Giáo dục

Từ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò, hãy phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ

Đề bài: Từ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò, hãy phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ

tu khuc hat ru nhung em be lon tren lung me va con co hay phan tich cam xuc nong nan yeu thuong cua nguoi me

Bạn đang xem bài: Từ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò, hãy phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ

Từ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò, hãy phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ

 

I. Dàn ý Từ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò, hãy phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ

1. Mở bài

– Trong thơ ca, văn học Việt Nam, tình mẫu tử là một đề tài hay và hấp dẫn đối với nhiều nhà thơ nhà văn.
– Trong đó cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ được thể hiện khá rõ trong hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên.

2. Thân bài

a. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm:
* Tình cảm gắn bó của mẹ với con trong lao động và chiến đấu:
– Tình mẫu tử mang hơi thở thời đại, một thời đại mà đất nước đứng lên giữa khói lửa đau thương, tình mẹ con lại càng trở nên sâu sắc và gắn bó vô cùng.
– Mẹ không nỡ để con một mình, mẹ thà vất vả thêm một chút cũng muốn được gần con mọi lúc mọi nơi, lúc giã gạo, lúc trỉa bắp và cả khi ra trận tuyến, vượt núi băng rừng.
– Tấm lưng, đôi vai, đôi tay mẹ vừa bế bồng con vừa làm nên chiến thắng của dân tộc

* Tình yêu con trong tâm khảm người mẹ và lý do chiến đấu:
– “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng” em cũng chính là mặt trời của mẹ, cho mẹ niềm tin và sức sống mạnh mẽ kiên cường, là lý do để mẹ lao động, để mẹ chiến đấu không ngừng nghỉ.
– Từ tình mẫu tử thiêng liêng đến tình yêu quê hương đất nước đều có một sự liên kết chặt chẽ. Trên tất cả, người mẹ can trường trong cả hậu phương và tiền tuyến chỉ vì một mong ước duy nhất “Mai sau con lớn làm người Tự Do…”.
– Cảm xúc yêu thương nồng nàn của người mẹ Tà-ôi không chỉ nằm trong ý nghĩa của từng câu thơ mà còn được thể hiện thông qua giọng thơ tha thiết, mang âm hưởng lời ru rất đỗi dịu dàng, trìu mến.

b. Con cò của Chế Lan Viên:
– Con cò khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa, vất vả, nhọc nhằn một nắng hai sương, với đức hy sinh cao cả dành cho gia đình, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng dành cho con cái của mình.
– Tình yêu của mẹ hóa thành lời ru ngọt ngào dẫn bước con vào đời, giáo dục cho con tình yêu quê hương đất nước ngay từ những ngày con thơ bé.
– Con sống dưới vòng tay che chở của mẹ sẽ chẳng biết đến những nỗi vất vả khốn khổ mà con cò phải chịu, me thay con gánh hết vất vả khó nhọc.
– Khi con bắt đầu đi học, thì mẹ vẫn luôn dõi đôi mắt yêu thương theo bước chân con, mẹ cử cò trắng đến cùng con đi học, chơi với con, ở với con, cò thay mẹ, cò cũng chính là tình yêu của mẹ dành cho con, thầm mong ước cho con một tương lai tốt đẹp, cuộc sống bình yên như một nhà thơ.
– Kể cả khi con đã khôn lớn mẹ vẫn luôn dõi theo bước chân con đến tận chân trời, vòng tay mẹ sẵn sàng ôm con vào lòng, mong ngóng con trở về dù con đã cao lớn, đã bay xa.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nhận về tình mẫu tử thông qua hai bài thơ.

 

II. Bài văn mẫu Từ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và Con cò, hãy phân tích cảm xúc nồng nàn yêu thương của người mẹ

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, nửa vế đối ấy không nói nhiều thế nhưng một chữ “tốt” thôi đã bao hàm trăm ngàn vạn thứ tình cảm của mẹ ngụ ở trong đó. Có thể nói rằng tình mẫu tử là thứ tình cảm đặc biệt và thiêng liêng nhất trên cuộc đời, nếu hỏi ai hy sinh nhiều nhất thì xin khẳng định rằng chỉ có mẹ mà thôi, bởi những hy sinh của người mẹ vĩnh viễn là không thể đong đếm bằng lời. Trong thơ ca, văn học Việt Nam, tình mẫu tử là một đề tài hay và hấp dẫn đối với nhiều nhà thơ nhà văn, đặc biệt là các tác giả có tư tưởng hướng về cuộc sống con người, hướng về tình cảm gia đình giản dị, chân thành ví như Tố Hữu có Bầm ơi, Nguyễn Duy có Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, hay Trần Đăng Khoa có Mẹ ốm, tất cả đều là những bài thơ hay và có sức hút riêng, mỗi tác giả lại có một cách cảm nhận riêng về tình mẫu tử. Và đặc biệt rằng trong những hoàn cảnh khác nhau, thời chiến hay thời bình thì chất thơ lại có những xúc cảm khác nhau, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó trong hai bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm và Con cò của Chế Lan Viên. Nhưng dẫu là thời chiến hay thời bình thì tình cảm của mẹ dành cho đứa con vẫn luôn là ấm áp nhất thế gian, vì con mẹ bằng lòng hi sinh tất cả, chỉ mong con có một cuộc đời an yên.

Trước hết nói về Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, của Nguyễn Khoa Điềm, bài thơ được sáng tác vào ngày 25/3/1971, đó là quãng thời gian của cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta ở chiến trường miền Nam trở nên ác liệt nhất. Toàn quân và dân ta cùng nhau dốc sức chiến đấu để đánh đuổi quân thù ra khỏi mảnh đất quê hương, trong đó không thể không thể kể đến công lao của những người phụ nữ can trường cùng tham gia vào phục vụ cho cách mạng, mà trong bài thơ ấy chính là người mẹ Tà-ôi đại diện cho hàng triệu những người mẹ khác cùng tham gia quá trình giải phóng đất nước. Trước hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, thì tình mẫu tử hiện lên lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả mà có thể miêu tả bằng cụm từ “tình mẫu tử anh hùng”, đó chính là tình mẫu tử mang hơi thở thời đại, một thời đại mà đất nước đứng lên giữa khói lửa đau thương, tình mẹ con lại càng trở nên sâu sắc và gắn bó vô cùng. Người mẹ địu con bằng tấm vải thổ cẩm, ấm mùi quê hương, đôi tay nhỏ bé của mẹ kiên cường giã gạo nuôi bộ đội, bằng một niềm tin đất nước ngày mai sẽ độc lập. Mẹ thương con, mẹ không nỡ để con nằm trong nôi lạnh lẽo thế nên trong mọi công việc lao động dù vất vả hay nguy khó mẹ đều đưa con đi theo. Mẹ yêu con bằng hơi ấm của giọt mồ hôi “rơi má em nóng hổi”, thương em bằng đôi vai gầy “nhấp nhô làm gối”, “lưng đưa nôi và tim hát thành lời”, và có lẽ rằng em Cu Tai hiểu được nỗi vất vả của mẹ thế nên em rất ngoan, em vẫn say sưa giấc nồng, em cũng biết thương mẹ như chính mẹ yêu em vậy. Tình mẫu tử gắn bó sâu sắc chuyển từ góc sân mẹ địu em giã gạo, ra đến ruộng nương mẹ lại đưa em cùng đi “trỉa bắp trên núi Ka-lưi”, có thể nói rằng mẹ và con luôn đồng hành trong mọi công việc lao động. Không chỉ trong công việc lao động mà ngay cả trong chiến đấu em cũng luôn theo mẹ cùng “đi chuyển lán”, “đi đạp rừng”, hòa vào không khí chiến đấu sôi nổi của cả dân tộc thì tình mẫu tử lại càng trở nên sâu sắc. Từ những chi tiết trên có thể thấy rằng người mẹ Tà-ôi là một phụ nữ kiên cường và yêu thương con hết mực, bởi ta có thể thấy rằng mọi công việc mà mẹ làm đều rất nặng nhọc và vất vả, từ giã gạo, trỉa bắp, đến chuyển lán, băng rừng, chỉ bằng sức của một người phụ nữ đó cũng là quá vất vả. Thế nhưng với tình yêu thương con nồng nàn và sâu sắc mẹ không nỡ để em một mình để chuyên tâm lao động, mẹ chấp nhận đôi vai mình mỏi mệt, tấm lưng có những lúc chông chênh, tê dại cũng quyết được đưa con theo bước chân mẹ, để con dõi theo cuộc đời của mẹ, để mẹ con được gần gũi, thân thiết hơn.

Hơn thế nữa, tình yêu con của người mẹ Tà-ôi còn thể hiện đậm nét trong những câu thơ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”. Cũng như cây bắp cần ánh sáng mặt trời để quang hợp, để lấy chất dinh dưỡng để sinh trưởng rồi cho những quả bắp căng tròn, thì em cũng chính là mặt trời của mẹ, cho mẹ niềm tin và sức sống mạnh mẽ kiên cường, em chính là mặt trời nhỏ nằm trong trái tim mẹ, sưởi ấm tinh thần của mẹ khiến mẹ vững bước dù phía trước còn biết bao nhiêu chông gai đang chờ đôi chân mẹ. Không chỉ là mặt trời soi bước chân và tâm hồn mẹ, em Cu Tai còn là lý do để mẹ lao động, để mẹ chiến đấu không ngừng nghỉ, trong trái trái tim mẹ trước hết là tình yêu con tha thiết, sau đó mở rộng ra là tình yêu quê hương đất nước. Mẹ càng yêu em, yêu đất nước bao nhiêu thì khao khát và quyết tâm chiến đấu của mẹ lại càng trở nên mạnh mẽ, quyết liệt bấy nhiêu. Có thể nói rằng thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn làm tốt và gắn bó một cách hài hòa giữa hai yếu tố tình cảm cá nhân và tình cảm lớn của dân tộc, từ tình mẫu tử thiêng liêng đến tình yêu quê hương đất nước đều có một sự liên kết chặt chẽ. Trên tất cả, người mẹ can trường trong cả hậu phương và tiền tuyến chỉ vì một mong ước duy nhất “Mai sau con lớn làm người Tự Do…”, tất cả những vất vả mẹ chấp nhận hy sinh ngày hôm nay cuối cùng cũng vì con, đứa con bé bỏng vẫn còn ngủ trên lưng mẹ. Mẹ chiến đấu bằng tất cả trí tuệ và sinh mạng để đất nước được tự do, mà đất nước tự do tức là con cũng được tự do, rồi mai đây con sẽ được sống trong cảnh thanh bình, ấm êm, được học hành, con không còn phải nghe tiếng mưa bom bão đạn khủng khiếp, không còn phải chứng kiến những đau thương mất mát mà mẹ phải gánh chịu. Cuối cùng những hy sinh của mẹ ngày hôm nay là để củng cố cho cuộc sống của con mai sau, mẹ thương con nhiều không kể hết, mẹ lại càng thêm thương bộ đội, thương cả đất nước đang đớn đau trước bom đạn giặc thù.

Cảm xúc yêu thương nồng nàn của người mẹ Tà-ôi không chỉ nằm trong ý nghĩa của từng câu thơ mà còn được thể hiện thông qua giọng thơ tha thiết, mang âm hưởng lời ru rất đỗi dịu dàng, trìu mến. Lời ru ấy không có con cò, không có truyện cổ tích, mà lời ru của mẹ mang hơi thở thời đại, chứa đựng cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Lời ru ấy của mẹ đã dạy con những năm tháng kiên cường của đất nước con người Việt Nam, đã truyền cho con tình yêu quê hương từ trên lưng mẹ, truyền cho con tình yêu thương sâu sắc từ sâu thẳm trong tâm hồn mẹ một cách chân thành, mộc mạc mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

Đến với Con cò của Chế Lan Viên, được sáng tác năm 1962 thế nhưng tác giả nghiêng về viễn cảnh đất nước thái bình, toàn bộ bài thơ là hình tượng con cò mang theo âm hưởng lời ru quen thuộc trích từ ca dao truyền thống của dân tộc. Có thể thấy rằng việc đưa hình ảnh con cò vào một bài thơ về mẹ là ngụ ý sâu xa của nhà thơ, con cò khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa, vất vả, nhọc nhằn một nắng hai sương, với đức hy sinh cao cả dành cho gia đình, đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng dành cho con cái của mình. Hơn thế nữa hình tượng con cò kéo người đọc về những cảm xúc vô cùng thân thuộc, gần gũi từ thuở trong nôi, ấy là những lời ru à ơi thấm đẫm tình mẹ nồng nàn, ấm áp. Nếu như lời ru của người mẹ Tà-ôi nói cho đứa con về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc, thì lời ru trong Con cò lại đưa đứa con về với truyền thống của dân tộc, từ trong chiếc nôi bé nhỏ con đã biết đến “Con cò Cổng Phủ/Con cò Đồng Đăng”. Qua lời ru của mẹ có lẽ con đã hình dung ra một đất nước thanh bình, tươi đẹp biết mấy với cánh đồng bao la rộng lớn thẳng cánh cò bay, tình yêu của mẹ hóa thành lời ru ngọt ngào dẫn bước con vào đời, giáo dục cho con tình yêu quê hương đất nước ngay từ những ngày con thơ bé. Con sống dưới vòng tay che chở của mẹ sẽ chẳng biết đến những nỗi vất vả khốn khổ mà con cò phải chịu, “Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn/Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”, tất cả những khó khăn vất vả đầu đời của con đã có mẹ sẵn tay nâng đỡ, mẹ hy sinh tất cả thời gian và hạnh phúc của mình để đổi lấy cho con một tuổi thơ bé yên bình và hạnh phúc.

Khi con đã có nhận thức, khi con bắt đầu đi học, bước những bước đầu tiên trên đường đời rộng mở thì mẹ vẫn luôn dõi đôi mắt yêu thương theo bước chân con, mẹ cử cò trắng đến cùng con đi học, chơi với con, ở với con, cò thay mẹ, cò cũng chính là tình yêu của mẹ dành cho con. Tình cảm của người mẹ còn thể hiện ở việc thầm mong ước cho con một tương lai tốt đẹp, mẹ chẳng cần con phải làm gì vĩ đại, chỉ cần con được sống hạnh phúc, nếu “Con làm thi sĩ” chỉ mong rằng cánh cò vẫn luẩn quẩn trong hơi mát câu văn, mẹ muốn con trở thành người sống tình nghĩa, dù con có làm gì thì đừng bao giờ quên một thuở ấu thơ tươi đẹp, quên đi lời ru của mẹ, quên đi cả quê hương đất nước.

Tình cảm của mẹ trong Con cò được bộc lộ rõ nét nhất ở đoạn thơ:

“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Đúng chẳng có gì bao dung và thiêng liêng bằng tình mẹ, mẹ có thể sẽ chẳng theo bước chân con hết cả cuộc đời, mai này mẹ già yếu, còn con đã bay nhảy ở một phương trời xa nào đó, thế nhưng chẳng bao giờ lòng mẹ hết ngóng trông con, tình yêu của mẹ dành cho con cứ đong đầy theo năm tháng, vẫn vẹn nguyên như thuở con mới lọt lòng. Để dù cho con có đi khắp phương trời, đến khi mỏi mệt, khi sai lầm, thì vẫn còn vòng tay của mẹ sẵn sàng che chở cho con, dù con có 80 tuổi đời, thì con vẫn mãi là đứa con bé bỏng trong tâm trí của mẹ mà thôi.

Hai nhà thơ với hai phong cách sáng tác khác nhau về chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng mà sâu sắc, thế nhưng ta vẫn luôn nhận ra những điểm chung trong tình cảm của mẹ dành cho con ấy là đức hy sinh cao cả, tuyệt vời của người mẹ. Mẹ sẵn sàng gánh vác cho con một đời khó nhọc, để dành cho con một đời an yên, là tình yêu thương con nồng nàn, tha thiết, từ đó mở rộng ra là tình yêu quê hương, xứ sở đậm đà, nồng thắm ẩn hiện trong tình câu thơ.

—————-HẾT—————-

Tìm hiểu thêm về tình mẫu tử trong hai bài thơ Con cò và Nói với con, các em có thể tham khảo thêm một số bài viết sau: Phân tích bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, Phân tích hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao và đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức, Tâm sự của người cha nói với con trong bài thơ Nói với con, Phân tích bài thơ Nói với con.

Bản quyền bài viết thuộc Trường Trung Cấp Nghề Thương Mại Du Lịch Thanh Hoá. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://tmdl.edu.vn/tu-khuc-hat-ru-nhung-em-be-lon-tren-lung-me-va-con-co-hay-phan-tich-cam-xuc-nong-nan-yeu-thuong-cua-nguoi-me/

Trang chủ: tmdl.edu.vn
Danh mục bài: Giáo dục

Lương Sinh

Lương Sinh là một tác giả đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực giáo dục, ngoại ngữ và kiến thức. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, cô đã tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng. Với tình yêu với ngôn ngữ và mong muốn chia sẻ kiến thức, Lương Sinh đã quyết định sáng lập blog tmdl.edu.vn. Trang web này không chỉ là nơi chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của cô, mà còn là một nguồn thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến giáo dục, kiến thức và ngoại ngữ. Đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Back to top button