Giáo dục

Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo

Đề bài: Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo

suy nghi ve cai chet cua nhan vat chi pheo

Bạn đang xem bài: Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo

Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo

I. Dàn ý Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo (Chuẩn)

1. Mở bài

– Giới thiệu về nhân vật Chí Phèo.
– Dẫn dắt vào chi tiết cái chết của nhân vật Chí Phèo.

2. Thân bài

a. Cái chết của Chí Phèo
– Chí Phèo vốn là một anh nông dân lương thiện nhưng bàn ta độc ác của Bá Kiến đã đẩy anh vào tù đày, trở thành một kẻ lưu manh.
– Khi gặp Thị Nở, tình yêu thương nơi Thị đã khiến Chí thấy được cưu mang, sẻ chia và đồng cảm, hắn muốn được làm người, khát khao lương thiện.
– Bị Thị từ chối, Chí tuyệt vọng vì không thể hoàn lương. Trong nỗi đau Chí tìm đến nhà Bá Kiến, giết hắn, tự kết thúc cuộc đời mình.

b. Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo
– Là con đường duy nhất giải thoát cho bi kịch tha hóa đầy đớn đau của Chí.
– Chính Chí đã gây ra tội ác và tự chấm dứt tội ác, chấm dứt con đường tha hoá của chính mình đã sa vào trước đó.
– Cái chết của Chí Phèo đã tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến với đầy rẫy những bất công đã đẩy biết bao người lương thiện như Chí vào bi kịch không lối thoát: bi kịch tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính.
– Cái chết của Chí Phèo còn phản ánh số phận bi thảm của rất nhiều người nông dân bất hạnh trong xã hội phong kiến. Họ bị giai cấp thống trị đẩy đến bước đường cùng, bị tha hóa, tước đoạt cả quyền tự do và quyền sống lương thiện.
– Cái chết ấy tuy không hóa giải cục diện đen tối của xã hội nhưng đã phần nào thức tỉnh ý thức của xã hội trong việc đấu tranh vì chống lại những độc ác, bất công để bảo vệ những điều tốt đẹp.
– Chí Phèo tự sát chính là hành động phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt nhất để bảo vệ sự lương thiện vừa được thức tỉnh, thể hiện sự đoạn tuyệt với cái ác, cái xấu đã tha hóa, chi phối mình bấy lâu nay.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của chi tiết và tấm lòng cao đẹp của nhà văn.

II. Bài văn mẫu Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Chí Phèo (Chuẩn)

Chí Phèo là một nhân vật trung tâm trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Bi kịch của Chí Phèo đã mang đến nhiều suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc cho người đọc về cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo trong xã hội xưa. Đặc biệt, qua cái chết đầy đau đớn của Chí Phèo cuối truyện, người đọc càng cảm nhận thấm thía hơn về bi kịch không lối thoát của những người dân bất hạnh, qua đó cũng thấy được tấm lòng nhân đạo cao cả của Nam Cao khi luôn hướng sự yêu thương, trân trọng đến con người.

Chí Phèo vốn là một anh nông dân lương thiện, hiền lành với những ước mơ bình dị về một cuộc sống bình yên như bao người. Trớ trêu thay, sự độc ác của Bá Kiến đã đẩy Chí vào cảnh tù đày. Nhà tù thực dân đã biến một anh Chí hiền lành, lương thiện trở thành một kẻ lưu manh, bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính. Sau khi ra tù, trở thành tay sai cho Bá Kiến đã khiến Chí trượt dài trong tội lỗi, trở thành “con quỷ dữ” làng Vũ Đại. Sau khi gặp Thị Nở, tình yêu thương nơi Thị đã khiến Chí thấy thức tỉnh, hắn muốn được làm người lương thiện, khát khao có một hạnh phúc giản đơn bên Thị. Thế nhưng, khát khao ấy dường như quá xa xỉ với một kẻ như Chí, lời từ chối phũ phàng của Thị Nở khiến Chí đớn đau nhận ra mình không thể trở về cuộc sống lương thiện được nữa. Trong nỗi đau bị bà cô Thị và Thị từ chối, Chí tìm đến nhà kẻ thù (Bá Kiến)- người đã đẩy hắn vào vũng bùn của tội lỗi để đòi lương thiện, cuối cùng Chí vung dao lên giết chết Bá Kiến, sau đó tự kết liễu sự sống của chính mình.

Khi đến nhà Bá Kiến, Chí Phèo đã uống rượu thật say, Chí say men rượu nhưng nhận thức vẫn vô cùng tỉnh táo. Điều đó được thể hiện qua lời khẳng định “Tao muốn làm người lương thiện” và tiếng kêu gào đầy đau đớn: “Ai cho tao lương thiện”. Trong lúc này đây, Chí hiểu được rằng mình không thể quay lại cuộc đời lương thiện được nữa “Tao không thể là người lương thiện nữa”. Hắn tuyệt vọng đến cùng cực. Hành động giết Bá Kiến trước khi chết của Chí là để trả thù, để xả đi những nỗi uất ức, khốn nhục mà bấy lâu nay Bá Kiến đã gây ra cho hắn. Sau đó, Chí Phèo đã chọn con đường tiêu cực là tự giết chính mình bằng hành động vô cùng dứt khoát. Chí tìm đến cái chết như là một con đường giải thoát cho cuộc đời mình. Nếu chí tiếp tục sống, sự khổ đau và tủi nhục vẫn còn dai dẳng, chẳng ai chấp nhận một con quỷ dữ như Chí. Rồi cuộc đời phía trước của Chí sẽ ra sao, sẽ sống một cuộc đời lầm lũi, bị mọi người chối từ, cự tuyệt hay tiếp tục trở lại cuộc đời đầy tội lỗi của một con quỷ dữ. Hành động tìm đến cái chết của Chí thoạt tiên là tiêu cực những với Chí có lẽ đó là con đường duy nhất mà Chí có thể làm để giải thoát chính mình khỏi những đau khổ, bất công của số phận.

Cái chết của Chí Phèo một lần nữa đã tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ với đầy rẫy những bất công đã đẩy biết bao người lương thiện như Chí vào bi kịch không lối thoát: bi kịch tha hóa về nhân cách. Chí là một đại diện tiêu biểu cho những kiếp người trong xã hội lúc bấy giờ, họ khát khao được lương thiện nhưng chính những đàn áp, bất công, bàn tay cường quyền ngự trị đã cướp đi sự tự do, lương thiện nơi họ, khiến họ phải chịu bao đớn hèn, tủi nhục, đau thương. Một cái chết về thề xác ấy là tiếng nói quyết liệt lên án một xã hội thiếu công bằng lúc bấy giờ.

Hơn thế nữa, cái chết của Chí Phèo là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đang sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến ấy. Để bảo vệ được chính mình, có một cuộc sống tự do và tốt lành, lương thiện, họ không còn con đường nào khác bằng con đường tự đấu tranh “có áp bức, có đấu tranh”. Cái chết ấy tuy không “hóa giải” cục diện đen tối của xã hội lúc này nhưng đã phần nào thức tỉnh ý thức của xã hội trong việc đấu tranh vì chính mình thay vì cam chịu những độc ác, bất công.

Chí Phèo tự sát chính là hành động phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt nhất để bảo vệ sự lương thiện vừa được thức tỉnh, thể hiện sự đoạn tuyệt với cái ác, cái xấu đã tha hóa, chi phối mình bấy lâu nay. Đây là cách duy nhất bảo vệ lương tri, phần người vừa được thức tỉnh trong Chí, đoạn tuyệt hoàn toàn với những điều xấu xa bấy lâu và để chống lại cái sự tha hóa đang ăn mòn gần hết nhân cách hắn. Đó cũng là minh chứng cho cái khao khát giả đơn của Chí là được trở về với một cuộc đời lương thiện, một cuộc sống thảnh thơi trong tâm hồn.

Qua chi tiết Chí Phèo tự sát, ta cũng thấy được tài năng của Nam Cao. Ông đã xây dựng nên chi tiết mang nhiều ý nghĩa, tác động lớn không chỉ đến cuộc đời và số phận nhân vật mà còn tác động đến nhận thức, tình cảm của người đọc. Đó cũng là chi tiết nâng tầm giá trị tư tưởng của tác phẩm. Qua đó, ta thấy được tấm lòng nhân đạo đầy cao cả của nhà văn khi nói lên tiếng cảm thông trước những đau khổ, nhục nhằn mà người nông dân Việt Nam phải gánh chịu, trận trọng những phần tốt đẹp bên trong những con người dưới đáy xã hội.

—————–HẾT——————

Ngoài ra, các em tham khảo thêm những bài văn hay cùng chủ đề sau đây: Phân tích hình ảnh Cái lò gạch cũ trong truyện ngắn Chí Phèo, Cảm nhận của anh chị về cái kết của truyện ngắn Chí Phèo, Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù, Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo để đúc rút kinh nghiệm làm văn cho bản thân nhé!

Bản quyền bài viết thuộc trường Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Tmdl.edu.vn (tmdl.edu.vn)

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button