Đề bài: Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc
Bạn đang xem bài: Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc
Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc
I. Dàn ý Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc (Chuẩn)
1. Mở bài
– Sơ lược về vị trí và phong cách sáng tác của Tố Hữu.
– Từ ấy và Việt Bắc là hai tác phẩm nổi bật và thành công bậc nhất trong đường thơ của Tố Hữu, được sáng tác vào các giai đoạn khác nhau của cách mạng, thế nên dễ nhận thấy rằng cái tôi trữ tình của Tố Hữu có sự vận động, dịch chuyển rõ ràng trong hai bài thơ, hai giai đoạn lịch sử của đất nước.
2. Thân bài
* Khái quát về cái tôi trữ tình của Tố Hữu
– Cái tôi trữ tình là những cảm nhận mang đậm dấu ấn cá nhân của văn nhân thi sĩ.
– Trong các tác phẩm của Tố Hữu, cái tôi trữ tình chính là cái tôi của người chiến sĩ cách mạng…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc tại đây.
II. Bài văn mẫu Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc (Chuẩn)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những lời nhận xét như sau: “Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng”. Nhắc đến Tố Hữu là nhắc đến một nhà thơ tiêu biểu nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, là “ngọn cờ chiến đấu của nền thơ ca cách mạng”. Có thể nói cả cuộc đời thơ của Tố Hữu đều gắn bó mật thiết và phản ánh một cách chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng đầy những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Tất cả các tác phẩm của Tố Hữu đều mang trong mình một điểm chung nhất chính là khuynh hướng trữ tình chính trị kết hợp với chất liệu dân tộc đậm đà bản sắc truyền thống, giọng thơ luôn dạt dào những tình cảm lớn, thanh đạm, trầm ấm nhưng tràn đầy nhiệt huyết, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của chiến sĩ và nhân dân trong chiến đấu. Từ ấy và Việt Bắc là hai tác phẩm nổi bật và thành công bậc nhất trong đường thơ của Tố Hữu, được sáng tác vào các giai đoạn khác nhau của cách mạng, thế nên dễ nhận thấy rằng cái tôi trữ tình của Tố Hữu có sự vận động, dịch chuyển rõ ràng trong hai bài thơ, hai giai đoạn lịch sử của đất nước.
Cái tôi trữ tình là những cảm nhận mang đậm dấu ấn cá nhân của văn nhân thi sĩ về cuộc đời, về những biến động của xã hội, của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh khác nhau. Đối với Tố Hữu cái tôi trữ tình của ông gắn liền với chặng đường cách mạng nhiều khó khăn gian khổ và vô cùng vẻ vang của đất nước, của nhân dân, và đặc biệt rằng dẫu là cái tôi cá nhân thế nhưng Tố Hữu luôn đặt nó vào trong vòng tay của nhân dân, của Đảng và nhà nước, vui những niềm vui chung, thúc đẩy những cảm hứng chung mang tính thời đại, chứ không đơn thuần là cảm nhận mang tính cá nhân, biệt lập.
Trong các tác phẩm của Tố Hữu, cái tôi trữ tình luôn hiện lên một cách rõ ràng và tươi sáng, đó là cái tôi của người chiến sĩ cách mạng, một cái tôi mang trong mình những tình cảm lớn, lòng khát khao được hòa mình với nhân dân với cộng đồng, điều ấy được thể hiện rất rõ nét trong tập thơ đầu tay Từ ấy và bài bài thơ chủ đề cùng tên của ông.
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Càng về sau này, khi đã đi cùng cách mạng một chặng đường vô cùng gian khổ và vẻ vang thì cái tôi trữ tình của Tố Hữu càng thêm sâu sắc, đó không chỉ là cái tôi trữ tình của người chiến sĩ mà là một cái tôi lớn, nhân danh Đảng, nhân danh nhân dân, với những vần thơ càng trở nên thắm thiết, mặn mà, đậm sâu những ân tình cách mạng. Có thể nói sự vận động cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu luôn gắn liền với cách mạng, giữ nguyên được những sơ tâm buổi ban đầu, đồng thời chính là quá trình trưởng thành của một hồn thơ, “một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng – Nghệ thuật – Tình yêu”.
Sự chuyển dịch trước hết là dựa trên cơ sở hoàn cảnh ra đời của hai tác phẩm, phải nói rằng các tác phẩm của Tố Hữu đều là những tác phẩm đánh dấu những mốc son quan trọng trong cuộc đời cách mạng ông và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ ấy được sáng tác vào tháng 7/1938, khi phong trào cách mạng Việt Nam bắt đầu có những đường lối rõ ràng. Sau những hoạt động tích cực trong phong trào thanh niên ở Huế, Tố Hữu vừa tròn 18 tuổi đã được vinh dự đứng vào đội ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Phải nói đối với một người thanh niên trẻ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ, chính thức đánh dấu một mốc son chói lọi trong cuộc đời thơ ca cách mạng cũng như sự nghiệp cách mạng của Tố Hữu, kéo dài suốt cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu như Từ ấy dừng lại ở hoàn cảnh riêng cá nhân Tố Hữu, thì đến Việt Bắc, nền tảng cảm hứng chủ đạo của bài thơ bắt nguồn từ chiến thắng vẻ vang của cả một dân tộc – chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7/1954, hiệp ước Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn độc lập, đi vào xây dựng cuộc sống mới, một trang sử mới được bắt đầu. Ngoài sự hân hoan vui sướng đến tột cùng, thì việc rời chiến khu Việt Bắc, trở về thủ đô đã để lại trong lòng những người chiến sĩ cách mạng và cả những người ở những nỗi niềm xúc động khó tả, Việt Bắc đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy.
Đó là sự vận động cái tôi trữ tình Tố Hữu trong sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử đất nước. Về nội dung, dựa trên những nền tảng hoàn cảnh lịch sử, cái tôi của người chiến sĩ cách mạng cũng có những thay đổi nhất định, thế nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, hướng về nhân dân của ông vẫn luôn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Sự chuyển dịch nằm ở sự hoàn thiện của hồn thơ, đồng thời là sự tiến triển của nền cách mạng dân tộc từ lúc còn non trẻ đến khi đã trưởng thành, mạnh mẽ, Tố Hữu quan niệm về việc làm thơ cách mạng rằng: “Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Nếu trong Từ ấy, cảm xúc chủ đạo là sự vui sướng, niềm hạnh phúc của một thanh niên 18 tuổi, khi vừa được giác ngộ lý tưởng cách mạng “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim”. Giọng thơ tự do bay bổng, phơi phới xuân xanh, bộc lộ nỗi niềm khao khát được hòa mình vào với cuộc đời, với nhân dân được cống hiến cho Tổ quốc. Cái tôi cá nhân trong tác phẩm được thể hiện một cách mạnh mẽ, đầy cảm tính nhưng tràn ngập năng lượng tích cực, đọc mỗi vần thơ sôi nổi ấy ta đều cảm nhận được khí khái của một chàng trai đang hát vang khúc quân hành, với trái tim tràn ngập nhiệt huyết tuổi đôi mươi. Lối thơ tự do, nhịp điệu nhanh, đẩy những cảm xúc vui sướng, khao khát của tác giả lên cao, nhấn mạnh cái tôi trữ tình cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hòa nhập vào với cộng đồng, làm thành một cái tôi chung to lớn.
Mười sáu năm sau, Việt Bắc ra đời trong một hoàn cảnh mới, Tố Hữu đã không còn là cậu thanh niên mới chập chững những bước chân đầu trong chặng đường cách mạng, mà đã trở thành một chiến sĩ nòng cốt, dày dặn kinh nghiệm, những cảm nhận của ông về thời cuộc cũng có nhiều thay đổi. Ở Việt Bắc ta không còn thấy những khát khao, những cảm xúc mạnh mẽ được bộc lộ trực tiếp mà thay vào đó cả nội dung và giọng điệu của bài thơ đều ấm áp, suy tư, thấm đẫm ân tình thủy chung. Bài thơ là sự hồi tưởng về những tháng ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ, là nỗi nhớ của người ra đi đối với người ở lại, bùi ngùi, xúc động không nói thành lời. Đặc biệt ở đây cái tôi trữ tình đã hòa nhập với cái “ta” chung của dân tộc, “ta với mình”, “mình với ta”, lời người đi dành cho người ở lại, lời người ở lại dành cho người đi, cứ luân phiên thay đổi. Suy thật rộng ra, lời thơ của Tố Hữu chính là đại diện cho tình cảm của cả một thế hệ cán bộ chiến sĩ từng gắn bó và chiến đấu tại núi rừng Tây Bắc đối với đồng bào và núi rừng nơi đây. Cả bài thơ nổi bật với cảm xúc chủ đạo là lòng biết ơn sâu sắc, gợi nhắc những ân tình gắn bó keo sơn, thủy chung và sâu sắc đối với con người Việt Bắc. Chú ý rằng, sự chia tay trong Việt Bắc đem đến những cảm xúc khó tả, nỗi niềm xúc động, bịn rịn của người đi kẻ ở, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là nỗi buồn bã ủy mị. Bởi quá khứ qua đi, tương lai phía trước sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, chia ly ngày hôm nay chính là tiền đề để thống nhất đất nước mai sau.
“Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
Sự vận động của cái tôi trữ tình còn thể hiện ở phong cách viết thơ, nếu như Từ ấy Tố Hữu chọn thể thơ tự do, bay bổng, dễ đem đến cảm xúc mạnh mẽ, thì ở Việt Bắc ông lại sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc. Điều ấy thể hiện sự chuyển dịch trong phong cách thơ của tác giả, mà nói chính xác là sự phát triển, trưởng thành của hồn thơ Tố Hữu từ khuynh hướng trữ tình chính trị sang khuynh hướng trữ tình chính trị kết hợp với chất liệu nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Điều ấy chứng minh rằng cái tôi trữ tình của Tố Hữu ngày càng tiến dần đến với nhân dân và gắn bó vô cùng mật thiết với nhân dân.
Có thể nói rằng sự vận cái tôi trữ tình của Tố Hữu có mối quan hệ chặt chẽ với hoàn cảnh lịch sử và sự phát triển của phong trào cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Từ hồn thơ non trẻ, tự do, bay bổng, cái tôi cá nhân mạnh mẽ, ý thức hướng tới cái chung dần rõ rệt chuyển sang một hồn thơ trưởng thành trong cả phong cách thơ và cảm hứng sáng tác. Cái tôi trữ tình của Tố Hữu đã hoàn toàn hòa quyện cùng với Đảng, với nhân dân, thể hiện ý nguyện cống hiến hết mình cho cuộc đời và cách mạng đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất/Sống là cho. Chết cũng là cho”.
——————–HẾT———————–
Từ ấy và Việt Bắc là hai trong những bài thơ tiêu biểu nhất trên đường thơ cách mạng của Tố Hữu, sau khi tìm hiểu xong bài Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ tố hữu từ từ ấy đến Việt Bắc, các em có thể đọc thêm: Vẻ đẹp của giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng trong khổ thơ đầu bài thơ Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng, Cảm nghĩ về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc. để mở rộng vốn kiến thức.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/su-van-dong-cua-cai-toi-tru-tinh-trong-tho-to-huu-tu-tu-ay-den-viet-bac/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục