Phân tích tác phẩm

Phân tích bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng

Đề bài: Phân tích bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng

phan tich buc tranh tu binh trong nho rung

Bạn đang xem bài: Phân tích bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng

Phân tích bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng

I. Dàn ý Phân tích bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả và tác phẩm

2. Thân bài:

a. Nội dung:
– Mượn lời con hổ trong vườn bách thú để nhớ lại một thời oanh liệt của nó ngày xưa
– Là lời của tầng lớp trí thức tiểu tư sản trước hiện thực xã hội
– Bức tranh tứ bình nằm ở khổ ba của bài thơ là bức tranh huy hoàng, hùng vĩ của núi rừng.

b. Phân tích bức tranh tứ bình:

* Bức tranh thứ nhất:
– Là cảnh sắc trong đêm giữa ánh trăng vàng bên bờ suối.
– Không gian tràn ngập sắc vàng, chúa sơn lâm đứng lặng bên suối “say mồi”.
– Khung cảnh lung linh, đẹp đẽ vô ngần, chúa sơn lâm hoà cùng với thiên nhiên.

* Bức tranh thứ hai:
– Hình ảnh con hổ là trung tâm trên khung cảnh ngày mưa
– Thiên nhiên trở nên hung dữ, mịt mù nhưng chúa sơn lâm vẫn không hề nao núng.
– Hổ giữ tư thế của một bậc đế vương, đứng trên vạn vật

* Bức tranh thứ ba:
– Sau những ngày mưa, khu rừng trở nên trong mát, tươi tắn trong ánh nắng của ban mai
– Những chú chim ca hót rộn rã
– Hổ lại trở về trong giấc ngủ của mình
– Có thể thấy, hổ được sống trong tự do, được chế ngự và chi phối những kẻ khác

* Bức tranh thứ tư:
– Khung cảnh buổi chiều tà khi mà hoàng hôn buông xuống
– Gam màu chủ đạo là đỏ, làm khung cảnh thêm phần rực rỡ, chói lọi.
– Vạn vật dần đi vào giấc ngủ và chúa sơn lâm cũng dần đợi khoảnh khắc ngày tàn ấy “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”

c. Kết luận chung:
– Sử dụng chất liệu thơ cổ điển trên một thể thơ mới
– Sử dụng các từ cảm thán “than ôi, ôi” và điệp từ “đâu”: thể hiện nỗi tiếc thương về quá khứ huy hoàng.
– Mượn lời con hổ, thể hiện tâm trạng chung của con người phải sống trong kìm kẹp, giam hãm của thực dân Pháp.

3. Kết bài:

– Bức tranh tứ bình trong tác phẩm là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ.

II. Bài văn mẫu Phân tích bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng (Chuẩn)

Thế Lữ là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới ở Việt Nam. Ông đã góp phần tạo nên nền móng vững chắc cho nền thơ ca Việt. Và một trong những tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả là bài thơ Nhớ rừng. Trong tác phẩm của mình, Thế Lữ đã dựng lên bức tranh tứ bình với bốn cảnh sắc đầy hùng vĩ, tráng lệ, đầy uy nghi, lẫm liệt của núi rừng – nơi mà chúa sơn lâm ngày xưa đã từng tung hoành khắp chốn.

Bài thơ Nhớ rừng là lời của một con hổ trong vườn bách thú đang nhớ về những ngày tháng oanh liệt xưa kia của mình, khi mà nó còn được tung hoành giữa núi rừng sâu thẳm. Vậy mà giờ đây, nó lại bị giam cầm trong lồng cũi, trong chốn “sửa sang, tầm thường, giả dối”, trong tù túng. Đây cũng là tâm trạng hiện thời của một bộ phận trí thức tiểu tư sản, ngao ngán, chán ghét trước hiện thực bị vây hãm, quẩn quanh những năm 1936.

Bức tranh tứ bình trong Nhớ rừng của Thế Lữ gồm mười câu thơ, là bốn cảnh rừng đầy tráng lệ, là bức tranh trăng đêm, bức tranh hoàng hôn:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
– Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Bức tranh đầu tiên trong tứ bình là cảnh rừng đêm trăng vàng bên dòng suối. Ánh trăng vàng lóng lánh soi tỏ con suối nhỏ đang róc rách chảy:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?”

Cả không gian trong chốn rừng sâu tràn ngập một sắc vàng từ vầng trăng trên cao rọi tỏ. Và trong không gian ấy, tiếng suối chảy lại khiến cho khu rừng thêm phần sinh động hơn, tươi mát hơn, có sinh khí hơn. Ở chốn ấy, chúa sơn lâm đang “say mồi” đứng lặng bên bờ suối, thưởng thức sự mát lành của dòng suối nhỏ. Có lẽ, chúa sơn lâm không chỉ “say mồi”, đợi mồi mà còn “say” trong cảnh sắc lung linh, diệu kì của khu rừng thẳm, say trong làn nước mát rợp bóng trăng vàng. Sự dữ dằn, hung bạo của nó dường như đã dịu đi nhiều dưới ánh trăng bàng bạc. Nó bình thản hoà mình vào với thiên nhiên, hòa mình trong sự tĩnh lặng của núi rừng thăm thẳm, nơi mà nó là vua, là chúa tể của muôn loài. Bức tranh đầu tiên tạo nên một sự thơ mộng, sự kì ảo hài hoà giữa một bên là chúa sơn lâm hung tợn, một bên là sự hiền hoà của thiên nhiên, của rừng núi.

Thế nhưng, cảnh đẹp là thế, này cũng chỉ còn lại trong trí nhớ, trong những niềm mơ tưởng xa xôi “những đêm vàng bên bờ suối”. Phút giây đầy huy hoàng ấy nay chỉ còn trong nỗi nhớ nhung. Sự oai vệ khi chúa sơn lâm đứng “say mồi”, chễm chệ giữa tự do của núi rừng bạt ngàn đã lùi sâu vào dĩ vãng khiến nó chỉ còn biết nhung nhớ trong nỗi niềm “nào đâu…” đầy đau xót.

Bức tranh thứ hai là khung cảnh của những ngày mưa trắng trời, núi rừng ngập trong một màn mưa trắng xoá:

“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?”

Những cơn mưa trong rừng sâu như bất tận, “xoay chuyển” cả “bốn phương ngàn”. Thiên nhiên, núi rừng giờ đây không còn vẻ hiền hoà, êm dịu nữa mà cũng dữ dằn, cũng đầy hung bạo, mịt mù. Màn mưa giăng khắp chốn khiến cho vạn vật chuyển mình, thế nhưng, vị chúa tể rừng xanh vẫn oai dũng như thế, vẫn chẳng có chút nao núng nào trước sự dữ tợn ấy. Nó chỉ “lặng ngắm giang sơn” thay da đổi thịt trong màn mưa ấy. Sự gào thét vang dội của thiên nhiên chẳng hề làm nó run sợ, nó vẫn hiên ngang, bệ vệ và điềm tĩnh thu hết tất cả vào tầm mắt của mình. Đây là khí chất của một bậc vương giả, chẳng hề sợ hãi bất cứ điều chi! Thiên nhiên có dữ dội bao nhiêu, vạn vật của xoay chuyển thế nào cũng chỉ để “đổi mới” “giang sơn” của nó, điều đó chứng tỏ nó đang đứng trên tư thế làm chủ vạn vật một cách oai hùng nhất.

Nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh của những ngày xưa cũ, của thời đã qua. Con hổ giờ đây phải sống trong cảnh:

“Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u”

Những tự do xưa kia của nó, những cơn mưa rừng xối xả chỉ còn là miền dĩ vãng xa vời trong tâm trí của nó mà thôi.

Bức tranh thứ ba là bức tranh về bình minh nơi rừng núi, khi mà cả khu rừng bừng tỉnh sau một đêm dài:

“Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?”

Sau ngày mưa là một một ngày nắng toả. Cả khu rừng sau cơn mưa tắm mát, nó trở mình trở nên tươi mát hơn, tươi tắn hơn, đầy sức sống hơn. Những nhành cây, khe đá, những ngọn núi,… đều bừng lên trong tiếng chim ca rộn trời. Chúa sơn lâm xuất hiện với giấc ngủ nhưng lại là “giấc ngủ tưng bừng”. Khi tiếng chim ca hót rộn rã, tiếng vạn vật vươn mình trong nắng mới thì là lúc chúa sơn lâm bước vào giấc ngủ của mình sau một đêm mưa gió thức đợi. Những âm thanh vui nhộn và không khí trong lành đã ru nó vào giấc ngủ hiền hoà.

Sống trong tự do, nó được làm mọi thứ mà mình thích, mình muốn. Nó chế ngự vạn vật, chi phối kẻ khác trong sự tự hào, uy nghiêm. Thế mà giờ đây, nó lại trở thành kẻ mua vui của con người “ngạo mạn, ngẩn ngơ”.

Bình minh qua, hoàng hôn ghé lại, bức tranh thứ tư mở ra là khung cảnh của hoàng hôn, khi mà một ngày dài khép lại trong ánh chiều rực rỡ:

“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”

Bức tranh đầy màu sắc với những ngôn từ đầy mạnh mẽ đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Khung cảnh buổi chiều ấy thật dữ dội biết bao nhiêu với hình ảnh “lênh láng máu sau rừng”. Có lẽ đây là khi chúa sơn lâm vừa mới săn mồi xong, đang thưởng thức bữa ăn của mình, hay có lẽ là gam màu của mặt trời khi xuống núi? Thế nhưng, dù là lý do gì thì gam màu đỏ rực ấy cũng khiến cho bức tranh trở nên thật sự rực rỡ, thực sự vô cùng ấn tượng. Khi bình minh, ánh mặt trời làm nhiệm vụ soi tỏ nhân gian, sự sống khắp nơi cũng vì thế mà thức dậy, vận hành. Khi mặt trời về núi, mọi sự vật cũng theo ánh nắng chìm vào trong tĩnh mịch, ngưng đọng và nghỉ ngơi. Và vị chúa tể của núi rừng cũng thế, nó “đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”. Đợi mặt trời đi khỏi nhân gian để “chiếm lấy riêng phần bí mật”.

“Bí mật” ở đây là gì? Không ai có thể biết được, chỉ một mình vị chúa sơn lâm ấy mới biết! Phải chăng là quyền lực của vũ trụ, của thế giới muôn loài mà nó muốn đoạt lấy?

Bốn bức tranh hiện lên trong suy nghĩ, trong sự hùng vĩ của núi rừng và trong sự oai nghiêm của con hổ – vị chúa sơn lâm. Thế nhưng, những cảnh oai hùng đó nay chỉ còn trong dĩ vãng, trong nỗi nhớ da diết và đau đớn của con hổ trong vườn Bách thú. Bốn bức tranh được dựng lên với những từ cảm thán”than ôi, nào đâu” và điệp từ “đâu” đã miêu tả trọn vẹn những nỗi tiếc thương đầy đau khổ của chúa sơn lâm, tiếc thương những gì mà nó đã trải qua từ quá khứ huy hoàng.

Mượn lời con hổ, Thế Lữ muốn thay lời những người trí thức trẻ đang phải sống trong thời loạn lạc, khi mà người Việt Nam đang phải chịu ách nô lệ của thực dân Pháp. Bốn bức tranh đó là những tháng năm rực rỡ, oanh liệt của cha ông ta với những chiến công chống ngoại xâm vẻ vang nhất lịch sử dân tộc. Thế nhưng, giờ đây nó chỉ còn là dĩ vãng, là Việt Nam đang phải chịu sự xâm lược của ngoại bang.

Mười câu thơ với bốn bức tranh của núi từng trong sự hiện diện của chúa sơn lâm đã giúp người đọc thấy được sự hùng tráng của núi rừng, sự tráng lệ của chốn thâm sơn cùng cốc cùng với loài chúa tể rừng xanh. Bốn bức tranh với những gam màu sống động đã tạo nên một vẻ đẹp khó quên trong lòng mỗi người. Đồng thời cũng bộc lộ được nỗi niềm riêng của tác giả giữa thời đại đương thời.

—————–HẾT—————-

Có thẻ nói, Nhớ rừng là một trong những tác phẩm gây tiếng vang lớn nhất trong sự nghiệp thơ của Thế Lữ. Cùng tham khảo các bài viết khác như Cảm nhận về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, Cảm nhận về hình tượng con hổ trong bài thơ Nhớ rừng, Phân tích nhân vật con hổ trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, Phân tích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ để hiểu rõ hơn tác phẩm này nhé!

Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button