Đề bài: Phân tích bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Bạn đang xem bài: Phân tích bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh
Phân tích bút pháp kí sự trong vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác
I. Dàn ý Phân tích bút pháp kí sự trong vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và bút pháp kí sự trong đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh”: Kí sự là một thể kí, ghi chép những sự việc, câu chuyện có thật và tương đối hoàn chỉnh, một trong những kí sự nổi tiếng không thể không nhắc đến đó là “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác.
2. Thân bài
– Cách quan sát sự vật, sự việc tỉ mỉ, tinh tế
– Bút pháp miêu tả chân thực, sinh động…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bút pháp kí sự trong Vào phủ chúa Trịnh tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích bút pháp kí sự trong vào phủ chúa Trịnh của tác giả Lê Hữu Trác (Chuẩn)
Kí sự là một thể của loại hình kí, ghi chép những sự việc, câu chuyện có thật và tương đối hoàn chỉnh. Đã có rất nhiều tác giả gặt hái thành công với thể kí, một trong số đó là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với Thượng kinh kí sự. Đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” nằm trong tập kí “Thượng kinh kí sự” và nằm ở cuối bộ “Hải thượng y tông tâm lĩnh”, nhờ bút pháp kí sự đặc sắc của tác giả mà người đọc đã được thấy cuộc sống xa hoa, quyền uy và thế lực trong phủ chúa Trịnh.
Có thể nói, Lê Hữu Trác có lối viết kí sự rất tỉ mỉ, chi tiết và cụ thể, bởi ngay những dòng đầu tiên của bài kí, ông đã ghi ngày tháng rất rõ ràng “Mồng 1 tháng 2”, lại thêm thời gian vào “sáng tinh mơ”. Những sự việc nhỏ như “tiếng gõ cửa rất gấp”, “hơi thở hổn hển của người đầy tớ quan Chánh đường” cũng được ông ghi lại, chỉ vẻn vẹn trong một câu văn ngắn ngủi nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin, có người, có cảnh, có sự vật, sự việc diễn ra đồng thời và xen kẽ lẫn nhau rất chân thực. Không chỉ đơn thuần là ghi chép lại mà bài kí sự của Lê Hữu Trác còn thể hiện cả biểu cảm của tác giả: “thì ra”, “tôi nghĩ bụng”. Những lời thưa gửi truyền báo của đầy tớ cũng được ông ghi chép lại rất tỉ mỉ, không thiếu sót, những hoạt động sửa sang quần áo, trên đường đi đến phủ như thế nào cũng không bị bỏ qua “Tôi bèn sửa sang quần áo…khổ không nói hết”. Mạch kể tự sự trong bài kí của tác giả rất giàu cảm xúc và lôi cuốn, vừa kể vừa tả lại vừa biểu lộ cảm xúc của chính mình trong những dòng kí. Ông miêu tả lối vào phủ chúa “Chúng tôi đi cửa sau vào phủ… người có việc quan qua lại như mắc cửi”, cách miêu tả rất ngắn gọn nhưng lại giàu gợi tả không chau chuốt mĩ từ nhưng vẫn làm hiện lên được vẻ thâm sâu bí hiểm, xa hoa quyền thế của phủ chúa. Lê Hữu Trác còn chép lại bài thơ mình đã ngâm khi trên lối vào phủ chúa, bài thơ là sự phản ánh hiện thực một cách nhẹ nhàng nhất về vẻ xa hoa, quyền quý trong phủ chúa:
“Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm ngặt,…
Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào !”
Có thể thấy bút pháp miêu tả của Lê Hữu Trác thật chân thực và sinh động, từng bước đi gắn với từng khung cảnh “Đi được vài trăm bước… kiểu cách thật là xinh đẹp”, cung của vua chúa hiện lên với nhà lớn cao rộng, đồ nghi trượng sơn son thếp vàng, những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy. Nội dung ghi chép trong kí sự của Lê Hữu Trác chân thực và phản ánh rất hiện thực, cuộc sống vua chúa xa hoa “mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ. Đoạn Lê Hữu Trác tả nơi ở của thế tử và bệnh tình của thế tử rất đặc sắc, đó là một cuộc sống quá bao bọc, ủ ấp trong trướng rủ màn che, thiếu sinh khí và sự sống. Lê Hữu Trác tả tỉ mỉ nơi ở của thế tử cũng là để tạo ra căn cứ kết luận bệnh tình của thế tử, nơi ấy “tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả”, đi qua năm, sáu lần trướng gấm mới đến phòng của thế tử. Chính vì ở trong chốn như thế nên ông đã hiểu được bệnh tình của thế tử “đó là vì thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi”. Lối kể của Lê Hữu Trác khiến cho người đọc bị lôi cuốn theo mạch chuyện, tò mò và hứng thú về cung cách sinh hoạt trong phủ chúa và bệnh tình của thế tử, ông kể rất tự nhiên, kể lại mọi chuyện theo đúng như cách nó đã diễn ra. Kí sự của ông thiên về cuộc sống xa hoa, vương giả trong phủ chúa nhiều hơn là khám bệnh cho thế tử, nhưng vì chuyện thăm bệnh cho thế tử ông mới có cơ hội mở mang tầm mắt về cuộc sống giàu sang, uy quyền của chúa Trịnh. Có thể thấy, để hoàn thiện bức tranh này, Lê Hữu Trác không chỉ đặt điểm nhìn ở riêng mình mà còn đặt điểm nhìn rất linh hoạt, đó là điểm nhìn của quan truyền chỉ, quan Chánh đường, cách viết như vậy giúp cho bài kí sự của ông trung thực và có tính hiện thực cao. Trong bài kí của Lê Hữu Trác, ông xưng tôi, tuy không hề viết về mình nhưng người đọc lại thấy toát lên dáng vẻ của một người thầy thuốc tài năng, đức độ, không hám danh lợi, đức tính giản dị vượt lên trên những ham muốn tầm thường của người đời.
Bài kí sự của Lê Hữu Trác có giá trị phản ánh hiện thực sâu sắc, nó không chỉ tầm thường là “nhật kí” của riêng ông mà nhờ có kí sự của ông, mọi người mới tường tận lối sống xa hoa của vua chúa, nó giống như một bản tố cáo tội ác của vua chúa khi mua vui hưởng lạc trên sự nghèo đói đau khổ của nhân dân.
—————— HẾT ——————–
Vào phủ chúa Trịnh là đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm “Thượng kinh kí sự” của Lê Hữu Trác. Để nắm được những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn trích, cùng với bài văn mẫu Phân tích bút pháp kí sự của Lê Hữu Trác qua đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, các bạn có thể tham khảo thêm: Tóm tắt Vào phủ chúa Trịnh, Cảm nghĩ về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, Cảm nhận về đoạn văn Vào phủ chúa Trịnh trích Thượng kinh ký sự, Phân tích đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh, Giá trị hiện thực của Vào phủ chúa Trịnh.
tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-but-phap-ki-su-cua-le-huu-trac-qua-doan-trich-vao-phu-chua-trinh/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học