Phân tích tác phẩm

Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia

Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia, từ đó nhận xét về xã hội thượng lưu đại tư sản đương thời.

phan tich tam trang cua cac nhan vat trong hanh phuc cua mot tang gia

Bạn đang xem bài: Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia

Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia
 

I. Dàn ý Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia”

2. Thân bài

– Phân tích tâm trạng của những người trong gia đình cụ cố Hồng:
+ Cụ cố Hồng: “Nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu để mọi người ca tụng để khoe già, khoe danh giá, khoe hiếu và khoe gia đình có phúc.
+ Văn Minh chồng: Khoe những mốt mới của tiệm may u hóa, ông ta vui vì được chia tài sản.
+ Văn Minh vợ: Được dịp mặc những bộ xô gai tân thời, lăng xê những mốt y phục của tiệm may u hóa.
+ Cô Tuyết: Vui vì được mặc bộ y phục “Ngây thơ” để chứng minh cho thiên hạ biết rằng “mình chưa đánh mất cả chữ trinh”.
+ Cậu tú Tân: Được dịp khoe tài bấm máy ảnh của mình…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia (Chuẩn)

Nếu các nhà văn cùng thời hướng ngòi bút của mình đến những người nông dân khổ cực với các bi kịch về cuộc sống đói nghèo, bi kịch bị tha hóa thì Vũ Trọng Phụng lại tập trung khai thác những con người ở tầng lớp thượng lưu để phản ánh sự giả dối, vô đạo đức của xã hội. Những điều ấy được ông thể hiện rất rõ nét trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” – đoạn trích thuộc chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”.

Các nhân vật trong đoạn trích là những nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp xã hội thượng lưu thành thị lúc bấy giờ. Người ta ca ngợi u hóa, học đòi lối sống “văn minh” mà không nhận ra rằng chính sự học đòi ấy lại khiến những giá trị đạo đức mai một và thay vào đó là sự tha hóa của nhân phẩm con người. “Hạnh phúc của một tang gia” mở đầu bằng câu văn: “Ba hôm sau, ông cụ già chết thật” như để thông báo về cái chết của cụ cố tổ và cũng là dịp để đám con cháu cũng như những người ngoài gia đình thể hiện niềm vui sướng của mình. Đây là đám tang trái ngược hoàn toàn với những đám tang khác bởi con người thường đau khổ, thương tiếc trước sự ra đi của người thân nhưng đám tang cụ cố tổ lại khiến rất nhiều người hạnh phúc. Cái chết của cụ “đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Đám con cháu trong gia đình là những người vui vẻ, phấn khích nhất bởi “cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”. Niềm vui ấy là niềm vui của những con người sống vì danh vị, tiền tài mà đánh mất đi luân thường đạo lí, đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của đạo đức xã hội.

Họ đều vui với niềm vui chung của cả gia đình nhưng mỗi người cũng có những niềm vui riêng. Tâm trạng của người con trai trưởng đã phản ánh sự giả dối, bất hiếu đối với bậc sinh thành. Trước cái chết của bố mình, cụ cố Hồng đã “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để thiên hạ phải chỉ trỏ: Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”! Liệu rằng những tiếng ho khạc, khóc mếu kia có phần nào là sự thương xót thật lòng hay chỉ là những giọt nước mắt dối trá để che mắt thiên hạ? Cụ cố Hồng muốn khoe cho cả xã hội biết rằng gia đình mình là một gia đình thượng lưu giàu sang. Thực chất, những hành động của cụ đều nhằm mục đích khoe già, khoe hiếu, khoe sự danh giá: “Cụ chắc cả mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế”. Chắc hẳn điều ấy sẽ khiến mọi người cho rằng đó là một gia đình có phúc bởi cụ cố tổ là người thượng thọ.

Văn Minh – cháu đích tôn của cụ cố tổ đáng lẽ phải tiếc thương vì sự ra đi của người ông nội nhưng Văn Minh lại tỏ ra vui mừng vì được chia chác tài sản. Có ai không sung sướng khi bỗng nhiên có được tiền bạc, của cải nhưng sung sướng trước món lợi mang lại từ cái chết của người thân thì đó là điều phi đạo đức. Văn Minh chỉ có một điều băn khoăn đó là việc “mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông nội” và phân chia tài sản theo đúng bản chúc thư mà thôi. Đây là dịp để ông khoe những mốt mới của tiệm may u hóa và cũng là dịp để khoe danh dự của bản thân. Giữa lúc vui vẻ như vậy, ông “chỉ phiền một nỗi không biết xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao cho phải” vì Xuân “tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo tội hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết”. Văn Minh biết rõ Xuân Tóc Đỏ là người không có bằng cấp, chuyên môn gì về nghề thuốc nhưng vẫn mời hắn về chữa trị cho ông nội. Hành động đó chẳng phải đã gián tiếp gây nên cái chết của cụ cố tổ hay sao? Chỉ vì phân vân không biết trả ơn Xuân thế nào mà ông lại có vẻ mặt đăm chiêu, hợp thời trang với “cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối”. Tác giả đã đi sâu khai thác những suy nghĩ của nhân vật để làm nổi bật lên tâm trạng, bản chất của người cháu nội có tiếng là hiểu biết vì đã có thời gian đi du học ở nước ngoài.

Bên cạnh niềm vui của người chồng, Văn Minh vợ cũng vui mừng khôn xiết vì có cơ hội lăng-xê những mốt mới của tiệm may u hóa, những bộ trang phục “có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời”. Là cháu dâu mà bà chỉ sốt ruột vì “mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng viền đen – dernières créations”. Mục đích chính của Văn Minh vợ là quảng cáo, lăng-xê những thiết kế của tiệm may chứ không phải khóc thương cho số phận cụ cố tổ. Đám tang đã trở thành sàn trình diễn thời trang chứ không phải nơi để mọi người bày tỏ tấm lòng xót thương đối với người đã khuất. Việc làm ấy đã đi ngược lại giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Được cụ cố Hồng nói nhỏ rằng sẽ “chia cho con gái và con rể thêm một số tiền là vài nghìn đồng”, ông Phán mọc sừng vô cùng phấn khích. Chính bản thân ông cũng không ngờ rằng “giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế”. Dường như ông không hề cảm thấy danh dự bị vấy bẩn mà lại cảm thấy biết ơn vì việc ngoại tình của vợ đã mang lại cho ông món lợi lớn. Ngay trong đám tang ấy, ông đã trù tính một “công cuộc doanh thương” với Xuân Tóc Đỏ để mình có thêm được vài nghìn bạc vì hắn rất có tài quảng cáo. Người đọc ngỡ tưởng ông Phán là đứa cháu có hiếu khi được Vũ Trọng Phụng miêu tả tiếng khóc nhưng tiếng khóc của ông lại là tiếng “Hứt! Hứt! Hứt!” mãi không thôi. Tiếng khóc ấy đã bộc lộ bản chất giả dối của ông cháu rể quý hóa khi đó chỉ là cái cớ để ông ta oặt người đi và dúi vào tay Xuân Tóc Đỏ tờ giấy bạc năm đồng gấp tư. Đối với ông, đám tang chính là nơi diễn ra cuộc trao đổi, mua bán với Xuân – người đã có công không nhỏ trong việc giúp ông nhận thêm vài nghìn đồng.

Một người em gái của Văn Minh mà Xuân quyến rũ là Tuyết ngây thơ. Ngoài niềm vui vì được trình diễn những mốt thời trang, mặc đồ xô gai tân thời cô còn muốn khoe phẩm hạnh của mình với thiên hạ. Cô mặc bộ y phục Ngây thơ – “cái áo dài voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh”. Tuyết mặc bộ y phục đó để chứng minh cho cả xã hội biết rằng “mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Cô mặc như vậy để đập tan lời đồn bản thân mình hư hỏng quá nhiều của thiên hạ. Có người cháu hiếu thảo nào lại có cách ăn mặc như vậy trong đám tang của ông nội mình? Hóa ra đám tang lại là dịp để Tuyết khoe vẻ đẹp, khoe phẩm hạnh, khoe mình là một người con gái truyền thống, mực thước nhưng thực chất Tuyết ngây thơ lại là người con gái hư hỏng. Gương mặt cô “hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám” nhưng nỗi buồn đó không xuất phát từ sự tiếc thương cụ cố tổ mà xuất phát từ sự chờ đợi Xuân Tóc Đỏ khi mãi chưa thấy “bạn giai” mình xuất hiện. Điều ấy khiến cô như bị kim châm vào lòng.

Cậu tú Tân nhân cái chết của cụ cố tổ mà khoe tài chụp ảnh của bản thân. Cậu “điên người lên” vì đã “sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến”. Cậu yêu cầu mọi người trong đám tang tạo dáng để chụp ảnh, cậu “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, thế nọ…” Đám tang như một hội chợ để cậu và những nhà tài tử chụp ảnh thi nhau trổ tài.

Đám con cháu đã làm nên bức tranh biếm họa phản ánh hiện thực của một xã hội “đại chó đểu”. Họ hoàn toàn thản nhiên và không có một chút tình cảm ruột thịt với người thân đã khuất. Đó là gia đình đại bất hiếu, đạo đức giả khi sống và đối xử với nhau như những kẻ xa lạ. Họ luôn chạy theo đồng tiền mà vô tâm, vô cảm với chính những người thân thiết.

Không chỉ khắc họa đám con cháu trong gia đình cụ cố tổ, nhà văn Vũ Trọng Phụng còn khắc họa tâm trạng của những người ngoài gia đình đến tham dự đám tang. Họ đại diện cho các tầng lớp của xã hội đương thời, có tên tuổi, địa vị. Cảnh sát Min Đơ và Min Toa được “thuê giữ trật tự cho đám ma”. Họ “sung sướng cực điểm” và “trông nom rất hết lòng” vì gia đình cụ cố Hồng đã tạo việc làm cho mình. Những bạn thân của cụ cố Hồng đến chia buồn cùng gia đình nhưng ý đồ thực chất của họ là để khoe huy chương như “Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh”,… Họ khoe danh, khoe những bộ râu ria “hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn”. Họ còn là những kẻ hám sắc khi “trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng”. Là dịp để trưng diện những mốt mới nên ông Typn rất “bực mình vì mãi không được thấy những sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao”. Sư cụ Tăng Phú của báo Gõ mõ thì “sung sướng”, “vênh váo”, đắc thắng vì đã đánh đổ được Hội Phật giáo. Sư cụ đến dự đám tang để khoe danh dự và chiến thắng của mình. Xuân Tóc Đỏ cũng được mọi người biết ơn và dành cho những lời khen ngợi. Việc hắn xuất hiện trong đám tang cũng là cách để khoe mẽ chiến công và nâng cao giá trị bản thân. Bên cạnh đó, tác giả cũng không quên nhắc tới đám giai thanh gái lịch đi đưa tang. Đây là cơ hội để họ “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu”.

Bằng nghệ thuật trào phúng, Vũ Trọng Phụng đã tố cáo bản chất lố lăng, sự giả tạo của những người thuộc tầng lớp thượng lưu thành thị trước Cách mạng. Mỗi nhân vật là một nét vẽ chân thực tạo nên bức tranh hiện thực sinh động. Qua đó, “ông vua phóng sự đất Bắc Kì” cũng thể hiện thái độ châm biếm, mỉa mai thói đạo đức giả, sự bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa của giới thượng lưu. Khi những người cầm bút khác “muốn cuốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết” thì Vũ Trọng Phụng và các nhà văn có cùng chí hướng lại “muốn tiểu thuyết là thực sự ở đời”. Vì lẽ đó mà ngòi bút của ông luôn nói đúng sự thực, luôn đả kích sâu cay vào mặt trái của hiện thực xã hội.

——————-HẾT——————-

Cái chết của cụ cố Hồng không những không mang đến sự đau đớn, xót xa mà ngược lại mang đến niềm hạnh phúc thật khác thường cho các thành viên trong gia đình, cũng từ cái chết ấy nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phơi bày đến tận cùng cái thối nát của xã hội thượng lưu đại tư sản, nơi con người sống với nhau bằng sự giả dối, vô tình. Tìm hiểu thêm về những nét đặc sắc của đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Cảm nhận về tiếng khóc của Phán mọc sừng trong Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích cảnh đám ma gương mẫu trong Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích nghệ thuật trào phúng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng

Bản quyền bài viết thuộc Tmdl.edu.vn. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận.
Nguồn chia sẻ: Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá (tmdl.edu.vn)

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Phân tích các tác phẩm văn học lớp 9

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button