Đề bài: Phân tích tác phẩm Mẹ tôi của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi
Bạn đang xem bài: Phân tích tác phẩm Mẹ tôi của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi
Phân tích tác phẩm Mẹ tôi lớp 7 hay, chọn lọc
I. Dàn ý Phân tích tác phẩm Mẹ tôi (Chuẩn)
1. Mở bài
Mẹ tôi của Ét Môn a mi xi là một tác phẩm hay để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.
2. Thân bài
a. Xuất xứ
Mẹ tôi được trích trong tập truyện thiếu nhi Những tấm lòng cao cả, xuất bản vào năm 1886.
b. Hoàn cảnh viết thư
– Người con có thái độ hỗn hào với mẹ trước mặt cô giáo
– Người bố đã viết thư cho con để khuyên nhủ
c. Tâm trạng và thái độ của bố thể hiện qua bức thư
* Tâm trạng
– Tức giận, buồn, thất vọng, đau đớn
* Thái độ
– Nghiêm khắc chỉ ra lỗi sai trái của con, phê phán hành động của con.
– Ân cần gợi lại những kí ức về tình thương của mẹ dành cho En-ri-cô.
– Nhắc nhở con xin lỗi mẹ và yêu cầu con hứa từ nay không được tái phạm hành động ấy
=> Người cha mẫu mực: nghiêm khắc nhưng yêu thương con hết mực.
3. Kết bài
Trình bày cảm nghĩ của bản thân: Đọc tác phẩm, em thêm hiểu tấm lòng ba mẹ, thêm trân quý tình cảm gia đình và hiểu hơn về giá trị của tình thân trong cuộc sống.
II. Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Mẹ tôi (Chuẩn)
Trên văn đàn văn học của Việt Nam và thế giới có biết bao tác phẩm thơ văn ngợi công lao, đức hi sinh và tấm lòng của người mẹ. Mỗi tác phẩm đều mang những dấu ấn riêng, đều khơi dậy được những tình cảm ấm áp, thiêng liêng trong tâm hồn người đọc. Mẹ tôi của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi là một tác phẩm như thế.
A-mi-xi là một trong những nhà văn thành công và nổi tiếng của Ý. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Giữa trường và nhà, Cuốn truyện của người thầy, Cuộc đời của những chiến binh hay Những tấm lòng cao cả. “Mẹ tôi” được trích trong tập truyện thiếu nhi Những tấm lòng cao cả, xuất bản vào năm 1886. Tác phẩm được viết dưới dạng một bức thư thể hiện những tâm tư và thái độ của người cha khi con mình hỗn láo với mẹ trước mặt cô giáo. Bằng tình cảm yêu thương nhưng không kém phần nghiêm khắc, người bố đã dạy bảo con bằng những lời lẽ thân tình, thắm thiết, dạy con cần có thái độ trân trọng, yêu thương đối với mẹ.
Trước sự thiếu lễ độ của En ri cô với mẹ khiến người bố không khỏi thất vọng và đau lòng: “Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy”. Sự so sánh “như một nhát dao đâm vào tim bố” thể hiện sự đau lòng, thất vọng của bố trước hành động, lời nói không đúng mực của En-ri-cô. Đề con thấu hiểu được tình cảm yêu thương cũng như sự hi sinh thầm lặng của mẹ, người bố đã kể cho con nghe về những ân cần quan tâm của người mẹ:” Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con”, và mẹ cũng không màng đến những thiệt thòi cho bản thân, sẵn sàng làm mọi việc vì con: “Người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”.
Qua những lời thủ thỉ tâm sự ấy, người bố muốn con cảm nhận được tình yêu vô bờ bến và sự hi sinh thầm lặng của mẹ. Tình yêu của mẹ dành cho En-ri-cô lớn lao biển trời, vì thế chứng kiến những hành động không đúng mực của con khiến cho người bố hết sức đau lòng.
Để giúp En-ri-cô nhận ra lỗi lầm của bản thân, bố En-ri-cô tiếng tục nói với con: “Khi đã khôn lớn, trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luyện…. Con sẽ nhớ lại những lúc đã khiến mẹ đau lòng… Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh”. Với cha, với con và với tất cả mọi người thì “tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu đó”. Dù tác giả không miêu tả hay gợi những cảm nhận cảm xúc của En-ri-cô khi đọc bức thư ấy, nhưng dường như ta vẫn cảm nhận được tiếng lòng của người con đang thổn thức, khóc nấc lên theo từng dòng thư bố. Vì lỗi lầm. Vì sự ăn năn. Vì cả những yêu thương thầm lặng từ mẹ mà bấy nay cậu bé ấy vô tình lãng quên hay cho nó vốn dĩ là điều tất yếu. Cuối thư, người cha vẫn không quên nhắc nhở con hãy nói lời xin lỗi tới mẹ- người mà bị tổn thương nặng nề bởi những lời nói vô tâm từ chính con: “Từ nay, con không bao giờ thốt ra một lời nói nặng cơi mẹ… để cho chiếc hôn ấy xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa”. Sau đó là những lời yêu thương mà đầy nghiêm khắc của bố. En ri cô là niềm yêu, là niềm hy vọng thiết tha của đời bố, nhưng điều ấy không có nghĩa là con có quyền ngang ngược, có quyền bất hiếu: “Thà rằng bố không có con còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ”. Với bố, tình yêu con là bất diệt, bố thương con bao nhiêu càng không muốn con mình tệ bạc bấy nhiêu. Bố hy vọng con của bố là một người tốt, biết nhận lỗi và sửa sai, biết chịu trách nhiệm với lời nói của mình và biết trân trọng những gì mình đang có. Một bức thư không quá dài nhưng đong đầy tình cảm và chứa đựng giá trị giáo dục sau sắc.
Đọc tác phẩm, em thêm hiểu tấm lòng ba mẹ, thêm trân quý tình cảm gia đình và hiểu hơn về giá trị của tình thân. Biết nói lời xin lỗi khi phạm phải những lỗi lầm trong cuộc sống. Thật cảm ơn Ét-môn-đơ a mi xi đã góp vào bản giao hưởng ngợi ca người mẹ những thanh âm sâu lắng và dạt dào đến vậy.
—————–Tổng kết——————
Qua bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Mẹ tôi trên đây hy vọng sẽ giúp các em có thêm những lựa hay để tham khảo nhằm đi sâu khám phá tác phẩm. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu cùng chủ đề như Phân tích hình ảnh người mẹ trong Mẹ tôi, Phát biểu cảm nghĩ về bài văn Mẹ tôi của nhà văn Ét-môn-đô dờ A-mi-xi, Phân tích những bài học được rút ra từ văn bản Mẹ tôi, Cảm nghĩ về nhân vật người bố trong văn bản Mẹ tôi của A-mi-xi.
tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-tac-pham-me-toi-cua-et-mon-do-do-a-mi-xi/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục