Dưới đây là dàn ý và bài viết mẫu phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Cách Mạng – Tố Hữu được Tmdl.edu.vn soạn thảo nhằm giúp các em nhắm chắc kiến thức Ngữ Văn từ đó hoàn thiện tốt bài viết của mình trong kỳ thi THPTQG sắp tới. Mời quý thầy cô và các em cùng tham khảo !
Đề bài: Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc
Bạn đang xem bài: Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc
Dàn ý Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc
1. Mở bài:
- – Giới thiệu về tác giả Tố Hữu, tác phẩm Việt Bắc và khổ tám bài thơ “Việt Bắc”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm và khổ tám bài thơ “Việt Bắc”:
- – Tố Hữu (1920 – 2002) là con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam.
– “Việt Bắc” được sáng tác vào tháng 10 năm 1954 khi chính phủ rời Việt Bắc về tiếp quản thủ đô.
– Khổ tám bài thơ là không khí sôi nổi, khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Pháp.
b. Hai câu thơ đầu của khổ tám bài thơ “Việt Bắc”:
- – Tác giả tái hiện lại không khí của cuộc chiến toàn dân, toàn diện “những đường Việt Bắc của ta”.
– Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến trong thời gian “đêm đêm”, không khí “rầm rập” được tác giả so sánh “như là đất rung”.
– Không khí của cuộc kháng chiến được khơi gợi mang tầm vóc sử thi, gợi âm hưởng hùng tráng, thiết tha.
c. Sáu câu thơ tiếp theo của khổ tám bài thơ “Việt Bắc”:
- – Tác giả tái hiện không khí của cuộc kháng chiến:
+ Hình ảnh đoàn quân được khắc họa “điệp điệp trùng trùng” cho thấy số lượng đông đảo của một cuộc tổng duyệt “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận”.
+ Hình ảnh của những con người tham gia chiến tranh được kết hợp với các chiến sĩ tạo nên không khí mang tầm vóc sử thi.
+ Nhà thơ đã thể hiện được niềm tin, sự lạc quan cách mạng về ngày mai, cảm hứng ấy được khởi nguồn từ niềm hăng say lãng mạn cách mạng.
d. Bốn câu thơ cuối của khổ tám bài thơ “Việt Bắc”:
- – Niềm vui của cuộc kháng chiến có sự đan chéo, chất chồng và dồn dập bởi nó là niềm tự hào của con người trong cuộc kháng chiến.
– Niềm vui gắn liền với chiến thắng trăm miền, các địa danh dày đặc: Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
– Sự ngợi ca, niềm tự hào của nhà thơ trước những chiến công được thể hiện qua điệp từ “vui”.
e. Đánh giá:
- – Nghệ thuật: Giọng thơ lãng mạn, mang cảm hứng sử thi, sử dụng biện pháp tu từ liệt kê cho thấy niềm vui, niềm tự hào của tác giả.
– Nội dung: Đoạn thơ thực sự là một niềm vui lớn trong kháng chiến, khí thế của cuộc kháng chiến được miêu tả đầy đủ qua lực lượng tham gia chiến đấu, những con đường nối liền giữa các miền đã mang đến một bức tranh hiện thực vô cùng hoành tráng.
3. Kết bài:
- – Khái quát lại nội dung của khổ tám bài thơ “Việt Bắc”:
Bài văn mẫu Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
(Tố Hữu)
Ánh sáng cách mạng chính là ngọn đuốc chỉ đường giúp cho nhân dân ta tìm thấy độc lập, tự do. Là một nhà thơ trưởng thành từ những cuộc kháng chiến, Tố Hữu đã đem đến cho bạn đọc rất nhiều tác phẩm trữ tình lãng mạn cách mạng với một lòng yêu nước sâu sắc. Trong khổ thơ thứ tám của bài thơ “Việt Bắc”, nhà thơ đã dựng lại bức tranh hiện thực của cuộc kháng chiến chống Pháp với niềm tự hào to lớn.
Tố Hữu (1920 – 2002) là con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, ông đã có những đóng góp và cống hiến lớn cho cách mạng và cho nền văn học nước nhà. Tố Hữu chính là người viết biên niên sử bằng thơ và là nhà thơ trữ tình lãng mạn cách mạng lớn nhất thế kỷ XX. Bài thơ Việt Bắc được sáng tác vào tháng 10 năm 1954 khi chính phủ rời Việt Bắc về tiếp quản thủ đô. Bài thơ được in trong tập thơ cùng tên và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Khổ tám bài thơ chính là không khí sôi nổi, khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Pháp được đã được tác giả tái hiện lại vô cùng sinh động bằng chính ngòi bút điêu luyện của mình.
Mở đầu khổ thơ, tác giả khơi gợi lại không khí của cuộc chiến toàn dân, toàn diện với những con đường Việt Bắc của ta:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
Đêm thường là thời gian để con người nghỉ ngơi nhưng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã sục sôi một lòng chiến đấu vì Tổ quốc. Khí thế dũng mãnh của cuộc kháng chiến trong thời gian “đêm đêm” với tiếng hành quân “rầm rập” được tác giả so sánh “như là đất rung” cho thấy không chí chiến đấu đang diễn ra vô cùng khẩn trương. Tiếng “rầm rập” ấy còn cho thấy sự hùng mạnh của quân dân ta luôn dũng cảm tiến về phía trước. Không khí của cuộc kháng chiến được khơi gợi mang tầm vóc sử thi với những âm hưởng hùng tráng đã khiến cho bài thơ được đánh giá vừa là một bản tình ca lại vừa là một khúc tráng ca.
Tác giả tái hiện lại không khí của cuộc kháng chiến ở sáu câu tiếp theo của khổ thơ thứ tám:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.”
Đêm chính là khoảng thời gian quân dân ta làm chủ cả đất trời, tuy màn đêm đen tối nhưng đó chính là sự khởi đầu cho một cuộc chiến đấu đầy cam go và khốc liệt. Hình ảnh đoàn quân được khắc họa “điệp điệp trùng trùng” cho thấy số lượng đông đảo của một cuộc tổng duyệt “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận”. Con người chính là chủ nhân trên mặt đất, ngước lên trời cao ta lại thấy hình ảnh của “ánh trăng” chiếu sáng mọi nẻo đường. Trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu ta cũng đã bắt gặp hình ảnh “Đầu súng trăng treo” vừa mang ý nghĩa tả thực lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Trăng không chỉ là bạn của mọi nhà mà trăng còn tượng trưng cho sự hòa bình, cho một tương lai tươi sáng phía trước.
Trong cuộc kháng chiến ấy không chỉ có chiến sĩ mà còn có cả bộ đội, dân công, những con người hậu phương được kết hợp lại với nhau tạo nên “Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”. Những bước chân gân guốc, khỏe khoắn đã tạo nên sức mạnh “giẫm nát” quân thù. Mặc dù tác giả miêu tả cảnh đêm tối nhưng cảnh đêm tối trong “Việt Bắc” không phải là một đêm tối mịt mù mà nó luôn được soi sáng bởi ngọn đuốc, bởi ánh trăng, bởi đèn pha. Màn đêm dường như tan biến bởi sự kết hợp giữa ánh sáng của ngọn đuốc, ánh trăng, đèn pha bởi sự kết hợp ấy đã tạo nên thứ ánh sáng sáng như “ngày mai lên”. Từ không khí sôi động của cuộc kháng chiến, nhà thơ đã thể hiện được niềm tin, sự lạc quan cách mạng về ngày mai, cảm hứng ấy được khởi nguồn từ niềm hăng say lãng mạn cách mạng.
Sự quyết tâm của quân dân ta đã tạo nên một chiến thắng vang dội đất trời khi hòa bình được lập lại, miền Bắc được giải phóng. Nhà thơ đã lột tả niềm vui tột cùng ấy qua bốn câu thơ cuối của khổ tám bài thơ “Việt Bắc”:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
Tin thắng trận vang cả núi rừng, niềm vui của cuộc kháng chiến có sự đan chéo, chất chồng và dồn dập bởi nó là niềm tự hào của con người trong cuộc kháng chiến. Nếu như tám câu thơ đầu của khổ thơ tác giả đã khơi gợi được không khí căng thẳng, khẩn trương của chiến trận thì bốn câu thơ sau, nhà thơ đã mở ra một chân trời hòa bình với niềm vui sôi nổi trăm miền. Niềm vui gắn liền với các địa danh dày đặc như Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, Đồng Tháp, An Khê, Việt Bắc, đèo De, núi Hồng. Điệp từ “vui” gắn liền với niềm vui chiến thắng, niềm tự hào trước những chiến công cũng chính là niềm tự hào tác giả trước cuộc kháng chiến thần thánh.
Giọng thơ lãng mạn, mang cảm hứng sử thi, biện pháp tu từ liệt kê là những dụng ý nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng trong khổ thơ. Đoạn thơ thực sự là một niềm vui lớn trong kháng chiến, khí thế của cuộc kháng chiến được miêu tả đầy đủ qua lực lượng tham gia chiến đấu, những con đường nối liền giữa các miền đã mang đến một bức tranh hiện thực vô cùng hoành tráng.
Khổ thơ tám của bài thơ “Việt Bắc” khiến cho người đọc như được sống lại trong những năm tháng kháng chiến với khí thế hào hùng, mãnh liệt. Đoạn thơ mang tầm vóc sử thi hoành tráng đã tạo nên một bức tranh lịch sử vô cùng đẹp với sự quyết tâm ra trận, giành chiến thắng của nhân ta.
Kết luận:
Hy vọng bài Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc trên đây sẽ giúp các em nắm chắc được kiến thức về bài thơ Việt Bắc. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau nằm trong thư viện của Tmdl.edu.vn để hiểu rõ hơn về phong cách sáng tác của nhà thơ Tố Hữu.
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích tác phẩm