhịp điệu của bài thơ được tạo nên chủ yếu nhờ sự thay đổi ngắn dài của các câu thơ cũng như sự khác nhau trong cách ngắt nhịp của mỗi câu. Chính nhờ thế đã đem lại khả năng diễn đạt phong phú cảm xúc và suy tư của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
– Có từng cặp đối xứng với số lượng chữ không đều nhau:
+ 5 chữ (Trường sa phục trường sa – Nhất bộ nhất hồi khước, Cổ lai danh lợi nhân – Bôn tẩu lộ đồ trung…)
+ 7 chữ (Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu – Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng, Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp – Nam sơn chi nam sơn vạn cấp…)
+ 8 chữ (Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông – Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng)
– Cách ngắt nhịp khá linh hoạt, khi thì nhịp 2/3 khi thì nhịp 3/5 và có câu không ngắt nhịp mà liền mạch. Mỗi cách ngắt nhịp đều biểu đạt những tâm trạng, cảm xúc khác nhau của nhân vật trữ tình.
– Độ dài câu thơ và cách ngắt nhịp tạo nên nhịp điệu của bài thơ, nhịp điệu bài thơ diễn đạt sự gập ghềnh, trúc trắc của những bước đi trên bãi cát dài…
Trên đây là hướng dẫn chi tiết của Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá giúp em nắm được cách làm bài văn phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát. Ngoài ra, còn rất nhiều nội dung tham khảo văn mẫu lớp 11 khác được chúng tôi chọn lọc và thường xuyên cập nhật để phục vụ việc học tập cho các em. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Hướng dẫn phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát, lập dàn ý chi tiết và tham khảo một số bài văn mẫu hay phân tích nội dung bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-bai-tho-bai-ca-ngan-di-tren-bai-cat/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục