Đề bài: Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà
Bạn đang xem bài: Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà
Văn mẫu phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà ngắn hay, dễ hiểu
I. Dàn ý Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác phẩm, nhân vật ông Sáu.
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh nhân vật:
– Tham gia kháng chiến từ khi bé Thu còn chưa đầy một tuổi.
– Đi biền biệt suốt 7, 8 năm trời, không thể về thăm đứa con. Đến khi được về thăm nhà, thăm con thì đứa bé lại không nhận cha.
b. Tình thương yêu con sâu sắc và bi kịch bị chối bỏ:
– Vội vàng, trông ngóng để gặp con.
- Quá xúc động và nhớ con, chất giọng run run cùng khuôn mặt với vết sẹo đỏ bừng giật giật theo từng cơn xúc động.
– Phản ứng của bé Thu: “giật mình tròn mắt nhìn”, “ngơ ngác, lạ lùng”, tái mặt, chạy vụt đi vừa chạy vừa kêu thét lên đầy sợ hãi “Má! Má!”.
→ Điều đó khiến ông đau đớn, chua xót không thôi, “mặt anh sầm lại, hai tay buông xuống như bị gãy”, bất lực, thất vọng đến cùng cực của một người cha bị từ chối phũ phàng, đau đớn.
– Trong những ngày nghỉ phép, ông vẫn luôn tìm mọi cách để gần gũi con bé “suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, cứ ở bên cạnh vỗ về con bé”:
+ Bé Thu bướng bỉnh không chịu nhận ông Sáu là ba, từ chối mọi hành động quan tâm của ông Sáu.
+ Hất tung cái trứng cá trong bát khi được ông Sáu gắp cho.
– Hối hận, day dứt vì đánh con trong lúc nóng giận.
c. Bi kịch phải chịu chia cắt thêm một lần nữa và nỗi ân hận suốt đời:
– Ngày lên đường trở về căn cứ ông chỉ lặng nhìn con bé “với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu” cùng lời từ biệt “Thôi ba đi nghe con!”.
– Tiếng “Ba…a…a…ba!” như xé nát không gian, xé vào tâm can mọi người, bé Thu chạy đến nhào vào lòng ông Sáu, ôm chặt lấy cổ ông, vừa nói vừa khóc “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”.
=> Hạnh phúc đã mỉm cười với ông Sáu, lén lau nước mắt rồi hôn lên tóc con bé một cách đầy trân trọng và yêu thương.
– Hóa ra, sau khi biết được căn nguyên của vết sẹo trên mặt ông Sáu là do bị thương trong khi chiến đấu, Thu mới vỡ lẽ, quay trở về nhận ba.
– Ở chiến trường, ông Sáu đã làm chiếc lược ngà bằng tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ dành cho con.
– Trước khi hi sinh nhờ người đồng đội thay mình đưa cho bé Thu chiếc lược.
3. Kết bài:
Nêu cảm nhận về tác phẩm và nhân vật ông Sáu.
II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà (Chuẩn)
Chiếc lược ngà là truyện ngắn xuất sắc viết về tình cảm gia đình trong chiến tranh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Qua nhân vật ông Sáu, nhà văn không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về sự khốc liệt và những đau thương mà chiến tranh mang lại mà còn khơi dậy những cảm xúc thật mềm mại, tha thiết về tình cảm gia đình trong trái tim của mỗi người qua câu chuyện cảm động của ông Sáu và bé Thu.
Trong hàng loạt các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cả trước và sau cách mạng tháng tám, bên cạnh các chủ đề xuyên suốt như chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự tàn khốc của chiến trường đổ lửa thì câu chuyện về những nỗi đau và nỗi bất hạnh mà con người phải gánh chịu trong chiến tranh cũng là một trong những đề tài được nhiều tác giả quan tâm, đặc biệt là những tác giả trẻ trưởng thành sau cách mạng. Trong đó Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất.
Ông Sáu tham gia kháng chiến khi con gái đầu lòng của ông – bé Thu còn chưa đầy một tuổi. Ông Sáu đi là biền biệt suốt 7, 8 năm trời, không có điều kiện để thăm đứa con bé bỏng của mình, chính điều đó đã kéo theo một loạt những bi kịch đến với cuộc đời lính đầy gian khổ của ông.
Khi được về thăm nhà, thăm con sau bao năm xa cách, mọi chuyện lại không như mong đợi, sự xa lạ, lạnh lùng của bé Thu là điều ông Sáu không thể ngờ tới, cái khoảnh khắc ông mong ngóng, đợi trông bấy lâu đã không xảy ra. Khi ông nhún chân nhảy lên bờ, bước những bước dài về phía đứa bé mặc áo bông đỏ, mái tóc ngắn ngang vai đang đứng bên kia bờ, tiếng kêu to “Thu, con!”, chỉ khiến con bé “giật mình tròn mắt nhìn”, “ngơ ngác, lạ lùng”. Không có cái cảnh đứa bé xô vào lòng ông, ôm chặt lấy cổ ông như mọi người và ông Sáu vẫn tưởng. Nhưng ông Sáu vì quá xúc động và nhớ con, vẫn chưa kịp nhận ra sự khác lạ ấy, ông vẫn tưởng con bé chỉ là chưa nhận ra ông, nên vẫn tiếp tục tiến đến gọi bé Thu bằng chất giọng run run cùng khuôn mặt với vết sẹo đỏ bừng giật giật theo từng cơn xúc động của ông “Ba đây con!”.
Trước cảnh tượng ấy, bé Thu bỗng tái mặt, chạy vụt đi vừa chạy vừa kêu thét lên đầy sợ hãi “Má! Má!”. Cảnh tượng ấy đã giáng một đòn thật mạnh vào trái tim chất chứa đầy tình thương yêu của ông Sáu, khiến ông đau đớn, chua xót không thôi, “mặt anh sầm lại, hai tay buông xuống như bị gãy”, đó là một cảm giác bất lực, thất vọng đến cùng cực của một người cha vốn dành trọn tình yêu cho con nhưng lại bị từ chối phũ phàng, đau đớn. Người lính đứng trước mưa bom bão đạn chưa từng nản chí, sợ hãi, nhưng đứng trước bi kịch gia đình, bi kịch tình cảm phụ tử lại trở nên yếu đuối và đáng thương, điều khiến người ta không khỏi thấy chạnh lòng, tủi phận.
Tuy nhiên tấn bi kịch của ông Sáu chưa dừng lại ở đó, mà nó còn tiếp diễn suốt trong ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi, giày vò trái tim người lính tội nghiệp. Dù bé Thu từ chối nhận mình là ba, thế nhưng bằng tình yêu thương con sâu sắc, ông vẫn luôn tìm mọi cách để gần gũi con bé “suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, cứ ở bên cạnh vỗ về con bé”. Nhưng thật xót xa canh càng vỗ về, càng cố gắng tiến lại con bé càng đẩy ông ra xa, ông chỉ mong con bé gọi một tiếng “ba”, nhưng nó chưa từng mở lời lấy một lần, mà luôn tìm cách chống đối. Thậm chí để tránh phải gọi ông Sáu là “ba”, khi bị mẹ ép gọi ba vào ăn cơm, bé Thu còn nói trổng “Vô ăn cơm!”, ông Sáu giả vờ không nghe thấy để đợi con bé gọi tiếng ba thì trái lại bé Thu lại đổi cách gọi khác “Cơm chín rồi”.
Trước sự ngang bướng và có phần hỗn hào của con bé ông Sáu không thấy tức giận mà chỉ “nhìn con rồi khe khẽ lắc đầu cười”. Ông cười nhưng lòng đau đớn đến tột cùng, cái cảm giác nghẹn ngào không khóc được, nên đành phải cười vậy, cười cho bi kịch kỳ lạ của cuộc đời mình, bi kịch con không nhận cha, cười cho nỗi mong mỏi tiếng “ba” đến đáng thương của mình. Nhưng không vì thế mà ông Sáu tức giận, không vì thế mà thôi không cố gắng gần gũi con, ông vẫn kiên nhẫn để mong con bé thay đổi và đáp lại tình cảm của mình trong ba ngày phép ngắn ngủi.
Trong bữa cơm hiếm hoi có mặt đầy đủ cả gia đình sau bao năm xa cách, ông Sáu cố tìm cách quan tâm bé Thu bằng việc gắp cho con bé cái trứng cá. Nhưng con bé lại cầm đũa hất ra, làm vung vãi cơm ra khắp cả mâm. Có lẽ rằng sự vô tình và ngang bướng của bé Thu đã khiến ông Sáu không thể kiềm chế được mà ra tay phát vào mông nó “Sao mày cứng đầu quá vậy hả?”. Nhưng có ai biết rằng, sau cái hành động ấy là biết bao nỗi đau đớn, tủi hờn của một người cha, một người đàn ông đang quằn quại trong bi kịch cuộc đời mình, bé Thu đau một, thì có lẽ ông đau mười, nỗi đau ấy không nằm trong da thịt mà quặn xoắn vào trái tim vốn đã có nhiều tổn thương của ông.
Như vậy đến một bữa cơm êm ấm quây quần gia đình, ôngh Sáu cũng không có được, những ngày phép của ông cũng đến hồi hết, ông lại phải đi hòa mình vào cuộc chiến, mà không biết rằng đến tháng năm nào ôngh mới lại có thể trở về, hoặc là mãi mãi không về nữa. Càng nghĩ càng xót xa cho thân phận người lính.
Đến lúc chuẩn bị lên đường trở về căn cứ, khi đã chia tay hỏi han hết người thân, bạn bè, ông Sáu quay lại nhìn con, nhưng nhớ đến sự xa cách, chối bỏ của con bé với mình, ông Sáu lại cố kìm nén cái khao khát được ôm hôn con bé trước khi đi xa, mà chỉ lặng nhìn con bé “với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu” cùng lời từ biệt “Thôi ba đi nghe con!”. Có lẽ ông cũng không mong mỏi con bé sẽ đáp lại ông điều gì đó nữa. Những tưởng rằng con bé vẫn sẽ lạnh lùng, nhìn ông ra đi cũng như lúc nhìn ông về thì bất ngờ một tiếng “Ba…a…a…ba!” như xé nát không gian, xé vào tâm can mọi người, nghe thật xót xa. Con bé chạy đến nhào vào lòng ông Sáu, ôm chặt lấy cổ ông, vừa nói vừa khóc “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!”. Còn hạnh phúc nào hơn giây phút này nữa, tình phụ tử thiêng liêng bao trùm khắp trong căn nhà bé nhỏ, ông Sáu mừng vui quá đỗi, những giọt nước mắt xúc động chảy dài, ông lau nước mắt rồi hôn lên tóc con bé một cách đầy trân trọng và yêu thương. Hóa ra, bé Thu không nhận ba là vì trên mặt ba nó có vết sẹo dữ tợn quá, khác xa với tấm ảnh mà mẹ đưa cho nó, khi con bé sang nhà bà ngoại, biết được căn nguyên của vết sẹo là do bị thương trong khi chiến đấu, nó mới vỡ lẽ, quay trở về nhận ba.
Nhưng một lần nữa bi kịch lại xảy đến, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, ngay cái lúc cha nhận nhau cũng là lúc ông Sáu phải ra đi, mà chuyến đi này lại là chuyến đi mãi mãi, cũng là lần cuối bé Thu được nhìn thấy cha mình. Ông Sáu ra đi với lời hứa làm cho bé Thu một chiếc lược ngà, và một nỗi khổ tâm day dứt mãi trong lòng, ông ân hận nghĩ mãi sao ngày ấy mình lại đánh con bé. Cả nỗi nhớ và nỗi ân hận, khiến ông làm chiếc lược ngà càng tỉ mỉ và thận trọng hơn, dường như mỗi một chiếc răng lược, mỗi một vết cắt đều thấm đẫm tình yêu của ông dành cho con. Nhưng đáng buồn thay, ông vĩnh viễn không thể trở về như lời ông hứa “Ba đi rồi ba về với con”, cũng không thể tận tay trao cho đứa con gái yêu dấu chiếc lược mà ông dày công chế tạo.
Có thể nói rằng cả cuộc đời của ông Sáu đã bị chiến tranh hủy hoại, mang đến cho ông tấn bi kịch gia đình với những tổn thương sâu sắc. Nó không chỉ để lại trên thân thể ông những dấu tích kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của ông mà còn cướp đi của ông những giây phút êm ấm bên gia đình, chia cắt tình cha con, vợ chồng, để lại trong tim ông những nỗi đớn đau tột cùng. So với những gì đã mất, thứ ông Sáu nhận lại chỉ là vài giây phút được gần vợ, con ngắn ngủi, cùng với nỗi nhớ thương, ân hận da diết đến tận lúc hi sinh.
Không có hạnh phúc nào cho người lính, đó là câu nói dành cho cả những người đã nằm xuống và những người còn may mắn sống sót sau những cuộc chiến khốc liệt. Chiến tranh đã lấy đi của họ quá nhiều, những người ra đi không hối tiếc một lời, dành cả thanh xuân cho đất nước, dân tộc, cống hiến vì hai chữ hòa bình, tự do, còn bản thân nhận lại hết những tấn bi kịch, bất hạnh không nói thành lời. Nhân vật ông Sáu và tác phẩm Chiếc lược ngà, không chỉ phản ánh sự khốc liệt và đau thương của chiến tranh mà còn nói lên số phận của những người lính, nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng độc lập, tự do của dân tộc, những thứ đã được đánh đổi bằng máu thịt, nước mắt của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử. Tác phẩm cũng khắc họa sâu sắc tình cha con của các nhân vật, thể hiện sự thiêng liêng, gắn kết máu thịt, dù trong hoàn cảnh chia cắt đôi nơi, nhưng thứ tình cảm ấy vẫn đong đầy, vẹn nguyên, thậm chí sâu đậm hơn trong trái tim của ca hai cha con ông Sáu.
——————–HẾT——————–
Chiếc lược ngà là một trong những tác phẩm tiêu biểu nói về số phận và những bi kịch của người lính trong chiến tranh, thể hiện tấm lòng trân trọng, cảm thông của tác giả với những con người đã hy sinh máu xương vì Tổ quốc. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm mời các em tìm đọc thêm các bài viết : Nghị luận về truyện ngắn Chiếc lược ngà, Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua đoạn trích Chiếc lược ngà, Suy nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà, Cảm nhận tình cha con qua truyện ngắn Chiếc lược ngà.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-ong-sau-trong-chiec-luoc-nga/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục