Đề bài: Phân tích truyện ngắn Cố hương
Bạn đang xem bài: Phân tích truyện ngắn Cố hương
Phân tích truyện ngắn Cố hương
Bài làm:
Hình ảnh quê hương đã in dấu lại trong sáng tác của rất nhiều những nghệ sĩ trong đó có Lỗ Tấn. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhà văn nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho kho tàng văn chương Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Các tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn phải kể đến: “AQ chính truyện”, “Thuốc”, “Nhật kí của một người điên”,… và sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến truyện ngắn “Cố hương”.
Truyện ngắn này được Lỗ Tấn sáng tác vào năm 1923, nằm trong tập “Gào thét”. Nhan đề “Cố hương” có nghĩa là quê cũ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên nhưng hiện tại mình không ở đó nữa. Truyện kể về việc nhân vật “tôi” trở về quê hương sau hơn hai mươi năm xa quê. Cảnh vật làng quê trở nên tiêu điều, hoang vắng chứ không còn là một làng quê tươi đẹp đến nỗi không có hình ảnh ngôn ngữ nào có thể diễn tả được như trong trí nhớ của nhân vật. “Tôi” về quê lần này với mục đích nhằm đưa gia đình đến nơi đất khách để làm ăn, sinh sống. Mang trong mình nỗi buồn thương, xót xa, nhân vật “tôi” ra đi với mong ước cuộc sống của làng quê mình sẽ tốt đẹp hơn.
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh cố hương hiện ra với sự u ám, thôn xóm, cảnh vật hoang tàn và thê lương “nằm im lìm dưới bầu trời màu vàng úa”. Chứng kiến khung cảnh đó, nhân vật “tôi” không nén được cảm xúc, “lòng se lại”. Trong trí nhớ của nhân vật, làng cũ vốn đẹp hơn và cũng không xơ xác, ảm đạm như thực tại. Quê hương trong kí ức của nhân vật “tôi” là những ngày “thầy tôi hãy còn, cảnh nhà còn sung túc, tôi đàng hoàng là một cậu ấm” và cả những kỉ niệm của tuổi thơ thật đáng nhớ.
Hình ảnh con người ở làng quê dần được hiện lên qua sự khắc họa tài tình của tác giả. Người mẹ thấy con về đã “chạy ra đón” bằng vẻ mặt rất mừng rỡ nhưng “vẫn ẩn một nỗi buồn thầm kín”. Người mẹ ấy đã gắn bó với quê hương bao nhiêu năm, nay phải rời xa nó nên trong lòng cũng lưu luyến, thương nhớ. Những ngày ở quê, nhân vật tôi còn gặp một số người khác như Nhuận Thổ, chị Hai Dương, cháu Hoàng, …
Nghe tin nhân vật “tôi” về quê, Nhuận Thổ đã đến chơi. Trong kí ức của “tôi”, Nhuận Thổ là một đứa bé chạc mười tuổi, “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”. Hắn ta là một cậu bé khỏe mạnh, lanh lợi, biết nhiều chuyện lạ lùng không thể kể xiết. Nhân vật “tôi” và NhuậnThổ có mối quan hệ chủ tớ do trước đây bố con Nhuận Thổ đi ở tháng cho nhà “tôi”. Hai người thân nhau và trở thành bạn bè. Đây là mối quan hệ bình đẳng, gắn bó với nhau.
Nhưng trong quá khứ Nhuận Thổ khôi ngô, lanh lợi bao nhiêu thì con người anh ta ở hiện tại lại hoàn toàn trái ngược bấy nhiêu. Nhuận Thổ “cao gấp hai trước, nước da màu vàng sạm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm”, “mi mắt viền đỏ húp mọng lên”. Anh ta đội “cái mũ lông rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài”. Bàn tay “hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn” trước dây không còn nữa mà thay vào đó là đôi bàn tay “vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”. Cuộc sống khốn khó, vất vả đã khiến Nhuận Thổ trở nên như vậy. Khi trông thấy người bạn tuổi thơ năm xưa của mình, Nhuận Thổ “vừa hớn hở, vừa thê lương, môi mấp máy nhưng cũng nói không ra tiếng” rồi anh lấy một dáng điệu “cung kính” chào. Điệu bộ, cử chỉ ấy phần nào bộc lộ mặc cảm về thân phận hèn kém của mình. Hoàn cảnh “con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi”. Sự thay đổi ở con người Nhuận Thổ khiến nhân vật “tôi” rất buồn và xót xa. Nhuận Thổ biến đổi như vậy cũng là vì sự sa sút kinh tế, những hà khắc của xã hội phong kiến Trung Quốc và do lối sống lạc hậu của những người nông dân không biết đứng lên đấu tranh cho chính mình.
Làng quê ấy không chỉ có Nhuận Thổ mà còn có chị Hai Dương được mệnh danh là “nàng Tây Thi đậu phụ”. Ngày xưa chị đẹp người, đẹp nết, trẻ trung còn bây giờ chị đã là một người đàn bà trên dưới 50 tuổi, “lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng chạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, có hai chân bé tí”. Những lời nói ngoa ngoắt của chị đã bộc lộ một tính cách chua ngoa, đanh đá. Bằng biện pháp so sánh tương phản, Lỗ Tấn đã khắc họa rõ nét sự thay đổi về ngoại hình lẫn tính cách của hai nhân vật này. Qua đó, ông cũng tái hiện lại sự sa sút về các mặt của đời sống xã hội, sự suy thoái, những thay đổi tiêu cực trong lối sống của con người lao động.
Quê hương đẹp đẽ của nhân vật “tôi” chỉ còn đọng lại trong kí ức nên khi rời đi, nhân vật này “không chút lưu luyến”. Nhân vật “tôi” chỉ cảm thấy xung quanh là “bốn bức tường vô hình, nhưng rất cao, làm cho tôi vô cùng lẻ loi, ngột ngạt”. Ngột ngạt bởi cảnh vật làng quê hiu hắt, tiêu điều và sự thay đổi tiêu cực của con người. Họ trở nên tàn tạ, nghèo khổ, đần độn, ngoa ngoắt và vụ lợi. Có người đến để đưa chân, nhưng cũng có người đến để lấy đồ đạc. Họ lấy tất cả những đồ đạc trong ngôi nhà cũ, “hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như tuyết”. Nằm nghe nước vỗ vào mạn thuyền, nhân vật “tôi” mong ước cho Thủy Sinh và Hoàng không bị cách bức nhau như mình và Nhuận Thổ. Đồng thời “tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác”. Bọn trẻ phải sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn.
Tác giả đã khép lại “Cố hương” bằng hình ảnh con đường giàu ý nghĩa biểu tượng. Đây không chỉ là con đường đi thường ngày mà còn là con đường hướng con người đến cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc hơn ở tương lai. Nhân vật “tôi” đã khẳng định: “kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường không có sẵn trong tự nhiên mà do chính con người tạo nên. “Tôi” luôn có niềm tin vào con đường mới sẽ giúp con người có một cuộc sống tự do, no ấm, đầy đủ hơn. Tình yêu quê hương mãnh liệt của nhân vật “tôi” được thể hiện qua niềm tin vào sự đổi thay của làng quê và con người theo hướng tích cực. Đó cũng là tư tưởng nhân đạo mà Lỗ Tấn kí thác trong tác phẩm của mình.
Truyện đã sử dụng linh hoạt những thủ pháp nghệ thuật như hiện tại, hồi ức, đối chiếu và xen kẽ nhau tạo nên một mạch truyện liên kết chặt chẽ. Bằng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, nhà văn đã khắc họa được những nhân vật một cách rõ nét, sinh động và chân thực. Việc sử dụng hình ảnh biểu tượng và các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự thành công của tác phẩm.
Qua truyện ngắn này, bạn đọc có thể thấy được tiếng nói tố cáo, phê phán xã hội phong kiến cũ đồng thời ông cũng đặt ra vấn đề con đường đi của người nông dân lao động và toàn thể xã hội. Ông đã dùng thứ vũ khí lợi hại là ngôn từ để “biến đổi tinh thần” nhân dân đang trong tình trạng “ngu muội” và hèn nhát”.
—————-HẾT——————-
Cố hương là truyện ngắn nước ngoài đặc sắc trong chương trình Ngữ văn lớp 9, để hiểu chi tiết về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn, bên cạnh bài Phân tích truyện ngắn Cố hương, các bạn có thể tham khảo thêm: Tình huống truyện Cố hương, Cảm nhận của em về hình ảnh con đường mòn trong truyện ngắn Cố hương, Cảm nhận về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong Cố hương, Thông qua tác phẩm Cố hương hãy nêu ý kiến của em về câu nói của Lỗ Tấn.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-truyen-ngan-co-huong/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục