“Vợ nhặt” là tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân, truyện ngắn đã rất thành công khi khắc họa được hình ảnh người dân lao động trong nạn đói năm 1945. Mỗi nhân vật trong truyện đều ý nghĩa biểu tượng thời đại lúc bấy giờ. Và đương nhiên hình ảnh nhân vật bà cụ Tứ cũng không ngoại lệ.
Bà cụ Tứ là nhân vật biểu tượng cho tình yêu thương giữa con người với con người dù hoàn cảnh có khắc nghiệt như nào đi chăng nữa.
Bạn đang xem bài: Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – người mẹ nghèo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Để làm rõ được nhân vật bà cụ Tứ, xin mời các bạn theo dõi bài phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – người mẹ nghèo trong truyện ngắn Vợ Nhặt dưới đây.
→ Tham khảo thêm: Tuyển tập những mẫu phân tích người lái đò sông Đà hay nhất 2023
Dàn ý phân tích nhân vật bà cụ Tứ
Khi phân tích nhân vật bà cụ Tứ, chúng ta phải làm rõ được tính cách, nhân cách. Đặc biệt, phải nói lên được bà là sự hiện thân của người dân Việt Nam nói chung và những người mẹ nghèo nói riêng trong nạn đói năm 1945.
Mở bài
Trong phần mở bài chúng ta phải giới thiệu được nhà văn Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và nhân vật bà cụ Tứ.
- Kim Lân (1920 – 2007) là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20, chuyên viết về đề tài quê hương quen thuộc nhưng vẫn mang màu sắc riêng biệt của mình.
- Vợ nhặt là một trong số nhiều tác phẩm văn học đặc sắc của Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945, phản ánh rõ nhất cuộc sống của người nông dân Việt Nam trong nạn đói ấy.
- Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ: đại diện cho vẻ đẹp của những người nông dân, người mẹ Việt Nam.
Thân bài
Phần thân bài, để đạt được điểm tối đa ở đề bài phân tích này, chúng ta phải làm rõ được hoàn cảnh nhân vật, vóc dáng, ngoại hình và diễn biến tâm trạng tình huống con trai đưa người đàn bà lạ về nhà. Từ đó thấy được bà cụ Tứ hiện lên với tình yêu thương con người không thể bị đánh gục bởi hoàn cảnh.
a) Phân tích hoàn cảnh sống, ngoại cảnh nhân vật bà cụ Tứ
- Là một bà mẹ nghèo khổ, góa bụa, già nua – ốm yếu, là dân ngụ cư (dân ở nơi khác đến, thường bị dân bản sứ coi rẻ).
- Bà sống với anh con trai – chỉ là một anh phụ xe nghèo.
- Ngoại hình: dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già.
b) Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ
Diễn biến tâm trạng nhân vật ở đây được Kim Lân đặt trong tình huống độc đáo khi người con trai đưa người con gái lạ về nhà. Khi phân tích phải phân tích được sự thay đổi tâm trạng của bà cụ Tứ.
Khi con trai đưa người con gái lạ về nhà:
- Trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch “bà lão phấp phỏng”
- Tâm lý bất an, phân vân hồi hộp; “đứng sững lại” – bà giật mình bởi vì sự xuất hiện của người đàn bà lạ mà con trai mang về; “hấp háy cặp mắt” – thói quen của người có tuổi – đây là hình ảnh gợi tả sự ngạc nhiên và tò mò muốn nhìn rõ hơn.
-> Bà không hề hay biết chuyện anh con trai đã nhặt một người vợ về, thấy người đàn bà lạ trong nhà, bà rất ngạc nhiên, tâm lí bị động trước sự việc.
Sau khi hiểu ra:
- Bà thương, buồn tủi cho con trai phải lấy vợ nhặt
- Bà cũng thấy hờn tủi cho chính mình, có lỗi với con trai bởi không thể lo được chuyện dựng vợ gả chồng cho con chu đáo.
- Bà cảm thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà, thương cho cả sự ngờ nghệch của đứa con trai
- Bà mừng vì con trai đã yên bề gia thất, chấp nhận đứa con dâu vừa được nhặt về.
- Bà cụ Tứ dần lo lắng cho cuộc sống các con sau này
Bà đối xử tốt với nàng dâu mới bằng sự cảm thông, trân trọng:
- Ân cần quan tâm con: “Con ngồi đây… đỡ mỏi chân”
- Nói về tương lai với niềm lạc quan “biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”
- Bảo ban các con làm ăn
=> Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo hiền từ, chất phác, vị tha, nhân hậu, âm thầm hi sinh vì hạnh phúc của con. Bà là nhân vật tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ nghèo Việt Nam.
Kết bài
Cảm nhận riêng về hình tượng bà cụ Tứ.
Bài văn mẫu phân tích nhân vật Bà cụ Tứ
Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê, lam lũ hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ôngTác phẩm đã khắc hoạ tình cảnh thê thảm của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 đồng thời khẳng định, ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc, khát khao hạnh phúc, hướng đến tương lai của những người dân lao động. Trong đó nhân vật bà cụ Tứ được nhà văn khắc hoạ rất sinh động, tinh tế, là một người mẹ nghèo khổ, trải đời, giàu tình yêu thương và có nội tâm phong phú, phức tạp.
Kim Lân rất am hiểu nông thôn và đời sống của nhân dân nên ông có những trang viết sâu sắc, cảm động. Truyện Vợ nhặt rút từ tập Con chó xấu xí) được coi là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Thiên truyện có một quá trình sáng tác khá dài. Nó vốn được rút ra từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư (cuốn tiểu thuyết viết dang dở ở thời kì trước Cách mạng). Hoà bình lập lại, Kim Lân viết lại. Vợ nhặt mang dấu ấn của cả một quá trình nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và chiêm nghiệm kĩ lưỡng về nghệ thuật.
Tác phẩm dã tái hiện lại bối cảnh ngày đói vô cùng thê thảm ở nông thôn Việt Nam do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra năm 1945. Ông đặc tả chân dung người năm đói “khuôn mặt hốc hác u tối”, “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma”, và “bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Trong không gian của thế giới ngổn ngang người sống kẻ chết ấy, tiếng quạ “gào lên từng hồi thê thiết” cùng với “mùi gây của xác người”. Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh mảng tối của bức tranh hiện thực buồn đau là mảng sáng của tình người, của một chủ nghĩa nhân văn tha thiết, cảm động.
Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai.
Thể hiện sâu sắc cho tư tưởng ấy là chân dung tính cách, tâm lý của bà cụ Tứ trước tình huống bất ngờ: con trai mình đột ngột có vợ.
Tâm lí ở cụ Tứ có phần phức tạp, với những nỗi niềm trắc ẩn trong chiều sâu riêng của người già từng trải và nhân hậu.
Khởi đầu tâm lí ở bà cụ Tứ là ngỡ ngàng trước một sự việc dường như không hiểu được. Cô gái xuất hiện trong nhà bà phút đầu là một hiện tượng lạ. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ Tứ được khơi sâu bởi hàng loạt những câu hỏi nghi vấn: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?” Rồi lại:”Ô hay, thế là thế nào nhỉ?”. Sự ngạc nhiên này thể hiện nỗi đau của người viết: chính là sự cùng quẩn của hoàn cảnh đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm trước việc con trai yêu quý của mình có vợ.
Sau khi hiểu ra mọi chuyện, bà lão”cúi đầu nín lặng”. Sự nín lặng đầy nội tâm. Đó là nỗi niềm xót xa, lo, thương trộn lẫn. Tình thương của bà mẹ nhân hậu mới bao dung làm sao: “… chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Trong chữ “chúng nó” người mẹ đã đi từ lòng thương con trai sang con dâu. Trong chữ cúi đầu, bà mẹ tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh.
Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo, tạo thành một trạng thái tâm lí triền miên day dứt. Bà mẹ: nghĩ đến bổn phận làm mẹ chưa tròn, nghĩ đến ông lão, đến con gái út, nghĩ đến nỗi khổ đời của mình, nghĩ đến tương lai của con…, để cuối cùng dồn tụ bao lo lắng, yêu thương trong một câu nói giản dị:”chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…” Trên ngổn ngang những nỗi buồn lo, niềm vui của mẹ vẫn cố ánh lên. Cảm động thay, Kim Lân lại để cái ánh sáng kỳ diệu đó tỏa ra từ… nồi cháo cám. Hãy nghe người mẹ nói: “chè đây – Bà lão múc ra một bát – chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Chữ “ngon”này cần phải cảm thụ một cách đặc biệt. Đó không phải là xúc cảm về vật chất, (xúc cảm về cháo cám) mà là xúc cảm về tinh thần: ở người mẹ, niềm tin về hạnh phúc của con biến đắng chát thành ngọt ngào. Chọn hình ảnh nồi cháo cám, Kim Lân muốn chính mình cho cái chất người: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình nghĩa và hi vọng không thể bị tiêu diệt, con người muốn sống cho ra sống, và cái chất người thể hiện ở cách sống tình nghĩa và hi vọng. Nhưng Kim Lân không phải là nhà văn lãng mạn. Niềm vui của cụ Tứ vẫn cứ là niềm vui tội nghiệp, bởi thực tại vẫn nghiệt ngã với miếng cháo cám “đắng chát và nghẹn bứ”.
Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.
Trên đây là chi tiết hướng dẫn phân tích nhân vật bà cụ Tứ – người mẹ nghèo trong truyện ngắn của Kim Lân. Mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về nhân cách cao đẹp, hiểu đời, hiểu người của nhân vật này. Để tham khảo thêm phân tích nhân vật khác trong truyện ngắn hay những tác phẩm văn học khác xin truy cập tmdl.edu.vn.
Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9