Giáo dục

Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội để thấy được những vẻ đẹp đáng trân trọng của hai nhân vật này.

phan tich nhan vat ra ma va xi ta trong doan trich ra ma buoc toi

Bạn đang xem bài: Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội

Bài văn Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội
 

I. Dàn ý Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội (Chuẩn)

1. Mở bài

– Sơ lược về sử thi Ra-ma-ya-na.
– Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở chương 9, khúc ca thứ VI, kể về mâu thuẫn của vợ chồng Ra-ma và vợ, sau khi hoàng tử cứu được Xi-ta – vợ mình từ tay quỷ dữ Ra-va-na, mà thông qua đó nội tâm sâu sắc và những nét tính cách của hai nhân vật Ra-ma và xi-ta được khai thác và bộc lộ một cách rõ nét.

2. Thân bài

a. Nhân vật Ra-ma:

* Với tư cách cộng đồng, tư cách của một vị vua:
– Chọn cách xưng hô với vợ mình là “Hỡi phu nhân cao quý”, một cách xưng hô khách sáo và xa lạ.
– Khẳng định và tuyên bố việc tiêu diệt quỷ vương Ra-va-na không phải vì Xi-ta mà trước hết là vì danh dự cá nhân và danh dự của cộng đồng, của dòng tộc cao quý.

* Với tư cách là một người chồng:
– Tư cách của một người chồng bị lăng nhục, sau bao tháng ngày xa cách chàng đã có những biểu hiện của sự tức giận vì ghen tuông và nghi ngờ danh tiết của vợ với những lý do chặt chẽ.
=> Ra-ma đã xua đuổi, rũ bỏ Xi-ta bằng những lời nói cạn tình, cạn nghĩa, xoáy sâu vào tấm lòng người vợ tội nghiệp: “Ta không cần đến nàng nữa, nàng muốn đi đâu tùy ý”.

* Mâu thuẫn nội tâm của Ra-ma:
– Mâu thuẫn giữa trách nhiệm, tư cách với cộng đồng và tình yêu thương sâu sắc đối với vợ.
– Sau những lời nói kiên quyết, sắc bén như dao làm tổn thương Xi-ta, thì ngay tại chính tâm hồn chàng cũng phải chịu những nỗi đau tương tự, đau đớn vì sự nhẫn tâm của mình với người vợ yêu dấu.
– Nhưng chàng là một vị vua, chàng phải cai trị cả một cộng đồng, chàng không được phép mềm yếu vì tình yêu, chàng phải đứng vững vì danh dự của cả dòng họ.
=> Sự đau khổ và giằng xé tột cùng.

b. Nhân vật Xi-ta:

* Bi kịch của nàng:
– Là người phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh có một tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân hạnh phúc với Ra-ma người nàng yêu trong suốt 14 năm trời, thế nhưng bất hạnh thay vì một kiếp nạ bị quỷ Ra-va-na bắt cóc mà nàng bị chồng nghi ngờ và ruồng rẫy
– Nàng bị chồng vu cho tội danh thất tiết, không chung thủy, rằng nàng đã bị tên quỷ Ra-va-na vấy bẩn, nàng đã không còn xứng đáng với Ra-ma và dòng họ của chàng nữa
– Những điều đó đã khiến Xi-ta đau khổ và bàng hoàng “đến nghẹt thở”, tâm hồn nàng như một “cây dây leo bị vòi voi quật nát”, trái tim nàng tan vỡ vì những lời bạc nghĩa của Ra-ma.

* Cách giải quyết của Xi-ta trước mâu thuẫn để bảo vệ danh dự của mình.
– Dùng chính tư cách của bản thân, tư cách con gái của nữ thần Đất để bảo đảm cho sự trong sạch của nàng.
– Xi-ta đã chất vấn Ra-ma bằng một với tư cách một người vợ “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn đang chửi mắng một con mụ thấp hèn?”.
– Dùng tư cách một hoàng hậu, một con người của cộng đồng để chất vấn Ra-ma “Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng thế đâu có phải”.
=> Xi-ta không phải là một người phụ nữ yếu đuối, nàng sẵn sàng mạnh mẽ chống lại những lời không đúng sự thật để bảo vệ danh dự bản thân và danh dự của tất cả phụ nữ trong cộng đồng.
– Tuy nhiên Ra-ma không tin tưởng nàng, dẫn đến sự tuyệt vọng của Xi-ta “Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích”.
– Nàng chọn cách bước lên giàn hỏa thiêu để chứng minh cho sự thanh bạch của mình.
=> Thể hiện sự dũng cảm, bản tính ngay thẳng, nhân cách cao đẹp của Xi-ta, đối với nàng ngoài tình yêu của chồng, thì danh dự là thứ không thể bị xúc phạm, nàng cũng có tư cách của riêng mình, mà không kẻ nào được làm tổn thương nó.
=> Vẻ đẹp và nhân cách của Xi-ta chính là đại diện cho hình mẫu phụ nữ lý tưởng trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại.

3. Kết bài

– Tổng kết nội dung và cảm nhận chung về hai nhân vật chính.

 

II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội (Chuẩn)

Ra-ma-ya-na là một trong hai bộ sử thi rất nổi tiếng của Ấn Độ, được xưng tụng là kiệt tác thi ca đầu tiên của Ấn Độ mang tầm vóc vĩ đại, có sức ảnh hưởng sâu rộng và lâu bền trong nền văn hóa, đời sống tinh thần của người dân Ấn Độ và vượt ra ngoài cương vực lãnh thổ đến với các quốc gia khác trên thế giới, điển hình là một số nước Đông Nam Á. Được hình thành vào khoảng thế kỷ IV-III trước công nguyên, sử thi này đã từng được bổ sung, hoàn thiện bởi rất nhiều các thế hệ văn nhân-tu sĩ Ấn, sau cùng trở thành tuyệt tác văn hóa nghệ thuật dưới đôi bàn tay của đạo sĩ Van-mi-ki. Tác phẩm kể về cuộc đời và những kỳ tích của hoàng tử Ra-ma, con trai trưởng của nhà vua Đa-xa-ra-tha trong quá trình bị lưu đày, đề cao đạo đức của hoàng tử Ra-ma, đồng thời ca ngợi mối tình chung thủy của nàng Xi-ta, phản ánh ước mơ của người dân Ấn về một vị minh quân, và hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ Ấn Độ cổ đại. Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở chương 9, khúc ca thứ VI, kể về mâu thuẫn của vợ chồng Ra-ma và vợ, sau khi hoàng tử cứu được Xi-ta – vợ mình từ tay quỷ dữ Ra-va-na, mà thông qua đó nội tâm sâu sắc và những nét tính cách của hai nhân vật Ra-ma và xi-ta được khai thác và bộc lộ một cách rõ nét.

Sau khi đã giải quyết xong xung đột cộng đồng, giết quỷ Ra-va-na, cứu thoát vợ để giành lại danh dự và chứng minh sức mạnh không được phép ai khinh nhờn, thì Ra-ma lại tiếp tục rơi vào một xung đột khác đó là xung đột cá nhân, xung đột giữa tình yêu với danh dự và bổn phận. Ra-ma và Xi-ta đã gặp lại nhau trong một bối cảnh cộng đồng có sự chứng kiến của công chúng, bao gồm anh em bạn hữu của Ra-ma, đội quân của loài khỉ, quan quân dân chúng của loài quỷ. Chính vì vậy Ra-ma và vợ đã đối thoại với nhau bằng tư cách của những người đứng giữa cộng đồng, chàng xuất hiện với tư cách kép, thứ nhất là tư cách của một vị vua, thế nên ngài đã chọn cách xưng hô với vợ mình là “Hỡi phu nhân cao quý”, một cách xưng hô khách sáo và xa lạ. Trước cộng đồng Ra-ma khẳng định và tuyên bố việc tiêu diệt quỷ vương Ra-va-na không phải vì Xi-ta mà trước hết là vì danh dự cá nhân, với Ra-ma “kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường”. Sau đó quan trọng hơn cả danh dự cá nhân chính là danh dự cộng đồng, Ra-ma chiến đấu là “để bảo vệ uy tín và danh dự lẫy lừng của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm”, để “chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường”.

Sau tư cách của vị vua, tư cách của người dẫn đầu một cộng đồng dân tộc, Ra-ma trở lại với tư cách của một người chồng, tư cách của một người chồng bị lăng nhục, cho nên khi gặp lại Xi-ta sau bao tháng ngày xa cách chàng đã có những biểu hiện của sự tức giận vì ghen tuông. Chàng có rất nhiều cơ sở để chứng minh cho sự ghen tuông của mình là đúng đắn, thứ nhất là vì nàng Xi-ta “đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ”, thứ hai là vợ chàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, và cuối cùng chính là bởi nhan sắc xinh đẹp yêu kiều của Xi-ta thì theo lô-gic bình thường tên quỷ háo sắc hẳn là không chịu đựng được lâu. Từ những nghi ngờ này dẫn đến việc Ra-ma đã xua đuổi, rũ bỏ Xi-ta bằng những lời nói cạn tình, cạn nghĩa, xoáy sâu vào tấm lòng người vợ tội nghiệp: “Ta không cần đến nàng nữa, nàng muốn đi đâu tùy ý”. Có thể lý giải cho hành động ghen tuông và thái độ nhẫn tâm này của Ra-ma bằng một nguyên nhân khác nữa, đó chính là do xuất phát từ tư cách cộng đồng, tư cách của một vị vua được biết bao người tôn kính, nhìn vào, thế nên dù chỉ một vết xước nhỏ cũng khiến cho chàng và cả dòng họ chàng chịu sự chỉ trích, điều ấy khiến chàng khó có thể giữ lại Xi-ta. Và cũng ngay lúc này đây trong lòng của Ra-ma xuất hiện một mâu thuẫn dữ dội, giằng xé nội tâm của chàng không dứt, đó là mâu thuẫn giữa trách nhiệm, tư cách với cộng đồng và tình yêu thương sâu sắc đối với vợ. Đâu ai biết được sau những lời nói kiên quyết, sắc bén như dao làm tổn thương Xi-ta, thì ngay tại chính tâm hồn chàng cũng phải chịu những nỗi đau tương tự, đau đớn vì sự nhẫn tâm của mình với người vợ yêu dấu, bàn tay chàng đang tự hủy hoại đi tình yêu 14 năm của họ, chỉ vì gánh nặng cộng đồng. Ta có thể nhận thấy tình yêu tha thiết của Ra-ma dành cho vợ qua một vài chi tiết nhỏ đó là ánh mắt nhìn “người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt”, rồi khi nghe thấy Xi-ta quyết định bước lên giàn hỏa thiêu, Ra-ma đã không dám nhìn đến nàng lấy một lần, mà mắt chàng chỉ dán xuống đất, bởi chàng sợ chàng sẽ không kìm nén được mà giữ Xi-ta lại. Trong khi tất cả những người xung quanh đều có quyền được đau khổ được xót thương cho Xi-ta thì chỉ riêng chàng là không được, bởi cái gánh nặng cộng đồng, gánh nặng dòng họ vẫn còn đang đè nặng trong trái tim của chàng. Những thứ ấy khiến tình yêu của Ra-ma bị ép lại, không được phép thể hiện ra, dù chính bản thân chàng cũng đang bị dày vò, đau đớn đến vô cùng, bởi chàng là người yêu Xi-ta nhất, và cũng chính chàng đã bức nàng đến bước đường hiến thân cho thần Lửa này. Sự đớn đau và mâu thuẫn đã khiến Ra-ma trở nên khủng khiếp như thần Chết vậy, có lẽ lòng của Ra-ma cũng sắp chết theo từng bước chân của Xi-ta rồi, nhưng chàng là một vị vua, chàng phải cai trị cả một cộng đồng, chàng không được phép mềm yếu vì tình yêu, chàng phải đứng vững vì danh dự của cả dòng họ, thật khốn khổ cho một người anh phải mang vác quá nhiều trách nhiệm.

Về nhân vật Xi-ta, nàng là người phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh có một tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân hạnh phúc với Ra-ma người nàng yêu trong suốt 14 năm trời, thế nhưng bất hạnh thay vì một kiếp nạn bị quỷ Ra-va-na bắt cóc mà nàng bị chồng nghi ngờ và ruồng rẫy. Sau khi được giải thoát nàng đã nôn nóng biết bao nhiêu khi ngay lập tức đến gặp lại người chồng dấu yêu, thế nhưng đáp lại nàng là một cách xưng hô thật xa lạ của Ra-ma “Hỡi phu nhân cao quý”, khiến nàng cảm thấy lạnh lẽo và có linh cảm chẳng lành. Nghe những lời đối thoại của chồng trước bao người, chàng chỉ nhắc đến những nhân vật chẳng mấy liên quan, chàng chẳng hề đoái hoài tới nàng, Xi-ta đã “mở tròn đôi mắt đẫm lệ”, với trí tuệ và sự nhạy bén của mình nàng biết chắc chồng mình đang cố gắng lảng tránh điều gì đó, và nàng đã đúng bi kịch đã ập ngay xuống đầu người phụ nữ tội nghiệp. Nàng bị chồng vu cho tội danh thất tiết, không chung thủy, rằng nàng đã bị tên quỷ Ra-va-na vấy bẩn, nàng đã không còn xứng đáng với Ra-ma và dòng họ của chàng nữa. Ra-ma đang xua đuổi nàng bằng những lời nói độc ác và tàn nhẫn đến cực điểm, chàng bảo nàng đi đâu thì tùy, chàng không còn cần nàng nữa, nàng đi đâu được với tội danh ô nhục không có thực. Những điều đó đã khiến Xi-ta đau khổ và bàng hoàng “đến nghẹt thở”, tâm hồn nàng như một “cây dây leo bị vòi voi quật nát”, trái tim nàng tan vỡ vì những lời bạc nghĩa của Ra-ma. Thế nhưng nàng sao có thể để bản thân bị những lời sai sự thật làm ô uế, nàng phải cứu vãn danh dự, nàng phải cứu vãn tình yêu của nàng, Xi-ta đã dùng chính tư cách của bản thân, tư cách con gái của nữ thần Đất để bảo đảm cho sự trong sạch của nàng. Có thể thấy trong những lời minh oan, nức nở, nghẹn ngào của Xi-ta ngoài sự đau khổ thì còn là sự tức giận, bởi Ra-ma người chung sống với nàng 14 năm cũng không hề tin tưởng nhân phẩm của nàng. Xi-ta đã chất vấn Ra-ma bằng một với tư cách một người vợ “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn đang chửi mắng một con mụ thấp hèn?”, nàng cũng dùng tư cách một hoàng hậu, một con người của cộng đồng để chất vấn Ra-ma “Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng thế đâu có phải”. Có thể thấy Xi-ta không phải là một người phụ nữ yếu đuối, nàng sẵn sàng mạnh mẽ chống lại những lời không đúng sự thật để bảo vệ danh dự bản thân và danh dự của tất cả phụ nữ trong cộng đồng. Thế nhưng dù cho nàng có chất vấn, Ra-ma vẫn giữ nguyên thái độ, lòng Xi-ta và trái tim Xi-ta đã hoàn toàn nguội lạnh nàng dành cho chồng mình cách xưng hô xa lạ giống như chàng đã đối với nàng “Hỡi đức vua!”, nàng đã có quyết định cho riêng mình và để lại cho Ra-ma lời cuối “Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích”.

Không còn cách nào hơn nữa, chỉ có thần Lửa mới có thể chứng minh được tấm lòng trung trinh của nàng, dù cho thân xác nàng có phải chịu đau đớn thường tổn, nhưng như thế có là gì so với những lời buộc tội như xát muối vào tim của Ra-ma. Xi-ta nàng sẽ bước lên giàn hỏa thiêu, thứ nhất là để rửa oan cho chính bản thân, thứ hai là để hoàn thành cho cái danh dự cộng đồng của Ra-ma, để rửa sạch mối nghi ngờ, cùng với những xung đột trong lòng Ra-ma. Hành động của Xi-ta chính là minh chứng cho tấm lòng thủy chung, trong sạch một lòng hướng về chồng, đồng thời cũng thể hiện sự dũng cảm, bản tính ngay thẳng “cây ngay không sợ chết đứng”, nhân cách cao đẹp của Xi-ta, đối với nàng ngoài tình yêu của chồng, thì danh dự là thứ không thể bị xúc phạm, nàng cũng có tư cách của riêng mình, mà không kẻ nào được làm tổn thương nó. Có thể nói rằng vẻ đẹp và nhân cách của Xi-ta chính là đại diện cho hình mẫu phụ nữ lý tưởng trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại.

Qua đoạn trích Ra-ma buộc tội với những lời thoại dài thể hiện một cách rõ nét nội tâm sâu sắc và những nét tính cách của hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta cùng những mâu thuẫn nội tại cá nhân và mâu thuẫn giữa vợ-chồng. Đoạn trích đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc về nền văn hóa Ấn Độ cổ xưa, về vai trò và vị trí của con người bị ràng buộc bởi nhiều thứ, nhưng lẩn khuất trong đó ta vẫn thấy được những giá trị của tình yêu, tình nghĩa vợ chồng bị bao bọc bởi cái vỏ mâu thuẫn và xung đột khó giải quyết.

—————————-HẾT————————————

Trên đây là bài Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, để hiểu hơn về giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 10 khác như: Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng nhân vật Xi ta trong đoạn trích Ra- ma buộc tội, Vẻ đẹp của nhân vật Xi-ta được thể hiện qua đoạn trích Ra-ma buộc tội, Phân tích cảnh Ra-ma buộc tội, Phân tích cảnh Ra-ma buộc tội Xi-ta.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-ra-ma-va-xi-ta-trong-doan-trich-ra-ma-buoc-toi/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Công thức Hóa Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button