Đề bài: Phân tích tâm trạng chị em Liên đêm cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua phố huyện
Bạn đang xem bài: Phân tích tâm trạng chị em Liên đêm cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua phố huyện
Bài làm:
Thạch Lam là nhà văn luôn hướng ngòi bút của mình về cuộc sống vất vả, bế tắc của những người dân nghèo ở phố huyện với một niềm cảm thương thấm thía. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” thể hiện rõ nét phong cách ấy của nhà văn. Đặc biệt, tâm trạng chị em Liên cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua phố huyện đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, thấm thía của Thạch Lam.
“Hai đứa trẻ” xoay quanh dòng cảm xúc của nhân vật Liên. Ban đầu, Liên cảm nhận bức tranh phố huyện lúc chiều tà, sau đó là lúc đêm xuống, cuối cùng là tâm trạng của cả Liên và An đêm cố thức để được nhìn thấy chuyến tàu đi qua phố huyện. Hai chị em nói rằng thức để bán hàng nhưng thực tế Liên lại “không trông mong còn ai đến mua nữa”. Hai chị em đều mong muốn được nhìn thấy chuyến tàu đêm – sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya – đi qua. An đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị, mi mắt sắp sửa rơi xuống còn dặn với chị “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé’. Liên đợi tàu mà “ngồi yên không động đậy”. Cả hai chị em đều mong chờ chuyến tàu đến bởi nó mang lại nguồn ánh sáng mới cho cuộc sống buồn tẻ, tù túng của họ.
Khi chuyến tàu đêm xuất hiện với những tín hiệu nhỏ nhất: “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi”, Liên đã kịp đánh thức An dậy. Đoàn tàu tuy chưa đến nơi nhưng ánh sáng xuất hiện từ xa đã xua tan không gian tối tăm nơi phố huyện, mang đến cảm giác mới lạ, thích thú cho hai chị em. An nhỏm dậy, dụi mắt cho tỉnh hẳn, hai chị em đứng dậy nhìn đoàn xe vụt qua: “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”. Dường như Liên, An vô cùng vui sướng khi nhìn thấy đoàn tàu, song xen lẫn cảm giác thích thú ấy là sự thoáng qua một chút buồn, một chút hụt hẫng vì hôm nay tàu không đông, thưa vắng người và dường như kém sáng hơn. Niềm vui lây của Liên và An vì thế mà trở nên không trọn vẹn, không phải là niềm vui đích thực mà chỉ là vui nhờ, vui lẻ.
Khi chuyến tàu đi qua, hai chị em đều tiếc nuối và mơ tưởng về Hà Nội: “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một thế giới khác đi qua”. Nhớ về quá khứ ở Hà Nội, mơ về tương lai tươi sáng hơn giữa hiện tại tăm tối buồn tẻ, đó là cảm xúc của Liên lúc này. Đoàn tàu như trở thành biểu tượng của niềm khát vọng về một tương lai rực rỡ, sôi động. Tương lai ấy dù mơ hồ không biết rõ song cũng thể hiện được thái độ thấu hiểu, trân trọng của Thạch Lam dành cho con người. Dù trong cuộc sống tẻ nhạt đến mấy, nhân vật của ông cũng không bao giờ thôi mơ ước, mộng tưởng. Thoáng qua một nỗi xót xa, hồi chuông về khát vọng sống của con người cần được gióng lên hơn bao giờ hết. Đến bao giờ cuộc sống của con người mới thôi mòn mỏi, mới trở nên có ý nghĩa hơn?
Có thể nói, qua việc miêu tả cảm xúc của hai chị em Liên cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua phố huyện, người đọc thấy được tư tưởng nhân đạo cao cả của Thạch Lam. Nhà văn thể hiện thái độ xót thương dành cho những kiếp người nơi phố huyện nhưng không quên nâng niu vẻ đẹp bịnh dị, đồng cảm với ước mơ, khát vọng tuy còn xa vời của họ. Bởi vậy, truyện ngắn của Thạch Lam luôn đọng lại trong lòng người đọc thật nhiều dư vị.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-tam-trang-chi-em-lien-dem-co-thuc-de-duoc-nhin-chuyen-tau-di-qua-pho-huyen/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục