Đề bài: Tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em
Bạn đang xem bài: Tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em
Tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em
I. Dàn ý Tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em
1. Mở bài
* Giới thiệu khái quát về Puskin và bài thơ Tôi yêu em:
+ Puskin được mệnh danh là “mặt trời thi ca Nga”.
+ “Tôi yêu em” là bài thơ tình viết về những cảm xúc mâu thuẫn mà thống nhất của một mối tình đơn phương.
2. Thân bài
* Khái quát nội dung chủ đạo của bài thơ:
– “Tôi yêu em” là những tâm sự chân thành nhưng cũng đầy đau đớn của nhân vật trữ tình về mối tình đơn phương đối với cô gái mình yêu.
– Mối tình gợi lên bao con sóng cảm xúc phức tạp trong tâm hồn của chàng trai
-> Qua những cảm xúc phức tạp ấy làm nổi bật lên tình yêu trong sáng cao thượng, đáng trân trọng.
* Biểu hiện của tình yêu trong sáng:
– Cảm xúc da diết, chân thành mà tự nhiên quá đỗi dành cho cô gái mình yêu:
+ “Chừng có thể” không chỉ khẳng định tình yêu hiện tại dành cho cô gái nhưng cũng thể hiện được nỗi bất lực, đau khổ của nhân vật trữ tình.
+ “chưa hẳn đã tàn phai” là lời phủ định trong bất lực bởi dù cố gắng nhưng vẫn chẳng thể thoát ra khỏi những cảm xúc nồng nàn, những rung động dành cho cô gái.
– Cố gắng dùng lí trí kiềm nén tình yêu vì không muốn cô gái phải đau khổ, muộn phiền:
+ Chàng trai lại đánh đổi hạnh phúc của mình để lấy lại nụ cười hồn nhiên, không gợn u hoài của cô gái.
+ Mối tình đơn phương ấy đau thấu tâm can nhưng sao cũng thật đẹp, thật đáng trân trọng.
– Lời cầu chúc chân thành, cao thượng:
+ “Tôi yêu em” được lặp lại lần thứ hai trong bài thơ như để khẳng định tình yêu dành cho “em” mãi vẹn nguyên, cháy bỏng như lúc ban đầu.
+ Lời cầu chúc “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em” xuất phát từ chính tình yêu, sự trân trọng và sự cao thượng của nhân vật “tôi”.
-> Chàng trai đã đặt hạnh phúc của cô gái lên trên tình yêu đơn phương của mình mà chân thành cầu chúc.
3. Kết bài
Khái quát vấn đề
II. Bài văn mẫu Tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em
Được mệnh danh là “mặt trời thi ca Nga”, Puskin đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền văn học Nga và cả văn học Thế giới. Tài năng nghệ thuật của Puskin kết tinh trên nhiều thể loại như: thơ, truyện ngắn, truyện cổ tích…trong đó Puskin đặc biệt thành công trong thể loại thơ trữ tình, với ngôn từ giản dị kết hợp với nguồn cảm xúc dạt dào, thơ tình Puskin có thể dễ dàng khơi dậy những xúc cảm chân thành mà tha thiết nhất. “Tôi yêu em” là bài thơ tình như vậy, viết về những cảm xúc mâu thuẫn mà thống nhất của một mối tình đơn phương, nhà thơ Puskin đã mang đến những cảm nhận sâu sắc về một tình yêu trong sáng, cao thượng.
“Tôi yêu em” là những tâm sự chân thành nhưng cũng đầy đau đớn của nhân vật trữ tình về mối tình đơn phương đối với cô gái mình yêu. Mối tình ấy gợi lên bao con sóng cảm xúc phức tạp trong tâm hồn của chàng trai, đó là tình yêu cháy bỏng, thiết tha đến khắc khoải nhưng chẳng thể tiếp tục, là những day dứt, đấu tranh dữ dội giữa lí trí và tình cảm, là những giận hờn, đau đớn khi tình yêu không được hồi đáp và cuối cùng tất cả những tình cảm trào dâng, mãnh liệt bình lặng lại qua lời cầu chúc của một tấm lòng si tình sáng trong, cao thượng.
Trước hết, tình yêu trong sáng của nhân vật trữ tình được bộc lộ qua những cảm xúc da diết, chân thành mà tự nhiên quá đỗi dành cho cô gái mình yêu:
“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
Nhân vật trữ tình đã bộc bạch trực tiếp tình yêu dành cho cô gái, đó là tình yêu thầm kín nhưng bền lâu, khắc khoải kéo dài từ quá khứ đến hiện tại. “Chừng có thể” không chỉ khẳng định tình yêu hiện tại dành cho cô gái nhưng cũng thể hiện được nỗi bất lực, đau khổ của nhân vật trữ tình. Dù tình yêu dành cho cô gái cháy bỏng đấy, tha thiết đấy nhưng không biết vì một lí do nào đó mà chàng trai cố dùng lí trí để kìm nén những cảm xúc sục sôi ấy, cố gắng nhắc nhở mình phải dừng lại đoạn tình duyên vốn không thể bước tiếp này. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến đâu thì lí trí cũng chẳng thể kìm lại những cảm xúc dâng trào bên trong trái tim, khiến cho ngọn lửa tình vẫn âm ỉ cháy nhưng lại mang đến những bỏng rát cho con tim. “chưa hẳn đã tàn phai” là lời phủ định trong bất lực, đau đớn vì chàng trai ấy biết rằng dù cố gắng nhưng vẫn chẳng thể thoát ra khỏi những cảm xúc nồng nàn, những rung động dành cho cô gái.
Dù đã cố gắng kìm xuống những cảm xúc đơn phương bằng lí trí tỉnh táo nhưng con tim lại chẳng dễ dàng buông bỏ. Đến câu thơ tiếp theo, chàng trai đã tự đưa ra những lí lẽ để thuyết phục mình, tuy không thể làm chủ con tim mình nhưng vì hạnh phúc của người mình yêu, dường như chàng trai có thêm quyết tâm:
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”
Câu thơ đã thể hiện được sự bình tĩnh của lí trí và cả cái to lớn trong tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái. Bởi chỉ có tình yêu đích thực và đủ lớn thì chàng trai mới có thể vượt qua những cảm xúc cháy bỏng của bản thân, nhận về những tổn thương cho mình. Yêu đến khắc khoải, đau đớn nhưng dù có trải qua bao đau khổ, tổn thương đi nữa thì chàng trai cũng quyết không thổ lộ để thỏa mãn ích kỉ của bản thân mà giấu kín chỉ mong cô gái được vui vẻ và không có bất cứ tổn thương nào. “Nhưng không để em bận lòng thêm nữa”, tình yêu vốn gắn liền với cảm xúc nồng cháy và cả khát vọng được đáp lại, thế nhưng chàng trai lại đánh đổi hạnh phúc của mình để lấy lại nụ cười hồn nhiên, không gợn u hoài của cô gái. Mối tình đơn phương ấy đau thấu tâm can nhưng sao cũng thật đẹp, thật đáng trân trọng.
Có thể nói, trong bài thơ “Tôi yêu em”, nhà thơ Puskin đã tái hiện đầy chân thực những cung bậc cảm xúc của một mối tình đơn phương, nhà thơ không cố tạo dựng một tình yêu cao cả mà khiên cưỡng, giả tạo mà để những cảm xúc tự nhiên tràn lên mặt giấy mang đến những xúc động mãnh liệt nơi độc giả.
Khi yêu mấy ai làm chủ được con tim, cảm xúc của mình, và với chàng trai trong bài thơ cũng vậy, dù đã tự dặn lòng phải quên đi đoạn tình chẳng thể có kết quả này, cũng biết rằng không có một tia hi vọng dù nhỏ nhoi nào với tình yêu ấy, thế nhưng khi nhìn cô gái tay trong tay với người khác, chàng trai vẫn không thể làm chủ được cảm xúc ghen tuông, hậm hực. Đó là những cảm xúc rất bình thường khi yêu, thế nhưng nó càng đau khổ hơn đối với mối tình đơn phương, bởi dù yêu, dù ghen tuông, giận hờn cũng không thể nói ra, bởi chính bản thân của chàng trai cũng biết rằng mối tình này “âm thầm”, “không hi vọng”.
Nếu bốn câu thơ đầu chàng trai cố gắng dùng lí trí để thuyết phục con tim quên đi tình yêu dành cho cô gái thì đến câu thơ này mọi cảm xúc lại bùng phát mạnh mẽ, độc giả dường như nhìn thấy được sự tuyệt vọng, mất bình tĩnh, mâu thuẫn trong chính tình yêu của mình.
Thế nhưng, khi những cảm xúc giận hờn qua đi, tâm hồn chàng trai như bình lặng lại và rồi đưa ra một quyết định đầy đau đớn:
“Tôi yêu em chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”
“Tôi yêu em” được lặp lại lần thứ hai trong bài thơ như để khẳng định tình yêu dành cho “em” mãi vẹn nguyên, cháy bỏng như lúc ban đầu, đó là tình yêu chân thành, đằm thắm hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Thế nhưng khác với lần đầu tiên lời thổ lộ ấy được nói ra, lần xuất hiện thứ hai này nó xuất hiện như khúc vĩ thanh cho một mối tình đơn phương.
Lời yêu được nói ra không phải để bày tỏ nữa mà đó là lời khẳng định tình yêu của bản thân. Sau lời khẳng định ấy chàng trai đã đưa ra một quyết định dứt khoát- bước ra khỏi tình yêu tuyệt vọng, bế tắc, trả lại hạnh phúc cho cô gái và người mình yêu. Lời cầu chúc “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em” xuất phát từ chính tình yêu, sự trân trọng và sự cao thượng của nhân vật “tôi”. Chàng trai đã đặt hạnh phúc của cô gái lên trên tình yêu đơn phương của mình mà chân thành cầu chúc, lời cầu chúc khiến cho độc giả cảm động mà cũng xót xa, chàng trai mong muốn cô gái gặp được người yêu mình như cách mình đã yêu.
Tình yêu trong sáng, cao thượng của chàng trai cũng thể hiện được quan niệm của Puskin trong tình yêu: Yêu là tình cảm tự nguyện từ hai phía, tình yêu đích thực không có những nhỏ nhen, sự ích kỉ mà là sự tôn trọng, chân thành. Bài thơ Tôi yêu em một lần nữa thể hiện rõ nét quan niệm về tình yêu trong sáng trong thơ của Puskin.
———————–HẾT—————————
Tình yêu trong sáng là nét đặc sắc trong thơ tình Puskin, bên cạnh bài Tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em, các em có thể tìm hiểu thêm những biểu hiện của tình yêu trong sáng trong thơ Puskin qua một số Bài văn hay lớp 11 khác như: Phân tích bài thơ Tôi yêu em, Bình giảng bài thơ Tôi yêu em, Cảm nghĩ về bài thơ Tôi yêu em, Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong sáng trong bài thơ Tôi yêu em.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường Tmdl.edu.vn (tmdl.edu.vn)
Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục