HAI CÂY PHONG
(Trích truyện Người thầy đầu tiên – Ai-ma-tốp)
Bạn đang xem bài: Soạn bài Hai cây phong – trích – Soạn văn 8
Bạn đang xem: Soạn bài Hai cây phong – trích
– Soạn văn 8
I. TÁC GIẢ – TÁC PHẨM
1. Tác giả:
Ai-ma-tốp là nhà văn nước Cộng hoà Cư-rơ-gư-xtan, một nước cộng hoà ở vùng Trung á, thuộc Liên Xô trước đây. Hoạt động văn học của Ai-ma-tốp bắt đầu từ năm 1952, khi ông là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Cư-rơ-gư-xtan. Từ năm 1956 đến năm 1958 ông học Trường viết văn M. Goóc-ki ở Mát-xcơ-va. Sau khi tốt nghiệp (1959), Ai-ma-tốp làm phóng viên báo Sự thật thường trú tại Cư-rơ-gư-xtan. Tác phẩm đầu tiên khiến Ai-ma-tốp nổi tiếng là tập truyện Núi đồi và thảo nguyên (được tặng giải thưởng Lê-nin về văn học năm 1963). Các tác phẩm chủ yếu tiếp theo là: Cánh đồng mẹ(1963), Vĩnh biệt Gun-xa-rư (1967), Con tàu trắng (1970),… Đề tài chủ yếu trong các truyện ngắn của Ai-ma-tốp là cuộc sống khắc nghiệt nhưng cũng đầy chất lãng mạn của người dân vùng đồi núi Kưr-gư-xtan, tình yêu, tình bạn, tinh thần dũng cảm vượt qua những thử thách hi sinh thời chiến tranh, thái độ tích cực đấu tranh của tầng lớp thanh niên, trước hết là nữ thanh niên để thoát khỏi sự ràng buộc của những tập tục lạc hậu.
Nhiều tác phẩm của ông từ lâu đã rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như Cây phong non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên, Con tàu trắng,…
2. Tác phẩm:
Tóm tắt:
Đoạn trích thể hiện tình yêu quê hương đất nước thông qua những cảm xúc bồi hồi của người kể về hai cây phong từng gắn bó với tuổi học trò trong kí ức và trong hiện tại.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1:
– Trong bài văn, người kể chuyện khi thì xưng “tôi”, khi thì xưng “chúng tôi”. Người kể chuyện xưng “chúng tôi” bắt đầu từ “Vào năm học cuối cùng…” cho đến “lấn sau chân trời xa thẳm biêng biếc kia”. Phần còn lại từ đầu bài văn cho đến “chiếc gương thần xanh” và từ “Tôi lắng nghe…” cho đến hết, người kể chuyện xưng “tôi”. Do đó, bài Hai Cây Phong gồm hai mạch kể ít nhiều phân biệt và lồng vào nhau.
– Trong mạch kể xưng “tôi”, “tôi” là người kể chuyện, người ấy tự giới thiệu mình còn là họa sĩ. Nhưng không nhất thiết bao giờ người kể chuyện ở dạng này cũng chính là tác giả. Trong mạch kể xưng “chúng tôi”, vẫn là người kể chuyện trên, nhưng lại lể nhân danh cả “bọn con trai” ngày trước và hồi ấy, người kể chuyện cũng là một đứa trẻ trong bọn.
– “Tôi” có cả ở hai mạch kể, để từ đó rút ra nhận xét mạch kể của người kể chuyện xưng “tôi” trong bài văn là quan trọng hơn.
Câu 2:
– Trong mạch kể của người kể chuyện xưng “chúng tôi”, có hai đoạn: đoạn trên liên quan đến hai cây phong trên đồi cao vào năm học cuối cùng, trước kì nghỉ hè, bọn trẻ chạy ào lên phá tô chim; đoạn dưới liên quan đến “thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng” mở ra trước mặt bọn trẻ khi ngồi trên những cành cây cao. Tuy hai cây phong để lại cho người kể chuyện ấn tượng khó quyên về một thời thơ ấu, nhưng đoạn văn sau mới thực sự làm cho cả người kể chuyện lẫn bọn trẻ ngất ngây.
– Trong mạch kể xen lẫn tả này, hai cây phong tuy chỉ được phác đôi ba nét, nhưng đúng là những nét phác thảo của một họa sĩ: hai cây phong “không lồ” với các “mắt mấu”, các “cành cây cao ngất”, cao đến ngang tầm cánh chim bay”, với “bóng râm mát rượu”, với động tác “nghiên ngả đung đưa như muốn gửi lời chào”. Lại thêm có “hàng đàn chim… chao đi chao lại” bên trên tô điểm cho bức phác họa ấy.
– Chất họa sĩ ở người kể chuyện càng thể hiện rõ ở đoạn sau. Bức tranh thiên nhiên như hiển hiện trước mắt với “chân trời xa thẳm”, “thảo nguyên hoang vu”, “dòng sông lấp lánh”, “làn sương mờ đục”, và lọt thỏm giữa không gian bao la ấy là “chuồng ngựa của nông trang” trông bé tí teo. Bức tranh còn được tô màu: “nơi xa thẳm biêng biếc của thảo nguyên”, ” chân trời xa thẳm biêng biếc”, “làn sương mờ đục”, “những dòng sông lấp lánh, như những sợi chỉ bạc”… càng làm tăng thêm chất “bí ẩn đầy sức quyến rũ” của những miền đất lạ.
Câu 3.
– Trong mạch kể của người kể chuyện xưng “tôi” , hai cây phong chiếm vị trí độc tôn lôi cuốn sự chú ý, làm cho “say sưa ngây ngất” và khơi nguồn cảm hứng cho người kể chuyện. Độ dài văn bản của mạch kể này cũng nói lên điều đó.
– Nguyên nhân một phần là do hai cây phong ấy gắn bó với những kỉ niệm xa xưa ở tuổi học trò: “Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vở của chiếc gương thần xanh…”
– Nhưng nguyên nhân sâu xa là ở chỗ hai cây phong là nhân chứng của câu chuyện hết sức xúc động về người thầy đầu tiên Duy-sen và cô bé An-tư-nai gần bốn mươi năm về trước mà người kể chuyện gần đây mới được biết. (Chính thầy Duy-sen đã đem hai cây phong về trồng trên đồi cao này cùng với cô bé An-tư-nai và thầy đã gửi gắm ở hai cây phong non ước mơ, hi vọng những đứa bé nghèo khổ, thất học như An-tư-nai sau này sẽ lớn lên ngày càng được mở mang kiến thức và trở thành những con người hữu ích).
– Hai cây phong trong đoạn kể xen lẫn tả này vẫn thể hiện rõ là được miêu tả qua con mắt nhìn của họa sĩ nhưng “động” hơn: “nghiên ngả thân cây, lay động lá cành”, rồi “khi mây đen kéo đến, xô gãy cành, tỉa trụi lá…”…
– Tuy nhiên, trong “bức tranh” bằng ngôn từ ấy, chúng ta còn nghe thấy rất nhiều âm thanh chiếm vị trí khá lớn “tiếng lá reo”, “tiếng rì rào theo nhiều cung bậc”, “reo vù vù”… (ở mạch kể kia chúng cùng có âm thanh nhưng ít hơn). (Ở đây, hay cây phong còn được ta cả bằng trí tưởng tượng và bằng tâm hồn của người nghệ sĩ: người kể chuyện “cảm biết được chúng” tuy không nhìn thấy chúng, chúng “có tiếng nói riêng và hẵn phải có một tâm hồn riêng; có khi chúng như “thì thầm thiết tha nồng thắm”, có khi chúng “bỗng tim bặt một thoáng, rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào”). Hai cây phong được nhân cách hóa cao độ, hết sức sinh động.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/soan-bai-hai-cay-phong-trich-soan-van-8/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục