Tổng hợp tài liệu Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy. Bài viết được tổng hợp gồm có bài văn mẫu giúp củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.
Đề bài: Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy
Dàn ý Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy
1. Mở bài
- – Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài
a. Phần 1: “Bần thần…thuở nào”:
- – Bài thơ được mở ra dưới một không khí rất thiêng liêng, thành kính, mà theo như Nguyễn Duy ấy là một buổi giỗ mẹ ông.
– Nỗi buồn tủi, xót xa khi nghĩ về người phụ nữ sớm lên Niết Bàn đã đưa Nguyễn Duy trở về với dáng hình mẹ xa xăm thuở nào, thông qua những ký ức mờ mịt và thông qua dáng hình của bà ngoại.
b. Phần 2: “Mẹ ta…bốn mùa”:
- – Bộc lộc niềm thương cảm với số phận của những người phụ nữ nông thôn như thân cò lặn lội.
– Mẹ của Nguyễn Duy cũng là một trong số những thân cò như vậy, đời bà khổ cực, vất vả, không có niềm vui may mặc với cái “yếm đào” xinh xắn, nón quai thao, khăn chít mỏ quạ.
– Đời bà chỉ biết những sự nghèo khó, làm lụng quanh năm với bòn mót những quả bí, quả bầu cắp ra phiên chợ bán lấy vài xu bạc. Quanh năm mặc những cái váy đen, nhuộm bùn ngâm nước đến mục, những cái áo cánh nâu, sờn vai bạc màu mà chẳng có tiền thay sắm mới.
c. Phần 3: “Cái cò…mẹ ru”:
- – “cái cò…sung chát…đào chua”. Câu hát ru cũng chính là hình ảnh và tư vị của cuộc đời mẹ, thân cò lặn lội kiếm ăn, cả đời chẳng biết đến ngọt bùi, mà chỉ toàn những chát, những chua ngập tràn.
– “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” cũng lại là những câu thơ để bộc lộ tấm lòng trân trọng yêu thương, đề cao sự thiêng liêng, quý báu của tình mẫu tử, rằng chẳng có thứ tình cảm nào lại rộng lớn bao la, ôm lấy cả cuộc đời con như thế nữa.
d. Phần 4: “Bao giờ…xa xôi”:
- Nỗi nhớ mẹ không chỉ gói trọn trong những lời ru và hình bóng mẹ, mà đó còn là những kỷ niệm trải dài trong suốt quãng đời ấu thơ của tác giả, với trái bưởi, trái hồng, những ngày “mẹ trải chiếu ta nằm đếm sao”, rồi mẹ kể những chuyện tình Ngưu lang – Chức nữ, chuyện chú Cuội – chị Hằng. Rồi những cảnh đom đóm chập chờn ban đêm, …
e. Phần 5: “Mẹ ru…cá xương”:
- – Thông qua những lời ru ngọt ngào khi con còn ở trong nôi cho con biết những con cò con vạc, những nỗi đắng cay ở đời, cho con biết những cánh đồng cò bay thẳng cánh, cho con biết sự thiêng liêng của tình mẹ.
– Sữa mẹ nghèo khó nhưng ngọt ngào cho con được thể xác, máu thịt, lười ru mẹ êm ái đêm đông ru con vào giấc ngủ, cho con thấm thía linh hồn của dân tộc và theo con đến hết cuộc đời.
– Nguyễn Duy lại bộn lòng trăn trở “bà ru mẹ…mẹ ru con/liệu mai sau các con còn nhớ không” khi những giá trị truyền thống dần mai một.
– Cuối cùng Nguyễn Duy lại quay lại với nỗi nhớ mẹ, nhớ quê tha thiết, nhớ về những đêm đông giá rét, những ngày mưa gió mái tranh chẳng đủ che mưa, mà thương con mẹ nhường chỗ ấm, chịu nằm chỗ ướt, chập chờn trong giấc ngủ mơ màng “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá.
3. Kết bài
- Nêu cảm nhận.
Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy
Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tài năng của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, đất nước mở cửa. Với những trải nghiệm của người lính đi qua những năm tháng đất nước đau thương cùng cực, cho đến khi đất nước hòa bình, xã hội đổi thay có nhiều những chuyển biến to lớn. Thế nên giọng thơ của Nguyễn Duy luôn có một vẻ triết lý sâu xa đối với cuộc đời và những thứ tình cảm đáng trân trọng với quê hương với gia đình, thường là tấm lòng biết ơn, tri ân sâu sắc. Thơ của Nguyễn Duy không chỉ đưa ta về một miền ký ức dịu dàng sâu lắng, với giọng thơ nhẹ nhàng, tình cảm, tha thiết mà còn có vai trò nhắc nhở, thức tỉnh nhiều con người đang mải miết giữa cuộc đời phải biết trân trọng lấy những gì mình đang có, phải gìn giữ được những thứ tình cảm thiêng liêng trong đời. Một trong số những bài thơ thể hiện nổi bật phong cách sáng tác ấy của Nguyễn Duy ấy là Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, nhắc nhở con người về tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc, về hình dáng người mẹ đã nuôi ta cả một thời non trẻ, bảo bọc cho ta cả cuộc đời khi “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Nguyễn Duy là một người rất nặng tình nghĩa với gia đình với quê hương, đặc biệt là ông thấu hiểu và dành nhiều những tình cảm sâu sắc cho người bà, người mẹ của mình hơn cả. Nếu như ông viết Đò Lèn để tưởng nhớ người bà tần tảo sớm trưa, thì bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa lại là tác phẩm tác giả viết để cúng mẹ mình vào năm 1986, bằng một tấm lòng thành kính và yêu thương son sắt. Nguyễn Duy từng tâm sự rằng “Mẹ tôi mất sớm. Tôi và em gái tôi ở với bà ngoại. Hình ảnh về mẹ trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa chính là hình ảnh bà ngoại tôi hồi đó… Những đêm hè trời trong, gió mát bà tôi thường trải chiếu cói trên mặt đê sông Mã, cùng các cháu nằm ngắm trăng, kể chuyện “Hằng Nga”, chuyện “Thằng Cuội” hoặc là đếm “một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…”. Sự thiếu thốn hơi ấm tình mẹ lại càng khiến Nguyễn Duy thêm trân trọng và yêu thương cuộc đời dãi dầu của những người mẹ Việt Nam từ bao đời nay, hi sinh tất cả vì những đứa con của mình. Mà đối với tác giả, bàn tay của người bà cũng như bàn tay của người mẹ, nếu mẹ ông còn tại thế chắc cũng sẽ trở thành một người bà thứ hai như thế.
Nguyễn Duy là một trong số ít những nhà thơ hiện đại gắn bó chặt chẽ với ca dao truyền thống của dân tộc, mà trong hầu hết các bài thơ của ông ta luôn thấy thấp thoáng đôi câu ca dao xưa, có lạ có quen, nhưng đều đem đến cho thơ ông một dáng vẻ độc đáo và riêng biệt. Với Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng vậy, tiêu đề và hai câu kết của bài thơ chính là trích dẫn từ những câu ca dao của ông cha ta về hình ảnh người mẹ, trở thành mạch cảm cảm xúc tha thiết, đằm thắm, với những tình cảm truyền thống thiêng liêng nhất xuyên suốt cả bài thơ.
“Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết bàn
Chân nhang lấm láp, tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”
Bài thơ được mở ra dưới một không khí rất thiêng liêng, thành kính, mà theo như Nguyễn Duy ấy là một buổi giỗ mẹ ông. Với một người con sớm mất mẹ, Nguyễn Duy lại càng thêm buồn bã và thiết tha về dáng hình mẹ, ông không được ở với mẹ dài lâu thế nên đành tìm mẹ ở trong tâm tưởng. Nỗi buồn tủi, xót xa khi nghĩ về người phụ nữ sớm lên Niết Bàn đã đưa Nguyễn Duy trở về với dáng hình mẹ xa xăm thuở nào, thông qua những ký ức mờ mịt và thông qua dáng hình của bà ngoại.
“Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí, tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa”.
Thế hệ các bà, các mẹ ngày xưa ở vùng nông thôn Việt Nam xưa ngoại trừ những bà phú hộ, vợ quan viên ăn trên ngồi trước, thì đa số ai cũng có những cuộc đời nghèo khó, vất vả. Số phận của những người phụ nữ nông thôn như thân cò lặn lội, chỉ thấy khổ hơn chứ không có khổ nhất. Sinh ra làm người đàn bà, không chỉ gánh trách nhiệm sinh con đẻ cái mà còn phải làm mọi thứ để nuôi con, nuôi cả chồng, họ phải chấp nhận cái chuyện hy sinh, tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc cho chồng cho con, một đời có lẽ chưa biết đến cái ngon ngọt, đến cái sự hưởng thụ là gì. Mẹ của Nguyễn Duy cũng là một trong số những thân cò như vậy, đời bà khổ cực, vất vả, không có niềm vui may mặc với cái “yếm đào” xinh xắn, nón quai thao, khăn chít mỏ quạ đã trở thành niềm mơ ước xa xỉ, ngoài tầm với. Có lẽ rằng từ thuở biết nghĩ bà đã chỉ biết những sự nghèo khó, làm lụng quanh năm với bòn mót những quả bí, quả bầu cắp ra phiên chợ bán lấy vài xu bạc. Quanh năm mặc những cái váy đen, nhuộm bùn ngâm nước đến mục, những cái áo cánh nâu, sờn vai bạc màu mà chẳng có tiền thay sắm mới. Bởi làm lụng lấy miệng ăn còn khó, nói gì đến cái mặc, mẹ mặc rồi, thì con phải chịu đói, chịu rét, lòng mẹ không cho phép điều ấy.
“Cái cò… sung chát… đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Lật ngược về một miền ký ức xa xăm, mờ mịt, thông qua những kỷ niệm với người bà, Nguyễn Duy lại mường tượng ra hình ảnh của người mẹ vắn số. Mà nhắc đến lời ru, có lẽ tác giả đã từng khao khát và nhớ thương mẹ nhiều lắm, người trân trọng những câu ca mẹ hát, thật dung dị, gần gũi và thiết tha với “cái cò…sung chát…đào chua”. Câu hát ru cũng chính là hình ảnh và tư vị của cuộc đời mẹ, thân cò lặn lội kiếm ăn, cả đời chẳng biết đến ngọt bùi, mà chỉ toàn những chát, những chua ngập tràn. Lời mẹ ru con là ẩn dụ cho cả cuộc đời lắm hy sinh và gian khổ của mẹ, tình mẹ yêu con như nước chảy trong nguồn, nhiều không kể xiết, sự bao dung, thấu hiểu mà mẹ dành cho con có lẽ rằng đi hết kiếp con người, con cũng chẳng thể nào đền đáp và trả nghĩa cho trọn. Con chỉ có nhận mà chưa kịp đáp, thì mẹ đã về miền cực lạc, điều ấy đối với Nguyễn Duy là một việc thật đau đớn và chua xót. Đồng thời hai câu thơ rất hay “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” cũng lại là những câu thơ để bộc lộ tấm lòng trân trọng yêu thương, đề cao sự thiêng liêng, quý báu của tình mẫu tử, rằng chẳng có thứ tình cảm nào lại rộng lớn bao la, ôm lấy cả cuộc đời con như thế nữa.
“Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi”
Nỗi nhớ mẹ không chỉ gói trọn trong những lời ru và hình bóng mẹ, mà đó còn là những kỷ niệm trải dài trong suốt quãng đời ấu thơ của tác giả, với những ngày quấn quýt sum vầy bên mâm ngũ quả rằm tháng tám, đứa con thơ trông trái bưởi, trái hồng trên mâm ngũ quả thầm khao khát. Rồi những ngày tháng năm trời nóng bức, cuộc đời nghèo khó mẹ đã vẽ ra những thú vui thật tuyệt, “mẹ trải chiếu ta nằm đếm sao”, rồi mẹ kể những chuyện tình Ngưu lang – Chức nữ, chuyện chú Cuội – chị Hằng. Rồi những cảnh đom đóm chập chờn ban đêm, trong cảnh tươi mát thanh bình hiếm có của một làng quê cứ mãi quanh quẩn trong tâm trí của tác giả, gợi về những kỷ niệm thật thân thương, gần gũi mà bây giờ sẽ chẳng bao giờ còn nữa, bởi mẹ và ngày đó đã xa lắm rồi.
“Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ… mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng”.
Tuy nghèo khó vất vả, mưa nắng dãi dầu, mẹ cũng chẳng mấy học hành hiểu biết, thế nhưng mẹ vẫn truyền lại cho con những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, thông qua những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao nghìn đời của ông cha và đặc biệt nhất là những lời ru ngọt ngào khi con còn ở trong nôi cho con biết những con cò con vạc, những nỗi đắng cay ở đời, cho con biết những cánh đồng cò bay thẳng cánh, cho con biết sự thiêng liêng của tình mẹ. Sữa mẹ nghèo khó nhưng ngọt ngào cho con được thể xác, máu thịt, lười ru mẹ êm ái đêm đông ru con vào giấc ngủ, cho con thấm thía linh hồn của dân tộc và theo con đến hết cuộc đời. Ngày nay khi con đã lớn khôn, với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước về kinh tế văn hóa xã hội, bỗng nhiên người ta chẳng còn mặn mà với những lời ru thắm thiết ân tình, đẹp đẽ tình mẹ, người ta quên đi nhiều những câu ca dao, những truyện cổ tích, mà Nguyễn Duy lại bộn lòng trăn trở “bà ru mẹ…mẹ ru con/liệu mai sau các con còn nhớ không”.
“Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…”
Cuối cùng Nguyễn Duy lại quay lại với nỗi nhớ mẹ, nhớ quê tha thiết, nhớ về những đêm đông giá rét, những ngày mưa gió mái tranh chẳng đủ che mưa, mà thương con mẹ nhường chỗ ấm, chịu nằm chỗ ướt, chập chờn trong giấc ngủ mơ màng “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…”.
Đã từng có nhiều bài thơ viết về đề tài người mẹ mưa nắng, tảo tần nuôi con, cũng nhiều bài thơ viết về người mẹ trong âm hưởng ca dao, âm hưởng lời ru tha thiết. Thế nhưng có lẽ rằng khó có bài thơ nào viết về mẹ hay và thấm đẫm ân tình, cũng như chứa đựng nhiều triết luận trữ tình sâu sắc như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy. Ở đó không chỉ là nỗi nhớ thương, xót xa cho cuộc đời tảo tần của người mẹ mà còn là triết lý về tình mẫu tử bao dung muôn đời, còn là cả nỗi trăn trở về những giá trị văn hóa truyền thống như lời ru, ca dao ngày càng bị mai một. Và con người ngày nay càng trở nên xa cách với gia đình, người thân, không còn gắn bó sâu nặng với những tình cảm gắn bó như trước đây nữa. Những triết lý kín đáo trong thơ của Nguyễn Duy không khỏi khiến độc giả phải trăn trở suy nghĩ và có phần “thức tỉnh” lại những giá trị đã dần mất đi trong đời sống thường nhật.
Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Nguyễn Duy viết rất nhiều, rất hay về chủ đề gia đình, đó là người bà trong Đò Lèn, là người mẹ trong Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Tìm hiểu về những tình cảm tha thiết, chân thành của nhà thơ dành cho người bà, người mẹ của mình, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy,, Bình giảng bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy, Phân tích hình ảnh người bà trong Đò Lèn, Cảm xúc của Nguyễn Duy khi nghĩ về người bà trong bài thơ Đò lèn.
Kết luận:
Trên đây là Phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé.
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9