Dưới đây là dàn ý và bài viết mẫu Phân tích để làm rõ nhận định: ”Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng…người Tây Nguyên thời chống Mĩ.” mà Tmdl.edu.vn đã chọn lọc với mong muốn gửi tới các em học sinh tài liệu học tập tốt nhất, giúp các em nhanh chóng nắm vững được những kiến thức cơ bản, những luận cứ, luận điểm cần triển khai trong bài văn tránh tình trạng xa đề, lạc ý.
Đề bài: Phân tích để làm rõ nhận định:” Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ.”
Bạn đang xem bài: Phân tích để làm rõ nhận định: ”Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ.”
Dàn ý Phân tích để làm rõ nhận định: ”Cây xà nu…người Tây Nguyên thời chống Mĩ.”
1. Mở Bài
– Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, là nền văn học mang đậm khuynh hướng sử thi, khắc họa những nhân vật kết tinh vẻ đẹp của cộng đồng, vẻ đẹp của thời đại, tiêu biểu là tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
– “Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ”.
2. Thân Bài
* Nhan đề “Rừng xà nu”:
– Biểu tượng có sức ám ảnh lớn của nhà văn Nguyễn Trung Thành, thể hiện sức mạnh của cây rừng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ,
– Tượng trưng cho sức sống bất tử, kỳ diệu của con người Tây Nguyên và của dân tộc Việt Nam nói chung.
– Thể hiện vẻ đẹp sử thi của tác phẩm, đồng thời là hình tượng cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm.
* Nhận định “Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ”:
– Hình tượng cây xà nu đau thương trong chiến tranh hủy diệt:
+ Sự ngã xuống của cây xà nu cũng thể hiện cho sức kiêu hùng, mạnh mẽ của mảnh đất Tây Nguyên.
+ “nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt” thứ nhựa ấy khô lại, tác giả Nguyễn Trung Thành lập tức liên tưởng đến hình ảnh “từng cục máu lớn”, => Sự chuyển hóa của nỗi đau, nỗi căm thù, uất hận trong lòng người dân Tây Nguyên.
+ Hiện thân của một con người, cũng hứng chịu đủ mọi nỗi đau trong chiến tranh của con người, là biểu trưng cho nỗi đau, sự hy sinh mất mát của dân làng Xô Man.
– Đối mặt với bao khó khăn, hủy diệt rừng xà nu, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống bất tử, mãnh liệt.
+ Cây xà nu luôn hướng về ánh sáng mặt trời, như lòng người dân làng Xô Man luôn hướng về Đảng, về Cách mạng.
+ Sinh sôi mạnh mẽ “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên…”.
+ Cây xà nu còn có khả năng tự chữa lành vết thương
– Rừng xà nu là nhân chứng của lịch sử, gắn bó mật thiết với cuộc sống của dân làng Xô Man.
3. Kết Bài
– Từ hình ảnh đồi xà nu đến rừng xà nu thể hiện một sức sống bất tử kỳ diệu của cây rừng Tây Nguyên, gợi tả cái sức sống mãnh liệt, bất tử của cong người Tây Nguyên nói chung và con người Việt Nam nói chung.
– Giọng điệu trang trọng hào hùng và ngợi ca, nhà văn đã cho chúng ta một phân cảnh đẹp, một phân cảnh vô cùng hào hùng để mở đầu cho một tác phẩm mang đậm tính sử thi với những nhân vật mang vẻ đẹp của thời đại.
Bài văn mẫu Phân tích để làm rõ nhận định:” Cây xà nu…người Tây Nguyên thời chống Mĩ.”
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, là nền văn học mang đậm khuynh hướng sử thi, khắc họa những nhân vật kết tinh vẻ đẹp của cộng đồng, vẻ đẹp của thời đại. Giai đoạn văn học này gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc, với những vấn đề lớn của dân tộc và cất lên bằng ngôn ngữ hào hùng, ngợi ca và trang trọng. Tất cả những đặc điểm ấy đều được thể hiện rất rõ trong một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trung Thành, đó là tác phẩm Rừng xà nu. Có nhận định cho rằng: “Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ”. Đó là một nhận định rất hay và chính xác, đã làm sáng tỏ sự sáng tạo nghệ thuật đầy mới mẻ, mang ý nghĩa biểu trưng rất đỗi lãng mạn của nhà văn Nguyễn Trung Thành bao trùm lên toàn bộ tác phẩm.
Nguyễn Trung Thành sinh năm 1932, quê ở tỉnh Quảng Nam, ông là nhà văn gắn bó sâu nặng với mảnh đất Tây Nguyên. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: Đất nước đứng lên, Đường chúng ta đi, Rừng xà nu,… Rừng xà nu ra đời năm 1965, khi thủy quân lục chiến Mỹ ồ ạt đổ vào bãi biển Chu Lai, tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc nước ta, sau được in trên tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Thông qua câu chuyện đấu tranh của người dân làng Xô Man cùng hình tượng rừng xà nu xanh ngát, chạy dài đến bất tận, nhà văn đã đề ra một chân lý, để cuộc sống mãi mãi trường tồn, con người phải cầm vũ khí đứng lên chống lại kẻ thù tàn ác.
Nhan đề “Rừng xà nu”, thứ nhất đây là một biểu tượng có sức ám ảnh lớn của nhà văn Nguyễn Trung Thành, thể hiện sức mạnh của cây rừng Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, thứ hai nó còn tượng trưng cho sức sống bất tử, kỳ diệu của con người Tây Nguyên và của dân tộc Việt Nam nói chung. Nhan đề cũng góp phần thể hiện vẻ đẹp sử thi của tác phẩm, đồng thời là hình tượng cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm. Với nhận định “Cây xà nu là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mĩ”, ta có thể lần lượt phân tích qua 3 khía cạnh của hình tượng cây xà nu như sau.
Thứ nhất, ấy là hình tượng cây xà nu đau thương trong chiến tranh hủy diệt, rừng xà nu cũng như ngôi làng nhỏ luôn nằm trong tầm nã của đại bác, bao nhiêu đạn pháo một mình ngọn đồi xà nu ấy gánh hết cả, che chở cho cả làng Xô Man được an toàn. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”, sự ngã xuống của cây xà nu cũng thể hiện cho sức kiêu hùng, mạnh mẽ của mảnh đất Tây Nguyên. Có chi tiết “nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt” thứ nhựa ấy khô lại, tác giả Nguyễn Trung Thành lập tức liên tưởng đến hình ảnh “từng cục máu lớn”, dường như máu của một con người, đó là sự chuyển hóa của nỗi đau, nỗi căm thù, uất hận trong lòng người dân Tây Nguyên. Và dĩ nhiên trong bất kỳ cuộc chiến nào cũng có sự hy sinh, mất mát điều ấy thể hiện qua hình ảnh “Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người bị đại bác chặt đứt làm đôi”, “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”.
Đặt trong hệ thống chủ đề của tác phẩm, cây xà nu ấy là hiện thân của một con người, nó được gợi tả ra trong biện pháp nghệ thuật tu từ nhân hóa, cũng hứng chịu đủ mọi nỗi đau trong chiến tranh của con người, là biểu trưng cho nỗi đau, sự hy sinh mất mát của dân làng Xô Man. Lịch sử của làng Xô Man trước đồng khởi là những trang sử thấm đẫm đầy máu và nước mắt, bao người đã bị bắt, bị giết hại dã man tàn bạo, anh Xút bị treo cổ, bà Nhan bị chặt đầu, mẹ con Mai bị đánh đến chết, Tnú bị bắt, bị tra tấn,…
Thế nhưng đối mặt với bao khó khăn, hủy diệt rừng xà nu, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống bất tử, mãnh liệt. Cây xà nu ấy là loài ham ánh sáng mặt trời “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”, luôn hướng về ánh sáng mặt trời, như lòng người dân làng Xô Man luôn hướng về Đảng, về Cách mạng. Thêm nữa là khả năng sinh sôi theo cấp số nhân “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên…”, dường như chẳng thể nào hủy diệt được nó, tựa như những người dân làng Xô Man, người này ngã xuống, người sau đã lập tức đứng lên cầm súng diệt giặc, sự hy sinh chết chóc, không làm chết đi tinh thần cách mạng của những con người nơi đây mà nó chỉ khiến cho tinh thần ấy ngày càng thêm sôi sục, bất khuất hơn cả.
Đặc biệt hơn cây xà nu còn có khả năng tự chữa lành vết thương “những vết thương chóng lành như trên một thân thể cường tráng”, sự tra tấn, đòn roi, những vết thương cắt da cắt thịt cũng có ngày lành, chỉ có tinh thần cách mạng của dân làng Xô Man, của những con người như Tnú là vĩnh viễn không đổi dời. Tất cả những điều ấy điều biểu trưng cho một sức sống mãnh liệt dân làng Xô Man nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung giữa bom đạn của quân thù.
Cuối cùng, rừng xà nu đã ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng Xô Man, là nhân chứng của lịch sử, bởi nó đã gắn bó mật thiết với cuộc sống cả dân làng Xô Man. Bởi rừng xà nu, cây xà nu đã tham dự vào tất cả những sự kiện của làng Xô Man từ những giây phút đau thương cho đến những giây phút kiên cường nhất.
Từ hình ảnh đồi xà nu đến rừng xà nu thể hiện một sức sống bất tử kỳ diệu của cây rừng Tây Nguyên, thông qua đó nhà văn Nguyễn Trung Thành đã gợi tả cái sức sống mãnh liệt, bất tử của cong người Tây Nguyên nói chung và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đằng đẵng 30 năm trời của nhân dân ta. Ở trong tác phẩm cây xà nu được miêu tả với giọng điệu trang trọng hào hùng và ngợi ca, nhà văn đã cho chúng ta một phân cảnh đẹp, một phân cảnh vô cùng hào hùng để mở đầu cho một tác phẩm mang đậm tính sử thi với những nhân vật mang vẻ đẹp của thời đại.
Kết luận:
Ngoài bài văn mẫu Phân tích để làm rõ nhận định:” Cây xà nu…người Tây Nguyên thời chống Mĩ.” đã được sưu tầm chi tiết trên . Trong thư viện văn mẫu của Tmdl.edu.vn còn có rất nhiều những tài liệu chắc chắn sẽ rơi vào phần thi THPTQG sắp tới mà các em cần ôn luyện. Vì thế hãy tham khảo để không bỏ lỡ những kiến thức trọng tâm nhé !
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích tác phẩm