Văn Học

Top 3 bài phân tích khổ 2 Sang thu hay chọn lọc

Phân tích khổ thơ thứ 2 bài Sang thu

Phân tích khổ 2 bài Sang thu

Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu để thấy bức tranh thu hiện lên đẹp đẽ và rất thơ mộng qua những vần thơ của Hữu Thỉnh. Sau đây là nội dung chi tiết bài cảm nhận khổ thơ thứ 2 bài Sang thu siêu hay, mời các bạn cùng tham khảo.

Bạn đang xem bài: Top 3 bài phân tích khổ 2 Sang thu hay chọn lọc

1. Phân tích khổ 2 bài Sang thu ngắn nhất

Không còn những mơ hồ, hoài nghi về khí thu se lạnh đã chạm ngõ, khổ thơ thứ hai là những phát hiện về thiên nhiên sang thu đẹp đẽ và rất thơ:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Tứ thơ mở ra trước mắt người đọc một không gian rộng lớn, mênh mang. Đó là chiều dài của dòng sông êm đềm đưa nước mùa thu. Sông không ồn ào, cuộn sóng như mùa hạ mà “được lúc dềnh dàng”. Cụm từ nhân hóa khiến ta cảm nhận được sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, trầm lắng suy tư của dòng sông với nước thu trong vắt. Một dáng vẻ khoan thai đối lập hoàn toàn với sự “vội vã” của đàn chim trên trời cao xanh thẳm. Tác giả rất tinh tế khi sử dụng từ “bắt đầu” chứ không phải là đang vội vã, bởi thu mới chạm ngõ bằng hơi sương lạnh lẽo, còn đủ thời gian cho những cánh chim làm tổ, tha mồi, chuẩn bị đón một mùa đông lạnh lẽo kéo dài. Phải có tình yêu thiên nhiên và những cảm nhận sâu sắc, nhà thơ mới thấy được những biến chuyển của vạn vật trong khúc giao mùa như vậy. Và trên bầu trời cao ấy, những đám mây như những dải lụa mềm, nhẹ nhàng vắt ngang bầu trời, một nửa ở bầu trời mùa hạ, nửa đã vắt sang thu. Hình ảnh “đám mây mùa hạ”, “vắt nửa mình sang thu” là một sự liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ. Câu thơ gợi ra bước đi uyển chuyển, mềm mại của thời gian.

Với những hình ảnh thơ thân thuộc gợi ra màu sắc thu cùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa, tác giả đã thổi hồn vào thiên nhiên với những cảm xúc rất con người. Qua đó ta thấy được những quan sát tinh tế của thi nhân trước sự biến chuyển của thiên nhiên và một tâm hồn tha thiết, yêu cái đẹp. Bức tranh chuyển mùa qua lời thơ Hữu Thỉnh thực sự mềm mại, nhẹ nhàng và uyển chuyển biết bao.

2. Phân tích khổ 2 bài Sang thu

Qua khổ thơ thứ hai bài “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh, người đọc cảm nhận những biến chuyển của đất trời trước khoảnh khắc giao mùa.

Trong khổ thơ thứ hai, sau một thoáng bỡ ngỡ, nhà thơ như chợt bừng tỉnh – mùa thu đã về thật rồi! Khép lại những hoài nghi, Hữu Thỉnh chẳng còn nghĩ gì ngoài cảm xúc đang dâng trào:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Thiên nhiên sang thu được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng. Hai câu thơ có nhịp thơ nhanh và gấp cũng như hơi thở của mùa thu đã bắt đầu đập mạnh. Sông vào mùa này chẳng có mưa to gió lớn nên nước cứ “dềnh dàng”. Dòng sông quê hương thướt tha, mềm mại, hiền hòa trôi một cách thanh thản gợi ra vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên. Hình ảnh cánh chim chiều bắt đầu vội vã bay về phương nam tránh rét. Con sông mùa thu tràn trề nước mà hình như cứ không chịu chảy, cứ cố nán lại để đợi chờ ai. Phải chăng sông chờ nước mùa thu? Một hình ảnh thơ thật lãng mạn và thi vị. Nhưng đàn chim thì không thể dềnh dàng được nữa, chúng phải vội vã bay về phương Nam tránh rét. Tất cả đều đang chuyển mình, đang thay đổi. Các từ láy “dềnh dàng”, “vội vã” như mở ra sự đối lập thú vị trong khung cảnh thiên nhiên cao rộng. Sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ của tác giả đặc biệt được thể hiện qua cách miêu tả hình ảnh “đám mây mùa hạ”. Tác giả nhân hóa đám mây bằng từ “vắt” – hai câu thơ giàu sức tạo hình. Từ “vắt” diễn tả đám mây như một dải lụa mềm mại trên bầu trời, một nửa là mùa hạ, nửa kia đã nghiêng về mùa thu. Câu thơ còn gợi bước đi của thời gian uyển chuyển, mềm mại. Không biết ở đây là mùa thu lưu luyến mùa thạ hay nhà thơ đang mong chờ mùa hạ mà vẫn lưu luyến mùa thu đây? Điều này thì Hữu Thỉnh thật khác với các nhà thơ khác. Cũng viết về mùa thu, Nguyễn Khuyến viết: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” – có nghĩa là thu của Nguyễn Khuyến đã thực là thu, nó không còn vương vấn chút gì của mùa hè rực lửa. Chắc hẳn phải yêu mùa thu lắm Hữu Thỉnh mới vẽ ra được một bức tranh thu nồng đượm hơi ấm đất trời, nồng đượm hơi ấm quê nhà như thế!

“Sang thu” – một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của cả đất trời Việt Nam.

3. Cảm nhận khổ 2 bài Sang thu

Mùa thu mang lại cho nhiều nhà thơ sự rung động, cảm hứng để họ viết nên những áng thơ hay. Thời khắc chuyển mùa được Hữu Thỉnh cảm nhận tinh tế và nhạy cảm qua bài thơ Sang thu, đặc biệt khổ thơ thứ 2 thể hiện rõ nét thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu.

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Sự cảm nhận của tác giả đã trở nên mở rộng hơn, còn sông không còn dữ dội mạnh mẽ như mùa hè mà đã trở nên dềnh dàng, con sông như trầm lặng, nhẹ nhàng hơn trôi. Trên bầu trời cao những đàn chim vội vã bay về hướng Nam, từ “bắt đầu” ám chỉ thời điểm mới sang thu nên đàn chim cũng không quá vội vàng di chuyển tránh rét. Vẫn là không gian trên không đó là những đám mây mùa thu nhẹ nhàng trôi lững lờ, mềm mại và “vắt nửa mình sang thu”, hình ảnh đầy sự sáng tạo và độc đáo trước đây chưa từng có. “Vắt nửa mình sang thu” hình ảnh tinh tế có được nhờ sự cảm nhận riêng đầy tinh tế. nhạy cảm của tác giả.

Cảnh vật lúc này chỉ là chớm thu khi mùa hạ còn chưa hết, mùa thu đang sang, thiên nhiên có sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và êm đềm như chính bản chất của mùa thu.

Nếu như khổ đầu tiên sự cảm nhận về sắc thu vẫn còn mơ hồ thì trong khổ 2 người đọc nhận thấy mùa thu đang trở về một cách đầy đủ và mới mẻ hơn. Khổ thơ thứ 2 được cảm nhận với sự tinh tế và mới lạ từ chính Hữu Thỉnh.

Cảnh vật sang thu được tác giả cảm nhận với những nét mới lạ, độc đáo từ chính Hữu Thỉnh, cảnh vật vừa gần gũi, quen thuộc của miền quê vừa có những nét rất riêng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học – Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button