Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương, trích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu
Bạn đang xem bài: Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương
Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương của Nguyễn Đình Chiểu hay, đặc sắc
I. Dàn ý Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương (Chuẩn)
1. Mở bài
– Sơ lược về truyện thơ Lục Vân Tiên.
– Giới thiệu về đoạn trích Lẽ ghét thương.
2. Thân bài
a. Mối quan hệ giữa ghét và thương:
– Nhân vật ông Quán chính là người phát ngôn tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, mà ở trong đoạn trích này là tư tưởng yêu ghét phân minh.
– Ghét và thương có mối quan hệ chặt chẽ, là hai mặt đối lập của một tình cảm thống nhất, thương cái tốt đẹp thì tất yếu phải ghét cái xấu xa, đó là mối quan hệ hai chiều không thể tách rời nhau.
– Cụ thể trong đoạn trích này, sự yêu thương thể hiện ở đối tượng thứ nhất là nhân dân lầm than khổ cực, thứ hai là những người tài cao đức trọng nhưng bị vùi dập. => Ghét những kẻ hại dân hại đời, đẩy con người vào tình cảnh oan trái, éo le, nghịch cảnh.
=> Mối quan hệ giữa ghét và thương gắn liền với lý tưởng yêu nước thương dân ở Nguyễn Đình Chiểu.
b. Lẽ ghét:
– Sử dụng điệp từ “ghét” lặp lại tận 4 lần để khắc sâu, nhấn mạnh cảm xúc ở thang bậc cao nhất.
– Đối tượng chung ở đây là “ghét việc tầm phào”, có nghĩa là những việc xằng bậy, hoang đường có hại cho nhân dân.
– Cụ thể:
+ Ghét vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương, U Vương, Lệ Vương vốn là những kẻ đa dâm háo sắc, sống phóng túng, xa hoa lãng phí, bạo ngược vô đạo.
+ Ghét đời “Ngũ bá” vì quyền lực, dựa vào sức mạnh quân sự mà thay nhau lên làm chủ bằng chiến tranh, gây ra nhiều nhiễu loạn, khiến đời sống nhân dân bị đảo lộn.
+ Ghét “đời thúc quý phân bằng”, ý chỉ cảnh suy tàn, diệt vong của đất nước, dẫn đến viễn cảnh loạn lạc, cuộc sống nhân dân rơi vào cảnh hoang mang, khốn khổ vô cùng.
=> Tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, tấm lòng nhân nghĩa mong cảnh bình yên, là nỗi xót xa cho khốn cảnh của nhân dân dưới sự cai trị thối nát, bạo ngược của những kẻ cầm quyền tàn ác, hoang đường.
c. Lẽ thương:
– Giọng điệu của ông Quán trở nên nhẹ nhàng, có phần thương cảm tiếc nuối cho những đức thánh nhân mà ông cho là đáng được thương, được yêu.
– Thương “đức thánh nhân” Khổng Tử không thỏa chí truyền đạo, thương “thầy Nhan Tử”, dù học hành giỏi giang nhưng lại yểu mệnh chết sớm.
– Thương Gia Cát Lượng, vị quân sư tài ba, thế nhưng lại không gặp thời, thương cả “Đổng Tử”, “Nguyên Lượng” đều là những người có tài năng, mong muốn được đứng ra giúp nước thế nhưng trái nỗi không được vua trọng dụng.
– Thương “Hàn Dũ”, “Liêm, Lạc” vốn dĩ có lòng can gián, nguyên ngăn vua làm điều thất đức, cuối cùng lại bị bạo quân bác bỏ.
=> Thương những con người tài năng đức độ, thế nhưng không gặp thời, hoặc bị kẻ gian hãm hại, vua bạc nhược không trọng dụng, dẫn tới tài năng bị phôi pha, thương là thương cái tài năng ngời ngời mà phải chịu uổng phí, phôi pha.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ
II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương
1. Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương, mẫu số 1 (Chuẩn)
Ở Nam kì, khi nhắc tới Lục Vân Tiên thì có lẽ không ai là không biết! Đây là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ XIX, khi mà ông đã bị mù, về dạy học và bốc thuốc cứu người cho nhân dân vùng Gia Định. Tác phẩm là cuộc xung đột gay gắt giữa cái thiện và cái ác, đề cao nhân nghĩa, khát vọng của nhân dân về một xã hội tốt đẹp, công bằng, con người sống với nhau bằng lòng yêu thương nhân ái. Trong tác phẩm này có đoạn trích Lẽ ghét thương là một trong những đoạn trích xuất sắc nhất của tác phẩm Lục Vân Tiên.
Đoạn trích Lẽ ghét thương nằm từ câu 473 đến 504 của tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên kể về cuộc đối thoại giữa ông Quán và bốn chàng Nho sinh (Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm) khi họ đang cùng uống rượu, cùng so thơ tại quán của ông trước lúc vào trường thi. Tại cuộc so tài này, ông Quan đã bày tỏ quan điểm của mình về lẽ ghét thương của mình trong cuộc đời. Ông Quán là một nhân vật rất được yêu thích trong Truyện Lục Vân Tiên, bởi ông là biểu trưng cho tình cảm của nhân dân, là biểu tượng cho sự ghét thương rạch ròi của quần chúng. Ông mang dáng dấp của một nhà Nho ẩn dật, như Nguyễn Đình Chiểu, mang đậm những nét tính cách đặc trưng của người Nam bộ. Trong những lời dạy của ông Quán, một nửa trong số đó là lẽ ghét, một nửa là lẽ thương, đúng như câu kết của ông rằng: “Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”. Và cũng từ đó, ta nhận ra được rằng ghét thương luôn song hành với nhau, thương cái tốt cái đẹp, ghét cái xấu, cái ác. Ở đoạn trích này, ông Quán đã bày tỏ sự ghét bỏ với những kẻ hại dân, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than, trái lại, ông thương những con người tài đức, nhưng lại vùi dập thảm hại.
Mở đầu đoạn trích, ông Quán đã bày tỏ lời bộc bạch của mình:
“Quán rằng: “Kinh sử đã từng
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa
Hỏi thời ta phải nói ra
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Đây là những lời tự bộc của ông sau khi nghe Vân Tiên nói về lẽ ghét thương ở đời của mình. Lẽ ghét thương vốn đã được kinh sử ghi lại, những người học chữ Thánh hiền chắc hẳn đã từng đọc qua mà xót xa cho những điều đau đớn. Nhờ lời của Vân Tiên, ông Quán mới cởi tấm lòng mình mà bộc bạch “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Thấy ông Quán cởi lòng, chàng Vân Tiên cũng tiếp lời ông lão:
“Tiên rằng: ‘Trong đục cho tường
Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào?”
Đây chính là những lời khơi gợi, khiến cho lão Quán như cởi được tấm lòng mình mà tiếp lời Tiên về lẽ ghét thương ở đời. Trước tiên, ông nói về lẽ ghét:
“Quán rằng: ‘Ghét việc tầm phào
…
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân”.
Hai câu thơ đầu tiên về lẽ ghét, Nguyễn Đình Chiểu đã cho ông Quán dùng tới bốn từ “ghét” để nhấn mạnh, để khắc sâu cái cảm giác ghét. Lời thơ thì mang sắc thái nhẹ nhàng “ghét việc tầm phào” thế nhưng ngữ điệu của nhân vật thì đã lên tới đỉnh điểm của sự ghét. Ông ghét “những việc tầm phào” đó là chỉ những việc nhỏ nhen, xằng bậy, ích kỉ, hoang đường làm hại đến người dân. Đó là những việc mà Quán ghét đến mức khắc sâu mà trong tận tâm can mình. Ở đây, người ta thoáng thấy bóng dáng của Nguyễn Đình Chiểu – một nhà Nho yêu nước, ghét bỏ cái thói ăn chơi sa đọa của vua chúa thời đó.
Sau khi nêu lên quan điểm của mình về lẽ ghét, ông mới liệt kê ra một loạt những dẫn chứng, cụ thể hóa những lẽ ghét của mình. Cấu trúc thơ được lặp lại “ghét đời… ” cùng với đối tượng ghét và câu sau nêu lên những hậu quả mà chúng đã gây nên cho nhân dân. Cách nói bộc trực, thẳng thắn, không hoa mỹ như chính tính cách của những con người miền Nam. Từ sách sử Trung Quốc, ông Quán nêu ra hàng loạt những nhân vật nổi tiếng, đã gây ra tai họa cho nhân dân vì sự ích kỉ, tham lam, u mê của mình, ông lấy đó làm dẫn chứng cho lẽ ghét của mình với lời lẽ đanh thép, lên án.
Ông “ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm”, đây là hai tên hôn quân mà ông dẫn ra làm chứng đầu tiên cho lẽ ghét của mình. Hai tên vua bạo ngược, vô đạo trong lịch sử Trung Quốc đã khiến cho dân chúng “sa hầm sảy hang”, phải chịu bao đau thương, tang tóc của chiến tranh loạn lạc. Ông còn ghét hai tên vua “U, Lệ đa đoan”, không chỉ tàn bạo mà còn hoang dâm khiến cho dân chúng muôn phần khốn khổ. Ông ghét thời “ngũ bá phân tranh”, vì lòng tham, ích kỉ mà kết bè kéo cánh gây lên cảnh chiến tranh liên miên, loạn lạc khiến dân chúng phải điêu đứng. Có thể thấy rằng mỗi điều mà ông Quán “ghét cay ghét đắng” đều được dựa trên tình yêu nước thương dân nồng nàn, có yêu nước, có thương dân chúng, ông mới ghét “vào tận tâm” những kẻ vô lương tâm, sống trên sự áp bức dân nghèo. Ông cũng xót xa cho cảnh dân chúng lầm than khi phải sống dưới sự cai trị độc ác, tàn bạo của lũ vua chúa bạo ngược, vô đạo.
Lẽ ghét mà ông Quán thì là thế, vậy còn “nửa thương” thì sao? Cũng như lẽ ghét, lẽ thương được ông Quán trình bày bằng những ví dụ cụ thế, nhưng lại là mười bốn câu thơ, hơn hẳn lẽ ghét bốn câu.
“Thương là thương đức thánh nhân
…
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”
Vẫn với những lời lẽ như ở phần ghét, vẫn là cấu trúc câu như thế, thế nhưng ở phần thương này, giọng điệu ông Quán trở lại hiền từ, dịu dàng chứ không còn đanh thép như lẽ ghét. Ông Quán đã vận dụng hết những kiến thức của mình để lấy dẫn chứng, ví dụ về lẽ thương ở đời cho bốn chàng sĩ tử nghe. Những nhân vật nổi tiếng trong nền văn hóa Trung Hoa được ông nêu lên làm ví dụ cho những chàng trai trẻ như thầy Nhan Tủ, như ông Gia Cát, …
Với ông, ông thương những bậc “đức thánh nhân” hiền từ như Khổng Tử, dùng hết nhân trí của mình để sáng tạo ra nền Nho giáo – nền tảng tinh thần của xã hội Trung Hoa, thứ mà sau này người ta đã dùng để tuyển chọn những người tài cho đất nước. Khổng Tử sáng tạo ra Nho giáo, còn hết lòng hành đạo để truyền bá “khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông”, ấy vậy mà chẳng thành, đành về nhà dạy học, trở thành một thầy giáo bình thường. Mãi đến tận sau này, khi Khổng Tử đã ra đi, người ta mới thấy được những giá trị cốt lõi, những tư tưởng triết lý ẩn sâu trong từng lời dạy của ông. Thế nên, ông Quán thương cho bậc “đức thánh nhân” ấy! Ông còn thương “thầy Nhan Tử” – một người học trò đức hạnh nhất của đức thánh nhân Khổng Tử, những tưởng sẽ xây dựng lên công danh lớn, chẳng ngờ lại yểu mệnh, chết oan. Ông thương cho “Gia Cát” – người quân sư tài ba cho Hán Cao Tổ Lưu Bang, tài giỏi là thế, ấy nhưng lại đành chôn vùi mộng lớn theo sự diệt vong của nhà Hán. Ông thương cho “Nguyên Lượng”, cho “Đổng Tử” – những vị quan thanh liêm, tài giỏi, hết lòng phò vua, ấy vậy mà chẳng gặp thời đành bất đắc chí trở về quê nhà với ruộng vườn, ao cá, chôn vùi tài năng cả một đời. Ông thương cho “Hàn Dũ”, cho “thầy Liêm, Lạc” – những bậc anh hùng tài hoa của đất nước Trung Quốc, chỉ vì can gián vua, ngăn vua không làm điều trái đạo đức mà kẻ thì bị “đày đi xa”, kẻ thì bị phế chức vụ, đuổi về quê nhà.
Những lẽ thương của ông Quán là thương cho những bậc anh hùng tài hoa nhưng có số phận chông chênh, éo le, bất đắc chí, không gặp thời, từ đó, cái tài cái chí bị thời gian làm phôi pha, mai một đi. Nhìn sâu vào trong lẽ thương của ông, ta mới hiểu được tấm lòng của một người Nho sĩ yêu nước, thương những người tài hoa không được trọng dụng, cũng là ghét những kẻ nịnh thần, ghét những tên hôn quân hoang dâm, bạo ngược, không chỉ khiến dân chúng khốn khổ, lầm than mà còn khiến hiền tài chẳng thể cống hiến. Lẽ thương cũng đi liên với lẽ ghét vậy nên ông Quán mới kết luận rằng:
“Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”.
Lẽ ghét thương được xây dựng chính từ tấm lòng của người sĩ phu yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ông bộc lộ sự yêu sự ghét của mình rõ ràng qua từng lời thơ, thẳng thắn, bộc trực như tính cách của những con người Nam Bộ – nơi ông sống vậy. Lời thơ giản dị, dễ hiểu, viết bằng thể thơ lục bát truyền thống khiến người đọc càng thêm thấm nhuần hơn những lẽ ghét lẽ thương mà ông thể hiện ở trên. Lẽ ghét thương cũng khiến người ta phải khâm phục về vốn kiến thức sâu rộng của người thầy đồ mù Nguyễn Đình Chiểu.
Đoạn trích Lẽ ghét thương được viết bằng bút pháp trữ tình, cho ta hiểu thêm về tấm lòng yêu ghét phân minh, mãnh liệt của Nguyễn Đình Chiểu, và hơn thế là tấm lòng thương dân như con, sâu sắc vô cùng của tác giả. Có lẽ chính vì điều này, sau này, khi thực dân Pháp xâm lược, ông đã là người đứng lên lãnh đạo người dân Nam bộ chống lại lũ cướp nước tàn ác ấy. Cùng với Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, truyện Lục Vân Tiên nói chung, Lẽ ghét thương nói riêng là những tác phẩm vô cùng tiêu biểu cho lòng yêu nước và tài năng của Nguyễn Đình Chiểu.
——————- Hết bài 1 ——————-
Bên cạnh bài làm văn Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương, thầy cô và các bạn học sinh có thể tham khảo các bài làm văn mẫu khác như, Tìm hiểu đoạn trích Lẽ ghét thương, Lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét tình thương, Cảm nhận về đoạn trích Lẽ ghét thương, hay phần Soạn bài Lẽ ghét thương,…, để ôn tập và chuẩn bị tốt cho các bài học trên lớp của mình.
2. Phân tích đoạn trích Lẽ Ghét Thương, mẫu số 2 (Chuẩn)
Truyện thơ Lục Vân Tiên được sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, được viết sau khi Nguyễn Đình Chiểu bị mù, rồi quay trở về quê bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hành nghề dạy học ở miền Lục tỉnh. Nội dung truyện thơ xoay quanh xung đột giữa thiện và ác, qua đó đề cao tinh thần nhân nghĩa, thể hiện khát vọng lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, con người với con người đối xử với nhau bằng tình yêu thương, nhân ái. Thuộc thể loại truyện Nôm bác học nhưng lại mang yếu tố dân gian rất rõ. Đoạn trích Lẽ ghét thương nằm từ câu số 473 đến câu 504 của truyện thơ Lục Vân Tiên, xuất phát từ việc trên đường vào kinh ứng thí Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, cùng với Trịnh Hâm, Bùi Kiệm đã nghỉ trọ tại nhà ông Quán, ở đây cả bốn người đã so tài làm thơ. Khi mà Trịnh Hâm và Bùi Kiệm tỏ ý nghi ngờ hai người Vân Tiên và Tử Trực sao chép thơ của người khác làm của mình, thì ông Quán đã mắng cho hai người này một trận. Sau đó Vương Tử Trực đã hỏi ông Quán về kinh sử, thì ông đã đáp lại lời của Tử Trực bằng chính đoạn trích Lẽ ghét thương, thể hiện quan điểm của bản thân về lẽ thương ghét trên đời.
Nhân vật ông Quán là nhân vật nằm trong lực lượng phù trợ cho nhân vật chính trên con đường thực hiện nhân nghĩa, mang dáng dấp của một nhà nho đi ở ẩn, mặt khác lại mang cả những nét tính cách đậm chất người Nam bộ. Ông chính là người phát ngôn tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu, mà ở trong đoạn trích này là tư tưởng yêu ghét phân minh. Trong quan niệm của ông Quán mối quan hệ giữa ghét và thương được thể hiện ở hay câu thơ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” và câu cuối đoạn trích “Nửa phần là ghét nửa phần lại thương”. Từ đó ta nhận thấy rằng ghét và thương có mối quan hệ chặt chẽ, là hai mặt đối lập của một tình cảm thống nhất, thương cái tốt đẹp thì tất yếu phải ghét cái xấu xa, đó là mối quan hệ hai chiều không thể tách rời nhau. Mà cụ thể trong đoạn trích này, sự yêu thương thể hiện ở đối tượng thứ nhất là nhân dân lầm than khổ cực, thứ hai là những người tài cao đức trọng nhưng bị vùi dập. Chính vì yêu thương những đối tượng này nên mới ghét những kẻ hại dân hại đời, đẩy con người vào tình cnahr oan trái, éo le, nghịch cảnh. Như vậy có thể thấy rằng mối quan hệ giữa ghét và thương gắn liền với lý tưởng yêu nước thương dân ở Nguyễn Đình Chiểu.
Bài văn Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương hay nhất
Cụ thể lẽ ghét được ông Quán trình bày trong những câu thơ.
“Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm
Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
Ghét đời U, Lệ đa đoan
Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
Ghét đời ngũ bá phân vân
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn
Ghét đời thúc quý phân băng
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân”
Trong hai câu thơ đầu tiên tác giả sử dụng điệp từ “ghét” lặp lại tận 4 lần để khắc sâu, nhấn mạnh cảm xúc ở thang bậc cao nhất, ghét như dao khắc vào đá, in sâu vào tận tâm khảm, mà đối tượng chung ở đây là “ghét việc tầm phào”, ý chỉ những việc nhỏ nhen, vô bổ, mà ở trong ngữ cảnh này thì có nghĩa là những việc xằng bậy, hoang đường có hại cho nhân dân. Sau đó ở tám câu thơ sau tác giả đã cụ thể hóa những đối tượng mình ghét và đi vào lý giải nguyên do mình ghét, sử dụng cấu trúc chung “ghét – đối tượng ghét – đặc điểm của đối tượng ghét và hậu quả gây ra cho nhân dân”, cách liệt kê rạch ròi như thế đã góp phần thể hiện được rõ nét đức tính bộc trực thẳng thắn của người dân Nam Bộ, cũng như là của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Từ lịch sử Trung Quốc, ông Quán đã dẫn ra một loạt các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử để làm ví dụ cho cái lẽ ghét của mình, đầu tiên là ghét vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương, vốn là những kẻ đa dâm háo sắc, sống phóng túng, xa hoa lãng phí, bạo ngược vô đạo đẩy nhân dân vào những nỗi “sa hầm sẩy hang”. Thứ hai là ghét U Vương, Lệ Vương vốn là hai vị vua nổi tiếng hoang dâm, lại lắm trò “đa đoan” rắc rối, khiến nhân dân nhiều phen khốn đốn, lầm than vô cùng. Thứ ba là ghét đời “ngũ bá” tức chỉ năm nước chư hầu thời Xuân Thu chiến quốc vì quyền lực, dựa vào sức mạnh quân sự mà thay nhau lên làm chủ bằng chiến tranh, gây ra nhiều nhiễu loạn, khiến đời sống nhân dân bị đảo lộn. Cuối cùng là ghét “đời thúc quý phân bằng”, ý chỉ cảnh suy tàn, diệt vong của đất nước, dẫn đến viễn cảnh loạn lạc, lằng nhằng, cuộc sống nhân dân rơi vào cảnh hoang mang, khốn khổ vô cùng. Và sau những điều ghét ấy, ta có thể nhận ra được rằng ẩn đằng sau những nỗi ghét cay ghét đắng ấy là tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, tấm lòng nhân nghĩa mong cảnh bình yên, là nỗi xót xa cho khốn cảnh của nhân dân dưới sự cai trị thối nát, bạo ngược của những kẻ cầm quyền tàn ác, hoang đường, của ông Qúy hay cũng là của chính tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
So với những lẽ ghét, thì điều thương của ông Quán được thể hiện ở 14 câu thơ tiếp, nhiều hơn hẳn 4 câu so với lẽ ghét.
“Thương là thương đức thánh nhân
Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông
Thương thầy Nhan Tử dở dang
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh
Thương ông Gia Cát tài lành
Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha
Thương thầy Đổng Tử cao xa
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày
Thương ông Hàn Dũ chẳng may
Sớm dâng lời biểu tối đày đi xa
Thương thầy Liêm Lạc đã ra
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”.
Ở phần này giọng điệu của ông Quán trở nên nhẹ nhàng, có phần thương cảm tiếc nuối cho những đức thánh nhân mà ông cho là đáng được thương, được yêu. Tác giả tiếp tục sử dụng loại cấu trúc tương tự như ở mười câu lẽ ghét, chỉ khác mỗi chữ “ghét” thay vào bằng chữ “thương”, thành cấu trúc “thương – đối tượng – đặc điểm – hậu quả”. Tiếp tục vận dụng vốn hiểu biết của mình về lịch sử cũng như các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, tiêu biểu cho lẽ thương, ông Quán đã dẫn ra những ví dụ điển hình thể hiện quan niệm thương của mình. Ông thương là thương “đức thánh nhân” Khổng Tử là người sáng tạo ra Nho giáo, dù bản thân ông đã cố gắng đi khắp nơi truyền đạo nhưng không thành, cuối cùng đành phải quay về dạy học, chỉ mãi đến sau này người ta mới dần trân trọng và xem học thuyết Khổng Tử là một kho tàng có giá trị vô cùng to lớn. Thứ hai là thương “thầy Nhan Tử”, dù học hành giỏi giang nhưng lại yểu mệnh chết sớm. Thương Gia Cát Lượng, vị quân sư tài ba, thế nhưng lại không gặp thời, cuối cùng đành chấp nhận chôn vùi tài năng theo sự diệt vong của nhà Hán, đến tận chết chí nguyện vẫn không thành. Thương cả “Đổng Tử”, “Nguyên Lượng” đều là những người có tài năng, mong muốn được đứng ra giúp nước thế nhưng trái nỗi không được vua trọng dụng, cuối cùng đành chịu lui về ở ẩn bên đồng ruộng ao cá, chôn vùi tài năng một đời. Thương cả “Hàn Dũ”, “Liêm, Lạc” vốn dĩ có lòng can gián, nguyên ngăn vua làm điều thất đức, cuối cùng lại bị bạo quân bác bỏ, kẻ chịu lưu đày, kẻ may mắn hơn thì chấp nhận lui về vườn dạy học, sống kiếp bình tâm đến hết đời. Tổng kết lại, lẽ thương của ông Quán, chính là thương những con người tài năng đức độ, thế nhưng không gặp thời, hoặc bị kẻ gian hãm hại, vua bạc nhược không trọng dụng, dẫn tới tài năng bị phôi pha, thương là thương cái đức độ, tài năng ngời ngời mà phải chịu uổng phí, phôi pha. Và sâu trong niềm thương cảm ấy, cũng ẩn chứa những nỗi ghét, ghét thời thế loạn lạc, ghét những kẻ gian thần giỏi nịnh bợ, ghét cả thứ vua hoang dâm vô đạo, bạc nhược ngu dốt, không chỉ đẩy nhân dân và bước đường khốn khổ, mà còn đẩy những con người muốn cống hiến tài năng, xây dựng đất nước và bước đường tàn lụi, để đất nước diệt vong theo.
Đoạn trích Lẽ ghét thương đã bộc lộ rõ quan điểm yêu nước, thương dân sâu sắc thông qua quan niệm ghét – thương của ông Quán, từ đó thể hiện tấm lòng nhân nghĩa, tư tưởng nhân đạo, mong muốn cho nhân dân một cuộc sống tốt đẹp, con người đối xử với nhau bằng chữ “nghĩa”, bằng tình yêu thương chan hòa, cao thượng. Với lời thơ thẳng thắn, bộc trực, thể thơ lục bát dân tộc giản dị, kết hợp với các yếu tố lịch sử, các nhân vật nổi tiếng, nội dung và ý nghĩa của bài thơ dễ dàng xâm nhập và để lại trong lòng những ấn tượng sâu sắc về tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.
3. Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương, mẫu số 3:
Truyện Lục Vân Tiên Nguyễn Đình Chiểu là một Nôm mang khuynh hướng dân gian được viết vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 20, lúc này ông đã bị mù. Truyện xoay quanh những cuộc chiến giữa thiện và ác đề cao lý tưởng về một cuộc sống tốt đẹp mà ở đó tinh thần nhân nghĩa, mối quan hệ giữa con người với nhau đều thấm đượm những tình cảm chân thành, bác ái. Đoạn trích Lẽ ghét thương là cuộc nói chuyện của ông Quán, một nhân vật phụ nhưng lại được yêu thích bởi tinh thần yêu ghét phân minh với 4 chàng sĩ tử bao gồm Lục Vân Tiên, Tử Trực, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm trước khi họ vào trường thi.
Mở đầu đoạn trích là lời bộc bạch của ông Quán:
“Quán rằng: “Kinh sử đã từng,
Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa
Hỏi thời ta phải nói ra
Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Nhân cảnh Lục Vân Tiên xin ông nói về quan điểm ghét thương, ông đã mở đầu bằng những câu thơ như vậy, chung quy lại lẽ ghét thương vốn còn nằm trong những gì kinh sử chép lại, khiến người đọc suy nghĩ rồi phải thấy xót xa, nếu như Vân Tiên vốn đã thành thực có ý hỏi vầy, thì ông Quán cũng chẳng ngại chi mà không bộc bạch bởi chung quy “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Vân Tiên cũng chẳng ngần ngại đáp lời:
“Tiên rằng: Trong đục chưa tường,
Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào?”
Vân Tiên đã chẳng ngần ngại mở lời nói ra nỗi vướng mắc trong lòng mình, rằng nếu chưa hiểu rõ tốt xấu, đục trong thì ông Quán lấy căn cứ vào đâu để rạch ròi phân minh cái sự ghét thương của mình. Mười câu tiếp là nói lên những những điều ông Quán căm ghét, vậy ông Quán ghét gì?
“Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm”,
Nếu câu trước ý thơ mang sắc thái nhẹ nhàng bâng quơ, thì câu sau ngữ khí của nhân vật lại trở nên mạnh mẽ kiên quyết, như dao khắc vào đá tưởng không gì có thể thay đổi được. Điều ấy chứng minh, phàm là việc buôn chuyện, tán dóc, những chuyện vu vơ chẳng ra đâu vào đâu ông đều không tán thành. Dẫn từ lịch sử nước bạn -Trung Quốc cổ đại, ông Quán liệt kê ra một loạt 4 điều ghét: Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm; ghét đời U, Lệ đa đoan; ghét đời Ngũ bá phân vân; ghét đời thúc quý phân băng. Nói chung phàm là những triều đại vua tôi thối nát, hoang dâm vô đạo, khiến nhân dân phải “sa hầm sẩy hoang”, phải chịu cảnh lầm than, nhọc nhằn, loạn lạc đều là nỗi ghét sâu trong tâm khảm của ông Quán. Và nếu tinh ý ta sẽ nhận ra trong những cái ghét của ông Quán lại ẩn chứa mọt nỗi niềm thương yêu cao cả, ấy là nỗi lòng yêu nước, thương cho nhân dân vô tội phải chịu cảnh cùng cực khốn đốn, dưới sự cai trị thối nát của những triều đại mà vua tôi bạo ngược chẳng nên nết.
Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương để thấy được nội dung tư tưởng của đoạn trích
Còn về điều thương, ông Quán thương là “thương đức thánh nhân”, ý chỉ Khổng Tử, người khai sáng ra Nho giáo, nền tảng tinh thần phong kiến xưa, từng có chí đi hành đạo ở nhiều nước nhưng không thành. Thương Nhan Tử, Gia Cát Lượng, Đổng Tử, Nguyên Lượng (Đào Tiềm), Hàn Dũ, thầy Liêm (Chu Đôn Di), Lạc (Trình Hạo và Trình Hi), tất cả những người kể trên đều là bậc quân tử, tài chí hơn người. Ông thương họ vì những lẽ gì? Ông thương bởi cuộc đời họ đã bị những khó khăn trắc trở ngăn cản bước chân, khiến họ không có đường phát triển, không thể tận lực cống hiến hết tài năng của mình. Chung quy lại ông Quán thương những người tài năng đức độ, nhưng lại gặp cảnh trái ngang, bị kẻ gian hãm hại, bề trên không tin tưởng trọng dụng, lòng thương xót của ông là sự thương xót những cái tài năng, đạo đức mà ở đời mấy ai có được. Và cũng như lẽ ghét có thương thì ở đây trong lẽ thương cũng có niềm ghét, mà tất cả là dựa trên lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của ông Quán. Ông thương những bậc thánh nhân, đức trọng, song song với đó là niềm ghét cay ghét đắng những kẻ gian thần, nịnh bợ, những hôn quân có mắt không tròng đã vùi dập người tốt để kẻ xấu được thời nhiễu loạn, làm khổ nhân dân.
Kết lại những lẽ ghét thương của mình ông Quán đã có một câu thế này:
“Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”
Nói tóm lại cái lẽ ghét thương của ông Quán cũng là lời ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu, ông thương nhân dân phải lầm lũi, khổ sở, thương kẻ hiền tài bó tay bất lực, lại ghét những kẻ gian dối, mồm năm miệng mười, những kẻ là vua lại chẳng khác phường bạo ngược, vô loài đã đem đến bao nhiêu bất hạnh, khổ đau cho giống nòi dân tộc.
Đoạn trích Lẽ ghét thương là lời bộc bạch của nhân vật cũng là lời chân thành của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu, qua đó thể hiện tấm lòng chính nghĩa, nhân văn sâu sắc, yêu nước thương dân sâu sắc, niềm mong ước một cuộc sống tươi đẹp, con người đối xử vứi nhau bằng tình nghĩa sắt son, cao thượng. Lời thơ chân thật, giàu cảm xúc và giản dị nhanh chóng khắc sâu vào tâm khảm của người đọc, việc vận dụng những kiến thức lịch sử của nước bạn vùa đem lại sự mới mẻ đồng thời cũng là một cách để gây ấn tượng sâu sắc cho những quan điểm của nhà thơ.
——————– Hết ——————
Đoạn trích Lẽ ghét thương, tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu là bài văn quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Ngoài ra, để ôn tập, làm tốt các bài văn, bài kiểm tra trên lớp, các em cần tham khảo thêm các bài mẫu Phân tích bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Phân tích bài thơ Chạy giặc, Phân tích Bài ca ngất ngưởng, phân tích bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương,…
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn https://tmdl.edu.vn/phan-tich-doan-trich-le-ghet-thuong/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục