Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu
Xem chi tiết đầy đủ tại: Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng
Bạn đang xem bài: Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu
1. Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, mẫu số 1:
Nói về đề tài tình yêu trong thơ ca nói chung và trong thơ Xuân Quỳnh nói riêng, Sóng – một bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Quỳnh. Hình tượng sóng thể hiện những trạng thái người phụ nữ trong tình yêu thấm đẫm chất trữ tình trong sáng.
Hình tượng “Sóng” được tái hiện qua nhạc điệu bài thơ. Hình tượng Sóng đi: tả những cảm xúc, những sắc thái tình cảm vừa phong phú đa dạng, vừa thiết tha, sôi nổi của một trái tim đang rạo rực yêu đương.Hình tượng sóng hiện lên qua nhịp điệu nhẹ nhàng, lúc sôi nổi dồn dập, dịu êm, sâu lắng như nhịp sóng ngoài biển khơi, cũng là nhịp của những con sóng tình cảm của một trái tim khao khát yêu đương.
Nhà thơ sử dụng thể thơ 5 chữ với những dòng thơ liền mạch ít ngắt nhịp. Sự trở đi trở lại hồi hoàn của hình tượng sóng, biện pháp điệp từ ngữ, điệp cấu trúc, những từ láy… đã tạo nên nhạc điệu của những con sóng, đợt song liên tiếp gối lên nhau lúc tràn lên sôi nổi, lúc lắng lại dịu êm.
Hình tượng sóng mang ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu và tâm trạng nhân vật trữ tình (người phụ nữ) trong bài thơ.
Sóng là biểu tượng cho sự bí ẩn trong tình yêu, biểu tượng cho niềm khát khao một tình yêu lớn, một tình yêu mãnh liệt.
Khổ thơ thứ nhất thể hiện hai trạng thái của sóng cũng là hai trạng thái của tình yêu tưởng như đối lập nhưng rất thống nhất (dữ dội – dịu êm; ồn ào lặng lẽ). Đó là sự bí ẩn của tình yêu. Cũng như sóng, con người tìm đến với tình yêu” để hiểu mình hơn (Sóng không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể).
Khổ thơ thứ hai là sự phát hiện sự tương đồng giữa sóng và quy luật muôn thuở của tình yêu. Sóng “ngày xưa” và sóng “ngày sau” vẫn thế giống như “nỗi khát vọng tình yêu/ bồi hồi trong ngực trẻ”.
Khố thơ thứ ba và thứ tư tác giả dùng để cắt nghĩa về nguồn gốc của sóng và nơi bắt đầu của tình yêu. Cái hay của đoạn thơ là sự đầu hàng của nhận thức, là sự bất lực trong lôgic lí trí (Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau).
Sóng là biểu tượng cho nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ.Con sóng thao thức ở mọi chiều không gian, thời gian cũng như: “Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức”. Nhà thơ dùng liên tưởng đan cài để đồng nhất “sóng” và “em”.
Sóng là biểu tượng cho sự thủy chung trong tình yêu của người phụ nữ. Nhà thơ sử dụng kết cấu: dẫu… thì… cùng với những đối lập (xuôi – ngược, bắc – nam) để khẳng định: “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”. Ngoài việc khẳng định tình yêu chung thủy, Xuân Quỳnh còn muốn đề cập đến Iihừng thử thách trong tình yêu. Tình yêu cho ta sức mạnh vượt qua thử thách và qua thử thách tình yêu càng thêm bền vững.
Sóng là biểu tượng cho những trăn trở, lo âu trong cõi lòng người phụ nữ đang yêu. Đó là nỗi lo âu về cái hữu hạn của đời người, của tình yêu.
…Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Sóng là biểu tượng cho khát vọng mãnh liệt muốn bất tử hóa tình yêu. Những thơ sử dụng những đại lượng 1ớn có tính ước lệ (trăm, ngàn) cùng với những hình ảnh thuộc về vô biên (biển, sóng). Khát vọng của tâm hồn người phụ nữ đang yêu thật mãnh liệt. Đó là khát vọng của muôn đời, muôn người, khát vọng mang giá trị nhân văn sâu sắc, cao đẹp.
Sóng là một hình tượng không mới nhưng trở nên rất đẹp, một vè đẹp rất riêng trong cảm nhận của hồn thơ Xuân Quỳnh. Bằng hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã nói được những điều giản dị mà lớn lao của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Khát vọng tình yêu được gửi vào sóng khát vọng thành thực, khẩn thiết, nồng nàn và rất nhân văn.
Để có thể Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu một cách tốt nhất, các em nên tham khảo thêm nội dung Trình bày cảm nhận về đoạn thơ trong bài Sóng và Vội vàng cũng như chi tiết Cảm nhận bài thơ Sóng.
2. Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, mẫu số 2:
Trước Xuân Quỳnh đã có không ít thi sĩ viết về tình yêu – đề tài muôn thuở và không bao giờ vơi cạn của thi ca – thế nhưng, cũng với đề tài này, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã thực sự để lại dấu ấn trên thi đàn Việt Nam. Từ những năm khói lửa chiến tranh, những vần thơ của Xuân Quỳnh đã làm bổi hồi bao trái tim người đọc. Thi sĩ đã đem đến cảm nhận về một tình yêu thuần khiết, dung dị và hết sức dạt dào, tha thiết. Sóng có thế coi là một trong số những bài thơ về tình yêu hay nhất của nữ sĩ. Có người đã từng nói Sóng của Xuân Quỳnh là một bài ca về một tình yêu giản dị mà đẹp đến mê lòng. Tình yêu luôn có nhu cầu được chia sẻ và giãi bày. Xuân Quỳnh đã mượn “sóng” – một hình ảnh đặc biệt – để bộc lộ tình yêu của mình. Ngay từ khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã có những phát hiện mới mẻ về “tính cách” của “sóng”:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Thi sĩ đã khám phá ra những trạng thái đôi lập trong con sóng: dữ dợi, ổn ào, mạnh mẽ đến cuồng nhiệt và “dịu êm”, “lặng lẽ”, sâu lắng đến dịu dàng. Bản tính của sóng thật thất thường như tâm hồn người con gái đang yêu. Đây là hai câu thơ tự bạch, tự thú táo bạo mà dịu dàng. Táo bạo vì nó quá mãnh liệt và chân thực. Dịu dàng vì sau những dữ dội, ồn ào, tình yêu vẫn đổ về phía cuối câu thơ để lắng vào dịu êm lặng lẽ – đó là cái dịu dàng con gái làm nên chất nữ tính của hình tượng sóng. Xuân Quỳnh đã tinh tế biết bao khi nhận ra hai trạng thái tưởng chừng như đối lập của con sóng để khám phá về tình yêu. Tinh yêu đâu phải dễ lí giải, nó cũng “nắng mưa thất thường”, cũng đầy mâu thuẫn. Trước trạng thái ấy, Xuân Quỳnh đã thổi vào con sóng một niềm khao khát:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ngay từ đầu, con sóng tâm trạng đã ùn vào, vỗ sóng trong tâm hồn người đọc. Ta bỗng nhận ra trong bản thân mình sự đồng cảm với thi sĩ và với chính con sóng kia. Con người đâu phải lúc nào cũng hiếu rõ về mình. Chính vì thế trong khổ tiếp theo, tứ thơ chuyên từ hình tượng sóng sang những suy nghĩ về tình cảm con người, vừa đột ngột vừa tự nhiên:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Từ ngày xưa đến ngày sau, liên tưởng thơ đã vươn tới cái muôn đời. Ta cảm nhận sâu sắc về một tình yêu thủy chung, cháy bỏng lúc nào cũng phập phồng “trong ngực trẻ”. Từ sóng cho tới tình yêu vốn là tứ thơ quen thuộc xưa nay. Người xưa từng mượn sóng mà hạ lời thề:
Bao giờ cho sóng bỏ ghềnh,
Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em.
(Ca dao)
Con sóng si tình của Xuân Diệu từng khát khao:
Cho anh làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn ôm đềm mãi mãi
(Biển)
Nét riêng của Xuân Quỳnh là tạo cho con sóng sự nữ tính đấy sức sống qua các trạng thái khác nhau: Có cái bồi hồi rất trẻ trung; có cái dữ dội, mãnh liệt nhưng còn có cá cái dịu đàng sâu lắng. Xuân Quỳnh xoay trở con sóng yêu đầy lo âu để cảm nhận nó trên nhiều chiều đối lập. Đó là cách cảm nhận nồng nàn mà có chiều sâu trên cả hai mặt cảm xúc và nhận thức.
Những khổ thơ tiếp theo, sóng từ đối tượng cảm nhận được chuyển thành đối tượng để suy tư. “Trước muốn trùng sóng bể, dòng suy tư cuộn lên như sóng không cùng, những câu hỏi hóa thành cuộc đối thoại lớn với vũ trụ về tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Vói những câu hỏi, Xuân Quỳnh đang muốn truy tìm nguyên nhân, truy tìm ngọn nguồn của tình yêu. Song dường như những câu hỏi ấy chẳng bao giò có thể tìm được một câu trả lời thích đáng. Thiên nhiên bí ấn còn có thể cắt nghĩa nhưng “làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” (Xuân Diệu), Xuân Quỳnh đã diễn đạt sâu sắc cái mà người ta gọi là “Trái tim có những quỵ luật riêng mà lí trí không thể hiểu được”. Tình yêu cần có lí trí nhưng trước hết đó là câu chuyện của trái tim, cho nên không thể dùng lí trí tính táo để xác định sự bắt đầu của tình yêu. Chính sự tưởng chừng như bất lực trong những câu trả lời đã đưa tình yêu trở về với bản chất của nó. Đặc biệt, câu thơ: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau” có một giọng điệu hết sức đáng yêu. Nếu đảo lại trật tự; “Khi nào ta yêu nhau – Em cũng không biết nữa”, ý thơ sẽ lăn về phía lí trí tỉnh táo. Bằng sự khéo léo tài tình của Xuân Quỳnh trong cách sử dụng ngôn ngữ, ta thấy những vần thơ dường như diễn tả rất chính xác nỗi choáng váng của cô gái khi vừa chạm vào cái vùng chói sáng của trái tim con người – tình yêu. Hai câu thơ không chỉ nói về tình yêu mà ta có cảm giác những câu chữ cũng đang rung động theo trái tím thiếu nữ, nó giống như cái lắc đầu đầy yêu thương và bối rối của một cô gái đáng yêu. Nỗi thổn thức ấy tiếp tục lăn mình cùng sóng nước, vươn dài theo thời gian, mênh mang cùng những câu thơ của Xuân Quỳnh:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Tình yêu von gắn liền với nỗi nhớ. Đến đây mỗi câu thơ dường như đểu chan chứa một nỗi nhớ – nỗi nhớ da diết, khắc khoải. Đoạn thơ có hai cặp hình ảnh so sánh song song, khá đắc địa: sóng vỗ bờ cả ngày lần đêm, em nhớ anh ” cả trong mơ còn thức”. Hai cặp hình ảnh song hành, cộng hưởng nhằm diễn tả tình yêu sâu sắc hơn. “Cả trong mơ còn thức” – câu thơ là một phát hiện đầy tinh tế về quy luật của tình yêu: sinh hoạt thường ngày của con người còn có giới hạn bởi thức và ngủ nhưng tình yêu phá vỡ mọi giới hạn, thông trị cả tiềm thức, giấc mơ, thao thức đến khôn cùng. Chỉ có những trái tim yêu hết mình mới thống trị cả thời gian, cả ý thức lẫn tiềm thức như vậy. Tình yêu quả là một sự “bất thường” giữa đời thường. Xuân Quỳnh đã thực sự thông suốt mọi ngỏ ngách của tình yêu vì bà chính là một con người có trái tim yêu không bao giờ mệt mỏi, luôn khát yêu, khát sống bằng cả trái tim. Tình yêu có mặt trong thơ, lên ngôi và tỏa sáng trong phần lớn các tác phẩm của bà. Ta đã bắt gặp không ít những tình yêu vượt qua mọi giới hạn của không gian, của thời gian để hướng tới cái vĩnh cửu trong thơ Xuân Quỳnh:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chi còn bão tố
(Thuyền và biển)
Thời gian chật chội bởi giới hạn, suy tư lại mở ra không gian:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Hai chữ xuôi, ngược thấp thỏm một linh cảm lo âu trước cuộc đòi bất trắc. Vì thế câu thơ “Hướng về anh- một phương” nôm na mà chắc nịch như một sự khẳng định tuyệt vời cho một tình yêu mãnh liệt. Người ta thường nói ngược vẽ phương bắc và xuôi về phương Nam nhưng có lẽ trong tình yêu luôn có những thứ trái ngang, những điều đi ngược lại cái bình thường nhưng suy cho cùng, điều quan trọng nhất của tinh yêu phải chăng chính là sự nhung nhớ, sự gặp gỡ của những trái tim yêu? Và đối với người con gái đang yêu, trái tim họ luôn chỉ hướng về một phương “anh” duy nhất. Những suy tư lấy hình ảnh “sóng” làm trung tâm là sự kết hợp tuyệt vời giữa cảm xúc vàlí trí, tạo cảm giác vừa bổi hồi vừa lắng sâu.
Cao trào của bài thơ dồn thành khát vọng trào dâng trong ba khổ thơ cuối – khát vọng tìm đến tựa từ một niềm tin:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Cái hay của lỗi diễn đạt của Xuân Quỳnh không chỉ ở chỗ mượn quy luật của sóng biển, mây trời để nói về quy luật của tình yêu. Độ sâu của nó bắt nguồn từ nhận thức rất đời thường : cuộc sống là dài, là rộng, là muôn vời cách trở, cuộc sống tràn đầy những điều bất ngờ vì thế mà cũng đầy bất trắc. Lời thơ như nỗi lo đau đáu luôn âm thầm giày vò, như những đợt sóng ngầm trong trái tím khát yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Song dù thế nào đi chăng nữa, tình yêu vẫn sẽ vượt qua mọi trở ngại để vươn tới đích như những con sóng “Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở “.Với niềm tin ấy, khát vọng cúa Xuân Quỳnh vừa mạnh mẻ vừa ấm áp:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Mong ước hóa thân vào sóng thật lớn lao. Khát vọng được “tan ra” để bất tử cùng tình yêu (“ngàn năm còn vỗ”) thật cháy bỏng. Tứ tha có sự phát triển giống như sự nhận thức và lí giải về sự tồn tại mãnh liệt của tình yêu. Có lẽ chưa bao giờ ta thấy trên thi đàn Việt Nam có một nữ thi sĩ bộc lộ tình yêu một cách mãnh liệt mà cũng thật dung dị đến vậy.
Lưu Khánh Thơ nhận xét về thơ Xuân Quỳnh như sau: “Ở Xuân Quỳnh, tình yêu không bao giờ chỉ đơn thuần là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tôl, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khát khao được hoàn thiện mình”. Với sự hóa thân vào sóng, Xuân Quỳnh đã truyền sức sống dào dạt vào tác phẩm như sự khao khát tình yêu luôn cháy bỏng trong trái tim nữ sĩ, làm cho những Sóng hay Thuyền và biển sống mãi với thời gian nhu truyền thuyết về tình yêu mãi mãi làm say đắm bao trái tim người đọc.
3. Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, mẫu số 3:
Trong thơ Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh được coi là nhà thơ nữ viết hay nhất về tình yêu. Đặc sắc của thơ tình Xuân Quỳnh là tiếng nói trực tiếp, chân thành và mãnh liệt bày tỏ những khát vọng tình yêu của trái tim phụ nữ. Cùng với bài thơ Thuyền Biển, bài thơ Sóng được coi là “hai bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng về thơ hiện đại Việt Nam nói chung” (Lưu Khánh Thơ).
Trong bài thơ có một hình tượng nghệ thuật xuyên suốt, tạo nên hình hài của tác phẩm. Hình tượng đó là sóng. Nhưng sóng cũng chính là trái tim Dữ dội và dịu êm của Xuân Quỳnh, vẻ đẹp của bài thơ hiện lên từ những phát hiện mới lạ của tác giả ở hình tượng sóng. Cùng với sóng, hình tượng em tạo thành cặp sóng đôi, gắn bó, quấn quýt suốt bài thơ. Trên cơ sở đó, nhà thơ bộc lộ mọi cung bậc tình cảm của mình về tình yêu.
Đầu tiên là tứ thơ. Điều phổ biến ở nhiều bài thơ trữ tình là thường dựa vào một cái cớ nào đó để mà cấu tứ. Chẳng hạn: tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen… Rồi: Sáng trong như sáng năm xưa / Gió thổi mùa thu hương cốm mới Ngay ở một bài thơ trữ tình chính trị như Việt Bắc, khi cấu tứ, Tô Hữu cũng tạo ra một cái cớ: Mình về mình có nhớ ta / Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng… Ớ Sóng, cách cấu tứ hơi khác: Dữ dội và dịu êm / Ồn ào và lặng lẽ. Mới nhìn cứ tưởng không khác gì những cách cấu tứ kia. Song, thực ra, ngay từ ban đầu, cái cớ ấy đã là một sự ẩn dụ. Bài thơ mượn hình tượng sóng để tạo tứ, mượn sóng để nói về trái tim con người. Các lớp sóng gối lên nhau, trùng trùng, điệp điệp là những lớp sóng trong trái tim người phụ nữ đang yêu. Và, hẳn nhiên, cuộc kiếm tìm, khám phá về sóng cũng chính là tự khám phá trái tim mình. Ta hãy xem người phụ nữ ấy tự khám phá như thế nào?
Sóng hiện lên trước hết là đối tượng cần nhận thức:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Hóa ra, tính cách sóng thật phức tạp: Dữ dội và dịu êm, Ôn ào và lặng lẽ. Cả hai nét tính cách ấy cùng tồn tại ở sóng, có khi mạnh mẽ đến cuồng nhiệt, nhưng lắm lúc sâu lắng, dịu dàng. Bản tính sóng lại thất thường. Đến đây thì không ai nghĩ là nhà thơ nói về sóng nữa mà đó là những cung bậc trong trái tim người con gái đang yêu. Tình yêu luôn có nhu cầu được chia sẻ, giãi bày. Xuân Quỳnh mượn sóng – một hình ảnh rất đẹp, tương xứng với tình yêu để thổ lộ nỗi niềm. Tình cảm ấy chân thực và mãnh liệt. Nhưng dẫu quen thuộc, sóng vẫn hết sức lạ lùng, chưa dễ gì lí giải. Trước trạng thái mâu thuẫn ấy, sóng tự nhận thức:
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Nỗi trăn trở, khao khát tự khám phá trái tim người phụ nữ đã thổi hồn người vào sóng. Đến lúc tâm trạng dâng trào như những lớp sóng ùa vỡ, trái tim ấy không còn kiềm giữ được nữa. Vì thế, sang khổ thứ hai, tứ thơ chuyển từ sóng sang người, có phần đột ngột nhưng cũng hợp lí, dễ hiểu: Ôi con sóng ngày xưa / Và ngày sau vẫn thế / Nỗi khát vọng tình yêu / Bồi hồi trong ngực trẻ. Nhà thơ giãi bày nỗi trăn trở nhưng là giãi bày để mà khẳng định: Tình yêu, từ ngày xưa đến ngày sau, muôn đời vẫn thế!
Mượn sóng để nói về tình yêu, không phải chỉ riêng Xuân Quỳnh. Ca dao, dân ca và nhiều nhà thơ hiện đại đã từng có những liên tưởng thú vị. Có điều, “nét riêng Xuân Quỳnh là tạo ra con sóng mãnh liệt mà đầy nữ tính, giàu trạng thái: có cái bồi hồi rất trẻ trung, có cái dữ dội tương xứng với tình yêu, nhưng còn có cái dịu dàng sâu lắng rất con gái. Xuân Quỳnh xoay trở ngọn sóng yêu đầy âu lo để cảm nhận nó trên nhiều chiều đối lập. Đó là cách cảm nhận nồng nàn mà có chiều sâu, trên cả hai bề mặt cảm xúc và nhận thức” (Nguyễn Quang Trung).
Tiếp tục khai thác hình tượng sóng từ cách câu tứ của riêng mình, những khổ thơ tiếp theo (khổ 3 đến khổ 7), Xuân Quỳnh đẩy phát triển của bài thơ thêm một bậc nữa: từ sóng gợi lên bao nhiêu điều suy tư về cuộc đời, về con người. Nếu ở trên mới chỉ không hiểu mình thì đến đây là hàng loạt câu hỏi khác: Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ đâu / Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau. Đành rằng làm sao cắt nghĩa được tình yêu (Xuân Diệu) nhưng người đời vẫn khát khao tìm kiếm, cắt nghĩa. Bài thơ của Xuân Quỳnh không đơn thuần là giãi bày nỗi lòng khi yêu. Nhu cầu tự nhận thức, nhận thức đến tận cùng khiến bài thơ có chất sâu lắng. Và, quả đúng vậy, tình yêu đâu chỉ là tình yêu, đó là thứ tình cảm mà mỗi khi giãi bày nó đồng thời bộc lộ bản chất con người. Bởi vậy, từ xưa đến nay, đây là thứ tình cảm phức tạp nhất, kì diệu nhất của con người và không ai có thể nói là mình đã hiểu hết.
Hỏi để cuối cùng một câu nói buột ra: Em cũng không biết nữa. Có người nói cái hay của bài thơ chính là hỏi nhưng không trả lời được, vì bản chất tình yêu là không thể cắt nghĩa. Thực ra, Em cũng không biết nữa là một sự khẳng định, một khẳng định theo kiểu của phụ nữ: không biết mà vẫn biết đấy. Vả lại, tình yêu đã vốn có từ rất lâu rồi. Chúng ta từng chấp nhận những câu thơ lãng mạn, đại loại: Tôi yêu em từ khi chưa có tuổi… thì làm sao không thể không chấp nhận, không thể hiểu được cách nói của một nhà thơ nữ?
Tâm trạng người phụ nữ đang yêu tiếp tục bộc lộ với cung bậc mới:
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương.
Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Những câu thơ ở đây có một cặp hình tượng sóng đôi: sóng vỗ vào bờ cả ngày đêm, em nhớ anh cả lúc thức lẫn ngủ. Cặp hình tượng này song hành những cộng hưởng đều nhằm diễn tả nỗi nhớ sâu sắc hơn. Tình yêu đích thực dường như không có giới hạn về cả không gian lẫn thời gian. Nỗi nhớ bao trùm lên tất cả. Chỉ có trái tim yêu hết mình mới có được cung bậc như thế. So với nhiều cách thể hiện tình cảm của người phụ nữ đang yêu trước đó trong thơ Việt Nam, đây là lối bộc lộ có phần táo bạo. Khi đối diện với chính mình, không chút ngại ngần, trái tim yêu ấy đã tự hát và đã hát một cách thành thật. Song, dù mạnh mẽ và táo bạo đến đâu, đấy vẫn là lời tự hát của một trái tim phụ nữ Việt Nam: khát vọng gắn bó thủy chung.
Những khổ thơ cuối của bài, Xuân Quỳnh dồn hết vào việc thể hiện khát vọng đó. Và, ở đây, cũng vẫn là sóng mới đủ sức thể hiện khát vọng lớn lao trong tim người phụ nữ:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Một lần nữa, Xuân Quỳnh thể hiện được sự thức tỉnh ở tâm hồn người phụ nữ khi yêu. Con sóng nào chẳng mong đến bờ? Trái tim yêu nào không thiết tha một sự gắn bó? Cuộc đời thật khó nói trước. Xuân Quỳnh và có lẽ rất nhiều người phụ nữ Việt Nam khác, khi yêu mãnh liệt vẫn có lúc thấp thỏm, âu lo. Song, dù dự cảm có muôn vời cách trở, trái tim yêu cũng không hề đắn đo. Nói đây là niềm tin bồng bột, dễ dãi chắc là không đúng. Tình yêu chân chính, nhất là với phụ nữ Việt Nam, luôn đồng nghĩa với sự hiến dâng.
Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh. Đó là tiếng lòng vừa dữ dội vừa dịu êm, vừa thao thức không yên, vừa bồi hồi khát vọng. Nhà thơ đã khéo chọn sóng, một hình tượng giàu sức biểu cảm, để thể hiện tình yêu như là một giá trị văn hóa lớn của con người. Qua Sóng, người đọc càng thêm yêu quý trái tim nồng nàn, đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam.
4. Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu, mẫu số 4:
Nhà thơ Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ để lại nhiều tên tuổi trong nền thơ ca Việt Nam. Những tác phẩm của bà đều gắn liền với những nhân vật trữ tình, gần gũi thân thiết, thể hiện tâm tư tình cảm của đôi lứa, của người phụ nữ đang yêu da diết mãnh liệt.
Bài thơ Sóng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh. Tác giả vô cùng tinh tế khi chọn hình tượng sóng làm nhân vật trữ tình của mình, nhằm gửi gắm tâm tư tình cảm vào trong đó.
Sóng là hình tượng không mới, nhưng trong bài thơ sóng của Xuân Quỳnh hình tượng sóng được tác giả vẽ lên vô cùng thi vị, trữ tình và mang vẻ đẹp tâm hồn của người thiếu nữ.
Hình tượng con sóng nhân vật trữ tình của tác giả hiện lên như tâm trạng của người thiếu nữ đang yêu có tâm hồn trắng trong, chung thủy, với trái tim dạt dào cảm xúc. Nó như nỗi lòng, chất chứa nhiều tâm sự của người con gái khi mong đợi, nhớ nhung, da diết với người con trai của cuộc đời mình.
Những tình cảm mãnh liệt, khát khao tình yêu khát khao của tuổi trẻ được tác giả gửi vào hình tượng con sóng vô cùng chân thực, nồng nàn các xúc và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc.
Trong những đề tài về tình yêu thì bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh là một bài thơ tiêu biểu, để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Nó đã diễn tả được hết những tâm trạng nhớ nhung, hờn giận lo lắng của người phụ nữ khi đang yêu, đắm chìm trong tình yêu mãnh liệt của đời mình.
Hình tượng con sống được nhà thơ thể hiện qua những nhịp điệu, nhanh chậm khác nhau của bài thơ. Nó như tâm trạng nỗi lòng của người con gái, lúc nhớ nhung da diết, những ghen tuông hờn giận, lúc yêu thương mãnh liệt. Từng nhịp thở từng cảm xúc của người con gái đã tạo nên những âm hưởng riêng cho bài thơ, như nhịp sóng kia lúc dữ dội, khi lại vô cùng dịu êm yên bình
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Nhà thơ Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi sử dụng thể thơ năm tiếng với những nhịp ngắt vô cùng khôn khéo tạo nên một bài thơ vô cùng độc đáo, làm lay động trái tim người đọc bởi những cảm nhận tinh tế của tác giả.
Hình tượng sóng chính là biểu tượng tình yêu và tâm trạng của nhân vật nữ trữ tình, được tác giả Xuân Quỳnh tinh tế gửi gắm trong bài thơ. Hình ảnh con sóng là biểu tượng cho tình yêu, sự bí ẩn trong tình yêu, thể hiện sự khát khao của người con gái khi yêu. Mong ước có một tình yêu lớn, vĩ đại, mãnh liệt được yêu hết mình, cống hiến cho tình yêu.
Trong khổ thơ thứ nhất thể hiện tâm trạng hoàn toàn trái ngược khi thì dịu dàng bình yên, khi thì nổi sóng giận dữ. Thể hiện những tâm trạng bất an của người phụ nữ khi yêu. Lúc thì bình yên, tin tưởng, khi thì hơn ghen, tủi hơn. Nó như nhịp tim yêu thương của người con gái
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trong khổ thơ này tác giả nói tới sự đồng điệu giữ hình tượng sóng với trái tim của người đang yêu. Nó thể hiện quy luật muôn thủa, gần gũi với con người. Những cảm xúc tình yêu dào dạt, đang cao khiến trái tim người thiếu nữ đang trong độ tuổi xuân xanh phơi phới, lúc nào cũng khát khao hạnh phúc.
Bài thơ Sóng chính là hình tượng cho nỗi nhớ trong tình yêu của người thiếu nữ, con sóng luôn thao thức như trái tim người thiếu như lúc nào cũng thổn thức nhớ nhung tới người tình của mình.
Nó chính là biểu tượng cho những lo âu, trăn trở thể hiện tâm trạng bất an của người thiếu nữ khi yêu. Những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai trong tình yêu.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Hình tượng sóng là biểu tượng cho những khát khao, ước mong mãnh liệt của người thiếu nữ khi hiếu. Nó đã trở thành biểu tượng bất tử của tình yêu đôi lứa. Tác giả Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi dùng hình tượng sóng làm nhân vật trữ tình của mình. Một người phụ nữ khi yêu mãnh liệt luôn mong muốn được đền đáp lại xứng đáng, những lo âu khắc khoải, những đợi chờ nhớ mong chính là tình yêu của người con gái.
Hình tượng sóng mà tác giả sử dụng không phải là hình tượng quá mới mẻ nhưng nó lại có cái nhìn riêng biệt, thể hiện phong cách của nhà thơ Xuân Quỳnh. Chính vì vậy, bài thơ Sóng của bà được nhiều người yêu thích và có sức sống mãnh liệt vượt thời gian.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-hinh-tuong-song-trong-bai-tho-cung-ten-va-cam-nhan-ve-tam-hon-nguoi-phu-nu-trong-tinh-yeu/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục