Văn Học

Top 5 bài giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở

Giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở lớp 7

Học ăn, học nói, học gói, học mở có ý nghĩa là gì? Có thể nói học ăn, học nói, học gói, học mở là những điều căn bản trong cuộc sống mà mỗi người cần nắm được. Tuy nhiên ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ này là phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế làm sao cho lịch sự, tế nhị, văn minh. Sau đây là các bài văn giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở hay và chi tiết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu tục ngữ này.

1. Dàn ý giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở

Mở bài:

Bạn đang xem bài: Top 5 bài giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở

Không phải ai sinh ra cũng học rộng biết nhiều. Kiến thức là cả 1 quá trình tích luỹ vô cùng gian khổ, học từ cái đơn giản cho đến cái cao hơn, khó khăn hơn. Vì thế mà ông cha đã dạy: “học ăn học nói học gói học mở”

Thân bài:

– Giải thích: câu tục ngữ nhắc nhở người ta phải học hỏi nhiều điều trong cuộc sống, xã hội thực tế để hoàn thiện bản thân. Học ăn học nói là học cách ăn uống hợp vệ sinh, nói năng lịch sự, rõ ràng, học gói, học mở là thể hiện sự thành thạo, khéo léo.

– – > Muốn là người có văn hoá, lịch sự, thành thạo trong công việc và cuộc sống thì phải học từ cái nhỏ nhất và học trong cuộc sống thực tế hằng ngày.

– Dẫn chứng:

+ Trong đời sống thực tế: đâu có doanh nhân nào thành đạt mà không phải học hỏi từ việc nhỏ nhất như tính toán,… rồi mới đến việc quản lý, kinh tế…

+ Ronadinho phải luyện tập đá bóng từ khi còn nhỏ. Tập rất nhiều ngày cho việc nhắm bóng cho chuẩn, rồi tư thế đã thế nào cho chính xác…rồi mới đến việc đá cho thành thục và trở thành thiên tài…

+ Chúng ta không học lớp 1 thì sao có thể học lớp 2, không viết nét cong thì sao có thể viết được chữ O, không luyện nét thẳng sao có thể viết được chữ H, G….

+ Lê – ô nac Đô Đơ – vanh – xi tập vẽ trứng trong suốt 3 tháng. Không học từ những nét cong đơn giản sao có thể vẽ được 1 bức tranh có hồn?

+ Không học cách cầm đũa cầm thìa sao có thể học cách ăn?

+ không học cách nói năng lịch sự sao có thể diễn đạt, sao có thể học giỏi văn?

Kết bài:

Quá trình tích luỹ kiến thức và hành trang bước vào đời quả là không hề đơn giản. Học từ những việc nhỏ nhất cho đến việc lớn hơn để hoàn thiện bản thân. Câu tục ngữ ” học ăn học nói học gói học mở” quả là 1 bài học thấm thía sâu sắc, làm giàu thêm cho kho tàng “túi khôn” của nhân loại và lưu truyền đến muôn đời sau.

2. Giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở ngắn gọn

Từ xa xưa, ông cha ta đã coi trọng việc ăn nói trong đời sống hằng ngày. Bởi thế, trong nhiều câu ca dao tục ngữ đã khẳng định: lời nói gói vàng. Bằng kinh nghiệm sống của mình, người xưa đã đúc kết được câu: Học ăn, học nói, học gói, học mở để khuyên bảo chúng ta học hỏi để sống sao cho lịch sự, tế nhị, biết cách đối nhân xử thế, thành thạo các việc.

Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà con người phải học. Việc ăn tưởng chừng như là việc dễ dàng nhất rồi, nhưng không, nó lại là cái mà con người nên học đầu tiên. Học cách ăn làm sao thể hiện được mình là người có văn hóa, có học thức. Ăn làm sao để phần “người” át đi phần “con” tồn tại trong mỗi chúng ta. Ăn không chỉ là một hành động để sinh tồn, mà nó còn là một khía cạnh giúp đối phương đánh giá được phẩm chất con người của ta. Bởi thế, ăn làm sao để mọi người không dị nghị, biết được mình là con người lịch sự.

“Học nói” cũng vô cùng quan trọng. Khi ta mới bắt đầu bi bô những chữ đầu tiên trong đời, bố mẹ ta đã dạy ta những từ hay, ý đẹp. Nhưng khi lớn lên rồi, ta chủ động được lời nói của mình, thì việc dùng từ sao cho lọt tai mọi người lại là vấn đề khác. Con đường nhanh nhất để gây được thiện cảm với người khác là lời ăn tiếng nói. Muốn đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp, trước hết bản thân ta phải biết ta đang muốn nói gì, và dùng từ ngữ như thế nào để biểu đạt được nó. Muốn làm được điều đó, trước hết mỗi người phải có được vốn kiến thức đủ rộng, có vốn từ phong phú và phải biết sử dụng chúng hợp lý. Khi giao tiếp, cần phải biết được điều gì nên nói, điều gì không, luôn cân nhắc thận trọng trước khi nói chứ không nên bộp chộp, vội vàng.

Học ăn học nói được hiểu là học để biết cách ăn, biết cách nói thế nào cho lịch sự, cho văn minh, chúng ta ai cũng hiểu điều đó. Nhưng còn học gói học mở? Nó có liên quan gì đến lối sống, cách sống?

Theo các cụ thời xưa, ở Hà Nội trước đây các gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén nhỏ để bày lên mâm. Lá chuối tươi thường giòn, dễ rách nên dễ bật tung khi mở. Phải thật khéo tay mới gói và mở được. Vì vậy biết gói và mở trong trường hợp này được coi là tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Và để biết gói nước chấm, biết mở chúng thì ai cũng cần phải học.

Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thì cách giao tiếp là một vũ khí quan trong trong mọi việc. Hàng hóa tốt, cửa hàng đẹp, những người bán lịch sự, niềm nở, đon đả thì mới có nhiều khách lui tới. Bởi thế, giao tiếp có một sức mạnh vô hình. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, trước hết chúng ta cần phải rèn giũa bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết thì mới nắm vững được thành công.

Câu tục ngữ là một lời nhắc nhở kín đáo, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn để tiến tới làm việc, học tập thật tốt trong môi trường hiện đại.

3. Giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở chi tiết

Lời nói chính là ngôn ngữ phương tiện trao đổi để con người giao lưu, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong cuộc sống của con người từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành, già nua và chết đi, mỗi thời kỳ chúng ta đều phải học tập rất nhiều thứ khác nhau trong cuộc sống, bất kỳ cái gì cũng phải học. Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” thể hiện sự cần thiết phải học tập trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống con người.

Câu nói có ý khuyên nhủ con người hãy cư xử nói năng cho thấu tình đạt lý:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, con người thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ để thể hiện ý kiến, thái độ sống của mình. Nếu chúng ta không biết lựa chọn ngôn ngữ thích hợp với ngữ cảnh thì sẽ làm người đối diện tỏ vẻ khó chịu, mất thiện cảm với chúng ta, khiến cho chúng ta mất điểm trước mắt họ.

Thái độ giao tiếp, ngôn ngữ cử chỉ, sẽ nói lên trình độ văn hóa, phong cách sống của một con người cho chúng ta một cái nhìn tổng quan nhất về con người đó. Một người ăn nói dịu dàng, nho nhã sẽ gây được thiện cảm hơn với người thường xuyên nói tục chửi bậy, gây phản cảm với người xung quanh.

Trong cuộc sống con người học đối nhân xử thế, ứng xử trong giao tiếp cho vừa lòng nhau giữa người với người là điều vô cùng khó. Muốn đạt được mục đích đó chúng ta phải cố gắng hoàn thiện mình, cái gì hay , cái gì tốt ở người xung quanh chúng ta nên cố gắng học hỏi, cố gắng để phát huy được ưu điểm của mình, và hạn chế những nhược điểm của mình trong mắt người khác.

Việc chúng ta phải lựa lời để nói, là một việc làm liên tục lâu dài trải qua nhiều thời gian, chứ không phải có thể học trong một ngày, hai ngày là thành công. Việc học của con người là vô tận học cho tới lúc già, lúc chết cũng vẫn phải học, bởi cuộc sống của con người không ai là hoàn hảo cả , ai cũng có những khuyết điểm sai lầm của riêng mình.

Chính vì vậy để không làm gì phải lăn tăn, hối hận suy nghĩ về sau, người xưa mới nói câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”

Ý nghĩa của câu nói này là bất kỳ việc gì con người ta cũng đều phải học, từ những việc đơn giản nhất như việc ăn cũng phải học. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng thể hiện việc ăn uống có văn hóa, biết ứng xử đúng lễ nghĩa. Trước khi ăn vào nhìn trước ngó sau xem có ai lớn tuổi hơn thì mời người đó, thể hiện việc lễ nghĩa.

Trong câu nói thường ngày người xưa thường bảo “Ăn thì phải nhai, nói phải nghĩ” thể hiện việc ăn cũng không đơn giản phải nhai thật kỹ không mắc nghẹn, còn lời nói thì phải nghĩ kỹ không sẽ làm người khác khó chịu, về thái độ cư xử không đúng của mình.

Học gói, học mở thể hiện sự quan trong trong giao tiếp dù tặng quà hay nhận quà chúng ta cũng phải thể hiện thái độ trân trọng thành kính, không phải muốn làm gì thì làm theo ý của chúng ta. Câu nói này thể hiện việc cần phải học tất cả mọi thứ trong cuộc sống từ những cái dễ nhất, tới cái khó hơn…

Trong hoàn cảnh nào thì câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đều đúng trên mọi phương diện, nó là tình cảm là lời nhắn nhủ của ông cha ta tới con cháu của mình, làm gì cũng cần nhìn trước ngó sau, cần học tập để có thể ứng xử cho đúng mực.

4. Giải thích câu tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở hay

Con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, và thậm chí sau này nữa, thì việc học tập, tiếp thu tri thức là việc không bao giờ ngừng nghỉ. Học để hoàn thiện bản thân, để có những thành quả trên con đường thực hiện ước mơ. Người ta không phải chỉ học chữ, mà còn phải học cả cách ứng xử. Ông bà ta có câu tục ngữ khuyên nhủ rằng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Học tập là việc mà mỗi một con người phải luôn cố gắng thực hiện, để tiếp thu kiến thức, hoàn thiện bản thân, cống hiến cho quê hương đất nước. Ngoài việc học tập tri thức trên ghế nhà trường, con người còn phải học tập cách ứng xử đúng mực. Chính vì thế, ông bà ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu tục ngữ trên là một lời khuyên vô cùng đúng đắn.

Đi vào tìm hiểu nội dung câu tục ngữ, ta thấy lời khuyên của người xưa thể hiện ở ba điều: Con người cần học cách ăn uống thanh lịch, học cách nói năng nhã nhặn và cách ứng xử khéo léo, đúng lúc đúng chỗ. Về lời khuyên con người phải “học ăn”, ta có thể thấy thật không sai. Ăn uống là cách mà con người thể hiện trình độ văn hóa và sự thanh lịch của bản thân. Các nước trên thế giới đều có văn hóa ẩm thực riêng biệt. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của việc học cách ăn uống cho lịch sự. Người nhẹ nhàng, nho nhã thì cách ăn uống sẽ lịch sự đáng yêu. Ông bà ta có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, tức là phải có ý tứ trong bữa ăn, tùy theo tình thế mà ứng xử, để người khác có cảm tình và thêm tôn trọng với bản thân ta. Để rèn giũa tính cách cho con trẻ, các bậc ông bà, cha mẹ cũng luôn nhắc nhở về cách ăn uống sao cho nhã nhặn. Tất cả những điều đó cho thấy quả thật cần “học ăn” để hoàn thiện thêm tính cách con người.

Học ăn rồi thì nhất định phải “học nói”, bởi lời nói là công cụ giao tiếp vô cùng quan trọng của mỗi con người. Lời ăn tiếng nói giúp cho mối quan hệ giữa người và người trở nên thông cảm, gắn bó hơn. Lời nói khéo léo, hòa nhã khiến cho người nghe thêm hiểu vấn đề, và từ đó, hiệu quả lời nói thêm nhiều, đem tới thành công cho người giỏi nói năng. Tổng thống Mỹ Obama được mệnh danh là một nhà chính trị có tài hùng biện. Ông cho rằng: “Lời nói có thể thay đổi thế giới”. Ông bà ta xưa cũng có lời khuyên rằng:

Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Thế mới biết “học nói” là một việc quan trọng chẳng kém gì học tập các tri thức khác. Mà học nói thì phải bắt đầu từ học sử dụng tiếng Việt cho đúng cho hay. Và cũng cần rèn luyện nhân cách cho tốt, cho đẹp. Bởi quả thật là lời nói phản ánh tính cách của con người rất rõ nét.

Câu tục ngữ còn khuyên con người nên “học gói, học mở”. Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều tình huống phức tạp xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải biết cách ứng xử khéo léo thì mới có thể giải quyết được chúng một cách êm xuôi. Những mối quan hệ giữa người và người, bên cạnh sự trung thực, thì cũng cần đến sự tế nhị. Có những sự việc mà đứng trước nó, ta nên biết cách “gói” lại cho gọn, chấm dứt phiền phức. Chẳng hạn như những mâu thuẫn xảy ra trong đời thường, nếu có thể thì chúng ta cần gói ghém lại cho khéo, tránh khoét sâu mâu thuẫn, nhất là trong mối quan hệ bạn bè chung trường chung lớp. Cũng có những khi, ta phải khéo léo “mở” lòng để đón nhận những tâm tình của mọi người xung quanh, để hiểu được bạn bè người thân, giúp đỡ, chia sẻ cùng họ những buồn vui ở đời. Việc “học gói, học mở” ấy cũng không nằm ngoài những quy tắc ứng xử như lòng biết ơn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, sự hòa thuận trong gia đình “anh em hòa thuận hai thân vui vầy”, hoặc là lòng tôn sư trọng đạo “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”…

Tóm lại, là học sinh, thuộc lớp người trẻ của đất nước, học tập luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Mỗi chúng ta cần có phương pháp học tập đúng đắn, toàn diện, học tri thức và cả học tập cách ứng xử trong cuộc sống, học để làm người tốt, học để hoàn thiện bản thân về mọi mặt. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể gặt hái thành công, trở thành người hữu ích.

5. Em hãy giải thích tục ngữ Học ăn học nói học gói học mở

Dân gian xưa đã để lại cho đời sau những câu nói thật hay, thật đẹp: “Học ăn, học nói,học gói, học mở”. Đây là lời răn dạy của cha mẹ đối với con cái trong gia đình, dòng tộc.

Ăn thế nào cho có văn hoá? Nói thế nào cho lễ phép, lịch thiệp? Gói, mở thế nào cho nó đẹp về hình thức, có ý nghĩa về nội dung? Đó chính là vấn đề nề nếp gia phong của gia đình, dòng tộc, có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Nói một cách khác là con người phải có hiểu biết, có văn hoá, có nhận thức thì giải quyết vấn đề “Học ăn, học nói, học gói, học mở” sẽ có hiệu quả vì nó là một vấn đề rất tế nhị của đời sống xã hội. Cuộc sống rất phong phú, cái gì muốn biết ta cũng phải học, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ không biết đến biết… đó chính là kinh nghiệm sống của dân gian truyền lại cho con cháu, một bài học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ví dụ: Khi ta đóng một cái đinh lên tường để treo một cái ảnh, tuy đơn giản, song cũng phải học đóng cho thẳng thì ảnh treo mới cân và đẹp.

Vậy thế nào là “Học”? Học là học hỏi, tìm tòi sáng tạo để mang về cho mình những kiến thức cần thiết của đời sống xã hội. Còn “học ăn” là thế nào? là vấn đề thuộc phạm trù văn hoá ẩm thực, mà người xưa đã dạy: “Ăn trông nồi…”. Học ăn là thể hiện nét văn hoá đẹp, khi ngồi trong mâm cơm có đầy đủ mọi người như: ông bà, cha mẹ, anh chị, khách… ta phải ăn thế nào để mọi người khỏi chê cười là người “tham ăn, tục uống”, tránh ăn theo kiểu thô tục – ăn hùng hục, ăn lấy được, chọn miếng ngon ăn trước, không để ý những người xung quanh, trên còn có ông bà, sau đến cha mẹ, khách khứa… đó chính là nghệ thuật mang nét văn hoá, văn minh, lịch sự trong sinh hoạt ẩm thực, nó còn thể hiện lối sống có phép tắc, tư cách đạo đức của con người hiểu biết hay không. Trong cuộc sống, ta giao tiếp với nhiều lớp người khác nhau: công nhân, thầy cô giáo, trí thức, thứ bộ trưởng… vì thế ta nên sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng, từng con người cụ thể. Muốn vậy ta phải “Học nói”. Vậy thế nào là học nói? Từ xa xưa cha ông ta đã nói: “Dạy con từ thuở còn thơ…” Dạy con phải dạy từ nhỏ, biết cách nói năng với bố mẹ cho lễ phép, câu nói phải có chủ ngữ, kính trên nhường dưới. Mặt khác, bố mẹ uốn nắn cho con những cái sai, dạy cho con những điều hay lẽ phải, nghĩa là dạy cho con đạo lý làm người. Người vợ khi mới về nhà chồng còn“lạ nước, lạ cái”, tiếp xúc với chồng hoặc cha mẹ chồng phải nói năng cẩn thận để khỏi mất lòng, cân nhắc từng lời ăn tiếng nói, để tránh những điều tiếng trong cuộc sống hàng ngày. Học nói là một nghệ thuật trong giao tiếp sao cho khéo léo, được lòng mọi người, thể hiện mình là người có văn hoá, có tri thức (vốn sống, vốn hiểu biết). Bên cạnh vấn đề học nói là học gói, học mở. Gói như thế nào cho thích mắt mọi người, cho đẹp không phải là chuyện dễ dàng (vấn đề thẩm mỹ). Vì thực tế cho thấy có những người rất khéo tay, ta quen gọi là “bàn tay vàng”, nhưng lại có những người rất vụng về.

Bởi vậy học gói, học mở tuy đơn giản song đòi hỏi con người phải học tập, quan sát, khéo léo, có con mắt nghệ thuật mới tạo ra được những sản phẩm đẹp, ưng ý mọi người. Vấn đề ở đây không phải là học gói, học mở mà là ý nghĩa chung của công việc hàng ngày, phải ngăn nắp, cẩn thận, chu đáo, sắp xếp đâu ra đấy, có nề nếp, có khuôn phép trong gia đình. Mở rộng ra với xã hội là luật lệ, quy định ta phải tuân theo kiểu như “Sống, làm việc theo pháp luật”.

Câu nói của dân gian có tác dụng răn dạy, giáo dục con người rất hay trong cuộc sống, muốn làm tốt, thành công một việc gì đều phải học hỏi. Đó là bài học quý báu của cha ông để lại cho chúng ta những điều hay lẽ phải, muốn đạt kết quả cao phải học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học – Tài liệu của Tmdl.edu.vn.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Văn Học

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button