Để xây dựng được một bài hoàn chỉnh Phân tích bài thơ Nói với con các em học sinh không thể không hiểu rõ nội dung trọng tâm cơ bản của tác phẩm. Vì thế mà dưới đây, Tmdl.edu.vn sẽ hướng dẫn các em cách để hoàn thiện nên một bài văn hoàn chỉnh đạt kết quả cao. Mời quý thầy cô và các em cùng đón đọc !
Đề bài: Phân tích bài thơ nói với con
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương (dàn ý + bài mẫu ) [2023]
Bài thơ “Nói với con ”
” Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Dàn ý phân tích bài thơ ”Nói với con” chi tiết nhất :
I. Mở bài
– Nêu những nét nổi bật về tác giả Y Phương: là nhà thơ dân tộc Tày, thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
– Bài thơ Nói với con được sáng tác trong hoàn cảnh khi lần đầu nhà thơ được làm cha, tác phẩm được in trong tập Thơ Việt Nam (1945- 1985), bài thơ là tiếng nói tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống lao động cần cù, sức sống mãnh liệt của quê hương đất nước và dân tộc mình.
II. Thân bài
Phần thân bài nói với con, các em học sinh cần phân tích cả hai mặt nghệ thuật và nội dung. Do đó cần phải nêu được những ý chính như sau
1. Mạch cảm xúc xuyên suốt bài thơ :
– Mượn lời nói với con, Y Phương đã gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, qua đó bộc lộ niềm tự hào về sự sống bền bỉ, kiên mạnh mẽ của quê hương mình.
– Bài thơ đi từ tình cảm gia đình từ đó nói lên tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi thân thuộc từ đó trở thành lẽ sống trong tâm trí của mỗi con người.
2. Cảm nhận về bài thơ Nói với con :
* Tình yêu thương, sự chở đùm bọc của gia đình và quê hương với đứa con:
– Người cha nhắc nhở con về cội nguồn sinh dưỡng, cha muốn nhắc nhở đứa con phải luôn nhớ và hướng đến tình cảm gia đình- cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành được như ngày hôm nay.
” Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.”
+ Con được lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng niu và mong mỏi của cha mẹ.
+ Nhiều từ láy, kết hợp với nhịp thơ 2/3 tạo ra âm điệu vui tươi, phấn khởi, quấn quýt bằng những hình ảnh rất cụ thể như: chân phải- chân trái; tiếng nói – tiếng cười; một bước – hai bước…
→ Tác giả tạo ra được không khí ấm áp, quấn quýt và hạnh phúc. Từng bước đi, từng tiếng nói, tiếng cười đều được cha mẹ dõi theo, chăm chút và đón nhận.
– Người cha cho con biết niềm vui của lao động và tình nghĩa của quê hương là như thế nào:
+ Con sẽ lớn lên trong câu hát, nhịp sống và lao động của người đồng mình, đó là một cuộc sống tươi vui: “Đan lờ cài nan hoa/ Vách nhà ken câu hát”.
+ Tác giả đã diễn tả những động tác cụ thể trong lao động, vừa nói lên cuộc sống lao động gắn bó, vừa hòa quyện niềm vui.
+ Hình ảnh thiên nhiên che chở, nuôi dưỡng con về tâm hồn và lối sống.
+ Người cha gợi nhắc tới ngày cưới – ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời – ý chỉ đó là điểm tựa của hạnh phúc.
→ Người cha muốn nói với người con vẻ đẹp của vùng quê giàu truyền thống và nghĩa tình là rất đáng quý.
* Phẩm chất đáng quý, tốt đẹp và truyền thống văn hóa của người đồng mình
– Khi nói về quê hương, người cha tự hào khi nói về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ mà cao đẹp của quê hương với mong muốn con tiếp nối, phát triển truyền thống tốt đẹp ấy:
+ Cụm từ “người đồng mình” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài thơ → khẳng định phẩm chất của người đồng mình là những người có lời nói giản dị, mộc mạc , chân chất gợi sự yêu thương, gần gũi.
– Phẩm chất của những người đồng mình hiện dần qua lời nói tâm tình của người cha:
+ Đó là tấm lòng thủy chung với nơi chôn rau cắt rốn, một cuộc sống luôn tràn ngập niềm vui và sự lạc quan, yêu đời:
” Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh”
+ Bằng việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ và cách so sánh cụ thể kết hợp nhiều kiểu câu dài ngắn khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy có nhiều khó khăn vất vả nhưng họ vẫn luôn kiên cường, sống mạnh mẽ, thiết tha với quê hương.
* Ước muốn của cha:
+ Mong con thủy chung với quê hương.
+ Biết chấp nhận khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình.
+ Người đồng mình mộc mạc, dung dị, giàu ý chí và niềm tin, họ có thể thô sơ da thịt nhưng không hề nhỏ bé, yếu đuối về ý chí.
+ Người đồng mình biết cách nâng cao quê hương, xây dựng , phát triển và duy trì truyền thống phong tục tập quán mà ông cha ta đã để lại:
” Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục ”
+ Người cha muốn nhắn nhủ con phải biết tự hào về truyền thống tốt đẹp và lối sống nghĩa tình của quê hương và người đồng mình.
+ Cha mong mỏi đứa con phải sống cao thượng, tự trọng, chân thật dù mộc mạc, đơn sơ để xứng đáng là người con củ xứ sở là người đồng mình.
+ Con tự tin bước đi, bởi sau lưng con còn có gia đình, quê hương, bởi trong tim con sẵn có những phẩm chất quý báu của “người đồng mình”.
III. Kết bài
– Bài thơ Nói với con giàu hình ảnh chân thật, gần gũi, mộc mạc mà vẫn thơ mộng khi Y Phương thấu hiểu và thể hiện được hồn cốt, bản sắc của người dân tộc.
– Lời người cha nói với con cũng chính là lời mà tác giả muốn trao gửi tới thế hệ sau tiếp nối về truyền thống, niềm tự hào, khả năng sống bền bỉ của những con người dù “thô sơ”, “nhỏ bé” nhưng luôn mang trong mình đầy sự tự trọng và kiên định.
>>> Xem thêm: 2 mẫu soạn bài nói với con hay nhất 2023
Bài mẫu phân tích bài thơ Nói với con chi tiết
1. Mở bài:
Mở bài phân tích bài thơ nói với con cần phải nêu được những ý chính sau:
- Khái quát về tác giả và tác phẩm một cách đầy đủ và ngắn gọn nhất.
- Nêu vấn đề nghị luận mà đề bài yêu cầu.
Ví dụ:
Y Phương là một nhà thơ tiêu biểu trong các nhà thơ dân tộc nổi , thơ ông là tiếng nói được phát từ sâu thẳm trái tim, vừa gần gũi, vừa giản dị nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. “Nói với con” là một trong những đứa con tinh thần xuất sắc nhất của Y Phương nói lên tình cảm thiêng liêng giữa cha- con. Một thứ tình cảm cao quý đáng nâng niu và trân trọng. Bài thơ giống như một lời chia sẻ, trò chuyện của một người đi trước với người đi sau, của một người cha dành cho đứa con máu mủ của mình, những kỷ niệm khó quên. Từ đó với mong muốn con được trưởng thành nên người để nối tiếp truyền thống dân tộc.
2.Thân bài:
Ở phần thân bài, ta đi thẳng vào phân tích trực tiếp các câu thơ, hình ảnh có trong khổ thơ.
Phân tích khổ 1 nói với con: Tác giả muốn nhắc con phải luôn nhớ về cội nguồn gia đình, quê hương:
∗ Nhắc con nhớ về cội nguồn gia đình
” Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười ”
Ở 4 câu thơ đầu, tập trung các ý phân tích sau:
Một đứa trẻ khi ngày từ khi được hình thành lên từ trong bụng mẹ đã mang rất nhiều tâm sự, yêu thương, bao bọc từ những người thân yêu, từ cha mẹ.
Phân tích biện pháp đối lập qua chi tiết “Chân phải- chân trái”, “một bước- hai bước”: tạo âm điệu vui tươi, tạo không khí đầm ấm, hạnh phúc, mỗi nhịp bước của con đều có cha mẹ dang rộng vòng tay để che chở.
Hình ảnh một em bé chập chững biết đi những bước chân đầu tiên trên đường đời luôn được sự cổ vũ động viên từ những người thương yêu đó chính là cha mẹ.
→ Lời bài hát “Nhật ký của mẹ” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác có những câu sau: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời…” Đó chính là nỗi lòng yêu thương của bậc làm cha, làm mẹ dành cho hài nhi bé bỏng của mình. Tình cảm thiêng liêng ấy, con luôn phải khắc cốt ghi tâm.
∗ Nhắc con nhớ về cội nguồn quê hương.
Phân tích nội dung điều nhắc nhở của tác giả đối với nhân vật con thông qua phân tích các hình ảnh gần gũi :
Đan lờ: Là dụng cụ đánh bắt cá, đan lờ cài nan hoa – công việc đã tạo nên vẻ đẹp của con người lao động, vách nhà ken câu hát – cuộc sống hòa với niềm vui: Cuộc sống lao động của người đồng mình đã được gợi lên qua nhiều hình ảnh đẹp đẽ, giản dị mà gần gũi.
Sử dụng các động từ: đan, ken ,cài : vừa diễn tả những động tác cụ thể ,khéo léo vừa nói lên cuộc sống gắn bó với niềm vui
“Rừng cho hoa”: nhân hóa rừng không chỉ cho gỗ, cho lâm sản mà còn cho hoa=> vẻ đẹp tinh thần
“Con đường cho những tấm lòng”: đâu chỉ đ lối mà còn cho những tấm lòng cao cả tấm lòng cao cả, thủy chung
→ Trong những câu này, tác giả lại gieo vào lòng người đọc những tình cảm thân thuộc, tình cảm đồng bào, tình làng nghĩa xóm đầy quý mến, trân trọng.
” Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời .”
Trong những câu thơ này tác giả đã kể về những kỷ niệm, những cánh rừng đầy hoa, những con đường thân thuộc gần gũi, giản dị, nhưng sâu sắc chứa đựng biết bao tình nghĩa
Tác giả muốn qua những câu thơ này để gợi nhớ cho con phải biết yêu thương xóm làng, yêu thương những con người gắn bó với mình, những người tuy không cùng chúng dòng máu nhưng lại thân thiết hơn cả ruột thịt.
Phân tích khổ 2 bài thơ nói với con: Truyền thống cao đẹp của quê hương và điều người cha mong muốn và hy vọng ở đứa con.
∗ Truyền thống cao đẹp của quê hương
” Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
Nỗi buồn được cụ thể hóa bằng chiều cao, chí được đo bằng độ xa → người đọc có thể cảm nhận nỗi buồn chồng chất trong cuộc sống của họ
Tình cảm người cha muốn gửi tới con rằng dù cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả nhưng những con người nơi đây luôn tràn đầy nhiệt huyết.
Theo tác giả Y Phương muốn nhắn nhủ tới con mình về những chặng đường phía trước.
” Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
Phân tích người đồng mình thủy chung tình nghĩa: Mặc dù cuộc sống quê hương khó khăn vất vả nhưng họ “không chê” sự khó khăn ấy, họ vẫn thủy chung với quê hương, gắn bó với quê hương để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp.
Lối sống phóng khoáng đầy nghị lực của người đồng mình : So sánh “như sống như suối” : sức sống mãnh liệt, đầy ắp nghĩa tình
Dù “lên thác xuống ghềnh” nhưng người đồng mình vẫn không lo cực nhọc, vẫn đầy sự yêu mến tự hào về quê hương
Người đồng mình giàu lòng tự trọng: “Người đồng mình thô sơ da thịt”- họ có thể thô ráp, nói không hay, làm không khéo, làn da mái tóc dãi dầu mưa nắng nhưng phẩm chất bên trong không hề nhỏ bé, tầm thường
Người đồng mình khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp
Phân tích đặc biệt mở rộng 2 câu:
” Người đồng mình thô sơ da thịt
Chằng mấy ai nhỏ bé đâu con ”
Trong hai câu thơ này tác giả muốn truyền cho người con của mình có thêm lòng tin sức mạnh vào cuộc sống.
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Pháp và Mỹ rất nhiều người đồng bào dân tộc chính là nơi nuôi quân, chiến đấu vô cùng anh dũng.
Mở rộng trong thời kỳ những năm Bác Hồ ở tại Cao Bằng lấy đó là căn cứ địa Cách Mạng thì chính đồng bào dân tộc là những người đã giúp đỡ các anh bộ đội cụ Hồ rất nhiều , tình quân nhân như ruột thịt trong gia đình.
→ Những câu thơ đầy tình nghĩa tác giả răn dậy con mình không được quên gốc rễ nguồn cội đó. Gợi cho con niềm tự hào và khát vọng xây dựng quê hương, kế tục truyền thống đáng tự hào của dân tộc.
∗ Điều cha mong muốn và hy vọng ở con
” Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
→ Cha nhắc con “lên đường” là khi con trưởng thành, dù ở bất cứ đâu, đi bất cứ nới nào cũng không bao giờ được sống một cách tầm thường phải luôn giữ lấy cốt cách giản dị, ý chí của dân tộc để vững bước. Qua đó cha thể hiện tình yêu con. Đó còn là lời của cha anh đi trước nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải vững tin vào cuộc đời để xây dựng quê hương giàu đẹp
3. Kết bài:
Kết bài phân tích nói với con, các em học sinh cần phải tổng kết lại những nội dung đã phân tích ở thân bài như sau:
- Cảm nghĩ về tác giả, tác phẩm
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật có trong bài thơ
- Cảm nhận của bản thân đối với lời răn dạy của người cha trong bài thơ .
Ví dụ:
Bài thơ “Nói với con” là một bài thơ mang nặng những lời tâm sự, chia sẻ, gửi gắm của một người cha tới người con yêu thương của mình. Những lời dạy sâu sắc về tình nghĩa, tình người, về ý chí trên đường đời. Bài thơ nhẹ nhàng, chân thật, như chính nỗi lòng của tác giả đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó phai.
Bài mẫu Phân tích bài thơ ”Nói với con” nâng cao .
Viết về tình cảm gia đình, niềm tự hào đối với quê hương và sự mong mỏi của mẹ cha dành cho con cái, muốn con khôn lớn , trưởng thành là một trong những chủ đề được đề cập đến nhiều trong suốt chiều dài nền văn học Việt Nam. Ta có thể bắt gặp hình ảnh người mẹ Tà ôi địu con lên rẫy hát ru con thấm đượm nghĩa tình cách mạng trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm hay đó còn là hình ảnh người mẹ đưa nôi hát ru con với lời ru ngọt ngào, tha thiết trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên… Mỗi nhà thơ, bằng sự trải nghiệm và tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim, hòa cùng những rung cảm mãnh liệt của nghệ thuật đã diễn tả thật hay, thật độc đáo, mới mẻ về những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp ấy. Y Phương – một nhà thơ dân tộc Tày, với một phong cách thơ hồn nhiên, trong sáng, chân thật, giàu hình ảnh cũng đã góp mình vào chủ đề đó qua bài thơ “Nói với con” (1980). Bài thơ là lời tâm sự, sẻ chia của người cha dành cho đứa con với niềm hi vọng người con sẽ tiếp nối, phát huy được những phẩm chất truyền thống cao đẹp, quý báu của “người đồng mình”, làm cho quê hương, dân tộc mình ngày một vững mạnh hơn.
Trước hết, mở đầu bài thơ là lời tâm tình của người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng: con lớn lên bởi tình yêu của cha mẹ và quê hương. Đầu tiên, người cha nói về tình cảm gia đình – cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng người con khôn lớn trưởng thành:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”
Bằng những hình ảnh cụ thể, giàu tính chất tạo hình ” chân phải”, “chân trái”, “tiếng nói”, “tiếng cười”, nhà thơ đã dựng lên trước mắt độc giả hình ảnh của một em bé đang chập chững tập đi và bi bô tập nói bên cạnh cha mẹ. Từ đó, Y Phương gợi tả được không khí gia đình thật ấm áp, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười nói của trẻ thơ. Đồng thời nhà thơ đã cho người đọc thấy được từng bước đi, từng tiếng cười nói của con đều được cha mẹ nâng niu, chăm sóc, mong chờ. Đó chính là tình cảm gia đình ruột thịt, là công lao trời bể lớn lao và thiêng liêng mà cha mẹ dành cho con cái, muốn người con luôn phải khắc cốt ghi tâm.
Bên cạnh tình cảm gia đình, người cha muốn nói cho con biết về cội nguồn sinh dưỡng rộng lớn hơn đó là tình làng, tình quê hương nghĩa xóm:
” Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.”
Với cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi, nhà thơ Y Phương đã miêu tả thật chân thực, sinh động cuộc sống lao động thật nghĩa tình và thơ mộng của “người đồng mình” bằng cách đưa ra những hình ảnh gần gũi với người dân tộc nơi đây. “Người đồng mình” là để chỉ những người vùng mình, miền mình, những người cùng sống trên một miền đất, quê hương, cùng dân tộc. Câu thơ sử dụng từ ngữ hô gọi “con ơi” kết hợp với từ tình thái “yêu lắm” làm cho lời thơ trở nên ngọt ngào, chan chứa niềm tự hào với tình yêu thương quê hương da diết. Cuộc sống lao động cần cù và vui tươi của “người đồng mình” được gợi lên qua một số những hình ảnh rất cụ thể, giàu sức gợi: “đan lờ” – dụng cụ đánh bắt cá của người dân miền núi, dưới bàn tay khéo léo đã thành “cài nan hoa”; những ngôi nhà sàn không chỉ được dựng lên bằng những tấm ván gỗ mà còn được tạo nên bởi những “câu hát” – chiều văn hóa, lối sống của “người đồng mình”. Những động từ “đan”, “cài”, “ken” vừa có tác dụng diễn tả những động tác lao động, vừa cho thấy những phẩm chất cần cù, chịu khó, yêu lao động, yêu cuộc sống, chan chứa niền vui của những bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân miền núi.
Cũng nói về quê hương, người cha còn nhắc tới “rừng núi” và những “con đường” của “người đồng mình”:
” Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng.”
Rừng không chỉ cho gỗ, cho măng tre mà còn cho cả “hoa”. “Hoa” là sản phẩn của thiên nhiên, là sự kết hợp những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất, lãng mạn nhất của trời và đất mà rừng núi quê hương đã ban tặng cho con người nơi đây. Còn “con đường” là sợi dây liên kết gắn bó, chặt chẽ của những “người đồng mình”. Những “con đường” ấy được tạo nên bởi những “tấm lòng” nhân hậu, bao dung. Đó là con đường ra thung ra suối, con đường vào làng vào bản, con đường tới trường, tới lớp, con đường ra ruộng, ra đồng… Chính những con đường đó đã gắn bó tình đoàn kết của những con người nơi đây. Như vậy, thiên nhiên rừng núi không chỉ ban tặng cho con người cái đẹp của tạo hóa mà còn che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn, lối sống.
Từ tình cảm quê hương, người cha đột ngột chuyển sang nói với con về tình cảm riêng tư của “ngày cưới”:
”Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”
Không ít người đã thắc mắc về sự chuyển biến đột ngột này. Y Phương đã từng chia sẻ: tình cảm của những đôi trai gái, của cha mẹ được nảy nở, bắt nguồn từ tình yêu đối với quê hương, tình yêu đối với cuộc sống lao động. Vì thế mà nhà thơ quan niệm: khi con người sống gắn bó với quê hương, với lao động thì con người sẽ tìm được tình yêu, hạnh phúc. Vậy nên, người con từ đó được ra đời không chỉ là xuất phát từ sự kết tinh tình yêu của cha mẹ mà còn xuất phát từ là tình cảm rộng lớn của quê hương. Và quê hương đã cho con nghĩa tình, đã bao bọc, chở che con ngay từ khi bắt đầu con bắt đầu cất tiếng khóc chào đời.
Từ việc nhắc lại cội nguồn sinh dưỡng ở khổ đầu cho đến khổ hai, người cha tiếp tục ngợi ca những đức tính cao đẹp của người đồng mình, gợi cho con lòng tự hào về quê hương, dân tộc, dặn dò con cần phát huy và sống thật xứng đáng với truyền thống của quê hương mình:
”Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.”
Câu thơ đầu được điệp lại “Người đồng minh thương lắm con ơi” nhưng đã có sự thay đổi chút ít. Nếu như câu thơ ở khổ đầu là “yêu” tức là xuất phát từ tình cảm chân thành, từ trái tim tha thiết thì đến câu thơ ở khổ hai này lại là: “thương”. “Thương” là một trạng thái tình cảm không chỉ xuất phát từ trái tim yêu thương chân thành nữa mà còn là cả sự gói gém của sự sẻ chia, đồng cảm ở trong lòng. Chính vì thế, “người đồng mình” – những con người cùng miền đất, quê hương, dân tộc cùng chí hướng đã đoàn kết, gắn bó, sẻ chia và đồng cảm với nhau mà dựng xây quê hương mình trở nên ngày một giàu đẹp hơn.
Hai câu tiếp: Sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, kiên cường của “người đồng mình”. Nghệ thuật đối lập tương phản: ” cao đo – xa nuôi”, “nỗi buồn – chí lớn”, tác giả đã diễn tả những trạng thái khác nhau của “người đồng mình”. “Nỗi buồn – chí lớn” là khái niệm vô hình nhưng đã được tác giả hình dung cụ thể như có hình, có khối. “Người đồng minh” buồn, lo lắng, khắc khoải ở trong lòng vì trước mắt họ là biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan thử thách; khi mà cả quê hương họ còn chưa vươn tới được tầm cao nhân văn, vẫn còn quanh quẩn với cái đói, cái nghèo. Nhưng “Người đồng mình” không bao giờ nhụt chí, mạnh mẽ, vững vàng đối diễn với những khó khăn, thách thức ấy mà đưa quê hương tiến lên phía trước, trở nên giàu mạnh, phát triển, văn mình. Câu thơ giản dị , mộc mạc những đã diễn tả được tinh thần, ý chí quật cường, mạnh mẽ của người dân vùng cao.
Niềm tự hào về con người quê hương gắn liền với những phẩm chất quí báu mà người cha muốn truyền cho con:
”Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.”
Nhà thơ đã sử dụng rất nhiều những hình ảnh để nói tới cuộc sống của người miền núi như: “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” “lên thác xuống ghềnh” có ý nghĩa diễn tả những khó khăn, vất vả, nghèo đói và nhọc nhằn mà họ đã và đang phải đương đầu. Điệp ngữ “sống … không chê” (2 lần), kết hợp với nhịp thơ nhanh, dồn dập và biện pháp so sánh “như sông như suối” có tác dụng diễn tả sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt, bền bỉ của những người con miền núi cao trước cuộc sống khó khăn, vất vả khi mà chiến tranh lùi xa không được bao lâu. Qua đó, nhà thơ thể hiện niềm tự hào về “người đồng mình” với sức mạnh, ý chí thật phóng khoáng, đoàn kết, gắn bó thiết tha của họ đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Từ đó, người cha mong muốn con: phải sống có tình, có nghĩa, thủy chung với quê hương, đất nước, dân tộc mình; biết chấp nhận và sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin tất thắng.
Đến bốn câu thơ tiếp theo mạch tâm tình nhắn nhủ của người cha dành cho con vẫn được tiếp nối nhưng đã chuyển sang giọng điệu triết lí sâu sắc:
”Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.”
Nghệ thuật đối lập tương phản: giữa ngoại hình và tâm hồn. Hình ảnh “thô sơ da thịt” diễn tả vẻ đẹp mộc mạc, bình dị, chân chất, khẳng khái của “người đồng mình”. Nhưng họ không hề “nhỏ bé” về tâm hồn mà rất giàu lòng tự trọng, giàu chí khí, niềm tin cao đẹp cùng với khát vọng dựng xây, phát triển quê hương. Muốn được vậy, “người đồng mình” phải lao động:
”Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.”
Câu thơ có hai lớp nghĩa tả thực và ẩn dụ. Và tác giả đã miêu tả cuộc sống lao động của họ qua cụm từ “tự đục đá” thường thấy của người dân miền núi cao. Công việc của họ rất vất vả, nặng nhọc nhưng họ sẵn sàng tự nguyện làm vì sự phát triển của quê hương mình. Nhưng hình ảnh “kê cao quê hương” còn là hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng cho lòng tự hào, tự tôn dân tộc của “người đồng mình”. Chính những con người cần cù, nhẫn nại, bằng đôi bàn tay lao động của mình đã làm nên quê hương, làm nên phong tục tập quán lâu đời tốt đẹp của dân tộc.
Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò người con phải tự hào về truyền thống quê hương, lấy những tình cảm ấy làm hành trang bước vào đời:
”Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.”
Hình ảnh “thô sơ da thịt” được lặp lại lần hai có tác dụng khẳng định và nhấn mạnh lại niềm mong muốn của người cha dành cho con: Người đồng mình tuy mộc mạc, chân chất, bình dị, bộc trực, khẳng khái nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, luôn vươn tới những lẽ sống cao đẹp. Vì thế, trên đường đời, con phải thật tự tin, tự hào về quê hương, sống xứng đáng với “người đồng mình”, không cúi đầu trước giông tố khó khăn, vất vả ở phía trước. Bởi đằng sau con luôn có tình cảm chở che, nâng đỡ của cha mẹ, gia đình, của quê hương và đặc biệt trong bản thân con chất chứa phẩm chất quí báu của “người đồng mình”. Hai tiếng “nghe con” ở cuối bài thơ chứa đựng biết bao nhiêu là yêu thương và niềm tin của người cha dành cho con, nhẹ nhàng, xao xuyến.
Kết luận:
Trên đây, Tmdl.edu.vn đã gửi tới các em tài liệu về Phân tích bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương nhằm giúp các em nắm rõ kiến thức trọng tâm của tác phẩm. Từ đó có thể áp dụng cho các kì thi đặc biệt là kì thi lên 10 sẽ hỗ trợ các em có kết quả cao trong học tập . Mời mọi người cùng tham khảo các tài liệu khác có trong thư viện của chúng tôi – cảm ơn đã theo dõi !
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Mẫu