Đề bài: Tìm hiểu bài Đàn Ghi-ta của Lor-ca
Bạn đang xem bài: Tìm hiểu bài Đàn Ghi-ta của Lor-ca
Tìm hiểu bài đàn ghi ta của Lorca, Hướng dẫn giải bài tập SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1
Câu 1: (Trang 166, SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
Trả lời:
– Các hình ảnh: Tiếng đàn bọt nước, áo choàng đỏ gắt, vầng trăng chếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn: Là những hình ảnh tượng trưng cho người anh hùng Lor-ca lúc còn tại thế.
+ Tiếng đàn của ông sôi động, đẹp đẽ nhưng cũng mong manh, dễ vỡ tựa như “bọt nước”, cũng tựa như cuộc đời của Lor-ca, người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh.
+ “Áo choàng đỏ gắt” là biểu tượng của đất nước Tây Ban Nha với những lễ hội đấu bò tót, Lor-ca tựa như người dũng sĩ khoác tấm áo choàng rực rỡ, sẵn sàng đương đầu với những con bò tót hung ác đại diện cho thế lực phát xít phản động Frăng-cô.
+ “Vầng trăng chếnh choáng” là một hình ảnh có tính siêu thực, vừa đẹp đẽ cũng lại thể hiện sự cô đơn, sự lẻ loi của người nghệ sĩ giữa bóng đêm, chỉ có vầng trăng soi bóng.
+ “Yên ngựa mỏi mòn” là hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng cho sự mệt mỏi của người anh hùng Lor-ca những ngày đơn độc chiến đấu, cuối cùng cũng có lúc ông mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi ở một nơi xa.
– Liên tưởng đến các hình ảnh: Áo choàng bê bết đỏ, tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy,… Khác với những hình ảnh phía trên thể hiện hình tượng người anh hùng Lor-ca, thì những hình ảnh ở đây lại đem đến cho ta liên tưởng về cái chết bi thảm của người anh hùng Lor-ca, đó là tấm áo choàng đỏ nhuộm máu, là màu “nâu” trầm buồn, là tiếng ghi ta tròn nhưng vỡ tan như “bọt nước”.
– Lor-ca bơi sang ngang, trên chiếc ghi ta màu bạc, chàng ném lá bùa cô gái Di Gan vào xoáy nước, ném trái tim mình vào lặng yên. Là những hình ảnh thể hiện sự bất tử của Lor-ca trong lòng người dân Tây Ban Nha, tuy thân thể ông đã chết, nhưng tâm hồn ông vẫn mãi còn ngự trị, ông vẫn với cây ghi ta yêu dấu của mình đi tìm tự do ở một thế giới khác, thế giới đó có những màu sắc tươi sáng hơn, đẹp hơn, ông buông bỏ hết những gì vướng bận ở kiếp này.
Câu 2: (Trang 166, SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
Trả lời:
“Không ai chôn cất tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Long lanh trong đáy giếng
Giọt nước mắt vầng trăng”
Đoạn thơ là những hình ảnh siêu thực mà Thanh Thảo sáng tác dành riêng cho cái chết bi thảm của người nghệ sĩ quá cố Lor-ca. Ông đã bị bè lũ phát xít tàn ác giết hại, rồi đem ném xác ông xuống giếng. Tiếng đàn vốn là biểu tượng cho tâm hồn người nghệ sĩ Lor-ca, “Không ai chôn cất tiếng đàn/Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” thể hiện niềm xót thương vô hạn về cái chết bi thảm của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh, cả cuộc đời ông chiến đấu, hi sinh vì những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, ông sống một cuộc đời thật đẹp, là niềm tự hào của dân tộc Tây Ban Nha. Thế nhưng, Lor-ca đã chết trong bất công, trong cô đơn thế nào không ai hay, xác ông bị vứt vào một cái giếng hoang, không được chôn cất tử tế. Tuy thân thể đã chết nhưng tâm hồn của ông vẫn như còn sống mãi, ông đã đưa nó vào tiếng đàn, “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang”, vậy tiếng đàn cũng như có sinh khí, trường tồn, không thể tận diệt như loài cỏ dại, cứ lan xa mãi. Điều đó thể hiện niềm tin vào công lý, niềm tin vào chính nghĩa mãi còn tồn tại, hình tượng người anh hùng Lor-ca mãi sống trong lòng người dân Tây Ban Nha.
Hình ảnh “Long lanh trong đáy giếng/Giọt nước mắt vầng trăng”, thể hiện sự tiếc thương vô hạn với cái chết của Lor-ca, đến cả thiên nhiên vũ trụ là vầng trăng cũng phải rơi lệ, giọt lệ ấy đã rơi vào đáy giếng đúng nơi Lor-ca nằm, phủ lên tấm thân Lor-ca như một niềm an ủi. Đồng thời, hình ảnh vầng trăng xuất hiện cũng là biểu tượng cho tâm hồn bất diệt sánh ngang tầm vóc vũ trụ của Lor-ca.
Câu 3: (Trang 166, SGK Ngữ Văn 12 tập 1)
Trả lời:
– Xuất phát từ nhan đề bài thơ, cây đàn ghi ta có ý nghĩa biểu tượng trước hết là cho nền văn hóa của đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Từ đó, thể hiện được tư tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ Lor-ca luôn gắn bó hết lòng với nền văn hóa của đất nước, sống chiến đấu cho những khát vọng đổi mới và cách tân nền văn hóa của dân tộc. Cây đàn cũng là niềm đam mê của Lor-ca, là hình ảnh biểu tượng cho vẻ đẹp của người nghệ sĩ tài hoa, lãng mạn.
– Hình tượng tiếng đàn thay đổi xuyên suốt trong bài thơ với hinh tượng chính là “tiếng đàn bọt nước” thể hiện số phận và những bi kịch cuộc đời của người nghệ sĩ Lor-ca. Cuộc đời ông cao đẹp, lãng mạn, trong trẻo, sôi động, nồng nhiệt với khao khát cách tân đất nước, thế nhưng ông lại ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, những dự định còn dang dở. Những tính chất ấy đều nằm trong một hình ảnh ẩn dụ rất đỗi tài tình đó là “bọt nước”, đẹp đẽ, trong trẻo, sôi động nhưng mong manh, dễ vỡ vô cùng.
– Tiếng ghi-ta cũng là những cung bậc cảm xúc khác nhau của người nghệ sĩ, lúc thật sôi động, hào hùng, lúc lại trầm buồn, mệt mỏi.
– Những hình ảnh “Tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, “tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” đều thể hiện cái chết bi thảm và niềm xót thương vô hạn cho thân phận người nghệ sĩ Lor-ca.
– Trong suốt bài thơ, hầu như người ta chẳng thấy hình ảnh con người mà xuyên suốt là hình ảnh tiếng đàn, với những trạng thái khác nhau, dường như tiếng đàn đã gảy lên những nét chính trong cuộc đời của người nghệ sĩ từ lúc còn sống cho đến lúc mất đi và cả giai đoạn sau khi ông qua đời.
——————————
Trên đây là chi tiết phần tìm hiểu bài Đàn Ghi-ta của Lor-ca, bao gồm tóm tắt nội dung chính và trả lời các câu hỏi trong SGK Ngữ văn tập 1. . Ngoài ra, để ôn tập kiến thức, chuẩn bị tốt cho các bài tập trên lớp, các em có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan đến bài Đàn ghita của Lorca như Phân tích và bình giá chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm đàn ghi ta của Lorca, Sơ đồ tư duy Đàn Ghi ta của Lor-ca, Phân tích ngôn từ nghệ thuật trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca. Tham khảo nội dung bài viết, các em sẽ hiểu rõ hơn về nội dung và phong cách nghệ thuật của bài thơ này.
Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/tim-hieu-bai-dan-ghi-ta-cua-lor-ca/
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục