Đề bài: Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành
Bạn đang xem bài: Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu
Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu
I. Dàn ý Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu (Chuẩn)
1. Mở bài
Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với vùng đất Tây Nguyên giàu đẹp, bao nhiêu cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên anh hùng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để ông viết nên tác phẩm Rừng xà nu đầy thành công, trở thành một kiệt tác gắn bó với tên tuổi của mình.
2. Thân bài:
a. Hình ảnh rừng xà nu:
– Một rừng cây luôn “nằm trong tầm đại bác của đồn giặc”
– Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào đồi xà nu cạnh con nước lớn
– Đạn đại bác hung tàn, không nhân nhượng trước vẻ đẹp kiêu hùng thiên nhiên, cây vừa lớn đã bị chặt làm đôi rồi đổ ào, không cây nào là không bị thương.
– Rừng xà nu vẫn tiếp tục sức sống mạnh mẽ của mình
– Hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng.
=> Hình ảnh rừng xà nu hiện lên thật đẹp, cây xà nu chính là biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, là đại diện tiêu biểu cho con người Tây Nguyên.
b. Hình ảnh con người Tây Nguyên
– Cụ Mết:
Đại diện cho những thế hệ anh hùng đi trước đầy kinh nghiệm, bản lĩnh và giàu lòng yêu nước, luôn hướng cho dân làng những bước đi đúng đắn trong chiến đấu
– Tnú
+ Mang trong mình những phẩm chất anh hùng.
+ Một lòng trung thành với cách mạng
+ Chịu nhiều đau thương vẫn hiên ngang, lập nhiều chiến công hiển hách
=> Đại diện tiêu biểu cho thế hệ trưởng thành, niềm tự hào của người dân Tây Nguyên.
– Dít, bé Heng: Thế hệ mai sau tiếp nối gương sáng cha anh
3. Kết bài
Bằng sự kết hợp tài tình giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, Nguyễn Trung Thành không chỉ ngợi ca vẻ đẹp trong nhân cách của người con Tây Nguyên mà qua đó còn đặt ra một vấn đề mang tính thời đại: Để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ tự do cho đất nước trước nhất phải cầm vũ khí đứng lên.
II. Bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu
1. Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, mẫu số 1 (Chuẩn)
Truyện ngắn “Rừng xà nu” được tác giả Nguyễn Trung Thành sáng tác vào năm 1965 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, đặc biệt là ở chiến trường Tây Nguyên Mỹ đang đổ quân vào để khủng bố và giết chóc. Ra đời trong hoàn cảnh đó, tác phẩm mang ý nghĩa quan trọng như nguồn cổ vũ và động viên lớn lao dành cho con người Việt Nam, là động lực để quân và dân ta kiên cường trong chiến tranh gian khổ.
Trong truyện ngắn “Rừng xà nu” tác giả đã xây dựng hai hình ảnh lớn mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc đó là hình ảnh cây xà nu và hình ảnh những con người anh hùng đại diện cho sức mạnh và vẻ đẹp của người dân làng Xô Man. Hình ảnh cây xà nu được xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Cây xà nu là một loài cây đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của người dân làng Xô Man: lửa xà nu trong mỗi bếp, trong đống lửa nhà ưng,… cây xà nu còn chứng kiến quá trình đấu tranh của dân làng Xô Man “đuốc xà nu được thắp lên trong những đêm người dân mài vũ khí” …. Dưới tầm bắn của đại bác rừng xà nu đã ưỡn tấm thân lớn của mình ra che chở cho làng, gánh chịu đau thương để rồi “cả rừng hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Cây xà nu còn là nhân chứng trong cuộc nổi dậy của dân làng trong đêm Tnú bị tra tấn, cây xà nu đã kề vai sát cánh cùng con người chiến đấu. Cây xà nu còn mang những vẻ đẹp biểu tượng cho phẩm chất, tâm hồn và ý chí của người dân Tây Nguyên nói chung và dân làng Xô Man nói riêng. Loài cây này có sức sinh sôi nảy nở rất khoẻ, lớn rất nhanh để thay thế những cây đã ngã, vẻ đẹp ấy tượng trưng cho sức sống bất diệt của người dân làng Xô Man, bên cạnh đó xà nu lại rất ham ánh sáng mặt trời nên thường vươn cao, thẳng tắp giống như tinh thần yêu cách mạng, quý tự do của người dân làng Xô Man, từ người già đến trẻ nhỏ đều một lòng tin vào lời dạy của cụ Mết: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Cây xà nu thường mọc thành rừng biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của dân làng Xô Man, trong mọi hoàn cảnh gian khổ, đau thương và mất mát các thế hệ người dân làng Xô Man luôn kề vai sát cánh bên nhau, trên dưới đồng lòng và tuyệt đối trung thành với lời của cụ Mết.
Bài văn Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành ngắn gọn
Dưới tán rừng xà nu ấy là nơi có những con người anh hùng với những phẩm chất tốt đẹp, đại diện cho vẻ đẹp những con người dân làng Xô Man nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung. Nổi bật nhất là hình tượng nhân vật Tnú, đời thường Tnú là một chàng trai chung thuỷ và có tình yêu sâu sắc với Mai, bên cạnh đó anh cũng yêu quê hương tha thiết, trước khi là một người anh hùng, Tnú là một người con ưu tú của làng Xô Man. Tnú nổi bật với tinh thần bất khuất gan góc, dũng cảm và trung thành với cách mạng. Khi còn nhỏ Tnú đã bộc lộ bản lĩnh cách mạng kiên cường, có đóng góp lớn cho sự nghiệp chung như tham gia phong trào nuôi giấu cán bộ trong rừng, quyết tâm học chữ để làm cán bộ giỏi, rồi làm liên lạc cho anh Quyết để đưa thư. Khi lớn lên Tnú cùng dân làng nung nấu ý chí đánh giặc bằng cách mài vũ khí giấu ở trong rừng, khi giặc khủng bố giết chóc Tnú tận mắt nhìn thấy vợ và con bị giết nhưng vẫn phải nén nỗi đau riêng, quyết không phản bội lại cách mạnh. Ngay cả khi bị giặc tra tấn “một ngón tay… răng anh đã cắn nát môi anh rồi”, bản lĩnh cách mạng giúp Tnú có sức chịu đựng phi thường.
Tnú chính là thế hệ tiếp bước con đường của cha anh, người anh hùng tiêu biểu cho truyền thống của làng Xô Man. Bên cạnh nhân vật Tnú, cụ Mết là người có vai trò quan trọng đối với dân làng Xô Man, là người già làng cụ luôn có tinh thần giáo dục truyền thống, dẫn dắt dân làng đi lên, cụ dạy dân làng “chúng nó có súng mình phải cầm giáo mác”, rồi cụ định hướng cho dân làng “đánh thằng Mỹ phải đánh dài”, cũng chính cụ thường xuyên kể chuyện về Tnú cho dân làng và các thế hệ con cháu nghe. Như vậy cụ Mết là người có vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của người dân làng Xô Man, cụ đã giáo dục, định hướng và dẫn dắt để dân làng đi lên, cụ Mết là biểu tượng cho sức chiến đấu kiên cường, bất khuất. Dít là người con gái đầy bản lĩnh, ngay từ nhỏ đã bộc lộ bản chất gan góc và tinh thần trung thành với cách mạng: lẻn vào rừng tiếp tế lương thực cho du kích, khi bị giặc bắt và khủng bố tinh thần Dít nhìn bọn giặc bằng ánh mắt bình thản, lạnh lùng. Khi lớn lên đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng Dít làm việc rất nghiêm túc, biết kìm nén tình cảm riêng và đặt nhiệm vụ chung lên trên hết. Dít và bé Heng giống như thế hệ cây xanh mới mọc và lớn rất nhanh, bé Heng trông nhỏ con nhưng thuộc hết những vị trí hầm chông, hố châm, biết tham gia và công cuộc chung của dân làng, tỏ ra mình là một người lính thực sự. Nhà văn đã xây dựng hệ thống nhân vật với ba thế hệ, tầng lớp cha anh (cụ Mết), tầng lớp thanh niên (Tnú), tầng lớp măng non (Dít và bé Heng), tất cả họ đều mang những phẩm chất đại diện cho phẩm chất của cộng đồng, là những con người mang tầm vóc lịch sử.
Truyện ngắn “Rừng xà nu” với sự kết hợp giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về hình tượng cây xà nu và những con người “anh hùng dân tộc” của làng Xô Man trong thời chiến tranh chống Mỹ. Tô đậm truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc ta đồng thời cổ vũ và ca ngợi thế hệ con em noi gương cha anh tiếp bước gìn giữ non sông.
——————HẾT BÀI 1——————–
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành như một bản anh hùng ca của người Tây Nguyên, tìm hiểu về biểu tượng Rừng xà nu cũng như chất sử thi đậm nét được thể qua tác phẩm, các em có thể tìm đọc thêm những bài văn mẫu lớp 12 có cùng chủ đề khác như: Vẻ đẹp của hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích hình tượng dân làng làng Xô Man trong Rừng xà nu, Cảm nhận về nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích tính sử thi trong Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình
2. Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, mẫu số 2:
Mảnh đất Tây Nguyên cùng với những người con bất khuất đã trở thành đề tài hấp dẫn đối với các nghệ sĩ trong đó có nhà văn Nguyễn Trung Thành. Ông nổi tiếng với truyện ngắn “Rừng xà nu”. Đây là truyện ngắn đã góp phần tạo nên sự thành công trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.
Nguyễn Trung Thành viết “Rừng xà nu” năm 1965 và tác phẩm này được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Nhan đề của truyện đã gợi nên hình ảnh những cánh rừng xà nu bạt ngàn và sức sống mãnh liệt của nó cũng như sức sống mãnh liệt của buôn làng Xô Man.
Nổi bật trong tác phẩm là hình ảnh những “rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Xà nu là loại cây thuộc họ thông, mọc rất nhiều ở vùng Tây Nguyên. Nó thường mọc thành rừng rộng lớn và là đặc trưng riêng của mảnh đất anh dũng này. Mở đầu tác phẩm là hình ảnh rừng xà nu bao xung quanh, che chở cho buôn làng tránh những trận đại bác của quân địch. Sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến “cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”, “có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”.
Đây là loài cây gắn bó mật thiết như một người bạn đồng hành với dân làng. Cuộc sống của họ từ khi sinh ra, lớn lên và khi về với đất mẹ cũng đều gắn liền với cây xà nu. Dưới tán xà nu là những hoạt động sinh hoạt của cộng đồng, là những buổi hò hẹn của tình yêu đôi lứa. Ngọn lửa xà nu cháy trong mỗi bếp, ngọn đuốc xà nu sáng rực trong đêm nổi dậy chống kẻ thù của dân làng Xô Man và khói xà nu xông bảng nứa đen kịt để anh Quyết dạy Tnú và Mai học bài đã chứng tỏ công dụng, vai trò to lớn của cây xà nu đối với người dân Tây Nguyên. Lửa xà nu còn soi sáng “xác mười tên lính giặc ngổn ngang” để thể hiện sức mạnh, ý chí kiên cường cùng lòng dũng cảm của buôn làng Xô Man.
Không chỉ mang ý nghĩa tả thực, cây xà nu còn mang ý nghĩa biểu tượng cho số phận và phẩm chất cao đẹp của những con người Tây Nguyên. Rừng xà nu phải gánh chịu biết bao trận đại bác của địch khiến chúng “đổ ào ào như một trận bão” khi “bị chặt đứt ngang nửa thân mình”. Những vết thương đó không lành được mà “cứ loét mãi ra” gợi cho chúng ta thấy được bao đau thương, mất mát mà nhân dân nơi đây phải gánh chịu. Nhưng đạn bom của kẻ thù không thể ngăn được sự sinh sôi, nảy nở của cây xà nu: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Chúng lớn rất nhanh, “đạn đại bác không giết nổi chúng”. Vì thế mà “hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”. Hình ảnh ấy là biểu tượng cho sức mạnh quật cường, bất diệt của những thế hệ người con Tây Nguyên. Thế hệ trước ngã xuống đã có thế hệ sau đứng lên tiếp nối. Đây còn là loài cây ham ánh sáng mặt trời: “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”. Điều đó cũng giống như việc Tnú và dân làng Xô Man đi theo ánh sáng của cách mạng.
Hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu là sáng tạo độc đáo của Nguyễn Trung Thành. Ông đã sử dụng cái nhìn điện ảnh để tái hiện lại khung cảnh một cách sinh động. Có khi ông nhìn từ xa để thấy toàn bộ những cánh rừng xà nu, khi thì sát lại gần để thấy cận cảnh những cây xà nu con đang vươn lên một cách đầy kiêu hùng. Nó không phải là một loài cây bình thường mà là loài cây mang dáng dấp anh hùng của con người Tây Nguyên.
Bài văn Phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Đại diện tiêu biểu cho những con người ấy là Tnú, người chiến sĩ kiên cường, bất khuất. Ngay từ khi còn nhỏ, Tnú đã vào rừng nuôi giấu cán bộ. Khi học chữ thua Mai, Tnú đã cầm một hòn đá rồi tự đập vào đầu mình. Nhờ có anh Quyết khuyên nhủ: “Tnú phải làm cán bộ thay anh. Không học chữ sao làm được cán bộ giỏi” nên Tnú quyết tâm học chữ. Khi đi liên lạc, Tnú không đi đường mòn vì có giặc vây bắt, anh “xé rừng mà đi”, “lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình”. Sự nhanh trí của anh còn được thể hiện qua hành động “nuốt luôn cái thư” khi bị địch bắt. Anh thật hiên ngang trả lời câu hỏi cán bộ ở đâu của địch bằng cách để tay lên bụng và nói “Ở đây này”.
Lớn lên, Tnú cùng dân làng mài vũ khí để chiến đấu. Tin này đến tai thằng Dục, nó đã tìm cách để bắt Tnú. Nó bắt Mai và con trai Tnú nhằm mục đích: “Bắt được con cọp cái và cọp con, tất sẽ dụ được cọp đực trở về”. Nhưng Tnú không cứu được mẹ con Mai vì trong tay anh không có vũ khí. Anh bị bọn thằng Dục bắt và tra tấn bằng cách quấn giẻ đã tẩm dầu xà nu lên mười đầu ngón tay rồi đốt. Nỗi đau mất vợ và đứa con trai đầu lòng cùng nỗi đau về thể xác dường như quyện hòa vào nhau trở thành nỗi căm hờn, uất hận. Nhưng Tnú “không kêu lên một tiếng nào” mà “trợn mắt nhìn thằng Dục”. Dường như, ý chí và tinh thần quật cường đã khiến: “Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi”.
Tnú không chỉ là người mang phẩm chất anh hùng mà anh còn là con người sâu nặng nghĩa tình. Tnú là một người chồng, người cha hết mực yêu thương vợ con. Phải chứng kiến cảnh mẹ con Mai bị giặc tra tấn, anh “đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay”, “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Anh lao ra cứu mẹ con Mai mà không sợ hiểm nguy. Anh đã quên đi cả sinh mạng của mình để cứu lấy vợ con, cứu lấy những người anh yêu thương nhất.
Tnú lớn lên trong sự đùm bọc của dân làng nên anh yêu quê hương sâu nặng. Khi được nghỉ phép, anh đã về thăm làng, “xúc động để vòi nước của làng mình giội lên khắp người như ngày trước”. Anh yêu tha thiết quê hương mình, yêu cả tiếng giã gạo của buôn làng thổn thức trong lòng anh bao nhiêu năm nay. Nếu không phải một người gắn bó sâu nặng với quê hương thì Tnú sẽ không có những cảm nhận tinh tế đến như vậy.
Bên cạnh nhân vật Tnú, nhà văn còn khắc họa các nhân vật anh Quyết, cụ Mết, Mai, Dít, Heng,…để làm nổi bật lên những thế hệ anh hùng nối tiếp nhau đứng lên chống giặc. Anh Quyết là cán bộ cách mạng, là người đã dạy chữ cho Tnú và Mai. Đồng thời, anh cũng là người nhen nhóm tinh thần đấu tranh cho người dân Tây Nguyên. Anh giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Bằng những lời nói thủ thỉ, tâm tình, anh đã khơi dậy được lòng yêu nước, lòng quyết tâm chiến đấu vì lí tưởng cách mạng của Tnú.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến cụ Mết. Cụ là già làng, là người anh hùng thuộc thế hệ trước lãnh đạo buôn làng nổi dậy chiến đấu. Cụ cũng là người kể cho thanh niên trong làng nghe về cuộc đời của Tnú. Cụ Mết đã khẳng định con đường cách mạng mà nhân dân phải đi: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Đó là một chân lí đúng đắn để nhân dân ta tin tưởng và làm theo. Nhân dân ta không thể chịu áp bức mãi được, vì vậy phải cầm giáo đứng lên đấu tranh cho chính nghĩa.
Những thế hệ nối tiếp con dường của cụ Mết, Tnú là Dít và Heng. Dít lớn lên là chính trị viên xã đội, bí thư chi bộ nhưng từ khi còn nhỏ, Dít đã là một cô bé gan dạ. Cứ sẩm tối, Dít lại “bò theo máng nước đem gạo ra rừng cho cụ Mết, Tnú và thanh niên”. Bị giặc bắt, chúng bắn từng viên một “sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít” khiến “nó khóc thét lên” nhưng “đến viên thứ mười nó chùi nước mắt, từ đó im bặt” và nhìn bọn giặc “bình thản lạ lùng”. Tuy chỉ là một cô bé nhưng Dít đã có bản lĩnh, nghị lực phi thường, không run sợ trước súng đạn kẻ địch.
Ngay cả cậu bé Heng, ngày Tnú ra đi “nó mới chỉ đứng đến ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy” thì khi Tnú trở về thăm làng cậu bé ấy đã “mang một khẩu súng trường Mát” ra vẻ một người lính thực sự. Heng dẫn Tnú đi qua các con đường “chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút lại gặp một giàn thò chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dây ná, đánh một phát chắc chắn gẫy đôi ống quyển, lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên giàn, sắc lạnh”. Chú bé ấy dũng cảm ấy đã góp phần tạo nên một tập thể anh hùng trong những ngày chống đế quốc Mĩ ác liệt của dân làng Tây Nguyên.
Xuyên suốt câu chuyện là chất sử thi hùng tráng được thể hiện qua đề tài, chủ đề, nhân vật, giọng điệu của tác giả. “Rừng xà nu” đã tái hiện không khí hào hùng, sục sôi của cuộc đấu tranh chống đế quốc của dân làng Xô Man nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Hệ thống nhân vật cũng được khắc họa là những con người anh hùng, bất khuất xuất hiện trên nền không gian rộng lớn. Ngoài ra, tác giả còn sáng tạo hình tượng cây xà nu mang đậm tính biểu tượng cho những con người Tây Nguyên. Giọng văn ngợi ca hào hùng, khí thế như không khí cuộc chiến đấu chống kẻ thù.
Nhà văn xây dựng nên hai tuyến nhân vật mang tính đối lập giữa bọn thằng Dục tàn ác và những thế hệ anh hùng để làm nổi bật lên tinh thần, ý chí đấu tranh của dân làng. Kiểu kết cấu truyện lồng trong truyện đã mang lại sức hấp dẫn cho tác phẩm. Bên cạnh câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man còn là câu chuyện về cuộc đời người anh hùng Tnú. Tất cả những yếu tố đó đã làm thiên truyện sống mãi trong lòng độc giả. Nhớ đến Tây Nguyên là chúng ta nhớ đến những cánh rừng xà nu bạt ngàn và các thế hệ anh hùng nối tiếp nhau chống giặc.
3. Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, mẫu số 3 ( Chuẩn):
Nguyễn Trung Thành là nhà văn sinh ra ở vùng đất Thăng Bình, Quảng Nam, tên khai sinh của ông là Nguyên Ngọc. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước lầm than khi phải trải qua hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, hơn ai hết, ông trân quý và khâm phục những con người hy sinh hết mình cho cách mạng, cho Tổ quốc thân yêu. Đặc biệt đối với vùng đất Tây Nguyên anh dũng cùng những con người bộc trực, dũng cảm, kiên trung một lòng gắn bó cách mạng được ông ưu ái và dành nhiều niềm thương yêu. Bởi vậy mà bao nhiêu cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên anh hùng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để ông viết nên tác phẩm Rừng xà nu đầy thành công, trở thành một kiệt tác gắn bó với tên tuổi của mình.
Rừng xà nu được viết vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt. Tác phẩm được in trên tạp chí Văn nghệ giải phóng, trích trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Đây là bài ca ca ngợi bản lĩnh, ý chí sắt đá, bất khuất kiên cường của đồng bào Tây Nguyên.
Rừng xà nu quanh làng Xô man được tác giả giới thiệu trong đoạn đầu tác phẩm đầy độc đáo. Một rừng cây luôn “nằm trong tầm đại bác của đồn giặc”, bị súng đạn bắn phá liên tục, sự hủy diệt vô cùng tàn bạo của quân giặc trước sức sống của thiên nhiên – ” Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào đồi xà nu cạnh con nước lớn”. Một cảnh tượng đầy đau thương hiện ra trước mắt, bao nhiêu cây xà nu không cây nào là không bị trúng đạn, cây nào cũng bị vết thương loang lổ, loét mãi ra rồi chết. Đạn đại bác hung tàn, không nhân nhượng trước vẻ đẹp kiêu hùng thiên nhiên, cây vừa lớn đã bị chặt làm đôi rồi đổ ào. Song, rừng xà nu ấy vẫn không chịu khuất phục, những cây cường tráng nhanh chóng tự chữa lành vết thương. Chúng vẫn tiếp tục sức sống mạnh mẽ của mình để dang rộng vòng tay mà che chở cho ngôi làng thân yêu. Cây nọ tiếp cây kia vẫn sinh sôi nảy nở, sự sống vẫn đâm chồi trước sự tàn phá của quân thù “cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên”. Cây xà nu tự mình đứng lên, trường tồn và phát triển, dũng cảm hiên ngang trước bom đạn kẻ thù “hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Hình ảnh rừng xà nu hiện lên thật đẹp, thật đáng tự hào biết bao. Cây xà nu chính là biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, là đại diện tiêu biểu cho con người Tây Nguyên, là hình ảnh ẩn dụ cho cốt cách, sức sống của đồng bào Tây Nguyên từ trước đến nay. Trong đau thương vẫn ánh dũng kiên cường, trong áp bức vẫn tràn trề hy vọng, vẫn mang ý chí đấu tranh, nguyện theo gương cách mạng, là sự sống bất diệt của buôn làng Xô man.
Sau hình ảnh xà nu, tác giả tiếp tục tái hiện chân thực cuộc sống và chiến đấu của người dân nơi đây. Họ là những thế hệ giàu lòng yêu nước, có niềm tin lớn lao vào cách mạng, là những gương anh hùng sáng chói với non sông, Tổ quốc. Đó là một Cụ Mết đại diện cho những thế hệ anh hùng đi trước đầy kinh nghiệm, bản lĩnh và giàu lòng yêu nước, luôn hướng cho dân làng những bước đi đúng đắn trong chiến đấu. Là một người nhìn xa, thấu hiểu dân làng, là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của làng Xôman. Với cụ “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Chân lý “Chúng nó dùng súng, mình phải cầm giáo” của cụ như một lời tuyên ngôn trong cuộc chiến của dân tộc. Đó còn là một Tnú với những phẩm chất anh hùng. Khi còn nhỏ, anh sớm đã giác ngộ cách mạng, phấn đấu để trở thành những người như anh Quyết lãnh đạo cách mạng. Một cậu bé gan góc và đầy dũng cảm, giữa bao chiến trận đầy súng đạn của giặc, cậu bé giao liên vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Khi bị bắt, Tnú vẫn một lòng trung thành dù bị tra tấn đầy ác độc, nhưng vẫn nhất quyết giữ bí mật. Sau khi vượt ngục, những tưởng được hạnh phúc bên vợ con thì giặc tiến vào diệt phong trào nổi dậy, một lần nữa Tnú phải chịu đau thương trước sự tra tấn và khổ đau khi vợ con bị giết mà không làm gì được. Càng trong đau thương, phẩm chất anh hùng càng ngời sáng trong Tnú, càng trong áp bức càng kiên cường đứng lên trả mối thù lớn cho vợ con, cho chính mình và cho dân làng Xô man yêu dấu. Tiếng thét căm hờn là tiếng căm phẫn, xé lòng giữa cuộc chiến, là tiếng hiệu triệu người người đứng lên giết chết quân thù, bè lũ cướp nước. Bàn tay bị đốt mười ngón nhưng không thiêu rụi được ý chí của người con Tây Nguyên. Cuối cùng, Tnú cũng đã giết chết được thằng Dục, kẻ đã thẳng tay giết người thân của anh, trả mối thù sâu nặng bấy lâu. Tnú tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trưởng thành trong cách mạng, tin yêu và đem hết sức mình phục vụ quân giải phóng.
Đó còn là những Dít, bé Heng,… thế hệ tiếp nối bao chiến công cha anh để cùng nhau chung sức đưa thắng lợi đi đến cuối cùng. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, ngày càng trưởng thành, kiên cường chiến đấu xứng đáng với hi sinh của cha anh. Dường như, trong cuộc chiến khốc liệt, con người Tây Nguyên càng khẳng định được chính mình. Trong lầm than, đen tối, họ lại càng kiên dũng, ngời sáng tuyệt vời.
Rừng xà nu và nhân dân làng Xô man như hai mà một, đều chịu nhiều đau thương, đều vươn mình mạnh mẽ. Đó là sức sống bất diệt, là tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
Bằng sự kết hợp tài tình giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, Nguyễn Trung Thành không chỉ ngợi ca vẻ đẹp trong nhân cách của người con Tây Nguyên mà qua đó còn đặt ra một vấn đề mang tính thời đại: Để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ tự do cho đất nước trước nhất phải cầm vũ khí đứng lên.
Sau khi đã Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu các em có thể đi vào Soạn bài Những đứa con trong gia đình hoặc tham khảo Phân tích bài thơ Tây Tiến nhằm củng cố kiến thức của mình về những nội dung văn học này.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/phan-tich-truyen-ngan-rung-xa-nu/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục