Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ
Bạn đang xem bài: Phân tích giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ
Phân tích giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ
I. Dàn ý Phân tích giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác phẩm “Tắt Đèn” và giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ
2. Thân bài
a. Phản ánh bức tranh xã hội nước ta giai đoạn trước cách mạng tháng Tám:
– Xã hội phong kiến mục ruỗng, thối nát, đầy những ngang trái, bất công đã đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ đến cùng cực.
– Người dân vốn đã đói khổ lại phải oằn mình đủ những thứ thuế vô lí. Gia đình chị Dậu nghèo “nhất nhì trong hạng cùng đinh” phải đóng cả thuế thân cho người em chồng đã mất.
– Cai lệ, người nhà lí trưởng là đại diện cho giai cấp thống trị tàn ác, vô nhân tính.
b. Phản ánh số phận và phẩm cách đáng trân trọng của người nông dân trong xã hội
* Hoàn cảnh đáng thương:
– Ngô Tất Tố đã rất thành công khi khắc hoạ nhân vật chị Dậu với hoàn cảnh nghèo khổ, khốn cùng lại phải đèo bồng thêm suất sưu em chồng.
– Gia đình chị Dậu bị đẩy đến bước đường cùng của cuộc sống, để có tiền đóng sưu thuế cho chồng chị phải bán hết khoai, ổ chó và cả cái Tí cho Nghị Quế.
– Anh Dậu dù ốm nặng vẫn bị cai lệ và người nhà lí trưởng trói đánh.
→ Gia đình chị Dậu là một đại diện tiêu biểu cho bao gia đình phải chịu cảnh khốn khổ, phản ánh tình cảnh đau thương của người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ.
* Phẩm chất tốt đẹp của chị Dậu:
– Hết lòng yêu thương chồng, con
– Trong hoàn cảnh éo le nhất vẫn cố gắng tìm đủ mọi cách để cứu chồng.
– Dũng cảm chống lại cai lệ để bảo vệ chồng.
– Sức phản kháng mạnh mẽ
c. Phản ánh quy luật “có áp bức, có đấu tranh” trong hiện thực:
– Lời nói: “Thà ngồi tù, để cho chúng nó làm tình, làm tội như thế, tôi không chịu được”.
– Hành động: đánh lại tên cai lệ và người nhà lí trưởng.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị hiện thực của văn bản
II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Chuẩn)
Văn học hiện thực Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX có bước phát triển mạnh mẽ với những tác phẩm đặc sắc của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố,..mỗi tác phẩm đều là một lát cắt của xã hội được tái hiện lại qua ngôn từ nghệ thuật mang giá trị lớn lao cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật. Đến với Ngô Tất Tố, chúng ta không thể không nhắc tới tiểu thuyết “Tắt đèn”, một tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực giai đoạn 1931- 1945. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trong “Tắt đèn” đã vạch trần những hiện thực tàn nhẫn trong xã hội lúc bấy giờ một cách rõ ràng nhất.
‘Tức nước vỡ bờ” đã tái hiện đầy sinh động bức tranh xã hội nước ta giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Đó là thời điểm mà nhân dân phải chịu cảnh lầm than “một cổ hai tròng” với sự áp bức của giai cấp thống trị phong kiến và thực dân xâm lược. Một xã hội mục ruỗng, thối nát, đầy những ngang trái, bất công đã đẩy dân ta vào khốn khổ đến cùng cực. Nhân dân vốn đã đói khổ, lại phải oằn mình trả những thứ thuế hết mục vô lý. Đặc biệt là thuế thân, một thứ thuế tàn nhẫn đến phi nhân đạo. Thậm chí, ngay cả những người đã chết trong gia đình chưa nộp đủ suất sưu, chúng cũng không buông tha, đè gánh nợ lên người sống đang vật vã đói khổ. Hiện thực đó tái hiện qua hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Dậu- gia đình nghèo “nhất nhì trong hạng cùng đinh” của làng Đông Xá. Đến mùa sưu thuế, chị phải đóng thuế đinh cho chồng và cả thuế thân cho người em chồng đã mất vào năm ngoái. Không đủ tiền nộp sưu, anh Dậu bị trói đánh tàn nhẫn, chị Dậu dẫu van xin thống thiết chúng cũng không chịu buông tha. Thật là một xã hội thối nát, phi nhân tính. Bằng ngòi bút sắc sảo và cảm quan chân thực, tác giả đã dựng nên những nhân vật bất hủ đại diện cho giai cấp thống trị và tay sai như cai lệ, người nhà lí trưởng,..chúng đều đê tiện, vô nhân tính, tàn ác hết mực.
Bên cạnh đó, giá trị hiện thực của văn bản còn được thể hiện qua việc phản ánh số phận bi thảm và nét tính cách đáng trân trọng của những người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ. Ngô Tất Tố đã rất thành công khi khắc hoạ nhân vật chị Dậu với hoàn cảnh đáng thương, đói khổ, nghèo tùng lại đèo bồng thêm suất sưu em chồng. Gia đình chị Dậu bị đẩy đến bước đường cùng của cuộc sống, để có tiền đóng sưu thuế cho chồng chị phải bán hết khoai, ổ chó và cả cái Tí cho Nghị Quế. Gia đình chị Dậu là một đại diện tiêu biểu cho bao gia đình phải chịu cảnh khốn khổ, phản ánh tình cảnh đau thương của người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ. Hơn hết, ta vẫn thấy được những phẩm chất đáng quý của người dân Việt hiện lên trong tác phẩm. Đó là tấm lòng yêu thương chồng hết mức, là sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, rũ bùn đứng dậy của người phụ nữ trước sự tàn ác của bè lũ thống trị. Đó là tấm lòng thảo thơm, ân tình giúp đỡ của bà hàng xóm, chỉ bát gạo nhỏ cùng lời hỏi thăm ân tình ấy thôi cũng đủ để ta thấy được văn hoá làng quê, nghĩ tình làng xóm bao đời người Việt gìn giữ và vun đắp.
Quy luật “có áp bức, có đấu tranh” trong hiện thực cũng được Ngô Tất Tố phản ánh trong tác phẩm. Điều đó được thể hiện rõ qua nét tính cách và hành động phản kháng mạnh mẽ của chị Dậu khi bị dồn tới bước đường cùng. Nếu trong cuộc sống thường ngày, chị là người phụ nữ dịu dàng, quan tâm chồng con hết mực thì khi bị đẩy vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, lựa chọn giữa đấu tranh bảo vệ tình thân hoặc đầu hàng, chị đã đứng lên chống trả quyết liệt. Trong cả lời nói và hành động đều thể hiện sự căm phẫn tột độ và ý chí quyết tâm của người nông dân: “Thà ngồi tù, để cho chúng nó làm tình, làm tội như thế, tôi không chịu được”.
Có thể thấy, với tấm lòng nhân đạo cao cả, Ngô Tất Tố đã dựng nên một tác phẩm phơi bày những ngóc ngách của thực trạng xã hội lúc bấy giờ để giúp mỗi chúng ta hiểu rõ hơn về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trong xã hội xưa. Từ đó, thêm trân trọng cuộc sống an yên, đủ đầy hôm nay, biết ơn và trân quý những gì mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
—————-HẾT——————-
Để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về số phận bất hạnh và vẻ đẹp đáng trân trọng của những người nông dân nghèo như chị Dậu, bên cạnh bài Phân tích giá trị hiện thực trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, các em có thể tìm đọc thêm: Cảm nhận về nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Đóng vai chị Dậu kể lại đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Phân tích nhân vật cai lệ trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-gia-tri-hien-thuc-trong-doan-trich-tuc-nuoc-vo-bo/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục