Phân tích tác phẩmPhân tích tác phẩm văn học lớp 12

Phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc [ bản 2022]

Dưới đây là dàn ý và bài văn mẫu phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc được Tmdl.edu.vn biên soạn  sẽ giúp các em củng cố vốn hiểu biết về văn bản, qua đó cảm nhận được thái độ đề cao, trân trọng của tác giả Phạm Văn Đồng đối với những đóng góp cho nền văn nghệ của cụ Đồ Chiểu.

Đề bài: Phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu- ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc

Dàn ý mẫu phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc 

1. Mở bài

Bạn đang xem bài: Phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc [ bản 2022]

– Giới thiệu khái quát về tác giả Phạm Văn Đồng (những nét chính về con người, cuộc đời, các đóng góp tiêu biểu,…).
– Giới thiệu về tác phẩm “Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm,…)

2. Thân bài

a. Nêu vấn đề: Nguyễn Đình Chiểu – một nhà thơ lớn, một ngôi sao sáng của văn nghệ dân tộc

– Tác giả đã so sánh Nguyễn Đình Chiểu như một ngôi sao – ngôi sao có “ánh sáng khác thường”, “phải chăm chú nhìn thì mới thấy” và “càng nhìn thì càng thấy sáng”.
→ Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao có ánh sáng khác thường
– Tác giả chỉ ra thực trạng: nhiều người chỉ biết đến Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là tác giả của “Lục Vân Tiên”, ít biết về thơ văn yêu nước của ông.

b. Giải quyết vấn đề

  • – Cuộc đời và quan niệm văn chương:
    + Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, suốt cả một đời luôn nỗ lực phấn đấu vì nghĩa lớn.
    + Với Nguyễn Đình Chiểu, văn chương chính là một thứ vũ khí để chiến đấu.
    + Với Nguyễn Đình Chiểu, viết văn đó là một thiên chức và ông luôn coi trọng chức trách ấy của mình.
  • – Thơ văn yêu nước:
    + Làm bừng sống dậy trong tâm trí người đọc những phong trào chống Pháp oanh liệt, bền bỉ của những người dân Nam Bộ trong suốt 20 năm trời – từ năm 1860 về sau.
    + Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”: Ca ngợi những anh hùng suốt đời vì dân vì nước và đồng thời còn là tiếng khóc thương trước sự hi sinh, những đau thương, mất mát mà họ phải gánh chịu.
    + Bài thơ “Xúc cảnh”: một trong số những bông hoa, “những hòn ngọc” tạo nên vẻ đẹp cho thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
  • – Tác phẩm “Lục Vân Tiên”:
    + Một bản trường ca “ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa”.
    + Lối viết nôm na, dễ nhớ, dễ hiểu, là một bản trường ca hấp dẫn từ đầu đến cuối, dẫu còn đôi chỗ sai sót.
    + Hạn chế: Một số luân lí đã lỗi thời và có chỗ lời văn không hay lắm.

c. Kết luận: Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng của cả dân tộc Việt Nam.

  • Tác giả khẳng định “Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta”.
    – Nguyễn Đình Chiểu chính tấm gương sáng trong văn hóa nghệ thuật cũng như trên mặt trận tư tưởng.

3. Kết bài

  • Khái quát những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm “Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” và nêu cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm, về Nguyễn Đình Chiểu.

Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc 

Năm 1963, ngọn lửa cách mạng miền Nam bùng cháy ngút trời. Quân và dân ta từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước, ngày một trở nên dữ dội, quyết liệt.

Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Đảng và Chính phủ ta đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Đồ Chiểu (3-7-1888 – 3-7-1963) tại Nhà hát lớn Hà Nội. Bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc” của Phạm Văn Đồng viết trong dịp ấy, đăng trên Tạp chí Văn học, tháng 7-1963.

Có thể coi bài nghị luận này là một chân dung vãn học rất đặc sắc viết về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ XIX

Mở đầu bài văn, Phạm Văn Đồng lấy hình ảnh “ngôi sao” để ca ngợi tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ lớn của nước ta. Tác giả chỉ rõ “trong lúc này” nghĩa là khi cả dân tộc ta bước vào một cuộc chiến đấu mới chống để quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước, thì phải làm cho Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc.

Tác giả nói về cách nhìn sao trên bầu trời là “phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng”; và đối với văn thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Ông chỉ ra sự phiến diện, thiên lệch của độc giả lâu nay: “Có người biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu…”. Cách phản bác và biện luận của Phạm Văn Đồng vừa ôn tồn ở cách nói, vừa sắc sảo ở lí lẽ, nên có giá trị thuyết phục cao.

Tác giả khẳng định thơ văn yêu nước của Nguyên Đình Chiểu “là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta”. Tác phẩm của Đồ Chiểu “ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý ở chỗ nó soi sáng tâm trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!”.

Phạm Văn Đồng đã nhắc lại hai câu thơ: “Sự đời thà khuất đôi tròng thịt – Lòng đạo xin tròn một tấm gương!” để ca ngợi khí tiết nhà thơ của đất Đồng Nai vô cùng “cao cả, rạng rỡ”.

Cách trích dẫn thơ văn và những nhận xét, đánh giá của tác giả về Nguyễn Đình Chiểu thật sâu sắc, xác đáng: “Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng”; hoặc Nguyễn Đình Chiểu coi việc viết văn “là một thiên chức” vì vậy ông “khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa”.

Có thể nói, Phạm Văn Đồng đã dùng những lời tốt đẹp nhất, những hình ảnh cao quý nhất để ca ngợi, khẳng định nhân cách, tầm vóc và giá trị của con người và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn nghệ của nước ta.

Phần thứ hai của bài viết, Phạm Văn Đồng đi sâu phân tích, bình luận hai kiệt tác của Nguyễn Đình Chiểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và truyện Lục Vân Tiên.

Tác dụng thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu mang tầm lịch sử to lớn, đã “làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời”.

Văn tế là một phần lớn thơ văn yêu nước của Đồ Chiểu. Những bài văn tế như Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, theo Phạm Văn Đồng là đã “ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân”. Những bài văn tế ấy là “tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu dã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước”.

Bên cạnh một số trích dẫn chọn lọc trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói về nguồn gốc xuất thân, tính cần cù, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm của người chiến sĩ nghĩa quân, Phạm Văn Đồng còn so sánh “bài ca” của Nguyễn Đình Chiểu với bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng rạng rỡ nước nhà. Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là khúc ca những anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia…”.

Với cách lập luận chặt chẽ, cách chứng minh sáng tỏ sau khi dẫn tiếp bài thơ “Xúc cảnh”, tác giả cho biết, con người Nguyễn Đình Chiểu, thơ văn Nguyễn Đinh Chiểu không phải là những trường hợp hi hữu; phong trào kháng Pháp sôi nổi và mạnh me lúc bấy giờ ở Nam Bộ “làm nảy nở nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng xuất chúng, bản lĩnh phi thường, mà tác phẩm là những bông hoa của một thời oanh liệt và đau thương:

Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp…”.

Phần tiếp theo, Phạm Văn Đồng nêu lên một vài nhận xét về truyện Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả cho rằng Vân là “tác phẩm lớn nhất” của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Lục Vân Tiên là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!” Các nhân vật như Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng… “là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gìn giữ, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn”; “họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú”.

Về văn chương, theo tác giả thì là một chuyên chuyện Lục Vân Tiên là một chuyện “kể”, chuyện “nói”; văn “nôm na” là dụng ý của nhà thơ, nhằm “truyền bá rộng rãi trong dân gian”. Có một ít “sơ sót” về văn chương do cảnh ngộ éo le của nhà thơ nên “khó sữa chữa và duyệt lại nguyên bản”. Phạm Văn Đồng dẫn ra một vài câu thơ Lục Vân Tiên và ông cho biết “ông thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay”:

“Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,

Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”.

Đánh giá truyện thơ này của Đồ Chiểu, tác giả nói: “Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên”.

Phần cuối văn bản, là sự đánh giá tổng quát về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu. Nếu bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” là một tấm đá hoa cương thì câu văn sau đây, là những chữ vàng óng ánh khắc trên tấm đá hoa cương ấy:

“Tóm lại, Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta.

Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng”.

Qua bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”. Phạm Văn Đồng đã thể hiện một văn phong uyển chuyển, tinh tế và phong phú. Lí lẽ sắc bén, lập luận chạt chẽ, bình luận gắn kết với chứng minh, mà trích dẫn nào cũng chọn lọc, sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.

Tác giả đã dành những lời tốt đẹp nhất ca ngợi nhà thơ lớn của đất Đồng Nai với lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc.

Bài “Nguyền Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” là một bài nghị luận mẫu mực về tác giả và tác phẩm văn chương, nêu lên nhiều bài học quý báu, tốt đẹp cho thanh niên học sinh chúng ta.

Kết luận:

Ngoài bài văn mẫu phân tích tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc  trên đây mà tmdl.edu.vn đã sưu tầm rất cẩn thận và đầy đủ nhất có thể. Song chúng tôi còn muốn gửi tới các bạn rất nhiều tài liệu các bài viết mẫu ở các tác phẩm trọng tâm lớp 12 khác nhau đảm bảo đa dạng, đầy đủ, uy tín. Hãy vào thư viện để khám phá nhé!

 

 

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích tác phẩm

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button