Giáo dục

Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải

Đề bài: Phân tích văn bản Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải

phan tich van ban hai chu nuoc nha cua tran tuan khai

Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải

3 bài văn mẫu Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải

 

1. Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải, mẫu số 1:

Trần Tuấn Khải thường mượn những chuyện lịch sử để giãi bày tấm lòng yêu nước, nỗi đau mất nước, qua đó mà thức tỉnh tinh thần của đồng bào. Ở những năm đầu thế kỉ XX, ông là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu với giọng điệu bi tráng, thống thiết. Hai chữ nước nhà là tác phẩm tiêu biểu của ông. Dưới hình thức song thất lục bát, bài thơ Hai chữ nước nhà để lại một ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong lòng người đọc. “Tâm trạng xã hội khoảng 1926 uất ức, bi tráng, điệu lục bát du dương êm hòa không đủ, mà đòi hỏi một điệu thơ song thất lục bát để toát, để thoát, xé nỗi niềm u uất đè nặng tâm hồn” (Xuân Diệu).

Cuộc chia tay cảm động giữa hai cha con Phi Khanh và Nguyễn Trãi trong bối cảnh nước mất nhà tan trong bài thơ là những khoảnh khắc đặc biệt, có sức lay động lớn đã được Trần Tuấn Khải sử dụng để kí thác tâm trạng, cảm xúc hiện tại, thực của mình. Lời trăng trối của người cha đối với con khi vĩnh biệt trĩu nặng ân tình, nhuốm đậm những đau thương. Tiếng lòng sầu thảm, ai oán kia khi thì trùng điệp dồn nén, khi thì da diết xót xa. Tác giả quả là đã không uổng công chút nào khi lựa chọn âm điệu phong phú của thể thơ song thất lục bát để dồn tả những tiếng lòng ấy.

Có thể hình dung bố cục của văn bản trích Hai chữ nước nhà thành ba phần. Phần 1 (8 câu thơ đầu): diễn tả tâm trạng của người cha trong cảnh ngộ éo le, đau lòng; phần 2 (20 câu tiếp): phác họa tình cảnh đau thương tang tóc của đất nước; phần 3 (8 câu thơ còn lại): xót phận mình bất lực, người cha trao gửi cho con tâm nguyện cứu nước. Đi vào tìm hiểu từng phần ta sẽ cảm nhận được mạch xúc cảm thống thiết, chân thành của bài thơ.

Ở 8 câu thơ đầu, tác giả gợi ra bối cảnh không gian biên ải ảm đạm, hun hút và tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bốn câu đầu là không gian chia li:

Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi giời nam gió thảm đìu hiu.
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.

phan tich hai chu nuoc nha

Những bài Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà hay nhất

Trong cuộc ra đi không có ngày trở lại thì biên ải này chính là điểm mà Nguyễn Phi Khanh vĩnh biệt tổ quốc, quê hương, vĩnh biệt người con thân yêu của mình. Tâm trạng của kẻ sắp ra đi vĩnh viễn phủ lên khung cảnh vốn đã heo hút, ảm đạm một màu tang tóc, thê lương. Tâm sầu, cảnh sầu cũ khơi gợi lẫn nhau thành một mối sầu thảm tái tê, u hoài dằng dặc. Đoạn thơ này tạo ra không khí chung cho toàn bài, không khí thời cuộc năm xưa (thời Phi Khanh – Nguyễn Trãi) và cũng là không khí của xã hội Việt Nam những năm 20 thế kỉ XX. Bốn câu tiếp đầm đìa máu lệ:

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,
Chút thân tài lần bước dặm khơi,
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên.

Giờ phút này đây, cha sẽ ra đi mà chẳng bao giờ về nữa. Đất nước lầm than, cha con li biệt, tình đất nước lớn lao hòa trong tình phụ tử sâu nặng Nguyễn Phi Khanh bị giải sang Tàu. Để làm tròn đạo hiếu với cha già, Nguyễn Trãi muốn đi theo để phụng dưỡng. Nhưng Phi Khanh gạt tình riêng, dằn lòng khuyên con trở lại để trả thù nhà, đền nợ nước. Người sắp ra đi vĩnh viễn thường nói những lời gan ruột, những lời mà người còn sống phải khắc cốt ghi xương.

Tấm lòng đối với đất nước của người cha thật cảm động. Ở những câu thơ tiếp theo trong phần 2 tác giả đã hóa thân vào người trong cuộc li tan để phác ra tình cảnh đau thương của đất nước lầm than nô lệ. Trong đó tác giả sử dụng cả tự sự và miêu tả xen lẫn những lời cảm thán để làm nổi bật nỗi đau mất nước nhà tan, tất cả đang chìm ngập trong thảm họa “xương rừng máu sông”; uất hận sầu đau đang ngùn ngụt ngút trời:

Thảm vong quốc kể sao xiết kể,
Trông cơ đổ nhường xé tâm can,
Ngậm ngùi đất khóc giời than,
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Nỗi đau ở đây là một nỗi đau lớn, vượt lên nỗi đau riêng để thành nỗi đau cao cả, thiêng liêng của cả đất nước, giống nòi. Sự lớn lao ấy được diễn tả bằng hàng loạt các hình ảnh mang tầm vóc vĩ mô: vong quốc, cơ đồ, đất khóc, giời than, nòi giống. Dòng xúc cảm mãnh liệt thống thiết biểu hiện qua những từ ngữ diễn tả tình cảm ở cung bậc mạnh, bi thiết: kể sao kể xiết, xé tâm can, ngậm ngùi, khóc than, thương tâm. Mỗi dòng thơ là một tiếng kêu than đứt ruột, đầy những hờn căm, bi phẫn. Chẳng đủ nước mắt để khóc than cho những đớn đau đang tràn ngập giang sơn, đắng cay đành nuốt sâu trong dạ, người cha nhắn nhủ tâm huyết lại cho con:

Cha xót phận tuổi già sức yếu,
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay,
Thân lươn bao quản vũng lầy,
Giang sơn gánh vác sau này cậy con.
Con nên nhớ tổ tông khi trước,
Đã từng phen vì nước gian lao.
Bắc Nam bờ cõi phân mao,
Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…

Nói phận mình bất lực để ủy thác tất cả cho con, cha “tuổi già sức yếu”, lại gặp cơn nguy nan, đành uất hận, tủi hờn mà bó tay. Khơi gợi lại truyền thống kiên cường bất khuất của tổ tiên, người cha muốn thắp lên trong người con tin yêu của mình ngọn lửa căm thù xâm lăng, ngọn lửa ý chí quyết tâm khôi phục cơ đồ nước nhà và là cả niềm hi vọng lớn vào con trước khi đi mãi. Lời trao gửi nặng tựa Thái sơn. Nước mất thì nhà cũng tan, thù nhà chỉ có thể trả được khi thù nước đã rửa sạch. Nguyễn Phi Khanh muốn con mình biến nỗi đau mất cha thành nỗi hận mất nước.

Mượn xưa để nói nay, mượn người để nói ta vốn là thủ pháp có từ lâu đời trong truyền thống văn học. Trần Tuấn Khải đã rất thành công khi lựa chọn chuyện chia li giữa hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi để gửi gắm tâm sự, nỗi đau mất nước nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước thương nòi khi non sông đang bị giày xéo bởi gót giày thực dân. Bằng tình cảm sâu đậm, mãnh liệt, với một giọng điệu thống thiết, thán ca, tác giả của Hai chữ nước nhà đã thực hiện bổn phận, sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ yêu nước. Thơ ông thôi thúc lòng người, khích lệ mọi người tranh đấu cho giang sơn độc lập, tự do.

 

2. Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải, mẫu số 2:

Tác giả : Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983), bút hiệu Á Nam quê ở làng Quang Xán, xã Mĩ Hà, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Á Nam Á Nam Trần Tuấn Khải thường mượn những chuyện lịch sử để giãi bày tấm lòng yêu nước, nỗi đau mất nước, qua đó mà thức tỉnh tinh thần của đồng bào.Bài thơ nổi bật và để lại nhiều ấn tượng nhất của tác giả có lẽ là ” Hai chữ nước nhà”. Bởi lẽ sáng tác đó đã nói hộ tấm lòng và trái tim yêu nước của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Hai chữ nước nhà là bài thơ mở đầu cho tập Bút quan hoài I (xuất bản năm 1924). Bài thơ lấy đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược nước ta. Nhà thơ đã mượn lời của người cha là Nguyễn Phi Khanh dặn dò con là Nguyễn Trãi để gửi gắm nỗi lòng của mình. Đoạn trích gồm 36 câu thơ thể song thất lục bát. Đây là đoạn trích trong tập “Bút Quan hoài” sáng tác vào năm 1926. Để phân tích cụ thể tác phẩm chúng ta có thể chia bài thơ thành ba phần. Phần đầu:Có 8 câu là cảnh chia li ở nơi biên giới, giữa hai cha con Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Trãi diễn ra rất ảm đạm, thê lương. Phần thứ hai: gồm 20 câu tiếp theo là lời người cha kể về dòng giống Lạc Hồng, về lịch sử trường tồn mấy ngàn năm của dân tộc và những mất mát đau thương đất nước đang phải gánh chịu. Phần thứ ba:gồm 8 câu, tác giả đã để cho người cha dặn dò người con, là nói lên niềm tin tha thiết về đất nước.

Mở đầu bài thơ gợi nên khung cảnh nơi chia ly không thể trở về của người cha, tạo không khí bao trùm cả bài thơ:

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

phan tich bai tho hai chu nuoc nha cua tran tuan khai

Bài văn Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải

Mở đầu, tác giả đã gợi lên cảnh đất nước đau thương dưới ách thống trị của giặc ngoại xâm. Những hình ảnh nhân hóa rất điêu luyện : “mây sâu ảm đạm”, “gió thảm đìu hiu” “hổ thét chim kêu”… Cảnh vật núi sông như mang nỗi đau con người. Cả một không gian rộng lớn từ “chôn ải Bắc” đến “chốn ải Nam” và “khắp bốn bể” đều chung một niềm đau với con người nơi đây. Từng câu thơ như thấm đầy nước mắt, giọng thơ thiết tha não nùng: “Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước/ Chút thân tàn lần bước dậm khơi / Trông con tầm tã châu rơi” . Hình ảnh người cha già với chút thân tàn đang lê bước tới chốn lưu đày khiến người con rất đỗi đau lòng. Hoàn cảnh của cha con Nguyễn Trãi thật éo le, con muốn đi theo để phụng dưỡng cha, nhưng cha dằn lòng khuyên con trở lại để mưu tính việc trả thù nhà, đền nợ nước.

Phần thứ hai là lời dặn từ tâm can của Nguyễn Phi Khanh giành cho Nguyễn Trãi . Nhớ “hai chữ nước nhà” là nhớ về dòng giống Hồng Lạc, là nhớ về lịch sử trường tồn “mấy ngàn năm” của dân tộc, là nhớ giang sơn “giời Nam riêng một cõi này”, là nhớ đến bao “anh hùng hiệp nữ” .., là để nâng cao lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Phải thật khâm phục tác giả đã hóa thân mượn lời bày tỏ nỗi lòng thật tài tình. Nhưng sau đó là những câu thơ bày tỏ bức tranh thê thảm của non sông đất nước, giọng thơ trở nên căm phẫn hơn hết:

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!
Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Tác giả sử dụng tự sự và miêu tả xen lẫn những lời cảm thán để làm nổi bật nỗi đau mất nước nhà tan, tất cả đang chìm ngập trong thảm họa “xương rừng máu sông”, lòng dân căm phẫn. Những từ ngữ hình ảnh “khói lửa bừng bừng”, “xương rừng máu sông”, “thành tung quách vỡ”, “đất khóc giời than”, “xây khối nát”, “vật cơn sầu”… tuy mang tính ước lệ, nhưng trong văn cảnh vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ vì đã gợi lên bao nỗi nhục mất nước, lòng căm thù đối với quân xâm lược. Ngoài ra tác giả đã sử dụng những động từ, tính từ có sức gợi cảm cao như : “kể sao xiết kể”, “xé tâm can” , “thương tâm” , “lầm than” và những hình ảnh gây xúc động “Ngậm ngùi đất khóc giời than” đã phản ánh mức độ bi thảm của thực trạng mất nước lúc bấy giờ.

Tám câu cuối cùng là lời kêu gọi, dặn dò của người cha trước lúc từ biệt:

Cha xót phận tuổi già sức yếu,
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay,
Thân lươn bao quản vũng lầy,
Giang sơn gánh vác sau này cậy con.
Con nên nhớ tổ tông khi trước,
Đã từng phen vì nước gian lao.
Bắc Nam bờ cõi phân mao,
Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…

Thay lời cho người cha, Á Nam Trần Tuấn Khải đã viết nên những lời gan ruột, tâm huyết trao lại cho Nguyễn Trãi. Người cha muốn thắp lên trong người con tin yêu của mình ngọn lửa căm thù xâm lăng, ngọn lửa ý chí quyết tâm khôi phục cơ đồ nước nhà. Gánh nặng sơn hà, xã tắc xin uỷ thác cho thế hệ sau này với tất cả niềm tin tưởng và hi vọng .

Mượn xưa để nói nay, mượn người để nói ta vốn là thủ pháp có từ lâu đời trong truyền thống văn học. Á Nam Trần Tuấn Khải đã thành công khi tạo cảm xúc sâu sắc trước tâm sự yêu nước mãnh liệt của người cha, cũng là tâm sự yêu nước mãnh liệt của nhà thơ để tác phẩm của ông mãi đi vào lòng người đọc sau này.

 

3. Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải, mẫu số 3:

Trần Tuấn Khải (1895 – 1983), bút hiệu Á Nam quê ở làng Quang Xán, xã Mĩ Hà, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Là một nhà Nho tiến bộ, ông thường mượn đề tài lịch sử hoặc những biểu tượng nghệ thuật bóng gió để kín đáo bộc lộ nỗi đau mất nước, thái độ căm giận bọn cướp nước cùng bè lũ tay sai và bày tỏ khát vọng độc lập, tự do của mình, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào. Thơ Trần Tuấn Khải được truyền tụng rộng rãi trong giai đoạn đầu thế kỉ XX, nổi tiếng nhất là những bài hát theo làn điệu dân ca như Gánh nước đêm, Anh đi anh nhớ, Hai chữ nước nhà được viết dưới hình thức thơ lục bát và song thất lục bát.

Hai chữ nước nhà là bài thơ mở đầu tập Bút quan hoài I, quyển thứ nhất, sáng tác vào năm 1924. Mượn đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh, một viên quan tài giỏi của triều đình phong kiến đương thời bị giặc bắt đem sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi định đi theo để chăm sóc cha nhưng tới biên giới phía Bắc, Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con nên quay về để mưu tính việc trả thù nhà, đền nợ nước.

Đoạn trích trong sách giáo khoa gồm 36 câu là phần mỗ đầu của bài thơ dài 101 câu, nội dung kể lại cuộc chia tay đầy ý nghĩa của cha con Nguyễn Trãi đã được ghi vào lịch sử chống ngoại xâm đau thương và oanh liệt của dân tộc. Trong cảnh ngộ đau thương, Nguyễn Phi Khanh gạt lệ khuyên con trai bao điều hữu ích. Đất nước thịnh suy là lẽ thường tình. Làm trai phải biết nuốt hận, chờ thời cơ để trả nợ nước, báo thù nhà. Người cha già lực bất tòng tâm, đành gửi trọn niềm tin vào con trai, mong con nối chí lớn của mình, tiếp tục sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng đất nước.

Đoạn trích có thể chia làm ba phần:

Phần 1 : Từ đầu… đến lời cha khuyên: Tâm trạng đau đớn của người cha trong cảnh ngộ éo le;
Phần 2: Tiếp theo… đến sau đó mà: Hiện tình đất nước trong cảnh đau thương, tang tóc.
Phần còn lại : Sự bất lực của người cha và lời trao gửi tâm huyết dành cho con.

Tại sao tác giả lại lấy Hai chữ nước nhà làm tựa đề của bài thơ? Tựa đề đó gắn với tư tưởng chung của bài thơ như thế nào?

Nước và nhà vốn là hai khái niệm, nhưng trong hoàn cảnh riêng của hai cha con Nguyễn Trãi thời xưa (thế kỉ XV) và hoàn cảnh chung của đất nước ta vào những năm đầu thế kỉ XX thì hai khái niệm đó lại có mối liên quan không thể tách rời. Nước mất thì nhà tan. Thù nhà chỉ có thể trả được khi thù nước đã rửa. Bởi thế Nguyễn Phi Khanh muốn nhắc nhở con là hãy lấy nước làm nhà, lấy cái nghĩa với nước thay cho chữ hiếu với cha, như thế là vẹn cả đôi đường.

Sức truyền cảm mạnh mẽ của bài thơ toát lên từ nội dung yêu nước. Tác giả đã tái hiện khá đầy đủ khung cảnh buổi chia li và tâm trạng đau thương, khắc khoải cua hai cha con Nguyễn trãi. Điều đó giống như “gảy đúng vào dây đàn yêu nước thương nòi của mọi lòng người”. (Xuân Diệu).

Có thể coi những lời khuyên của Nguyễn Phi Khanh trong bối cảnh nước mất, nhà tan là lời trăn trối của cha với con trong giờ vĩnh biệt. Các câu cảm thán đã tạo nên âm hưởng lâm li, thống thiết. Thể thơ song thất lục bát rất phù hợp với việc diễn tả tâm trạng nặng trĩu buồn thương của nhân vật.

Nội dung bài thơ không chỉ đơn thuần mang tính chất hoài cổ mà nó chất chứa tâm sự phẫn uất, đau thương của tác giả trước tình cảnh nước mất, nhà tan trong hiện tại. Vì vậy, nó làm rung động lòng người và được truyền tụng rộng rãi, đặc biệt là trong tầng lớp trí thức, thanh niên và học sinh yêu nước.

Đốn câu thơ đầu là khung cảnh cuộc chia li:
Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu.
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.

phan tich bai hai chu nuoc nha cua tran tuan khai

Phân tích bài thơ Hai chữ nước nhà, văn mẫu tuyển chọn

Cuộc chia tay giữa hai cha con diễn ra ở biên ải phía Bắc vốn là nơi ảm đạm, heo hút, bốn bề rừng núi trập trùng, mây sâu, gió thảm, hổ thốt, chim kêu… Đối với cuộc ra đi không có ngày trở lại của Nguyễn Phi Khanh thì đây tựa điểm dừng chân cuối cùng để rồi vĩnh viễn xa lìa Tổ quốc, quê hương và những người ruột thịt. Tấm trạng đau đớn của kẻ bị lưu đày biệt xứ đã phủ lên cảnh vật một màu tang tóc, thê lương và ngược lại, cảnh vật ấy càng như giục Cơn sầu trong lòng người vốn nặng tình non nước.

Tình cảm yêu nước của tác giả đã biến những hình ảnh ước lệ và từ ngữ sáo mòn trong thơ cổ điển thành chân thực và cảm động. Dường như tác giả được trực tiếp chứng kiến cuộc chia tay đau đớn ấy và hóa thân vào cả kẻ ở lẫn người đi để thấu hiểu, đồng cảm với tâm trạng nhân vật, từ đó viết nên những dòng thơ máu hòa nước mắt:

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,
Chút thân tàn lần bước dặm khơi,
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên.
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định,
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay.
Giời Nam riêng một cõi này,
Anh hùng hiệp hữ xưa nay kém gì Ị

Hoàn cảnh của cha con Nguyễn Trãi thật éo le: cha bị giặc bắt giải sang Tàu, không mong ngày trở lại; con muốn đi theo để phụng dưỡng cha già cho trọn đạo hiếu, nhưng cha dằn lòng khuyên con trở lại để mưu tính việc đền nợ nước, trả thù nhà. Đối với cả hai cha con, nghĩa nước, tình nhà đều thiêng liêng sâu đậm.

Trước cảnh nước mất, nhà tan, cha con li biệt, nỗi đau đớn xót xa trong lòng họ càng tăng lên gấp bội.

Nguyễn Phi Khanh khuyên con những điều tâm huyết. Trước hết, ông nhắc nhở con về dòng giống cao quý của dân tộc Việt : Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định. Sau đó phân tích cho con hiểu về quy luật của lịch sử là các triều đại phong kiến ắt phải trải qua các giai đoạn hưng thịnh và suy vong nhưng gương anh hùng, hiệp nữ cứu nước thì xưa nay không hiếm và không kém gì những gương sáng trong lịch sử phong kiến phương Bắc. Để bảo vệ đất nước, người phụ nữ còn làm nghĩa hiệp, huống chi các bậc nam nhi?!

Nguyễn Phi Khanh lấy bốn chữ Giang sơn làm trọng để giải thích cho Nguyễn Trãi – người con mà ông yêu quý và tin tưởng nhất. Trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế, lời khuyên của người cha có ý nghĩa như một lời trăng trối. Nó thiêng liêng, xúc động vô cùng, khiến người con phải khắc cốt ghi xương.

Tác giả hóa thân vào Nguyễn Phi Khanh, người bị biệt xứ lưu đày, tâm tư trĩu nặng nỗi lo đời để miêu tả tình hình bi thảm của đất nước và lên án tội ác trời không dung đất không tha của quân xâm lược:

Thân vận nước gặp khi biến đổi,
Để quân Minh thừa hội xâm lăng,
Bốn phương khói lửa bừng bừng,
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ,
Chốn nhân gian bỏ vợ lìa con,
Làm cho xiêu tán hao mòn,
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Những câu thơ này xoáy mạnh vào nỗi nhục mất nước trong tâm can người đọc đương thời. Giặc Pháp bây giờ nào có khác chi giặc Minh thuở ấy, cũng đang gây ra bao cảnh đau thương tang tóc trên đất nước ta.

