Đề bài: Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy
Bạn đang xem bài: Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy
Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy
Bài mẫu: Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy
Được biết đến là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam, Nguyễn Khuyến đã miêu tả đời sống nông thôn với ngòi bút giản dị, ấm áp. Thế nhưng, những vần thơ của ông còn gửi gắm tâm sự yêu nước, nỗi u hoài trước sự đổi thay của thời cuộc. Thế kỉ XIX với những khủng hoảng về tư tưởng và kinh tế khiến nhà thơ không khỏi cảm thấy bất lực. “Tiến sĩ giấy” là bài thơ trào phúng thể hiện cái nhìn mỉa mai, châm biếm của Tam nguyên Yên Đổ đối với hạng người mang danh khoa bảng mà không có thực chất, đồng thời cũng mang thoáng chút tự trào của tác giả.
Nhan đề bài thơ “Tiến sĩ giấy” vốn để miêu tả một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Đó là hình nộm bằng giấy cho trẻ em chơi trung thu, giả hình ông tiến sĩ để khơi dậy trẻ em lòng ham học và ý thức theo con đường khoa cử. Tuy nhiên trong văn bản, “giấy” không chỉ để gợi về chất liệu mà còn khiến người đọc liên tưởng đến tính chất hư danh. Bởi vậy, đặt tên tác phẩm là “Tiến sĩ giấy”, Nguyễn Khuyến đã ngụ ý phê phán một cách khéo léo tính chất hư danh của học vị tiến sĩ trong thời buổi Hán học suy tàn, Tây học ngày càng lấn át.
Mở đầu bài thơ, hình tượng ông tiến sĩ giấy hiện lên với những nét phác họa khái quát nhất:
“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai.”
Đối tượng Nguyễn Khuyến miêu tả có “cờ”, có “biển” – tấm biển gỗ in chữ “ân tứ vinh quy”, có “cân đai” – khăn bịt tóc để đội mũ và đai đeo ngang lưng. Tất cả những thứ đó tạo nên y phục của quan lại, quý tộc lớn thời phong kiến. Thế nhưng điệp từ “cũng” được nhắc đi nhắc lại đến bốn lần ở đầu mỗi dòng thơ khiến người đọc không thể nghi ngờ bản chất của đối tượng. Tuy giống nhưng đó không phải là ông tiến sĩ thật, hóa ra đó chỉ là ông tiến sĩ làm bằng giấy để tạo thành đồ chơi cho trẻ con. Câu thơ vì thế thoáng chút mỉa mai, châm biếm của tác giả.
Đến với hai câu thực, hình dáng tiến sĩ giấy được khắc họa rõ nét hơn:
“Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.”
Tiến sĩ giấy ấy chỉ cần vài mảnh giấy là tạo thành hình dáng, chỉ cần vài ba nét son là tạo nên khuôn mặt của một người đứng đầu làng văn. Vậy nhưng hàm ý của Nguyễn Khuyến đâu dừng ở đó, câu thơ ẩn sâu dưới nghĩa tả thực là nghĩa ẩn dụ. Phải chăng để trở thành một tiến sĩ, có danh khoa bảng sao mà dễ dàng đến thế, chỉ cần vài ba “mảnh giấy” (tiền giấy) là có thể làm được? Bởi vậy, đến hai câu thực, nhà thơ trực tiếp bày tỏ cảm xúc của mình:
“Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời.”
Để trở thành tiến sĩ mang danh khoa bảng, bao nhiêu giọt mồ hôi phải đổ trên trang sách, bao ngày dùi mài kinh sử cần mẫn, vậy mà giờ đây, “tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ” đến thế. Thực trạng đất nước lúc bấy giờ với những thay đổi về đường hướng tuyển chọn nhân tài, tệ mua danh bán chức diễn ra phổ biến dẫn đến xuất hiện những kẻ chỉ có hư danh mà không có thực học. Hậu quả là, những người có tài năng thực sự, những người bằng thực lực của mình đỗ đạt cao cũng chỉ bằng những kẻ “tiến sĩ giấy”. Bởi vậy, giọng điệu hai câu thơ, đặc biệt “cái giá khoa danh ấy mới hời” cất lên sao mà chua chát, thoáng chút tự trào của nhà thơ. Tác giả như vừa châm biếm mỉa mai thực trạng xã hội, vừa cười người nhưng để rồi cười mình, để xót xa cho chính bản thân vàcho cả đất nước.
Tiếng cười ở hai câu thực đã chua chát, sâu cay nhưng phải đến hai câu thơ kết, tính chất trào phúng của bài thơ mới thực sự đạt tới đỉnh cao, nó phá tan thật thật giả giả ở các câu thơ trước:
“Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.”
Ông tiến sĩ giấy hiện lên với hành động “ngồi bảnh chọe” gợi dáng vẻ oai vệ cùng lối ăn mặc đầy tính trưng diện, kết hợp với “ghế tréo” và “lọng xanh” oai nghiêm. Ta như cảm nhận được thái độ đả kích của tác giả với những kẻ nhờ có đồng tiền lo lót mà mua quan bán chức, không chỉ vậy những kẻ đó còn thích thể hiện, ra oai. Tất cả làm nên ông tiến sĩ kệch cỡm, đáng khinh thường. Để rồi, kết lại bài thơ, ông bày tỏ quan điểm của mình một cách trực tiếp: “tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Cứ nghĩ là thật nhưng đến đây mới vỡ òa chỉ là một thứ đồ chơi bằng giấy, kết thúc khiến bao bạn đọc bất ngờ nhưng khi xét đến khía cạnh tự nhiên lại thấy hoàn toàn hợp lí. Nhà thơ như đang lột tả bản chất trống rỗng, chỉ có hư danh mà không có thực học của những ông nghè có thực trong đời sống. Là người trong cuộc, thấy được bộ mặt thật của cả xã hội bấy giờ, rằng những kẻ có danh mà không có thực ngày càng được đề cao, Nguyễn Khuyến chỉ biết bất lực mỉa mai và tự xót xa cho chính bản thân mình:
” Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng”
(Tự trào)
Bài thơ mượn hình ảnh tiến sĩ giấy quen thuộc từ thực tế đời sống để phê phán hạng người mang danh khoa bảng nhưng không có thực chất, cùng đó thể hiện thái độ tự trào của nhà thơ. Không phải chỉ trong thời đại của Nguyễn Khuyến, hiện tượng đó mới phổ biến mà ở bất cứ thời đại nào, đây vẫn là đề tài nóng bỏng của xã hội. Nhìn vào những mặt trái của thực tế ấy để khắc phục, đó mới là một xã hội bình đẳng và tiến bộ.
Xem thêm các bài viết cùng chủ để trên Taimienphi.vn
– Phân tích truyện Tam đại con gà
– Phân tích truyện Nhưng nó phải bằng hai mày
– Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài)
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-bai-tho-tien-si-giay/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục