Giáo dục

Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Đề bài: Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương
Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương

Xem thêm: Nhập vai nhân vật Vũ Nương kể lại câu chuyện người con gái Nam Xương

Bạn đang xem bài: Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

I. Dàn ý Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương (Chuẩn)

1. Mở bài

– Dẫn dắt vào vấn đề phẩm chất và số phận của người phụ nữ thời phong kiến được phản ánh trong văn học.
– Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ cùng tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và vấn đề phẩm chất và số phận của người phụ nữ được đặt ra trong tác phẩm.

2. Thân bài

a. Thông qua nhân vật Vũ Nương, tác giả đã phát hiện, trân trọng và đề cao những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ
– Trong cách ứng xử với chồng: nàng là người vợ đảm đang, chung thủy và “luôn giữ gìn khuôn phép”.
– Trong mối quan hệ với mẹ chồng: nàng là người con dâu hiếu thảo, chăm sóc mẹ chồng như chính cha mẹ ruột của mình.
– Nàng còn là một người mẹ đảm đang, tháo vát…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương tại đây.

II. Bài văn mẫu Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương (Chuẩn)

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

(“Bánh trôi nước” – Hồ Xuân Hương)

Những câu ca quen thuộc của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong bài thơ “Bánh trôi nước” nổi tiếng đã thể hiện phần nào vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam. Trong xã hội phong kiến xưa, những quy định khắt khe của lễ giáo phong kiến luôn là sợi dây vô hình trói buộc người phụ nữ và khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay và mất mát. Văn học trung đại đã ghi lại sự mâu thuẫn và đối lập giữa phẩm chất và số phận của người phụ nữ qua nhiều tác phẩm kiệt xuất. Và một trong số những tác phẩm thể hiện rõ điều này là “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ. Thông qua hình tượng trung tâm là nhân vật Vũ Nương, câu chuyện đã tái hiện thành công bức chân dung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến với phẩm chất cao đẹp cùng số phận bất hạnh.

Bằng ngòi bút nhân văn cao đẹp, tác giả Nguyễn Dữ đã phát hiện, trân trọng và đề cao những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ qua hình tượng nhân vật Vũ Nương. Ngay từ phần đầu thiên truyện, Vũ Nương đã hiện lên với vẻ đẹp “tính tình thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Đó là những vẻ đẹp hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí, quy định khắt khe mà xã hội phong kiến đã đặt ra đối với người phụ nữ như “tam tòng, tứ đức”, “công, dung, ngôn, hạnh”. Và phẩm chất của nàng vẫn luôn ngời sáng dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào: trong cách ứng xử với chồng con cũng như trong mối quan hệ và cách chăm sóc mẹ chồng.

Trong mối quan hệ với Trương Sinh, nàng hiện lên với vẻ đẹp của một người vợ thủy chung và một lòng một dạ yêu chàng Trương hết mực. Vì biết chồng có tính hay ghen và đa nghi, nàng đã luôn ý thức trong việc giữ gìn khuôn phép và luôn cư xử đúng mực. Khi tiễn chồng đi lính, nàng đã sử dụng những lời lẽ thiết tha, mang nặng nghĩa tình để thể hiện sự trân trọng hạnh phúc gia đình hơn bất cứ điều gì: “…. chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Trong những tháng ngày Trương Sinh đi lính, nàng luôn sống trong sự đợi chờ thủy chung và nhớ mong: “thổn thức tâm tình, buồn thương da diết”. Nỗi nhớ và sự trông mong của nàng cũng chính là tâm trạng chung của những người “chinh phụ” – một trong những nạn nhân trong thời loạn lạc, chiến tranh. Dù có lúc rơi vào tuyệt vọng bởi nỗi nhớ luôn thường trực và khắc khoải trong trái tim: “Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời” (trích “Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn) nhưng nàng vẫn một lòng gìn giữ tiết hạnh: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”. Bởi vậy, khi bị chồng nghi oan, nàng đã tìm đến cái chết để chứng minh cho phẩm giá của mình. Hành động quyết liệt đó đã thể hiện rõ đối với Vũ Nương, phẩm giá là thứ có giá trị nhất đối với người phụ nữ và quan trọng hơn cả sinh mạng và sự sống.

Không chỉ là người vợ một lòng một dạ thủy chung, Vũ Nương còn hiện lên với vẻ đẹp của một nàng dâu hiếu thảo. Trong cách cư xử với mẹ chồng, nàng luôn lễ phép, thay chồng chăm sóc mẹ chồng khi già yếu, ốm đau. Chính sự ân cần, hiền lương thục đức của nàng đã khiến cho mẹ chồng hết sức cảm động. Bởi vậy nên lời trăn trối cuối cùng của bà là câu nói thể hiện sự ghi nhận những phẩm chất cao đẹp của nàng dâu: “Xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.

Trong tác phẩm, Vũ Nương còn hiện lên với vẻ đẹp của một người mẹ yêu thương con hết mực. Mặc dù không có Trương Sinh bên cạnh nhưng nàng vẫn vững tâm một mình nuôi dạy bé Đản. Như vậy, qua tác phẩm, chúng ta có thể thấy được nhân vật Vũ Nương hiện lên với những phẩm chất vô cùng cao quý. Nhưng đáng buồn thay, trong xã hội phong kiến với quan niệm trọng nam khinh nữ, mẫu số chung của số phận người phụ nữ luôn là sự trái ngang và bất hạnh.

Cũng như biết bao người phụ nữ khác trong xã hội phong kiến, Vũ Nương là nạn nhân của chế độ nam quyền bất bình đẳng. Cuộc hôn nhân giữa nàng và chàng Trương đa nghi, hay ghen, độc đoán vốn dĩ là một cuộc hôn nhân không có tình yêu và tự do. Đó cũng chính là số phận chung của những người phụ nữ trong xã hội xưa:

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

(Ca dao)

Chính vì không có quyền quyết định hôn nhân và hạnh phúc cá nhân nên Vũ Nương tiếp tục trở thành nạn nhân của bi kịch gia đình tan vỡ. Những tưởng ngày Trương Sinh trở về, hạnh phúc đoàn viên sẽ mỉm cười với nàng nhưng rồi, nàng vẫn không thể đặt đôi chân bước vào cánh cửa hạnh phúc. Mặc dù là người phụ nữ luôn ý thức về phẩm hạnh và giữ gìn tiết khí nhưng Trương Sinh – với bản tính đa nghi đã phủ nhận mọi nỗ lực của nàng và tin vào lời nói ngây ngô của bé Đản về chiếc bóng – người cha “đêm nào cũng đến”. Và cuối cùng, rơi vào bế tắc, người phụ nữ với vẻ đẹp vẹn toàn, phẩm giá ngời sáng đã phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát để minh chứng cho phẩm giá của mình.

Vũ Nương còn là nạn nhân của chiến tranh. Những cuộc chiến tranh phong kiến phân chia, tranh giành lãnh thổ phi nghĩa trong xã hội phong kiến đã khiến cho những đôi vợ chồng trẻ phải chia lìa: người chồng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, gian khổ; còn người vợ phải sống trong cảnh chờ mong đằng đẵng qua những tháng ngày biệt li. Đối với Vũ Nương, cuộc chiến tranh trở thành tác nhân châm ngòi và là chất xúc tác cho thói đa nghi và hay ghen của Trương Sinh bộc phát và kéo theo hàng loạt bi kịch xảy ra sau đó.

Qua sự mâu thuẫn và đối lập giữa phẩm chất tốt đẹp và số phận bất hạnh của nhân vật Vũ Nương, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện rõ những giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực vô cùng sâu sắc. Thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương, tác phẩm đã phản ánh rõ nét, chân thực số phận nghiệt ngã, bi kịch, bế tắc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công. Đồng thời, qua đó, chúng ta thấy được tiếng nói lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên thân phận của người phụ nữ và tiếng nói ngợi ca, cảm thông đối với những phẩm chất cao đẹp của họ.

——————–HẾT——————

Vũ Nương là người con gái hiền hậu nết na nhưng lại phải chịu số phận bi thảm. Để thấy được hiện thực xã hội đen tối với những định kiến nghiệt ngã đã gây ra bi kịch cho những người phụ nữ bất hạnh, bên cạnh bài Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương, các em có thể tham khảo thêm: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-pham-chat-va-so-phan-nguoi-phu-nu-thoi-phong-kien-qua-nhan-vat-vu-nuong-trong-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-cua-nguyen-du/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button