Đề bài: Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu).
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu)
Bài làm:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Từ lâu, đề tài mùa thu đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho tất cả các thi nhân. Nếu như ở trên ta có một “Thu điếu” – Nguyễn Khuyến với cảnh thu thân thuộc, bình dị của làng quê đồng bằng Bắc Bộ thì đến với “Đây mùa thu tới”, Xuân Diệu lại mang đến bức tranh thu sinh động, ấn tượng đồng thời tác giả bày tỏ cảm xúc u sầu, trầm tư khi mùa thu đến.
“Đây mùa thu tới” được rút từ tập “Thơ thơ” xuất bản 1938, là một đại diện tiêu biểu cho nền thơ ca trước Cách mạng. Bài thơ chính là khung cảnh đất trời với “hơi thở” man mác buồn cùng với đó là nỗi bâng khuâng của người thiếu nữ khi mùa thu về.
Mở đầu bài thơ người đọc đã cảm nhận được cái buồn, vắng vẻ của cảnh vật
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
Tác giả dẫn dắt độc giả với hình ảnh đầu tiên – “liễu”. Xuân Diệu đã chọn hình ảnh này làm tín hiệu của mùa thu nhằm diễn tả một mùa thu buồn man mác nhưng cũng đầy lãng mạn. Tâm trạng mà tác giả xây dựng cho “nhân vật” này là cái “đìu hiu” – tức là sự vắng vẻ, đơn côi. Và sự cô đơn này không chỉ diễn ra trên một mà là “rặng” – với nhiều cây liễu càng làm cho nỗi buồn chồng chất, lây lan. Chính từ láy “đìu hiu” đã miêu tả không khí buồn, lẻ loi của “liễu”. Nhà thơ đã dùng thủ pháp nhân hóa để nói lên hành động của “liễu” là “đứng chịu tang”. Lúc này, “liễu” không còn là một thực thể vô tri vô giác nữa mà thay vào đó là hình ảnh buồn, lặng lẽ nghiêng mình trước “tang”.
Hình ảnh “lệ ngàn hàng” gợi nỗi đau, nỗi buồn khi tác giả sử dụng số đếm “ngàn” để chỉ về nước mắt của cây liễu. Chính điều này làm người ta tự hỏi liệu nguyên nhân nào khiến cho “liễu” khóc, ai đã ra đi để “nàng” phải “chịu tang”. Hai câu thơ gợi mở và làm cho người đọc tò mò về những “diễn biến” tiếp theo. Ở khổ thơ đầu này, một biện pháp nghệ thuật nữa mà tác giả sử dụng là láy âm gần nhau. Liên tiếp là ba chữ “Buồn – buông – xuống” là các âm tiết nửa khép nên khẩu hình khi phát âm là hẹp tạo cảm giác nỗi buồn ứ đọng và khi phát âm thì âm thanh trầm. Thanh âm theo thứ tự là bằng thấp, bằng cao, trắc cao nên khi đọc câu thơ gợi cảm giác nỗi buồn đang “buông” từ từ, không vội vã . Cũng tương tự như vậy tác giả sử dụng láy âm cho ba chữ “tang – ngàn – hàng” cũng là âm tiết nửa khép.
Đi từ bằng cao xuống bằng thấp nên các từ này gợi nỗi trĩu nặng, giọng điệu trầm xuống cho sự xót xa, thương tiếc của “liễu”.
“Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.”
Niềm vui mừng, phấn khởi của tác giả khi mùa thu đã “chạm ngõ”. Điệp cấu trúc “mùa thu tới” càng nói lên sự hồ hởi, chào đón “nàng thu” của thi sĩ. Câu cuối chính với hình ảnh nhẹ nhàng, trong sáng, mang đậm sắc thu với “phông nền” là màu vàng. Cả hai câu thơ đều có cách ngắt nhịp 4/3 diễn tả được sự chuyển động của nàng thu, đồng thời thể hiện thái độ mong chờ thu tới của thi sĩ.
Nếu như ở khổ thơ đầu tiên tác giả đưa chúng ta đến với những cảm xúc thuần túy của mùa thu thì ở khổ tiếp theo Xuân Diệu lại đi vào chi tiết, khắc họa rõ nét hơn bức tranh thiên nhiên
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.
Những luồng run rẩy, rung rinh lá,
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.”
Thoạt đọc câu đầu khổ thơ hai, độc giả sẽ cảm thấy khá lạ tai với cụm từ “hơn một”. “Hơn một” tức là số nhiều, có thể là hai, ba, bốn…. nhưng thi sĩ lại không dùng một số đếm cụ thể mà lại dùng “hơn một”. Chính cụm từ này đã gây ra cho người đọc nhiều hứng thú. Chắc hẳn rằng không chỉ có một loài hoa “đã rụng cành” mà là rất nhiều loài hoa đã như thế. Xuân Diệu quả là một nhà thơ tài tình khi ông liên tiếp đưa ra những từ ngữ đặc sắc và đầy chất gợi. Phải tinh tế lắm, nhạy cảm lắm thì ông mới chọn “rũa” để miêu tả cây trong vườn. Động từ này gây ra cho người đọc sự nhuốm màu, pha trộn giữa màu xanh và màu đỏ. “Sắc đỏ” đang dần xâm chiếm trên lá cây, như một tín hiệu cho mùa thu đã về. Câu thơ kế tiếp thi sĩ sử dụng liên tục hai từ láy “run rẩy”, “rung rinh” như một sự lay động nhẹ của “nhánh khô gầy” khi có làn gió thoảng qua. Liên tiếp là bốn chữ “r” làm cho người đọc cảm nhận được cái lạnh, sự “run rẩy” cũng theo đó mà được cảm nhận rõ hơn.
Đến với khổ thơ thứ ba, người đọc bắt gặp hồn thơ vừa mang tính hiện thực lại có tính chất tượng trưng đầy sáng tạo. Ấn tượng ngay với độc giả là hình ảnh “nàng trăng”. Cũng với ý nghĩa đó tác giả có thể diễn đạt theo cách khác như trăng non hoặc trăng đầu mùa. Nhưng không, thi nhân đã nhân hóa trăng thành hình ảnh một con gái với tuổi xuân xanh mơn mởn như chính cái sắc vàng của trăng non.
“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ”
Với phép tu từ nhân hóa, nhà thơ Xuân Diệu đã khắc họa tính cách của trăng y hệt như một người con gái đang suy nghĩ điều gì để rồi tự “ngẩn ngơ”. Cùng với hình ảnh trăng, tác giả còn khéo léo giới thiệu về núi non quê hương. Từ “xa” cho thấy điểm nhìn của tác giả đã mở rộng ra. Thoạt đầu là từ trên cao khi chiêm ngưỡng “nàng trăng”, còn giờ đây là không gian có chiều dài với núi non được bảo vệ bởi một lớp sương “nhạt”. Chính từ này làm cho núi non không hiện ra một cách rõ nét cũng không bị bao phủ quá dày mà nó vừa đủ để tạo ra hình ảnh vừa thực vừa ảo.
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò.”
Cấu trúc song hành “Đã…” diễn tả một sự việc, hành động đã xảy ra. Thu về mang theo cái rét đặc trưng cùng “hội ngộ”. Lúc này tác giả đã chuyển xúc giác sang thính giác để nghe “lời thu nói”. Cái rét ở đây không phải là rét đậm cũng không là rét tê tái mà là “rét mướt”. Động từ độc đáo “luồn” tạo cảm giác cái rét đang len lỏi vào từng cơn gió cùng về với mùa thu. Câu thơ cuối miêu tả hiện thực những chuyến đò giờ đã vắng người sang gợi cảm giác buồn, vắng vẻ.
Đến với khổ thơ cuối cùng:
“Mây vẩn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.”
Nếu như ở “Thu điếu” Nguyễn Khuyến đưa đến cho chúng ta một bầu trời nhẹ nhàng, trong xanh – “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” thì “Đây mùa thu tới” bầu trời của Xuân Diệu lại đượm buồn. Thi sĩ dùng những hình ảnh chuyển động để nói tới cái tĩnh lặng của con người. “Chim bay đi” trong sự chia ly của khí trời làm cho không gian như chia đôi, tạo cảm giác buồn đơn chiếc. Tác giả đã miêu tả từ cái xác định đến cái không xác định làm cho câu thơ có nét mới lạ. Hình ảnh “thiếu nữ buồn không nói” cùng với nghệ thuật đảo ngữ đã khắc họa nỗi sầu thảm, lẻ loi, cô đơn của cô gái trước không gian mênh mông rộng lớn. “Nhìn xa”, “nghĩ ngợi” càng làm rõ hơn sự suy tư, trầm ngâm của nhân vật trước cảnh sắc mùa thu hay chính xác là bước “chuyển mình” của “nàng thu”. Mượn hình ảnh “thiếu nữ”, tác giả đã nói lên suy nghĩ, tâm sự của mình về bức tranh thu. Đó chính là cảm xúc buồn, suy tư khi mùa thu dần “tàn”.
Với “Đây mùa thu tới”, nhà thơ Xuân Diệu đã cho độc giả thấy cảm quan cực kì xuất sắc trong việc quan sát, miêu tả cảnh vật khi mùa thu tới. Bài thơ không những có đầy đủ hình ảnh, cảnh sắc mà còn chất chứa tình thu. Bằng tình yêu cuộc sống, thái độ trân quý thời gian thi sĩ đã vẽ nên bức tranh thu vừa sinh động nhưng đồng thời cũng mang nét u buồn, cô đơn.
Bên cạnh Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu) các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như Phân tích khổ bốn trong bài Đây mùa thu tới hay phần Phân tích bài thơ Khi con tu hú nhằm củng cố kiến thức của mình.
Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9