Xen giữa những dòng tâm tư đắng cay, chua xót là những lời cảm thán ngậm ngùi, bi thương:

Thảm vong quốc kể sao xiết kể,
Trông cơ đồ nhường xé tâm can,
Ngậm ngùi đất khóc giời than,
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Những động từ, tính từ có sức gợi cảm cao như : kể sao xiết kể, xé tâm can, thương tâm, lầm than đã phản ánh mức độ bi thảm của thực trạng mất nước lúc bấy giờ. Gây xúc động nhất là hình ảnh: Ngậm ngùi đất khóc giời than, quả là “tình cảnh cảm sầu, kể sao cho xiết” đúng như nhận định của nhà chí sĩ Phan Bội Châu.

Tâm sự đau đớn của Nguyễn Phi Khanh được thể hiện trong bài thơ là nỗi đau lớn lao, vượt lên số phận cá nhân, trở thành nỗi đau non nước. Mỗi lời nhắn nhủ con là một tiếng than, tiếng nấc nghẹn ngào, cay đắng. Giọng thơ bi phẫn vốn là sở trường của Trần Tuấn Khải rất phù hợp với việc diễn tả tâm trạng khắc khoải, buồn thương của nhần vật Nguyễn Phi Khanh. Do đó bài thơ có sức lay động lòng người, nhất là đối với những tâm hồn đồng điệu đương thời.

Trong những giây phút cuối cùng được sống bên con, Nguyễn Phi Khanh đã đặt ra cho Nguyễn Trãi một câu hỏi lớn, cũng là nỗi niềm băn khoăn không lúc nào nguôi trong lòng ông:

Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất,
Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu,
Con ơi! Càng nói càng đau,
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà ?

Tác già mượn hình ảnh khói núi Nùng, sóng sông Nhị (sông Hồng còn gọi là Nhị Hà) biểu tượng của kinh đô nước Đại Việt để thể hiện mức độ căm giận quân xâm lược của mình, cơ nghiệp lớn lao vững chắc của ông cha, tổ tiên gây dựng tự bao đời, nay con cháu há lại để rơi vào tay giặc dữ?

Nói đến tình cảnh “lực bất tòng tâm” của Nguyễn Phi Khanh, ngòi bút tác giả như đẫm nước mắt:

Cha xót phận tuổi già sức yếu,
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay,
Thân lươn bao quản vũng lầy,
Giang sơn gánh vác sau này cậy con.
Con nên nhớ tổ tông khi trước,
Đã từng phen vì nước gian lao.
Bắc Nam bờ cõi phân mao,
Ngọn cờ độc lập máu đào còn đây…

Tất cả những lời nói trên của Nguyễn Phi Khanh đều là lời gan ruột, tâm huyết trao lại cho con. Gánh nặng sơn hà, xã tắc đã uỷ thác cho thế hệ sau với tất cả niềm tin tưởng và hi vọng. Lời khuyên của cha kích thích, hun đúc chí nam nhi của con, động viên con hãy tỏ ra xứng đáng với sự nghiệp oanh liệt của tổ tông đã bao phen vì nước.

Hai chữ nước nhà là bài thơ nổi tiếng của Á Nam Trần Tuấn Khải. Tác giả tái hiện cuộc chia tay giữa hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi trong bối cảnh nước mất nhà tan để thông qua đó bộc lộ cảm xúc của mình, đồng thời khích lệ lòng yêu nước, ý chí cứu nước của đồng bào ta. Tình cảm sâu đậm, mãnh liệt đối với nước nhà của tác giả đã tạo nên sức sống lâu dài cho bài thơ.

Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét rất đúng: “Hai chữ nước nhà được xem là bài thơ hay nhất đã tổng hợp các mô típ văn thơ yêu nước của Á Nam, từ giọng bi tráng đến giọng mỉa mai, từ chất căm hờn đến lời mắng mỏ, từ sự dỗi tức nguyền rủa bọn Việt gian chết tiệt đến nỗi đau thương ôm lấy bà mẹ giang san”.

——————HẾT———————-

Để có tư liệu làm bài văn về Phân tích văn bản Hai chữ nước nhà của Trần Tuấn Khải, các em có thể tìm hiểu thêm Soạn bài Hai chữ nước nhà hay phần Phân tích nội dung và nghệ thuật thể hiện của đoạn trích Hai chữ nước nhà cũng như có kĩ năng làm văn tốt hơn.

 

tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-bai-tho-hai-chu-nuoc-nha-cua-tran-tuan-khai/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button